Người bị nhiễm vi khuẩn HP có gây ngứa không?
Vi khuẩn HP là nguyên nhân của hàng loạt vấn đề bệnh lý liên quan đến dạ dày và tá tràng. Tuy nhiên, nhiều người không để ý đến sự tồn tại của loại vi khuẩn này trước khi xuất hiện triệu chứng. Vậy người bị nhiễm vi khuẩn HP có gây ngứa không? Hãy cùng Nhà thuốc Hà An tìm lời giải đáp thắc mắc trong bài viết dưới đây.
Vi khuẩn HP là gì?
Vi khuẩn Helicobacter Pylori (hay còn được biết đến là vi khuẩn HP) là một loại vi khuẩn tồn tại trong hệ tiêu hóa của mỗi người. Trên thế giới, có khoảng 50 - 75% dân số thế giới có vi khuẩn HP trong cơ thể nhưng đa số không gây lở loét hoặc bất kỳ triệu chứng nào khác. Sau một thời gian dài, chúng có thể gây ra vết loét ở niêm mạc dạ dày hoặc tá tràng. Nghiêm trọng hơn, nhiễm khuẩn HP có thể dẫn đến ung thư dạ dày.
![Người bị nhiễm vi khuẩn HP có gây ngứa không? 1](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/nguoi_bi_nhiem_vi_khuan_hp_co_gay_ngua_khong_b0114c2757.jpg)
Vi khuẩn HP lây qua đường nào?
Vi khuẩn HP lây qua đường miệng - miệng
Đầu tiên, vi khuẩn HP có thể lây lan từ người này sang người khác thông qua đường miệng - miệng vô cùng dễ dàng bởi vì vi khuẩn HP thường sống trong khoang miệng (cụ thể là kẻ răng và mảng bám - nơi mà bàn chải khó có thể tiếp cận khi đánh răng hàng ngày), nước bọt của bệnh nhân HP.
Điều này cũng có nghĩa là khi bạn sử dụng chung đồ dùng cá nhân như bàn chải, chén bát, ly tách,... hoặc hay có thói quen ăn chung, uống chung thì vô tình tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn HP xâm nhập vào cơ thể. Ngoài ra, việc hôn nhau hoặc phụ huynh nhai mớm thức ăn cho con trẻ cũng làm tăng khả năng bị lây nhiễm HP.
Vi khuẩn HP lây qua đường dạ dày - miệng
Khi cơ thể xuất hiện một số triệu chứng như ợ chua, ợ hơi hoặc buồn nôn,... vi khuẩn HP từ dạ dày cũng sẽ đi theo đường tiêu hóa trào ngược lên miệng và lọt ra ngoài. Nếu bạn không biết cách vệ sinh sạch sẽ như rửa tay bằng xà phòng thì có thể lây nhiễm vi khuẩn HP cho gia đình, người thân, bạn bè. Tuy nhiên, đây không phải là một trường hợp lây nhiễm HP quá phổ biến.
Vi khuẩn HP lây qua đường phân - miệng
Đây là một cách lây lan vi khuẩn HP gián tiếp, diễn ra trong trường hợp không rửa tay sau khi đi vệ sinh sau đó dùng tay không để bốc thức ăn. Vì vậy, thói quen rửa tay sau khi đi vệ sinh xong là một điều rất quan trọng không chỉ ngăn ngừa bệnh nhiễm khuẩn HP mà còn hàng loạt các bệnh lý khác.
Vi khuẩn HP lây qua đường dạ dày - dạ dày
Có lẽ bạn sẽ rất bất ngờ khi biết rằng vi khuẩn HP cũng có thể lây nhiễm từ dạ dày qua dạ dày. Trên thực tế, bạn có khả năng bị nhiễm HP khi đang tiến hành phương pháp nội soi dạ dày. Khi dụng cụ nội soi không được vệ sinh sạch sẽ, khử khuẩn tốt thì vi khuẩn HP từ bệnh nhân đang bị nhiễm HP sẽ tồn tại trên thiết bị, bắt đầu lây lan cho những người không bị nhiễm HP trong các lần nội soi kế tiếp, dẫn đến gia tăng khả năng lây nhiễm HP.
Bên cạnh đó, môi trường sống cũng là một trong những yếu tố có thể lây truyền vi khuẩn như sống trong môi trường nước không được đảm bảo, thiếu nước sạch hoặc sống chung với người bị nhiễm HP, sống trong môi trường quá đông người...
![Người bị nhiễm vi khuẩn HP có gây ngứa không? 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/nguoi_bi_nhiem_vi_khuan_hp_co_gay_ngua_khong_3_e7a4c24b83.jpg)
Triệu chứng nhiễm vi khuẩn HP trong dạ dày
Hầu hết những người bị nhiễm HP thường không có triệu chứng. Tuy nhiên, vi khuẩn HP có thể làm ảnh hưởng đến lớp niêm mạc bên trong dạ dày và gây ra một số bệnh như viêm loét dạ dày tá tràng. Sau đó là một số triệu chứng nhiễm khuẩn HP phổ biến:
- Đau bụng âm ỉ hoặc nóng rát (thường diễn ra một vài giờ sau khi ăn và vào ban đêm). Cơn đau có thể kéo dài từ vài phút đến vài giờ, có thể đến rồi đi trong vài ngày đến vài tuần.
- Chướng bụng đầy hơi;
- Buồn nôn và ói mửa;
- Sụt cân không rõ nguyên nhân;
- Thường xuyên ợ hơi;
- Ăn không ngon, hay bị kén ăn.
![Người bị nhiễm vi khuẩn HP có gây ngứa không? 3](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/nguoi_bi_nhiem_vi_khuan_hp_co_gay_ngua_khong_2_2d7aa3b87b.jpg)
Tuy nhiên, các dấu hiệu viêm loét dạ dày cũng có thể do các vấn đề khác gây ra. Vì thế, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân. Một số phương pháp thường dùng để xác định xem bạn có bị nhiễm HP hay không bao gồm:
- Xét nghiệm máu: Việc lấy máu có thể được thực hiện để tìm kháng thể HP trong cơ thể. Mặc dù xét nghiệm máu rất dễ thực hiện nhưng kết quả thường không chính xác bằng các phương pháp chẩn đoán khác.
- Xét nghiệm phân: Đây cũng là một cách giúp bác sĩ phát hiện vi khuẩn HP chính xác, tiết kiệm chi phí hơn so với các phương pháp khác như xét nghiệm máu hoặc xét nghiệm hơi thở.
- Xét nghiệm HP qua hơi thở (hay còn được gọi là test hơi thở C13): Phương pháp này sử dụng đồng vị C13 gắn vào một viên thuốc hoặc dung dịch chứa Ure và đưa cho bệnh nhân uống. Sau khi uống, bệnh nhân sẽ thở vào thiết bị đang cầm (có thể là quả bóng hoặc thẻ ATM) rồi tiến hành đem đi phân tích xem có vi khuẩn HP trong dạ dày hay không.
- Nội soi: Trước khi nội soi, bác sĩ sẽ đưa vào cơ thể người bệnh một ống dài có gắn camera nhỏ xuống dạ dày. Điều này cho phép bác sĩ nhìn thấy bên trong dạ dày và lấy một mẫu sinh thiết tại vị trí bị loét nếu cần thiết. Đây là phương pháp xâm lấn, có độ chính xác cao tình trạng cũng như diễn tiến của bệnh.
Bị nhiễm vi khuẩn HP có gây ngứa không?
Cho đến hiện tại, chỉ có một số ít trường hợp người bị nhiễm khuẩn HP có khả năng mắc các bệnh về da như nổi mề đay, mẩn ngứa. Do đó, người bệnh không cần phải quá băn khoăn rằng vi khuẩn HP có gây ngứa không vì hầu hết các triệu chứng nhiễm khuẩn HP gây ngứa thường xảy ra rất ít, thậm chí là không xảy ra.
Cần làm gì khi bị nhiễm khuẩn HP?
Ở thời điểm hiện tại, vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh HP nhưng việc xây dựng chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh và duy trì thói quen sống đúng cách là một cách hữu hiệu để phòng ngừa các triệu chứng nhiễm khuẩn HP. Vì thế, bạn cần lưu ý một số điều như sau:
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Sử dụng nguồn nước sạch để chế biến thực phẩm và ăn uống hàng ngày.
- Hạn chế ăn uống tại vỉa hè, hàng quán mà bạn cảm thấy không đảm bảo vệ sinh.
- Tránh ăn đồ ăn mặn như thực phẩm đóng hộp, đồ cay nóng, đồ nướng.
- Có chế độ sinh hoạt và nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm việc căng thẳng.
![Người bị nhiễm vi khuẩn HP có gây ngứa không? 4](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/nguoi_bi_nhiem_vi_khuan_hp_co_gay_ngua_khong_4_9fbd8ea2b0.jpg)
Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về nhiễm khuẩn HP và giải đáp thắc mắc rằng vi khuẩn HP có gây ngứa không. Khi xuất hiện các triệu chứng của nhiễm khuẩn HP, hãy tìm gặp bác sĩ để kịp thời thăm khám và tìm ra phương pháp điều trị dựa trên tình trạng bệnh, tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc để tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Xem thêm: