Mắc ung thư có nên tiêm vắc xin Covid-19?
Bệnh nhân ung thư là người có hệ miễn dịch cơ thể suy giảm. Mặt khác, tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe kém hơn so với những đối tượng khác do chịu ảnh hưởng từ bệnh và các phương pháp điều trị tích cực ung thư. Do đó, bệnh nhân ung thư cũng giống như những người có bệnh nền khác, nằm trong nhóm đối tượng khuyến cáo tiêm ngừa Covid-19. Hiện, tất cả khuyến cáo trên thế giới đều đề nghị bệnh nhân ung thư nên được tiêm phòng ngay khi có thể nếu không có chống chỉ định.
Các chuyên gia đưa ra giải thuyết, hiệu quả của vắc xin Covid-19 trên bệnh nhân bị ức chế/suy giảm miễn dịch có thể giảm so với các đối tượng khác nhưng nếu được tiêm có thể làm giảm nhẹ triệu chứng hoặc giảm mức độ nghiêm trọng nếu mắc Covid-19.
![Mắc ung thư có nên tiêm vaccine Covid-19? 1](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/mac_ung_thu_co_nen_tiem_vaccine_covid_19_1_694939d42d.png)
Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng Đơn nguyên Cấp cứu và Chăm sóc giảm nhẹ, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, không có sự khác biệt trong chỉ định tiêm chủng đối với bệnh nhân chưa xạ trị và đã xạ trị, “chỉ có sự khác biệt ở thời gian tiêm chủng". Cụ thể, bệnh nhân chưa xạ trị có thể tiêm ngay khi có vắc xin. Bệnh nhân sau xạ trị thường gặp sự suy giảm miễn dịch tức thời, nên các khuyến cáo cho rằng nên trì hoãn tiêm chủng sau kỳ xạ trị tối thiểu 14 ngày.
Ngoài ra, một số trường hợp cần hoãn tiêm vắc xin từ vài ngày cho đến ba tháng như: sau khi phẫu thuật, sau tiếp nhận các loại hóa chất gây độc tế bào mạnh, suy giảm bạch cầu trung tính, sử dụng liệu pháp corticoid, liệu pháp tế bào hoặc cấy ghép tế bào,...
Với người đã kết thúc điều trị ung thư, nếu không có chống chỉ định với bất kì thành phần nào của vắc xin thì hoàn toàn có thể tiếp nhận việc tiêm chủng.
![Mắc ung thư có nên tiêm vaccine Covid-19? 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/mac_ung_thu_co_nen_tiem_vaccine_covid_19_2_e6fd81b485.jpg)
Hiện nay, vắc xin Covid-19 đã chứng minh được hiệu quả và tính an toàn trên dân số chung nhưng các dữ liệu về vắc xin đối với người bệnh ung thư vẫn còn rất hạn chế. Vẫn chưa có báo cáo nào về việc tăng các tác dụng phụ của vắc xin khi tiêm trên bệnh nhân ung thư. “Các vắc xin hiện có ở Việt Nam không chứa virus sống hoặc chứa vector virus đã được biến đổi nên không gây ra các nguy hiểm tức thì cho người suy giảm miễn dịch như bệnh nhân ung thư", bác sĩ Hùng phân tích.
Hệ thống tiêm chủng tại Covid-19 tại Việt Nam vẫn chưa cho phép người được tiêm lựa chọn loại vắc xin. Vì thế bệnh nhân ung thư cũng giống như mọi người, sẽ được tiêm theo sự phân phối vắc xin của chính phủ.
![Mắc ung thư có nên tiêm vaccine Covid-19? 3](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/mac_ung_thu_co_nen_tiem_vaccine_covid_19_3_d260fc02c1.jpg)
Bác sĩ khuyến cáo, bệnh nhân cần nắm rõ phương pháp điều trị mà mình đang tiếp nhận, trao đổi thêm với bác sĩ để lựa chọn thời điểm tiêm chủng phù hợp.
Trước tiêm, cần khai báo rõ ràng và cụ thể tiền sử bệnh ung thư, cũng như các bệnh lý nền kèm theo với cơ sở tiêm chủng. Sau tiêm, người bệnh cần được theo dõi sát sao để phát hiện và xử lý kịp thời tác dụng phụ, nếu có.
Người thân hoặc người chăm sóc bệnh nhân ung thư cũng cần được tiêm chủng, đồng thời nghiêm túc thực hiện nguyên tắc 5K và khuyến cáo phòng tránh dịch bệnh để bảo vệ bản thân và người nhà.
Thụy Anh
Nguồn tham khảo: vnexpress.net