Nguyên nhân chạy bộ bị đau hông

Chạy bộ mang lại rất nhiều lợi ích về sức khỏe trong đó có cải thiện sức khỏe tim mạch, cải thiện tâm trạng và cả cải thiện vóc dáng... Tuy nhiên, bất kì một môn thể thao khi hoạt động cũng có thể gây ra các thương tích cho khớp, bao gồm cả phần hông. Hông là vùng bộ phận nối giữa đầu xương đùi và vùng lõm của xương chậu. Hông có một lớp sụn nằm giữa vùng khớp, dây chằng (hay gân) kết nối giữa xương chậu và xương đùi. Các triệu chứng đau hông rất đa dạng bao gồm: Cảm giác đau ở vùng khớp nối liền giữa chân, đau vùng dưới của mông và đau phần trên của mặt sau đùi…

Khi bị đau hông, khiến người chạy bộ kém sự linh hoạt, giảm chất lượng buổi chạy bộ cũng như có thể dẫn đến căng thẳng và chấn thương có thể xảy ra. Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến của đau hông do chạy bộ mà bạn đọc có thể tham khảo.

Nguyên nhân chạy bộ bị đau hông là gì?

Do căng cơ và do viêm gân

Căng cơ và viêm gân là tình trạng có thể xảy ra khi cơ bắp của phần hông bị lạm dụng hoặc làm việc quá sức. Bạn có thể nhận thấy cảm thấy đau, cứng ở phần hông và đặc biệt là đau khi bạn chạy hoặc uốn cong phần hông.

Viêm gân xảy ra khi phần cơ hông sâu phải hoạt động quá mức, kéo theo một sợi gân dính vào vùng xương chậu, dẫn đến gân bị viêm. Điều này có thể xảy ra chủ yếu khi bạn: Tăng độ dài đoạn đường chạy bộ một cách đột ngột, tăng tốc độ đột ngột hoặc khi bạn chuyển sang chạy trên vùng đồi mà chưa có sự chuẩn bị trước đó.

Để việc căng cơ và viêm gân gây đau hông được cải thiện, bạn nên nghỉ ngơi đúng cách. Trong trường hợp các cơn đau hông diễn ra quá nhiều, bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID). Trường hợp bị căng cơ và viêm gân quá nghiêm trọng bạn có thể cần được yêu cầu điều trị bằng vật lý trị liệu.

Nguyên nhân chạy bộ bị đau hông1 Có nhiều nguyên nhân chạy bộ bị đau hông trong đó có căng cơ và viêm gân

Do hội chứng ITBS (Hội chứng đau dải cơ)

Đây là một khái niệm để chỉ dải cơ kéo dài từ hông đến mặt ngoài của đầu gối của mỗi chân. Dải cơ này dày lên ở phần trục cúi của đầu gối ở mỗi chân. Trong quá trình chạy bộ, nếu việc vận động quá mức, chạy với cường độ cao và lâu, dải cơ này có thể ma sát quá mức vào xương đùi hoặc xương chậu bên trong trục cúi của đầu gối, từ đó dẫn đến tình trạng sưng, viêm, gây đau hông.

Do viêm bao hoạt dịch khớp

Một trong những nguyên nhân chính gây đau hông là do viêm bao hoạt dịch, hay nói cách khác đó là tình trạng viêm của các túi hoạt dịch - bursa. Đây là những túi chứa đầy các chất lỏng được tìm thấy khắp cơ thể, đóng vai trò như tấm đệm giữa xương và các mô mềm như cơ, gân và da.

Khi các chuyển động lặp đi lặp lại thường xuyên, chẳng hạn như việc chạy, sẽ gây áp lực lên túi bursa này, từ đó khiến chúng bị đau và viêm gây ra tình trạng sưng đỏ và kích ứng.

Để điều trị, bạn nên nghỉ ngơi, chườm đá vùng bị ảnh hưởng nhiều lần mỗi ngày và một số trường hợp sẽ được bác sĩ kê đơn uống thuốc kháng viêm không Steroid. Thậm chí, bạn có thể phải gặp chuyên viên vật lý trị liệu hoặc tự mình thực hiện một số bài tập hông cơ bản. Bên cạnh đó, bạn tìm đến các chuyên gia y tế nếu cảm thấy khó khăn khi cử động hông, sốt hoặc đau dữ dội, sưng tấy và bầm tím phần hông.

Do viêm xương khớp

Viêm xương khớp hông có thể gây đau dai dẳng đối với người chạy bộ. Nguyên nhân này xảy ra phổ biến ở các vận động viên chạy bộ lớn tuổi. Khi bị viêm xương khớp, sụn ở khớp hông có thể bị vỡ, tách ra và trở nên giòn hơn.

Một số trường hợp, các mảnh sụn có thể tách ra, vỡ ra bên trong khớp hông. Việc mất sụn có thể dẫn đến ít đệm xương hông, gây ra đau và viêm.

Nguyên nhân chạy bộ bị đau hông2 Viêm xương khớp hông là nguyên nhân phổ biến gây đau hông khi chạy bộ ở người lớn tuổi

Do kỹ thuật chạy không đúng

Trước khi chạy, việc khởi động làm nóng cơ thể là bước được đánh giá rất quan trọng. Khi không khởi động hoặc khởi động không kỹ phần cơ hông, cũng có thể là nguyên nhân dễ gây ra tình trạng đau hông khi chạy bộ, do phần cơ này phải làm việc quá sức một cách đột ngột không “báo trước”.

Ngoài ra, tư thế chạy bộ không đúng cũng khiến phần hông chịu áp lực nặng nề, dễ gây đau nhức phần cơ hông và cơ bụng. Bạn nên cải thiện sự linh hoạt của hông bằng cách thực hiện các động tác trước khi chạy như: Uốn cong hông hai bên, duỗi gân kheo và xương chậu nhằm giúp tăng cường sức mạnh cho cơ có liên quan đến khớp hông.

Cách khắc phục hiệu quả tình trạng đau hông khi chạy bộ

Nếu tình trạng đau hông khi chạy bộ không quá nghiêm trọng, bạn có thể chỉ cần nghỉ ngơi, hạn chế gây áp lực lên phần hông để thúc đẩy việc hồi phục. Khi không chạy bộ, bạn cũng có thể tập yoga hoặc thực hiện các bài tập giãn cơ nhẹ nhàng nhằm khắc phục tình trạng đau hông khi chạy bộ hiệu quả.

Trên thực tế, các bài tập giãn cơ lại rất quan trọng cả trước và sau khi chạy bộ. Các chuyên gia khuyến cáo, bạn nên thực hiện các bài tập giãn cơ trước và sau khi chạy bộ nhằm để thúc đẩy lưu thông máu, cải thiện độ đàn hồi và tính linh hoạt cho cơ bắp.

Trong một số trường hợp nặng hơn, các cơn đau hông có thể xảy ra do một số chấn thương cụ thể như gãy xương và viêm gân. Do đó, nếu thấy đau hông khi chạy bộ nghiêm trọng, các cơn đau ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hằng ngày, bạn nên đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, đúng cách.

Nguyên nhân chạy bộ bị đau hông3 Các bài tập giãn cơ lại rất quan trọng cả trước và sau khi chạy bộ

Cách ngăn ngừa đau hông khi chạy bộ

Nếu bạn bị đau hông do chạy quá sức, hãy chú ý dành nhiều thời gian hơn cho việc nghỉ ngơi và thư giãn. Ngoài ra, việc thử trải nghiệm chuyển sang thực hiện tập luyện chéo thay vì chỉ chạy bộ như: Tập yoga, tập Pilates để tăng cường sức khỏe vùng hông, bắp chân và mắt cá chân, đạp xe hoặc bơi lội...

Bên cạnh đó, bạn cũng nên thường xuyên kiểm tra giày chạy bộ và nên thay giày mới khi giày cũ đã bị mòn hoặc kém chất lượng. Việc lựa chọn cho bản thân một đôi giày chạy bộ chất lượng, vừa chân sẽ giúp bạn ngăn ngừa đau hông khi chạy bộ hiệu quả.

Chạy bộ bị đau hông do rất nhiều nguyên nhân gây ra. Để khắc phục tình trạng này, người vận động cần khởi động kỹ trước khi chạy bộ đồng thời chỉ nên chạy vừa sức và tăng dần khoảng cách cũng như vận tốc chạy, hạn chế việc tăng khoảng cách và tăng tốc độ đột ngột nhé!

Hoàng Yến

Nguồn tham khảo: Tổng hợp



Chat with Zalo