Mọc mụn nước ở chân và ngứa là bị bệnh gì? Hướng dẫn điều trị
Không ít người từng trải qua cảm giác khó chịu, ngứa ngáy khi xuất hiện mụn nước ở chân. Tình trạng này không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn khiến bạn cảm thấy khó chịu, nhiều khi mất ăn mất ngủ. Vậy mọc mụn nước ở chân và ngứa là bị bệnh gì và làm thế nào để khắc phục?
Mụn nước ở chân và ngứa đến từ nguyên nhân nào?
Mụn nước là gì? Mụn nước là những nốt nhỏ trên da chứa đầy dịch lỏng bên trong. Chúng thường xuất hiện dưới dạng những bong bóng nhỏ, có thể trong suốt, vàng nhạt hoặc thậm chí có màu hồng. Mụn nước có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, nhưng thường gặp nhất là mụn nước ở lòng bàn tay, bàn chân, ngón chân.
![Mọc mụn nước ở chân và ngứa là bị bệnh gì? Hướng dẫn điều trị 1](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/moc_mun_nuoc_o_chan_va_ngua_1_e6707a4ddb.jpg)
Mọc mụn nước ở chân và ngứa là dấu hiệu của nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau. Các nguyên nhân gây mụn nước ở ngón chân rất đa dạng, có thể kể đến như:
Các bệnh lý da liễu
Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra mụn nước ở chân. Một số bệnh lý da liễu thường gặp bao gồm:
- Chàm (eczema) đặc trưng bởi da đỏ, ngứa, bong tróc và có thể xuất hiện mụn nước.
- Zona gây ra các vệt mụn nước theo đường thần kinh, thường kèm theo đau nhức dữ dội.
- Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm gây ra các mụn nước ngứa khắp cơ thể, bao gồm cả chân. Tuy nhiên, mụn nước của bệnh thủy đậu thường có kích cỡ lớn nên dễ nhận biết.
- Rôm sảy xuất hiện khi tuyến mồ hôi bị tắc nghẽn, gây ra các mụn nước nhỏ li ti và ngứa.
- Tay chân miệng là bệnh thường gặp ở trẻ em, gây ra các mụn nước trong miệng và các bộ phận khác của cơ thể, bao gồm cả lòng bàn chân.
- Bệnh ghẻ là bệnh do ký sinh trùng gây ra, tạo thành các đường hầm dưới da và gây ngứa dữ dội. Ở người bị ghẻ cũng xuất hiện những đám mụn nước nhỏ li ti.
- Herpes gây ra các mụn nước nhỏ, thường xuất hiện ở vùng kín nhưng cũng có thể xuất hiện ở chân.
- Bóng nước tự miễn là một nhóm bệnh hiếm gặp, gây ra các mụn nước lớn và dễ vỡ.
- Viêm da tiếp xúc xảy ra do tiếp xúc với chất kích ứng hoặc dị nguyên gây ra triệu chứng viêm da và nổi mụn nước.
- Nấm da gây ra các vết loang đỏ, ngứa và có thể xuất hiện mụn nước.
Các nguyên nhân khác
Ngoài các bệnh lý da liễu, mụn nước ở chân còn có thể do các nguyên nhân khác như:
- Dị ứng với một số chất như xà phòng, mỹ phẩm, vải,... có thể gây ra phản ứng dị ứng trên da, bao gồm cả mụn nước.
- Một số loại thuốc chữa bệnh có thể gây ra tác dụng phụ là nổi mụn nước.
- Mồ hôi chân quá nhiều khiến da bị ẩm ướt, tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm phát triển, gây ra mụn nước.
![Mọc mụn nước ở chân và ngứa là bị bệnh gì? Hướng dẫn điều trị 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/moc_mun_nuoc_o_chan_va_ngua_2_f44da112f5.jpg)
Các triệu chứng kèm theo khi bị mụn nước ở chân
Bên cạnh nổi mụn nước, người bệnh còn xuất hiện một số triệu chứng khác như:
- Ngứa là triệu chứng phổ biến nhất và gây khó chịu nhất. Cảm giác ngứa có thể từ nhẹ đến dữ dội, khiến người bệnh khó chịu và thường xuyên gãi. Việc gãi quá mức có thể làm vỡ mụn nước, gây nhiễm trùng và khiến tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn.
- Một số trường hợp, người bệnh ngứa dẫn đến gãi nhiều, khiến da bị trầy xước, có thể cảm thấy đau ở vùng da bị tổn thương.
- Vùng da xung quanh mụn nước có thể bị sưng đỏ, gây cảm giác căng tức. Một số trường hợp có thể xuất hiện các mảng đỏ, lan rộng ra xung quanh.
- Mụn nước khi vỡ sẽ để lại các vết loét, gây chảy dịch và dễ bị nhiễm trùng. Sau khi mụn nước vỡ và dịch khô lại, sẽ hình thành các lớp vảy.
- Da bị tổn thương có thể bị nứt nẻ, đặc biệt là ở những vùng da thường xuyên cử động như lòng bàn chân.
- Trong một số trường hợp nhiễm trùng nặng, người bệnh có thể sốt, mệt mỏi và các triệu chứng toàn thân khác.
![Mọc mụn nước ở chân và ngứa là bị bệnh gì? Hướng dẫn điều trị 3](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/moc_mun_nuoc_o_chan_va_ngua_3_9265ce60d4.jpg)
Chữa mọc mụn nước ở chân và ngứa thế nào?
Nhiều người đã từng trải qua cảm giác khó chịu khi mọc mụn nước ở chân và ngứa. Việc tìm ra cách trị mụn nước hiệu quả là điều họ luôn mong muốn. Để có phác đồ điều trị phù hợp nhất, bạn nên đến khám bác sĩ da liễu để được chẩn đoán chính xác. Nếu mụn nước xuất hiện với số lượng lớn, lan rộng, gây đau đớn hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng như sưng đỏ, nóng, chảy mủ, bạn cần đến gặp bác sĩ ngay lập tức.
Điều trị mụn nước bằng thuốc Tây y
Thông thường, bác sĩ sẽ kê đơn các loại thuốc bôi như: Một số loại thuốc kháng Histamin dạng kem để giảm ngứa cho người bệnh, giúp họ ngủ ngon hơn. Các loại kem Corticosteroid sẽ phát huy công dụng giảm viêm. Với những ai bị mụn nước do nấm sẽ được chỉ định dùng thuốc kháng nấm. Trong trường hợp nhiễm trùng, bác sĩ có thể kê thêm thuốc kháng sinh hoặc kháng virus.
Bài thuốc thiên nhiên trị mụn nước
Một số bài thuốc dân gian từ thiên nhiên như lá tía tô, lá khế, nha đam và mật ong được cho là có khả năng làm dịu da, giảm viêm và kháng khuẩn. Một số gợi ý cho những ai muốn thử chữa mụn nước bằng nguyên liệu thiên nhiên như:
- Dùng lá tía tô đã rửa sạch giã nát rồi đắp lên vùng da bị mụn nước, tốt nhất nên để qua đêm.
- Dùng lá khế tươi giã nát, đắp lên vùng da bị tổn thương.
- Dùng gel nha đam tươi bôi lên vùng da bị mụn nước.
- Cách cực đơn giản là dùng mật ong nguyên chất bôi một lớp mỏng lên vùng da bị mụn nước ở chân và ngứa.
![Mọc mụn nước ở chân và ngứa là bị bệnh gì? Hướng dẫn điều trị 4](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/moc_mun_nuoc_o_chan_va_ngua_4_e5a749b251.jpg)
Cách giảm triệu chứng ngứa tại nhà
Với người bị mọc mụn nước ở chân, cảm giác ngứa ngáy thường trực có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ ban đêm. Ngứa ngáy ban ngày gây mất tập trung trong học tập và làm việc. Vì vậy, nếu bị mụn nước ngứa, bạn đừng quên áp dụng những cách sau:
- Hàng ngày, bạn hãy rửa sạch vùng da bị mụn nước bằng nước ấm, nước muối hoặc một số loại nước lá có tính sát khuẩn như nước trà xanh, nước tía tô,…
- Tuyệt đối tránh nặn mụn nước để ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm lây lan. Đồng thời, bạn cũng không gãi ngứa bởi việc gãi có thể làm vỡ mụn nước, gây nhiễm trùng.
- Nếu biết mình dị ứng với loại hóa chất nào đó, bạn hãy tránh để da chân tiếp xúc trực tiếp với chúng để không làm tình trạng mụn nặng hơn.
Nguyên nhân mọc mụn nước ở chân và ngứa rất đa dạng. Có người bị mụn nước do các tác nhân bên ngoài như hóa chất, vi khuẩn nhưng có người lại xuất hiện mụn nước do các bệnh lý da liễu. Để có được kết quả điều trị tốt nhất, bạn nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân và tuân thủ phác đồ điều trị. Bên cạnh điều trị, việc chăm sóc chân đúng cách hàng ngày sẽ giúp ngăn ngừa mụn nước tái phát và bảo vệ làn da của bạn.