Mẹ bầu bị tiêu chảy tháng cuối: Nguyên nhân và cách điều trị
Nguyên nhân mẹ bầu bị tiêu chảy tháng cuối là gì?
Các rối loạn về tiêu hóa vẫn thường xảy ra trong suốt thai kỳ, tiêu chảy là một trong những rối loạn tiêu hóa phổ biến ở phụ nữ mang thai. Những nguyên nhân gây tiêu chảy trong tam cá nguyệt thứ 3 có thể là do nhiễm vi khuẩn, virus hoặc thức ăn không hợp vệ sinh. Hơn nữa, sự thay đổi hormone trong giai đoạn cuối thai kỳ là một trong lý do mẹ bầu bị tiêu chảy tháng cuối. Trong thời kỳ này, mức độ thay đổi hormone có thể làm giảm chức năng của hệ tiêu hóa như táo bón, hoặc ngược lại tăng nhu động ruột gây tiêu chảy.
Mẹ bầu bị tiêu chảy tháng cuối do thay đổi hormone
Tiêu chảy trong tháng cuối thai kỳ là hiện tượng phổ biến và thường xảy ra gần ngày dự sinh. Chất prostaglandin được giải phóng khi cơn chuyển dạ sắp đến, khiến tử cung tăng co bóp và có thể tăng nhu động ruột dẫn đến tiêu chảy.
Tiêu chảy trong tam cá nguyệt thứ 3 có thể là dấu hiệu sắp chuyển dạ nhưng đó không phải là dấu hiệu duy nhất. Nếu bạn bị tiêu chảy và có một trong các triệu chứng sau đây, đó có thể là dấu hiệu bạn đang chuyển dạ:
- Bạn cảm thấy dễ thở hơn khi thai nhi đã đi xuống dưới, có thể tức vùng bụng dưới và cảm giác buồn tiểu.
- Ra máu âm đạo kèm theo nhầy.
- Ối vỡ, nước ối chảy ra ngoài qua âm đạo.
- Cảm giác gấp gáp, muốn rặn.
- Cổ tử cung sẽ mỏng và căng và mở ra.
- Các cơn gò tử cung dày, đều đặn, đau khi có cơn cơn gò.
Các prostaglanding tổng hợp, phổ biến là thuốc misoprostol có thể có tác dụng phụ tiêu chảy. Bởi vì misoprostol giúp phân hấp thu nhiều nước và chất điện giải từ dạ dày, góp phần gây tiêu chảy. Misoprostol thường được dùng để khởi phát chuyển dạ.
Tiêu chảy do nhiễm trùng
Nhiễm trùng đường ruột là một nguyên nhân phổ biến gây tiêu chảy. Bên cạnh triệu chứng đi cầu phân lỏng nước, người bị nhiễm trùng đường tiêu hóa có thể có các dấu hiệu khác như:
- Có máu trong phân;
- Nôn, buồn nôn;
- Sốt, ớn lạnh;
- Chóng mặt, choáng váng.
Tiêu chảy do bất thường đường tiêu hóa
Nếu mẹ bầu bị tiêu chảy kéo dài, cần tìm xem có bệnh lý đường tiêu hóa trước đó không. Tiêu chảy mạn tính (tiêu chảy kéo dài hơn 14 ngày) có thể là một triệu chứng của một bệnh đường ruột có sẵn như:
- Bệnh viêm ruột mạn: Bệnh Crohn, viêm loét đại tràng;
- Hội chứng ruột kích thích;
- Bệnh Celiac;
- Hội chứng loạn khuẩn ruột non SIBO.
Những bệnh trên có thể gây ra các triệu chứng khá đa dạng, bao gồm: Đau bụng, chướng bụng, đầy hơi, sụt cân, mệt mỏi, nôn, buồn nôn, ban ở da, đau khớp, thiếu máu…
Những nguyên nhân khác gây tiêu chảy trong 3 tháng cuối thai kỳ có thể do không dung nạp thức ăn, dị ứng, thay đổi chế độ ăn, stress, lo lắng, một số loại thuốc, ăn thức ăn nhiều đường, cồn như sorbitol, xylitol hoặc manitol.
Mẹ bầu bị tiêu chảy tháng cuối có nguy hiểm không?
Trong phần lớn các trường hợp, mẹ bầu bị tiêu chảy trong tháng cuối thường không gây ra hậu quả nghiêm trọng. Mẹ bầu mắc tiêu chảy có thể bị đau bụng quanh rốn, đôi khi kèm với những đợt buồn đi tiêu. Điều đáng lo là những cơn đau bụng này có thể kích thích lên tử cung gây ra những cơn gò có thể đe dọa sự an toàn của thai nhi. Một số trường hợp nhập viện cấp cứu trễ, sử dụng nhiều thuốc và kháng sinh cho điều trị có thể gây sảy thai, nguy cơ dị tật thai nhi.
Cần làm gì để cải thiện tiêu chảy?
Nếu tiêu chảy không phải do chuyển dạ thì hầu hết không cần phải lo lắng và tiêu chảy sẽ tự giới hạn. Tuy nhiên, hiện tượng tiêu chảy kéo dài nhiều ngày có thể gây ra mất nước nên điều quan trọng là cần phải bù nước cho thai phụ.
Mặt khác, bà mẹ cần tránh xa các thức ăn giàu chất béo, đồ chiên, cay, sữa và các chế phẩm từ sữa, vì lúc này niêm mạc đường tiêu hóa bị tổn thương chưa hấp thu tốt và dễ bị kích thích. Việc tiếp tục dùng các thức ăn này có thể khiến cho tiêu chảy trầm trọng hơn và thai phụ khó chịu hơn.
Hầu hết, tiêu chảy có thể tự giới hạn sau 2 - 3 ngày với một chế độ ăn thích hợp mà không cần điều trị thuốc. Nếu tiêu chảy kéo dài hơn khoảng thời gian nói trên, bà mẹ cần được đi khám và không nên tự uống bất cứ thuốc gì mà không có chỉ dẫn của bác sĩ. Việc mất nước kéo dài và trầm trọng có thể gây ra các biến chứng trong thai kỳ, ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé. Mẹ bầu bị tiêu chảy tháng cuối nên ăn thức ăn ít chất béo, mềm, dễ hấp thu.
Khi nào cần đi khám bác sĩ?
Mẹ bầu bị tiêu chảy trong tam cá nguyệt thứ ba nên đi khám bác sĩ nếu:
- Tiêu chảy kéo dài hơn 2 ngày;
- Có máu trong phân;
- Kèm theo sốt;
- Bạn nghi ngờ ngộ độc thực phẩm như nhiễm listeria, có thể truyền qua nhau thai và gây nguy hiểm cho em bé.
Mẹ bầu bị tiêu chảy tháng cuối không phải là một hiện trượng hiếm găp. Tiêu chảy trong thời kỳ này có thể do sự mất cân bằng hormone, là dấu hiệu của chuyển dạ, nhưng cũng có thể là một bất thường của hệ tiêu hóa. Tiêu chảy trong thai kỳ thường không phải là một dấu hiệu báo động. Tuy nhiên, tiêu chảy có thể gây mất nước, suy dinh dưỡng ảnh hưởng tới cả mẹ và thai nhi. Bù nước và thay đổi chế độ ăn thích hợp là những điều nên làm giúp tiêu chảy cải thiện và rút ngắn thời gian bệnh.
Xem thêm: