Mẹ sau sinh ăn nấm tốt không, nên ăn loại nấm nào?
Chế độ ăn uống cho mẹ sau sinh cần được chú trọng, sao cho đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng tốt cho cả mẹ và bé. Do nấm chứa nhiều vitamin và khoáng chất, nên nhiều người thường thắc mắc "Mẹ sau sinh ăn nấm tốt không?". Để làm rõ vấn đề này, bạn cần tìm hiểu những lợi ích của nấm đối với sức khỏe phụ nữ sau sinh trong bài viết sau để tìm ra lời giải đáp cho câu hỏi này.
Mẹ sau sinh ăn nấm được không?
![Mẹ sau sinh ăn nấm được không khi nấm chứa nhiều chất dinh dưỡng? 1](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/me_sau_sinh_an_nam_duoc_khong_khi_nam_chua_nhieu_chat_dinh_duong_1_bab63806b5.png)
Nấm có hàm lượng vitamin và khoáng chất dồi dào, bao gồm: vitamin B2, B3, B5, vitamin C, vitamin D, đồng, kali, selen, folate, chất xơ và chất chống oxy hóa. Những dưỡng chất này bảo vệ các tế bào khỏi những tổn thương và quá trình lão hóa, giúp tăng cường sức khỏe cho mẹ sau sinh.
Nhờ những dưỡng chất này, nấm có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe của mẹ sau sinh, do đó ăn nấm sẽ tốt hơn. Những tác dụng của nấm gồm:
Tăng cường hệ miễn dịch
Nấm chứa các đặc tính chống viêm có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch hiệu quả cho mẹ sau sinh. Đồng thời nấm có tác dụng kích thích các thành phần của hệ thống miễn dịch hoạt động mạnh mẽ hơn để chống lại các nguyên nhân gây bệnh, từ đó có thể dẫn đến các bệnh mạn tính.
Theo nhiều nghiên cứu, ăn nấm có thể giúp ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp.
Nấm bao gồm các chất dinh dưỡng đa lượng có tác dụng nâng cao sức đề kháng của mẹ sau sinh, bao gồm:
- Selen và ergothioneine: Nhờ hai chất này, cơ thể mẹ sau sinh sẽ tạo ra các enzym chống oxy hóa để ngăn ngừa tổn thương tế bào, từ đó giúp cho hệ thống miễn dịch luôn khỏe mạnh.
- Vitamin D: Hỗ trợ sự phát triển của tế bào, giảm viêm và tăng cường chức năng miễn dịch.
- Vitamin B6: Giúp cơ thể hình thành các tế bào hồng cầu, ADN và protein.
Hỗ trợ giảm cân sau sinh
Nấm có kết cấu tương tự như thịt nên khi ăn nấm mẹ sau sinh cảm thấy no, nhưng thật ra nấm lại cung cấp rất ít calo, không có cholesterol và không có chất béo. Việc ăn nấm giúp mẹ sau sinh dễ dàng kiểm soát cân nặng và hỗ trợ hiệu quả cho quá trình giảm cân, giữ gìn vóc dáng. Nghiên cứu sơ bộ cho thấy thay vì dùng một lượng ít các loại thực phẩm có lượng calo cao như thịt bò xay, mẹ nên tăng cường bổ sung các loại thực phẩm có hàm lượng calo thấp như nấm, để giảm lượng chất béo và calo hàng ngày mà vẫn cảm thấy no.
Không những thế, nấm còn chứa 2 loại chất xơ là chitin và beta-glucans, giúp tăng cảm giác no và giảm cảm giác thèm ăn.
Kiểm soát đường huyết dễ dàng
Đối với câu hỏi mẹ sau sinh ăn nấm được không thì việc ăn nấm có thể giúp mẹ làm giảm nguy cơ bị tăng đường huyết, làm rối loạn dung nạp glucose dẫn đến bệnh tiểu đường. Với những mẹ bị tiểu đường thai kỳ, nấm chứa nhiều chất xơ, có thể giúp giảm lượng đường trong máu và giảm nguy cơ phát triển bệnh mạn tính.
![Mẹ sau sinh ăn nấm được không khi nấm chứa nhiều chất dinh dưỡng? 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/me_sau_sinh_an_nam_duoc_khong_khi_nam_chua_nhieu_chat_dinh_duong_2_67b9e3b336.png)
Nấm có lợi cho sức khỏe tim mạch
Bạn có biết natri và huyết áp cao có liên quan nhau? Natri khiến cơ thể giữ lại chất lỏng dư thừa nhưng lại có thể làm tăng huyết áp. Nấm có chứa hàm lượng kali lớn có tác dụng làm giảm tác động của natri lên cơ thể và làm giảm áp lực trong mạch máu. Điều này dẫn đến giảm huyết áp của mẹ sau sinh và làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, từ đó giúp ngăn ngừa đột quỵ.
Không những thế, nấm chứa hàm lượng natri cũng rất thấp. Lượng natri này mang đến hương vị mặn hco nấm để làm giảm nhu cầu nêm thêm muối, từ đó duy trì mức huyết áp ổn định.
Bảo vệ sức khỏe đường ruột của mẹ sau sinh
Đường ruột của mẹ sau sinh muốn khỏe mạnh là do chất xơ hòa tan prebiotics trong nấm kích thích sự phát triển của vi khuẩn lành mạnh. Nghiên cứu cho thấy polysaccharides trong nấm kích thích sự phát triển của vi khuẩn lành mạnh như Bifidobacterium và Acidophilus. Một nghiên cứu năm 2015 được công bố trên tạp chí Nature cho biết, ăn nấm giúp thay đổi vi khuẩn đường ruột tốt hơn, từ đó có thể giúp hỗ trợ điều trị bệnh béo phì.
Nấm thúc đẩy giảm cholesterol
Nấm là một thực phẩm thay thế lý tưởng cho thịt đỏ vì giúp giảm thiểu calo, chất béo và cholesterol máu cao. Nghiên cứu cho thấy rằng nấm, đặc biệt là nấm đông cô, chứa các hợp chất ức chế sản xuất cholesterol, giúp giữ mức cholesterol thấp, ngăn chặn hấp thụ cholesterol và giảm tổng lượng cholesterol trong máu của mẹ sau sinh.
Nấm cung cấp vitamin D dồi dào
Nấm là thực phẩm hiếm hoi có chứa vitamin D một cách tự nhiên, giúp cơ thể mẹ sau sinh hấp thụ canxi để xây dựng và duy trì xương chắc khỏe. Một số loại nấm như nấm bàn (nấm portabello) và nấm mỡ khi tiếp xúc với tia UV hoặc ánh sáng mặt trời có thể làm tăng lượng vitamin D.
Vậy, sau sinh ăn nấm được không? Từ những lợi ích của nấm đã nói ở trên, câu trả lời cho thắc mắc này là mẹ sau sinh nên ăn nấm. Mẹ nên bổ sung những loại nấm phổ biến trong thực đơn hàng ngày như nấm rơm, nấm đông cô, nấm mỡ, nấm mèo, nấm kim châm… và tránh ăn những loại nấm hoang dã để hạn chế tối đa nguy cơ bị ngộ độc.
Một số món nấm ngon cho phụ nữ sau sinh
![Mẹ sau sinh ăn nấm được không khi nấm chứa nhiều chất dinh dưỡng? 3](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/me_sau_sinh_an_nam_duoc_khong_khi_nam_chua_nhieu_chat_dinh_duong_3_43f58e6045.png)
Ngoài việc quan tâm mẹ sau sinh ăn nấm được không, nhiều người cũng muốn tìm hiểu nên ăn những món nào từ nấm. Mẹ sau sinh có thể tham khảo một số món ăn được chế biến từ nấm sau đây để nhanh chóng hồi phục sau sinh và tăng cường sức khỏe:
Đối với nấm hương (nấm đông cô)
Mẹ có thể chế biến món nấm hương xào thịt nạc. Nấm hương là sự lựa chọn tốt để bổ sung vitamin B6 cho mẹ, đồng thời chứa nhiều protein nên phù hợp cho mẹ sau sinh bị thiếu máu thiếu sắt.
Đối với nấm rơm
Để đẩy nhanh quá trình phục hồi sau khi sinh con, mẹ nên ăn gà nấu nấm rơm. Đây là một món ăn ngon với nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho mẹ sau sinh. Nấm rơm hỗ trợ điều trị tiểu đường thai kỳ sau sinh và giúp cải thiện chức năng gan.
Đối với nấm mỡ
Loại nấm này là nguồn cung khoáng chất kẽm dồi dào và chứa nhiều chất chống oxy hóa. Để thay đổi khẩu vị cho mẹ sau sinh có thể nấu món nấm mỡ kho nước tương hay nấu canh xà lách xoong nấm mỡ và cồi sò điệp…
Đối với nấm mèo (mộc nhĩ)
Nấm mèo là nguyên liệu được dùng để chế biến nhiều món ăn nhất, có thể kể đến súp gà nấm mèo, bánh cuốn nhân thịt và nấm mèo, chè đậu xanh nấm mèo, trứng chiên với nấm mèo và thịt xay… Không chỉ ngon miệng, nấm mèo chứa nhiều protid, vitamin và khoáng chất, có thể duy trì huyết áp ổn định và hạn chế nguy cơ bị đông máu do nghẽn mạch.
Đối với nấm kim châm
Loại nấm này cũng được dùng chế biến nhiều món ngon. Mẹ có thể nấu món thịt ba chỉ cuộn nấm kim châm áp chảo, canh kim chi nấm kim châm… Nấm kim châm có nhiều kẽm, kali và chất xơ, giúp ngăn ngừa táo bón sau sinh và kiểm soát cân nặng hiệu quả.
Tóm lại, nấm là thực phẩm chứa nhiều dưỡng chất tự nhiên, vừa bổ dưỡng vừa an toàn cho mẹ sau sinh khi dùng. Ngoài ra mỗi loại nấm lại có vị ngon và hương thơm khác nhau nên mẹ có thể chế biến rất nhiều món, làm phong phú cho bữa ăn gia đình.
Quỳnh Trang
Nguồn tham khảo: Tổng hợp