Mẹ bị nhiễm Covid-19 có cho con bú sữa được không?
Cho đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có đủ dữ liệu để chứng minh việc Covid-19 có nguy cơ sẽ lây cho em bé qua đường sữa mẹ. Hơn nữa, nguy cơ nhiễm Covid-19 ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường thấp hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ khi nhiễm bệnh. Do đó, lợi ích mà trẻ nhận được khi bú sữa mẹ vẫn sẽ cao hơn so với việc cách ly mà không được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ. Vậy mẹ bị nhiễm Covid-19 có cho con bú sữa được không ? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!
Mẹ bị nhiễm Covid-19 có cho con bú sữa được không?
Các bằng chứng đã cho thấy rằng, sữa mẹ không có khả năng truyền virus cho trẻ sơ sinh. Do đó, chỉ cần mẹ thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp phòng tránh an toàn thì cho dù mẹ vị Covid-19 vẫn sẽ được khuyến khích cho con bú vì một số lợi ích dưới đây:
- Sữa mẹ sẽ giúp bảo vệ trẻ khỏi các bệnh nhiễm trùng: Sữa mẹ không chỉ là nguồn cung cấp dinh dưỡng tốt cho sự phát triển của trẻ mà còn giúp bảo vệ trẻ khỏi các bệnh lý nhiễm trùng. Một số nghiên cứu đã phát hiện rằng, kháng thể immunoglobulin A (sigA) có trong sữa mẹ sẽ giúp làm tăng khả năng chống lại virus gây ra bệnh Covid-19. Mặc dù bằng chứng này vẫn chưa đầy đủ nhưng sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng quan trọng và những trẻ được bú sữa mẹ thường sẽ ít có nguy cơ mắc bệnh hô hấp nghiêm trọng.
- Giúp giảm căng thẳng cho mẹ: Trong quá trình cho con bú, cơ thể mẹ sẽ giải phóng một loại hormone giúp giảm stress, căng thẳng và hỗ trợ tăng cường sức khỏe. Điều này cũng sẽ có lợi cho việc phục hồi sau sinh của mẹ cũng như chống lại bệnh Covid-19.
- Sữa mẹ luôn có sẵn: Khi các nguồn cung các sản phẩm như sữa công thức đang bị hạn chế bởi những quy định giãn cách nghiêm ngặt thì sữa mẹ vẫn luôn có sẵn và cung cấp cho trẻ sơ sinh mọi lúc.
Mẹ bị nhiễm Covid-19 có cho con bú sữa được không
Làm sao để đảm bảo an toàn khi mẹ bị Covid-19 cho con bú sữa mẹ?
Nếu mẹ đang cho con bú đã được tiêm phòng Covid-19 đầy đủ thì không cần phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa khi cho con bú sữa mẹ. Nhưng nếu mẹ đã tiếp xúc gần với người bệnh hoặc được chẩn đoán nhiễm bệnh thì nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa an toàn khi cho bé bú trực tiếp để đảm bảo an toàn như:
- Rửa tay bằng xà phòng ít nhất 20 giây trước khi bế con. Nếu không có xà phòng thì mẹ có thể sử dụng dung dịch có nồng độ cồn ít nhất 60% để sát khuẩn.
- Đeo khẩu trang trước khi tiếp xúc gần với trẻ sơ sinh để cho con bú.
Trong trường hợp mẹ đang cho con bú bị nhiễm Covid-19 và chọn vắt sữa mẹ để cho trẻ bú bình thì cần phải lưu ý một số vấn đề sau:
- Sử dụng máy hút sữa riêng và tuyệt đối không sử dụng chung với người khác
- Rửa tay bằng xà phòng ít nhất 20 giây trước khi chạm tay vào dụng cụ vắt sữa và trước khi tiến hành vắt sữa.
- Đeo khẩu trang trong suốt quá trình vắt sữa mẹ
- Vệ sinh máy hút sữa sạch sẽ sau mỗi lần sử dụng.
Làm sao để đảm bảo an toàn khi mẹ bị Covid-19 cho con bú sữa mẹ
Nếu mẹ cân nhắc đến việc tìm người thay thế để chăm sóc trẻ thì nên chọn người khỏe mạnh, đã được tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 đầy đủ. Nếu họ đã tiếp xúc gần với những người nhiễm bệnh thì nên làm xét nghiệm trong vòng 3 – 5 ngày sau khi tiếp xúc và cần phải đeo khẩu trang và rửa tay đúng cách khi chăm sóc trẻ. Đồng thời, nên cách ly nếu có kết quả dương tính, dù là F0 không triệu chứng.
Thường xuyên theo dõi trẻ để phát hiện sớm các triệu chứng của Covid-19
Mặc dù khả năng nhiễm Covid-19 của trẻ sơ sinh từ bố mẹ hay người chăm sóc là khá thấp nhưng trong quá trình chăm sóc trẻ tại nhà, mẹ vẫn cần phải theo dõi trẻ thường xuyên. Trong trường hợp nếu phát hiện trẻ có một số triệu chứng như sốt trên 38 độ C; sổ mũi, ho; nôn mửa; tiêu chảy; bú kém; nhịp thở gấp hoặc hơi thở ngắn; trẻ mệt mỏi, lừ đừ hoặc hôn mê thì mẹ nên báo sớm với cơ quan y tế để sắp xếp cho trẻ nhập viện sớm nhất có thể.
Thường xuyên theo dõi trẻ để phát hiện sớm các triệu chứng của Covid-19
Làm thế nào để duy trì nguồn sữa khi mẹ nhiễm bệnh Covid-19?
Việc dùng tay để vắt sữa hoặc sử dụng máy hút sữa trong những ngày đầu sau sinh vẫn có ích cho việc duy trì sữa mẹ dù mẹ đang bị nhiễm Covid-19. Đồng thời, việc thường xuyên hút sữa hoặc cho con bú trực tiếp (với điều kiện tuân theo các biện pháp phòng ngừa an toàn) nên phù hợp với những bé có nhu cầu khoảng 8 – 10 lần cho bú trong một ngày.
Nếu muốn dùng các sản phẩm lợi sữa thì mẹ nên tham khảo thêm ý kiến của các bác sĩ trước khi sử dụng để đảm bảo an toàn cho trẻ. Mặc dù tình hình dịch bệnh có thể khiến mẹ không tránh khỏi cảm giác căng thẳng nhưng vẫn hãy cố giữ tinh thần lạc quan và duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh như ngủ đủ giấc, ăn uống đầy đủ và tập thể dục thường xuyên để giúp sức khỏe hồi phục nhanh chóng.
Việc nuôi con bằng sữa mẹ đóng vai trò rất quan trọng nhưng mẹ bị nhiễm Covid-19 cho con bú bằng sữa mẹ cần lưu ý phải thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp phòng ngừa an toàn theo khuyến cáo của y tế địa phương, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh. Đồng thời, khi gặp bất cứ khó khăn nào trong quá trình chăm sóc trẻ sơ sinh trong mùa dịch thì mẹ nên liên hệ ngay với các bác sĩ để được hỗ trợ kịp thời.
Trên đây là một số chia sẻ về chủ đề mẹ bị nhiễm Covid-19 có cho con bú sữa được không. Hy vọng sẽ giúp bạn có thêm nhiều kiến thức hữu ích trong việc chăm sóc trẻ sơ sinh trong mùa dịch phức tạp này nhé!
Thủy Phan
(Nguồn: Tổng Hợp)