Nhiễm giun móc: Nếu không chữa sớm, có thể gây biến chứng nghiêm trọng
Để ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm do giun móc gây ra, bạn nên tham khảo bài viết sau đây để tìm hiểu nguyên nhân gây ra căn bệnh này, cũng như cách nhận biết bệnh thông qua các triệu chứng và cách phòng chống.
Bệnh giun móc là gì?
Đây là một loại bệnh truyền nhiễm do giun móc có tên khoa học Ancylostoma duodenale và giun mỏ có tên khoa học Necator americanus gây ra. Chúng đều thuộc họ Ancylostomatidae, là một loại giun kí sinh ở người và gần giống nhau về đặc điểm sinh học, dịch tễ, chẩn đoán điều trị và phòng bệnh. Vì vậy khi chúng lây nhiễm vào cơ thể người được gọi chung là bệnh giun móc (hoặc giun mỏ).
Giun móc câu xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hóa đặc biệt là tại tá tràng, câu bám vào niêm mạc ruột và hút khoảng 0,2 – 0,34 ml máu/ngày. Ngoài ra, giun móc còn gây viêm ở vị trí hành tá tràng (gần dạ dày) và tiết ra chất ức chế sản sinh hồng cầu, chất chống đông, gây tình trạng thiếu máu mạn tính và làm suy kiệt thể trạng.
Triệu chứng của bệnh giun móc
Tác hại của giun móc câu bao gồm:
- Đau vùng thượng vị. Khi bạn bị nhiễm giun móc vào giai đoạn đầu sẽ không có triệu chứng đặc trưng nào, ngoài cảm giác đau vùng thượng vị tùy vào số lượng giun và triệu chứng của thiếu máu nhẹ như niêm mạc nhợt nhạt. Biểu hiện đau do nhiễm giun móc gây nên cũng không đặc hiệu, có thể đau bất kỳ lúc nào, đau nhiều hơn khi đói có thể kèm đầy bụng khó tiêu.
- Viêm da. Ngoài ra khi ấu trùng giun móc xâm nhập xuyên qua da sẽ gây viêm da tại chỗ, nổi các nốt đỏ kéo dài 1 – 2 ngày, có thể để lại sẹo, gây ngứa, sau đó nổi thành mụn nước và các vết loét trợt.
- Rối loạn tiêu hóa. Khi giun móc ký sinh tại ruột, người bệnh bị rối loạn tiêu hóa với các triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy từng đợt, buồn nôn, táo bón, đau vùng thượng vị tùy theo mức độ nhiễm giun dù thay đổi tư thế không giảm đau.
- Thiếu máu. Tình trạng nhiễm giun móc kéo dài sẽ gây triệu chứng thiếu máu mạn tính, xanh xao, chán ăn, khó tiêu, suy nhược cơ thể, lạnh chi, cơ yếu và thở nhanh.
- Viêm họng, mũi. Khi nhiễm giun tại đường hô hấp và thực quản, người bệnh có triệu chứng như đau họng, ho khan, khàn tiếng, ngứa mũi, chảy nghẹt mũi, có khi ù tai, vướng cổ nuốt khó, chảy nước bọt nhiều.
- Biến chứng. Nếu tình trạng nhiễm giun móc nghiêm trọng, gây biến chứng lỵ, xuất huyết, sưng phù toàn thân và suy hô hấp có thể dẫn đến tử vong.
Đối tượng dễ bị nhiễm giun móc
Những đối tượng sau đây dễ bị nhiễm giun sán nói chung và giun móc nói riêng gồm:
- Những người tiếp xúc với môi trường dơ bẩn, không thường xuyên vệ sinh nên chứa nhiều ấu trùng giun móc. Đặc biệt là những người ở nông thôn làm nghề trồng trọt, dùng phân sống bón cây…
- Những người ăn thực phẩm như rau sống, củ quả không rửa sạch có chứa trứng hoặc ấu trùng giun móc.
- Đối tượng trẻ em chưa có ý thức vệ sinh tốt và sức đề kháng chưa hoàn chỉnh nên thường bị nhiễm giun đường ruột với số lượng lớn.
- Đối tượng phụ nữ có tỷ lệ và mức độ nặng của bệnh nhiễm giun móc thường cao hơn so với nam giới.
- Công nhân làm việc trong hầm mỏ, khoáng, trồng cao su, cà phê, tiêu... thường đi chân đất, không sử dụng hố xí hợp vệ sinh, tạo điều kiện thuận lợi cho giun móc xâm nhập.
Phương pháp điều trị và phòng ngừa nhiễm giun móc
Chẩn đoán nhiễm giun móc
Ngoài dựa vào các biểu hiện lâm sàng để chẩn đoán bệnh giun móc, bác sĩ cần làm các xét nghiệm cần thiết vì các triệu chứng nhìn chung không đặc trưng nên có thể chẩn đoán nhầm với một số bệnh lý khác. Sau đây là quy trình chẩn đoán bệnh giun mốc:
- Tìm hiểu về dịch tễ, yếu tố nguy cơ có thể gây bệnh giun móc.
- Khi soi phân thấy trứng hoặc ấu trùng giun móc trong phân, bác sĩ xác định bệnh nhân bị nhiễm giun móc. Trứng giun móc hình bầu dục hoặc trái xoan với kích thước từ 40 – 60nm, lớp vỏ không màu, nhẵn, bên trong trứng có nhân, lúc sinh ra trứng đã có sẵn phôi bào.
- Dựa vào số lượng hemoglobin và lượng tế bào hồng trong công thức máu để chẩn đoán mức độ thiếu máu.
- Chụp Xquang ngực nếu triệu chứng biểu hiện có thể bị tổn thương viêm phổi.
- Xét nghiệm máu trong giai đoạn nhiễm giun móc sớm cho thấy tăng tế bào bạch cầu ưa acid, dấu hiệu thiếu máu chưa đáng kể, thiếu máu nhược sắc khi bị nhiễm nặng, kéo dài, giảm protein máu toàn phần.
Điều trị bệnh giun móc
Việc chẩn đoán bệnh giun móc rất quan trọng. Nhiều trường hợp chẩn đoán bệnh chưa chính xác, bỏ sót bệnh, dẫn đến bệnh kéo dài và gây nhiều biến chứng nguy hiểm.
Nếu được phát hiện sớm, bệnh giun móc có thể được điều trị khỏi hoàn toàn. Hướng điều trị là giảm tình trạng viêm nhiễm, ngăn ngừa và chữa trị các biến chứng, cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng và thiếu máu.
Với tình trạng nhiễm giun móc nhẹ:
Bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân sử dụng thuốc có tác dụng tiêu diệt giun móc như:
Thuốc Albendazole 400mg liều duy nhất cho mọi đối tượng trên 2 tuổi. Đặc biệt, phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu và phụ nữ đang cho con bú không được dùng thuốc này. Người có bệnh nền suy gan, suy thận cần thận trọng khi dùng thuốc.
Với tình trạng nhiễm giun móc nặng:
Bệnh nhân sẽ cần liều thuốc cao hơn, bác sĩ có thể chỉ định một trong các loại thuốc sau:
- Albendazole 400mg/ngày x 3 ngày.
- Mebendazole (vermox, fugacar,…) 500mg/ngày x 3 ngày.
- Pyrantel pamoate (combantrin, embovin, helmex…) 10mg/kg/ngày x 3 ngày.
Các phương pháp phòng ngừa bệnh giun móc
Nếu phòng ngừa đúng cách, bạn có thể hạn chế được bệnh giun móc hiệu quả. Dưới đây là một số phương pháp phòng ngừa cần thiết, nhất là những người có nguy cơ cao bị nhiễm bệnh:
- Vệ sinh nhà ở sạch sẽ và quản lý phân đúng cách: Ở vùng nông thôn, nên xây dựng hố xí tự hoại. Không nên bón cây trồng bằng phân tươi.
- Giữ vệ sinh ăn uống: Nên ăn chín uống sôi, tránh ăn những loại rau sống, rau rửa không sạch, đồ ăn tái chín.
- Cần quan tâm đối tượng trẻ em: Trẻ em thích chơi đùa, có thói quen bò, lê trên sàn nhà rồi mút tay và sở thích chơi với các loại gia súc nhưng lại chưa biết vệ sinh cơ thể đúng cách. Do đó, trẻ em dễ tiếp xúc với những nguồn lây bệnh rất nguy hiểm, qua đó trứng giun có thể dễ dàng xâm nhập vào cơ thể.
- Những người nông dân: Khi tiếp xúc thường xuyên với môi trường đất, nước, người nông dân cần lưu ý giữ gìn vệ sinh sạch sẽ và phòng ngừa tốt nhất có thể bằng cách đi ủng, mang găng tay khi tiếp xúc với đất để hạn chế mầm bệnh có thể xâm nhập vào cơ thể.
Nhìn chung, giun móc có thể gây nguy hại đến sức khỏe người bệnh, đặc biệt là trẻ em. Tuy nhiên, chỉ cần lưu ý đến những biện pháp phòng bệnh được đề cập trong bài viết trên, chúng ta hoàn toàn có thể tránh được tình trạng nhiễm bệnh.
Quỳnh Trang
Nguồn tham khảo: Tổng hợp