Người bị bệnh ung thư có nên tiêm vắc xin ngừa Covid-19 không ?
Người bị bệnh ung thư và đang điều trị bệnh ung thư được xếp vào nhóm có nguy cơ cao, nếu mắc Covid-19 sẽ tiến triển nặng hơn so với người bình thường. Tùy vào từng loại ung thư và liệu pháp người bệnh đang điều trị, người bệnh sẽ được hướng dẫn cụ thể cho việc tiêm vắc xin phòng Covid-19. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm lời giải đáp cho vấn đề người bị bệnh ung thư có nên tiêm vắc xin ngừa Covid-19 không nhé!
Người bị bệnh ung thư có nên tiêm vắc xin ngừa Covid-19 không ?
Người bị bệnh ung thư có nên tiêm vắc xin ngừa Covid-19 không ? Câu trả lời là CÓ. Người bệnh ung thư sẽ được chỉ định cụ thể cho các trường hợp sau:
1. Đối với những người mắc bệnh ung thư và đang điều trị ung thư
Tại Hoa Kỳ, người mắc hay đang điều trị ung thư (thuộc nhóm có suy giảm hệ miễn dịch) có thể tiêm vắc xin phòng Covid-19 nếu không có chống chỉ định với bất kỳ thành phần nào của vắc xin, áp dụng với 3 loại vắc-xin đã được FDA cấp Giấy phép sử dụng khẩn cấp:
- Vắc xin Pfizer-BioNTech (ở người từ 12-15 tuổi & trên 16 tuổi);
- Vắc xin Moderna (ở người ≥ 18 tuổi);
- Vắc xin Janssen (Johnson & Johnson) (ở người ≥ 18 tuổi).
Người bị bệnh ung thư có nên tiêm vắc xin ngừa Covid-19 không
Với vắc xin AstraZeneca, đây cũng là loại đang được sử dụng khá phổ biến ở Việt Nam. WHO cũng khuyến nghị các đối tượng suy giảm miễn dịch nên được tiêm chủng sau khi nhận được thông tin và tư vấn. Hiện nay, khuyến cáo từ các tổ chức y tế trên thế giới đều hướng đến việc tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho bệnh nhân ung thư. Tuy nhiên, đây vẫn là vấn đề có nhiều bàn luận, chưa có sự thống nhất trong giới chuyên môn.
Nguyên do là bởi theo khuyến cáo trước đây của các tổ chức về bệnh ung thư như Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS) thì không nên tiêm chủng cho người mắc ung thư, hay đang điều trị ung thư, trừ trường hợp ngoại lệ là tiêm ngừa cúm. Điều này chủ yếu là do vắc xin cần sự đáp ứng của hệ miễn dịch, nhưng hoạt động của hệ miễn dịch bị suy giảm ở người ung thư hay đang điều trị ung thư sẽ khiến vắc xin không đạt hiệu quả như mong đợi.
Các nghiên cứu về vắc xin phòng Covid-19 hiện nay đều không được thử nghiệm lâm sàng trên nhóm người có suy giảm miễn dịch, để có thể đưa ra dữ liệu khoa học trả lời chính xác cho câu hỏi trên. Tuy nhiên, khi tiến hành đánh giá giữa nguy cơ và lợi ích, các bác sĩ vẫn khuyến cáo người bệnh ung thư nên được tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19. Vì so với người có hệ miễn dịch bình thường, các bệnh nhân ung thư là nhóm có nguy cơ diễn tiến nghiêm trọng khi nhiễm phải virus SARS-CoV-2 (tác nhân gây Covid-19). Đặc biệt với những vùng có tỷ lệ lây nhiễm cộng đồng cao, việc lựa chọn biện pháp bảo vệ bệnh nhân ung thư bằng vắc xin ngay khi có thể được ưu tiên so với việc xem xét vắc xin có đạt hiệu quả như mong đợi hay không.
Trước khi tiêm phòng vắc xin Covid-19, người bệnh ung thư hay (đã) đang điều trị ung thư đều cần trao đổi với bác sĩ điều trị thật kỹ để có quyết định thích hợp. Vì tùy vào từng loại ung thư, giai đoạn bệnh, phương pháp điều trị và các yếu tố liên quan đến hệ miễn dịch của bạn mà bác sĩ điều trị chính mới đánh giá cụ thể và đưa ra quyết định cùng với sự đồng ý của bạn.
2. Đối với những người có tiền sử bệnh ung thư
Những người có tiền sử đã mắc ung thư cũng nên được cân nhắc để tiêm vắc xin ngừa Covid-19 nếu không có bất kỳ chống chỉ định nào với thành phần vắc xin. Khi đi tiêm ngừa, người bệnh cần phải cho bác sĩ biết loại ung thư mắc phải, đã điều trị hay đang điều trị với thuốc, các liệu pháp nào hay hệ thống miễn dịch có phục hồi để nhận được những lời khuyên thích hợp.
Những người có tiền sử mắc ung thư cũng nên được cân nhắc tiêm vắc xin ngừa Covid-19
3. Đối với người chăm sóc bệnh nhân ung thư
Những người tiếp xúc gần và thường xuyên với người bị bệnh ung thư cũng là đối tượng được khuyến cáo nên tiêm phòng vắc xin Covid-19 ngay khi có thể để đảm bảo an toàn cho chính họ và cho người bệnh.
Tác dụng phụ khi người bị ung thư tiêm vắc xin phòng Covid-19
Một số tác dụng phụ thường gặp sau khi người bị bệnh ung thư tiêm vắc xin Covid-19 như:
- Đau, đỏ hoặc sưng tại chỗ tiêm
- Sốt, ớn lạnh
- Đau đầu, mệt mỏi
- Đau cơ và khớp
- Buồn nôn
Đối với những người bao gồm vắc xin 2 mũi tiêm, các phản ứng này thường sẽ nặng hơn ở mũi thứ 2 và thường sẽ biến mất trong vài ngày sau khi tiêm. Ngoài ra, còn có thể xảy ra một số tác dụng phụ khác như:
- Hạch bạch huyết sưng to, mềm: Các hạt bạch huyết sưng to ở dưới cánh tay được tiêm vắc xin Covid-19. Đây là một dấu hiệu cho thấy hệ miễn dịch đang hoạt động để sẵn sàng chống lại SARS-CoV-2. Tình trạng này có thể xuất hiện sau khi người bệnh tiêm được vài ngày đến vài tuần. Tuy nhiên, nếu hạch bạch huyết sưng to và mềm, không co lại sau vài tuần hoặc có dấu hiệu to hơn thì cần phải gặp bác sĩ để được thăm khám ngay. Đối với người bệnh ung thư vú nên tiêm vắc xin ở cánh tay bên đối diện với bên bị ung thư. Việc tiêm vắc xin cũng có thể gây ảnh hưởng đến kết quả chụp X-quang tuyến vú nên hãy trao đổi thêm với các bác sĩ khi bạn tiêm vắc xin phòng Covid-19.
- Phản ứng dị ứng: Một số trường hợp có thể gây ra phản ứng dị ứng nghiêm trọng sau khi tiêm vắc xin phòng Covid-19. Đặc biệt là đối với những người có tiền sử dị ứng với vắc xin.
- Các cục máu đông: Sau khi tiêm vắc xin Johnson & Johnson (Janssen) hay AstraZeneca, một số trường hợp gặp tình trạng có cục máu đông ở động mạch, phổi hay não cùng với số lượng tiểu cầu thấp. Tuy nhiên, tỷ lệ này là rất thấp.
- Viêm cơ tim: Nếu sau khi tiêm vắc xin phòng Covid-19 và có các triệu chứng kèm theo như khó thở, đau ngực, cảm thấy tim đập nhanh thì hãy liên hệ với các cơ sở y tế để được chẩn đoán có thể là chứng viêm cơ tim do tiêm vắc xin ngừa Covid-19 hay không. Tỷ lệ viêm cơ tim sau khi tiêm chủng ghi nhận đến nay rất nhỏ, chủ yếu ở đối tượng thanh thiếu niên.
- Hội chứng Guillain-Barré (GBS) hay hội chứng viêm tủy sống cắt ngang: Các triệu chứng bao gồm yếu hoặc ngứa ran ở chân hoặc tay, khó khăn khi đi bộ, khó khăn với các cử động trên khuôn mặt (nói, nhai hoặc nuốt), tầm nhìn đôi hoặc khó cử động mắt, các vấn đề với kiểm soát bàng quang hoặc chức năng ruột…. Các triệu chứng thường xuất hiện trong vòng 6 tuần sau khi tiêm vắc xin. Nếu bạn có các triệu chứng kể trên, hãy liên hệ cơ sở y tế để được hỗ trợ.
Tác dụng phụ khi người bị ung thư tiêm vắc xin phòng Covid-19
Các loại vắc xin Covid-19 hiện nay đều còn khá mới và việc ghi nhận các phản ứng lâu dài, nghiêm trọng khác nếu có vẫn đang được tiến hành. Do đó, người bệnh ung thư và người chăm sóc cần quan sát, theo dõi tình hình sức khỏe sau khi tiêm vắc xin để kịp thời can thiệp khi xuất hiện các dấu hiệu nguy hiểm.
Một lưu ý quan trọng, dành cho người bệnh ung thư hay người chăm sóc bệnh nhân ung thư, mặc dù đã được tiêm vắc xin nhưng vẫn phải tuân thủ các biện pháp an toàn trong phòng, chống Covid-19. Hãy đeo khẩu trang và giữ khoảng cách khi tiếp xúc, rửa tay và sát khuẩn bề mặt các vật dụng thường xuyên.
Hy vọng những chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn giải đáp được vấn đề người bị bệnh ung thư có nên tiêm vắc xin ngừa Covid-19 không nhé!
Thủy Phan
(Nguồn: Tổng Hợp)