Nên rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh khi nào: Những điều mẹ cần làm và tránh
Sau khi trẻ sơ sinh uống sữa hay bị nôn trớ lượng sữa vừa uống, mẹ cần vệ sinh miệng, lưỡi cho trẻ để tránh bị tưa lưỡi và một số bệnh răng miệng khác. Các mẹ hãy tham khảo bài viết sau để tìm hiểu về từng trường hợp cụ thể nhé.
Lợi ích của việc rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh
Việc chăm sóc răng miệng cho trẻ ngay từ nhỏ sẽ giúp trẻ duy trì sức khỏe răng miệng khi lớn lên. Nếu mẹ không rơ lưỡi để làm sạch lưỡi cho trẻ thường xuyên, trẻ có nguy cơ bị nhiễm khuẩn và mắc bệnh do vi trùng, dẫn đến bị nấm lưỡi, các bệnh về nướu và các vấn đề nha khoa.
Việc rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh có tác dụng làm sạch lượng sữa dư thừa, giảm mùi hôi và hạn chế sự tích tụ của vi khuẩn, giảm nguy cơ trẻ bị trắng lưỡi, tưa lưỡi hay gọi là tưa miệng. Tưa lưỡi là một trong những nguyên nhân khiến trẻ khó chịu, quấy khóc, không chịu bú mẹ vì cảm thấy đau ở khoang miệng. Hơn nữa, trẻ bị tưa lưỡi có thể lây qua cho mẹ khi bú khiến mẹ bị nhiễm nấm, dẫn đến đau rát núm vú.
Mẹ nên làm vệ sinh lưỡi cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ 2 lần/ngày cho đến khi trẻ có thể tự dùng chỉ nha khoa kết hợp với đánh răng để vệ sinh răng miệng, từ đó tạo thành thói quen chăm sóc răng miệng đều đặn.
Nên rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh khi nào?
Khi trẻ nôn trớ sữa vón cục
Sữa vón cục là gì?
Sau khi bú, trẻ hay bị ọc ra sữa vón cục. Đây là dạng sữa đã được tiêu hóa một phần ở trong dạ dày. Thường trẻ nôn sữa vón cục kèm theo dịch nhớt, chính là dịch tiêu hóa của dạ dày.
Nếu tình trạng này xảy ra với tần số ít, tối đa 3 lần trong 1 ngày, không ảnh hưởng đến hô hấp, không gây khó chịu cho trẻ thì mẹ không cần lo lắng vì đây là nôn trớ sinh lý, không cần phải điều trị.
Ngược lại, nếu tình trạng này xảy ra thường xuyên, đặc biệt gây ho, trẻ thở khò khè kéo dài kèm theo sự thay đổi về cân nặng thì nên đưa trẻ đi khám vì có thể trẻ đang bị trào ngược dạ dày.
Nguyên nhân khiến trẻ ọc ra sữa vón cục
Trẻ dễ bị nôn sữa vón cục vì hệ tiêu hóa của trẻ còn non yếu, dạ dày của trẻ sơ sinh nằm ngang cao hơn so với người lớn. Do hoạt động của tâm vị yếu nên nếu trẻ bú sữa no quá, bú nhanh quá hay thay đổi tư thế đột ngột khi đang bú sẽ dẫn đến nôn, ọc sữa ngay.
Một lý do khác gây tình trạng ọc sữa vón cục là do trẻ bú sữa công thức. So với sữa mẹ, sữa công thức thường lâu tiêu hóa hơn nên trẻ chưa kịp tiêu hóa đã bị nôn trớ ra.
Nôn ra sữa vón cục còn do bị trào ngược dạ dày thực quản. Tình trạng này cũng hay gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Thông thường thức ăn qua miệng, thực quản và được tiêu hóa ở dạ dày, rồi đưa từng chút một xuống ruột non để tái hấp thu và đào thải ra ngoài. Tuy nhiên, hoạt động co bóp của các cơ đường tiêu hóa ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đôi khi không đồng bộ gây nên rối loạn nhu động ruột gây hiện tượng sữa vón cục trong miệng trẻ khi nôn.
Cách rơ lưỡi đúng cách
Thời điểm vệ sinh
Thời điểm thích hợp để vệ sinh miệng cho trẻ thường là sau khi trẻ ăn sữa xong. Tác dụng của vệ sinh miệng là lấy đi các cặn sữa đọng lại trên bề mặt lưỡi. Mẹ cần phân biệt cặn sữa với tưa lưỡi. Cặn sữa là những chấm nhỏ màu trắng xuất hiện trên niêm mạc lưỡi sau khi trẻ bú xong, không gây đau, dễ cạo và có thể trôi khi trẻ nuốt nước bọt hay uống nước. Cặn sữa xuất hiện do trẻ ngậm sữa đi ngủ hoặc do trẻ được nuôi bằng sữa công thức.
Các bước vệ sinh
Mẹ dùng dung dịch sát khuẩn để rửa tay thật sạch.
Bế trẻ trên tay trong khi rơ lưỡi, không nên đặt trẻ nằm trên mặt phẳng.
Dùng gạc rơ lưỡi quấn quanh ngón trỏ của mẹ hoặc đeo gạc tưa lưỡi hình ống.
Thấm gạc vào dung dịch NaCl 0,9% hoặc nước đun sôi để nguội rồi chạm nhẹ vào môi dưới để trẻ mở miệng. Sau đó nhẹ nhàng đưa tay đến từng vùng trong khoang miệng của trẻ từ vòm miệng, nướu, họng, lưỡi,... để lau sạch miệng cho trẻ. Khi rơ lưỡi, mẹ kéo từ trong ra ngoài để loại bỏ hết cặn sữa. Lưu ý mẹ không đưa tay quá sâu vào trong miệng trẻ vì sẽ gây kích thích, dẫn đến nôn trớ cho trẻ.
Khi trẻ bị tưa lưỡi
Tưa lưỡi là gì?
Tưa lưỡi hay còn gọi là bệnh nấm lưỡi là tình trạng những màng màu trắng xuất hiện và bám chắc trên bề mặt niêm mạc miệng, lưỡi, họng và có thể là cả thực quản, khó bong ra, gây đau rát, chảy máu khi cọ xát.
Nguyên nhân gây tưa lưỡi
Trẻ bị tưa lưỡi do bị nhiễm nấm Candida. Những trẻ sơ sinh dễ có nguy cơ mắc bệnh tưa lưỡi khi nằm trong những trường hợp sau:
- Hệ thống miễn dịch bị suy yếu, có thể do bẩm sinh hoặc do mắc các bệnh lý về hệ miễn dịch như HIV, ung thư,...
- Đang điều trị bệnh bằng kháng sinh hay corticoid.
- Mẹ bị nấm ở vùng bộ phận sinh dục trong thời kỳ mang thai hay bị nấm vú trong thời gian cho con bú.
- Trẻ thường xuyên bị khô miệng.
Cách rơ lưỡi đúng cách
Trường hợp tưa lưỡi nhẹ
Khi trẻ bị tưa lưỡi nhẹ, chưa bắt buộc phải dùng đến thuốc, mẹ có thể vệ sinh vùng miệng và đánh tưa lưỡi theo tư vấn của bác sĩ, tình trạng tưa lưỡi sẽ nhanh chóng được khắc phục.
Các mẹ nên làm theo các bước đánh tưa lưỡi cho trẻ như sau:
- Dùng dung dịch sát khuẩn để rửa tay sạch, đảm bảo vô trùng.
- Bế trẻ trên tay sao cho đầu trẻ nằm ngang ngực mẹ.
- Dùng gạc rơ lưỡi quấn quanh đầu ngón tay trỏ hoặc đeo miếng gạc dạng ống đã vô trùng.
- Nhúng ngón tay có gạc vào thuốc Nyst đã được pha sẵn rồi chạm nhẹ vào môi dưới của trẻ để trẻ mở miệng. Đưa ngón tay quấn gạc nhẹ nhàng vào mặt trên của lưỡi, lau từ trong ra ngoài một lượt rồi thay miếng gạc khác. Lặp lại thao tác này lần hai nếu như trẻ có nhiều mảng tưa lưỡi.
- Dùng miếng gạc khác để vệ sinh mặt trong của hai bên má, trên vòm miệng, vùng nướu và các vị trí khác trong khoang miệng của trẻ.
Trường hợp nấm nặng
Tưa lưỡi là do nấm gây ra nên khi điều trị những trường hợp bị nấm nặng ở trẻ sơ sinh cần phải sử dụng các dòng thuốc kháng nấm với liều lượng phù hợp với lứa tuổi cũng như tình trạng bệnh hiện tại của trẻ nhỏ. Các thuốc phổ biến được bác sĩ chỉ định để điều trị nấm lưỡi như Nystatin, Mycostatin, Miconazol...
Lưu ý khi đánh tưa lưỡi cho trẻ
Khi rơ lưỡi để đánh tưa lưỡi, mẹ lưu ý không để các tưa rơi vào miệng trẻ, không đưa ngón tay vào quá sâu trong khoang miệng của trẻ vì sẽ gây kích thích cổ họng, gây nôn trớ, thậm chí tổn thương họng.
Mẹ dùng dung dịch chứa hoạt chất chống nấm hoặc dung dịch muối NaCl 0,9% để đánh tưa lưỡi cho trẻ 4 lần/ngày.
Nên rơ lưỡi bằng thuốc cho trẻ cách mỗi bữa ăn 30 phút để tránh trẻ bị nôn trớ.
Lưu ý rằng không sử dụng mật ong để đánh tưa lưỡi cho trẻ dưới 1 tuổi.
Không tự ý đánh tưa lưỡi cho trẻ bằng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Không cậy màng trắng trên lưỡi bằng mọi hình thức vì sẽ gây chảy máu, có nguy cơ nhiễm khuẩn.
Khi trẻ bị nấm lưỡi ở mức độ nhẹ có thể dùng nước muối sinh lý hoặc dung dịch Povidine 1% để súc miệng mỗi ngày. Với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chưa biết súc miệng, sau khi trẻ bú xong, mẹ sử dụng gạc thấm dung dịch để lau sạch khoang miệng cho trẻ.
Đọc đến đây chắc các mẹ đã có câu trả lời cho câu hỏi nên rơ lưỡi cho trẻ sơ sinh khi nào rồi đúng không? Vệ sinh răng miệng và lưỡi đúng cách cho con sẽ tạo tiền đề cho một sức khỏe tốt về sau.
Quỳnh Trang
Nguồn tham khảo: Tổng hợp