Nấu nước lê gừng trị ho cho cả nhà hiệu quả
Thời tiết chuyển mùa rất dễ mắc các bệnh về đường hô hấp như ho, viêm họng, cảm cúm, cảm lạnh,... Để khắc phục điều này, bạn có thể tự nấu nước lê gừng trị ho chỉ với những nguyên liệu và cách chế biến đơn giản. Thức uống này tốt cho sức khỏe và vô cùng dễ uống kể cả với trẻ nhỏ.
Công dụng của lê và gừng
Lê là loại quả có vị ngọt, hơi chua, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, nhuận phế, trừ ho, tiêu đờm. Do đó quả lê có thể được dùng để điều trị các bệnh về đường hô hấp như ho khan, ho dai dẳng, ho có đờm, viêm họng, viêm phế quản,...
Nghiên cứu y học hiện đại cho biết thành phần của quả lê có chứa hàm lượng rất cao vitamin C, PP, beta-carotene, protein, axit folic và các khoáng chất canxi, sắt, phốt pho. Những chất này cực kỳ có lợi cho sức khỏe.
Gừng có vị cay, tính ấm có khả năng làm ấm cơ thể, trừ mồ hôi trộm, giải độc, là nguyên liệu thường dùng để giảm cảm, ho, đau rát họng, long đờm, giảm buồn nôn,… và có trong thành phần của thuốc chống say xe.
Các nhà nghiên cứu Nhật Bản còn phát hiện, bên cạnh tác dụng chữa bệnh về đường hô hấp như viêm họng, ho thì gừng còn giúp kéo dài tuổi thọ, chống dị ứng và giảm căng thẳng rất hiệu quả.
Với những tác dụng kể trên, có thể kết hợp gừng và lê thành bài thuốc chữa ho tuyệt vời và an toàn cho sức khoẻ, không gây tác dụng phụ. Đặc biệt hơn, nước gừng và lê rất dễ uống, phù hợp với cả trẻ nhỏ.
Cách trị ho bằng trái lê
Dưới đây là một số bài thuốc trị ho từ lê mà bạn có thể thử tại nhà.
Lê hấp trị ho
Lê và mật ong có vị ngọt tự nhiên khi kết hợp hai nguyên liệu này sẽ giúp người bệnh dễ uống. Bài thuốc này có thể dùng cho cả trẻ em và phụ nữ mang thai mệt mỏi với các cơn ốm nghén. Ngoài tác dụng giảm nhanh triệu chứng ho, lê và mật ong còn có tác dụng làm dịu cổ họng, giảm tình trạng khản tiếng.
Nguyên liệu sơ chế: Mật ong, lê.
Cách làm:
- Lê rửa sạch, gọt vỏ, cắt miếng vừa ăn.
- Cho lê vào chén, thêm khoảng 3 muỗng mật ong và hấp cách thủy khoảng 30 phút.
- Chắt lấy nước cho trẻ em dùng, người lớn có thể ăn cả lê. Dùng liên tục 3 - 5 ngày để thấy hiệu quả.
Nấu nước lê gừng trị ho
Tính cay, ấm của gừng từ lâu đã được biết đến với công dụng chữa các bệnh về đường hô hấp, ho khan, ho có đờm. Do đó, sự kết hợp của gừng với lê sẽ tăng hiệu quả chữa bệnh lên gấp nhiều lần.
Nguyên liệu: 2 quả lê, 1 củ gừng và ít đường phèn.
Cách làm:
- Gừng gọt vỏ, rửa sạch, thái nhỏ.
- Lê rửa sạch, gọt vỏ, cắt thành từng miếng.
- Cho 2 hỗn hợp này vào chén và hấp cách thủy với đường phèn khoảng 20 phút.
- Kiên trì sử dụng khoảng 1 tuần sẽ hết ho.
Trị ho bằng lê hấp đường phèn
Đường phèn có vị ngọt thanh, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, nhuận tràng.
Nguyên liệu: Lê, đường phèn.
Cách làm:
- Rửa sạch lê, cắt bỏ phần đầu, bỏ lõi và hạt, sau đó cho một ít đường phèn vào bên trong.
- Lê vào chưng cách thủy cho đến khi đường phèn tan hết, khoảng 15 phút.
- Uống nước và ăn quả lê, ngày dùng 1 - 2 quả cho đến khi các triệu chứng ho thuyên giảm hẳn.
Ăn lê trực tiếp
Ngoài cách kết hợp với các nguyên liệu khác, bạn cũng có thể ăn lê trực tiếp để giảm ho, tiêu đờm. Bạn chỉ cần gọt vỏ và thưởng thức những miếng lê thơm ngọt. Đây là mẹo giảm ho cực kỳ đơn giản và an toàn cho mọi độ tuổi.
Chữa ho bằng lê và củ cải
Củ cải trắng có vị ngọt, tính bình có tác dụng long đờm, sát trùng, tiêu viêm. Sự kết hợp giữa củ cải trắng và quả lê không chỉ giúp trừ ho mà còn có khả năng ức chế một số loại virus, vi khuẩn gây viêm đường hô hấp.
Nguyên liệu: Củ cải, lê, gừng, mật ong, sữa đặc.
Cách làm:
- Lê, gừng, củ cải rửa sạch, gọt vỏ, ép lấy nước.
- Cho nước củ cải vào nồi nấu sôi cho đến khi đặc lại thì cho các nguyên lại còn lại vào.
- Khuấy đều và đun nhỏ lửa đến khi hỗn hợp sệt lại thì tắt bếp.
- Để nguội và dùng dần, mỗi ngày dùng 1 muỗng cà phê trước bữa ăn.
Lưu ý khi nấu nước lê gừng trị ho
Bài thuốc từ quả lê có thể dùng cho nhiều đối tượng khác nhau. Tuy nhiên, trên thực tế chưa có nghiên cứu nào chứng minh hiệu quả của các bài thuốc từ quả lê. Vì vậy, để không gặp phải những tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe, khi nấu nước lê gừng trị ho, bạn cần lưu ý những điều sau:
- Không dùng các bài thuốc trên cho trẻ dưới 1 tuổi.
- Nước lê gừng chỉ có tác dụng khi bệnh mới bắt đầu, triệu chứng nhẹ. Nếu bị ho kéo dài kèm theo các triệu chứng như sốt, mệt mỏi thì nên đi khám bác sĩ để được thăm khám và tư vấn điều trị chính xác.
- Là bài thuốc từ thiên nhiên nên tác dụng của phương pháp này khá chậm, người bệnh phải kiên trì sử dụng, tránh nóng vội mà lạm dụng, gây tác dụng phụ.
- Lê có tính mát nên người có vấn đề về tiêu hoá như lạnh bụng, bị tiêu chảy không nên dùng lê.
- Lê tuy lành tính nhưng khi kết hợp với một số loại thuốc nam có thể gây dị ứng. Do đó, nên cân nhắc trước khi sử dụng.
- Ho có nhiều nguyên nhân, do đó để điều trị nhanh chóng và hiệu quả, bạn cần xác định rõ nguyên nhân gây bệnh, từ đó lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.
- Khi chế biến các bài thuốc này cho trẻ nhỏ, ba mẹ nên chỉ nên dùng nước lê cho bé uống.
Trên đây là những cách nấu nước lê gừng trị ho và kết hợp với các nguyên liệu khác mà bạn có thể áp dụng tại nhà. Tuy nhiên, nếu việc sử dụng các phương pháp này không làm thuyên giảm triệu chứng bệnh thì nên ngừng sử dụng và đi khám bác sĩ để kiểm tra và có kế hoạch điều trị cụ thể, hiệu quả.
Cao Hiếu
Nguồn tham khảo: Tổng hợp