Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết viêm đại tràng co thắt và liệu pháp khắc phục
Đau bụng, tiêu chảy hoặc táo bón là dấu hiệu cơ bản nhận biết viêm đại tràng co thắt. Thế viêm đại tràng co thắt là gì? Tại sao lại mắc bệnh này? Phải can thiệp như thế nào? Tất cả sẽ được giải đáp dưới đây.
Viêm đại tràng co thắt là gì?
Viêm đại tràng co thắt hay còn gọi là hội chứng ruột kích thích (IBS), là chứng rối loạn chức năng tiêu hóa mãn tính và gây ảnh hưởng đến 9 - 23 % dân số trên toàn thế giới. Theo phân loại mã DMS-IV của WHO cho hội chứng ruột kích thích được chia thành 3 loại:
- IBS kèm táo bón (IBS-C);
- IBS kèm tiêu chảy (IBS-D): Phố biến nhất;
- IBS hỗn hợp (IBS-M): Vừa táo bón vừa tiêu chảy.
![nguyen-nhan-dau-hieu-nhan-biet-viem-dai-trang-co-that-va-lieu-phap-khac-phuc-2.jpeg](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/nguyen_nhan_dau_hieu_nhan_biet_viem_dai_trang_co_that_va_lieu_phap_khac_phuc_2_fd810e9818.jpeg)
IBS là một rối loạn chức năng đường ruột gây đau đại tràng co thắt được chẩn đoán phổ biến nhất, tạo ra gánh nặng kinh tế về chi phí chăm sóc sức khỏe và ảnh hưởng nghiêm trọng chất lượng cuộc sống.
Nguyên nhân gây viêm đại tràng co thắt
Cơ chế sinh bệnh viêm đại tràng co thắt rất đa dạng:
- Thay đổi nhu động đường tiêu hóa;
- Thay đổi hệ vi sinh vật đường ruột: Hệ vi sinh vật đường ruột rất đa dạng chủng loại, có vai trò bảo vệ con người khỏi mầm bệnh. Trong đó, vi khuẩn Bifidobacteria và Lactobacilli có tác dụng tạo ra axit béo chuỗi ngắn bằng cách thông qua quá trình lên men carbohydrate, giúp axit hóa môi trường trong đại tràng, ức chế vi khuẩn có hại như E. Coli và Salmonella bám dính lên niêm mạc ruột. Cho nên, một khi hệ vi khuẩn đường ruột thay đổi, giảm lợi khuẩn, tăng khuẩn hại thì hàng rào bảo vệ đại tràng giảm, dẫn đến dễ mắc bệnh hơn;
- Nhiễm trùng ruột dẫn đến kích hoạt hệ thống miễn dịch: Clostridiales, Bacteroides và Escherichia Coli là những vi khuẩn cơ hội, khi có điều kiện gây bệnh, chúng tiết ra lượng lớn độc tố kích thích, kích hoạt viêm ruột, dẫn đến đau bụng và tiêu chảy. Nếu chúng xâm nhập vào lớp dưới niêm mạc có thể gây ra phản ứng miễn dịch toàn thân và phản ứng viêm cục bộ bằng cách tăng sản xuất các loại cytokine khác nhau, đặc biệt là ở đại tràng;
- Rối loạn tương tác trục não - ruột;
- Dị ứng với thức ăn;
- Rối loạn lo âu;
- Bất thường trong điều tiết Serotonin: Serotonin là chất điều chỉnh phản xạ của nhu động và chuyển tiếp cảm giác trong ruột. Theo nghiên cứu, người mắc IBS kèm táo bón có sự giảm serotonin trong huyết tương và tăng ở IBS kèm tiêu chảy.
![nguyen-nhan-dau-hieu-nhan-biet-viem-dai-trang-co-that-va-lieu-phap-khac-phuc-3.jpeg](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/nguyen_nhan_dau_hieu_nhan_biet_viem_dai_trang_co_that_va_lieu_phap_khac_phuc_3_9847621ce0.jpeg)
Dấu hiệu nhận biết viêm đại tràng co thắt
Những người bị viêm đại tràng co thắt có các biểu hiện sau phải tái phát ít nhất 1 ngày/tuần và trong 3 tháng qua:
- Đau bụng hoặc khó chịu, đầy hơi;
- Đau đại tràng co thắt;
- Tăng hoặc giảm tần suất đi đại tiện;
- Thay đổi hình dạng của phân (lỏng hoặc cứng).
Bệnh sẽ trở nên phức tạp, nghiêm trọng hơn khi xuất hiện các triệu chứng như sốt, xuất huyết tiêu hóa dưới, sụt cân, thiếu máu hoặc khối u ở bụng. Bệnh nhân có thể mắc một số bệnh kèm theo khác bao gồm trào ngược dạ dày, triệu chứng tiết niệu - sinh dục, đau cơ xơ hóa, nhức đầu, đau lưng và các triệu chứng tâm lý.
![nguyen-nhan-dau-hieu-nhan-biet-viem-dai-trang-co-that-va-lieu-phap-khac-phuc-4.jpg](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/nguyen_nhan_dau_hieu_nhan_biet_viem_dai_trang_co_that_va_lieu_phap_khac_phuc_4_09d28d39ef.jpg)
Phương pháp khắc phục
Vì là bệnh mãn tính nên mục tiêu chính của các phương pháp can thiệp IBS là giúp bệnh nhân giảm các dấu hiệu nhận biết viêm đại tràng co thắt và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Chế độ ăn uống
- Không dung nạp thực phẩm gây dị ứng như gluten, lactose, fructose,... ở những người dị ứng với chúng;
- Chế độ ăn ít FODMAP có thể hạn chế dấu hiệu nhận biết viêm đại tràng co thắt. FODMAP là các carbohydrate bao gồm oligo-, di-, monosacarit và polyol như fructan, galactan, lactose, fructose, sorbitol, xylitol và mannitol. Chúng có trong lúa mì, sữa và các sản phẩm từ sữa, trong một số loại trái cây và rau quả, chất làm ngọt nhân tạo và thực phẩm đóng gói sẵn. FODMAP lên men ở đại tràng, đặc biệt là sorbitol và erythritol, lactitol, maltitol và isomalt trong một số rượu đường được hấp thu kém ở đường tiêu hóa và có thể gây đầy hơi, khó chịu ở bụng;
- Bổ sung đủ chất xơ trong khẩu phần ăn ở những bệnh nhân IBS kèm táo bón.
- Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày, hạn chế cà phê, trà vì nó có thể làm tăng nhu động ruột và giảm thời gian vận chuyển trong ruột, không uống nước ngọt có gas, rượu bia.
![nguyen-nhan-dau-hieu-nhan-biet-viem-dai-trang-co-that-va-lieu-phap-khac-phuc-5.jpeg](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/nguyen_nhan_dau_hieu_nhan_biet_viem_dai_trang_co_that_va_lieu_phap_khac_phuc_5_7921b64b59.jpeg)
Chế độ sinh hoạt
- Tập thể dục có thể giúp duy trì chức năng tiêu hóa và giảm căng thẳng, từ đó có thể giúp giảm một số triệu chứng IBS. Pranayama yoga đã được xác định là một chế độ tập thể dục làm tăng trương lực giao cảm, tốt cho bệnh nhân IBS kèm tiêu chảy;
- Quản lý cảm xúc, sắp xếp công việc hợp lý, hạn chế bị căng thẳng, lo âu.
Y học cổ truyền
- Lô hội thường được sử dụng cho IBS kèm táo bón. Không nên sử dụng lô hội cho các bệnh nhân IBS kèm tiêu chảy vì lô hội tính chất nhuận tràng sẽ làm nghiệm trọng thêm triệu chứng bệnh.
- Tinh dầu bạc hà có tác dụng ức chế sự co bóp cơ trơn ở đường tiêu hóa bằng cách ngăn chặn dòng canxi đi vào nên có đặc tính chống co thắt, đã được chứng minh hiệu quả về giảm cảm giác khó chịu ở bụng, đau và chướng bụng.
- Vỏ hạt mã đề có tác dụng chống viêm trên niêm mạc đại tràng.
Liệu pháp thay thế
Probiotic không còn quá xa lạ với mọi người. Việc bổ sung chúng mỗi ngày được chứng minh là làm giảm đau, đầy hơi, khó đại tiện và bình thường hóa thói quen đại tiện ở bệnh nhân IBS. Nó có trong các thực phẩm như sữa chua, chế phẩm lên men như rau quả muối chua, phô mai hoặc các chế phẩm men vi sinh có thể mua tại nhà thuốc.
Liệu pháp dùng thuốc
Đa phần các thuốc sử dụng trong can thiệp bệnh IBS là nhắm đến giảm dấu hiệu nhận biết viêm đại tràng co thắt như đầy hơi, đau bụng, tiêu chảy và táo bón, bao gồm:
- Thuốc chống tiêu chảy;
- Thuốc nhuận tràng;
- Thuốc chống co thắt (kháng cholinergic);
- Thuốc giảm đầy hơi.
Một số thuốc tác động đến cơ chế sinh bệnh như:
- Thuốc kháng sinh;
- Thuốc chủ vận 5-HT 4: Có hiệu quả ở bệnh nhân mắc IBS kèm táo bón;
- Thuốc đối kháng thụ thể 5-HT 3: Có hiệu quả ở bệnh nhân mắc IBS kèm tiêu chảy;
- Thuốc chống trầm cảm ba vòng (TCA): Giải phóng endorphin nội sinh, ức chế tái hấp thu serotonin, norepinephrine - làm tăng nhu động ruột. Do đó, làm chậm nhu động ruột, điều này có thể mang lại lợi ích cho IBS kèm tiêu chảy.
![nguyen-nhan-dau-hieu-nhan-biet-viem-dai-trang-co-that-va-lieu-phap-khac-phuc-6.jpeg](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/nguyen_nhan_dau_hieu_nhan_biet_viem_dai_trang_co_that_va_lieu_phap_khac_phuc_6_c21cf85745.jpeg)
Tóm lại, viêm đại tràng co thắt hay gọi là hội chứng ruột kích thích có liên quan đến các cơ chế sinh lý bệnh đa dạng. Nó là một rối loạn phổ biến đặc trưng bởi đau bụng và thay đổi thói quen đại tiện trong ít nhất 3 tháng. Hiện nay không có cách điều trị dứt điểm, chỉ có thể điều trị triệu chứng khó chịu nhất và ngăn chặn biến chứng xảy ra bằng cách quản lý chế độ sinh hoạt, ăn uống là chủ yếu.
Xem thêm: