Loạn thị bẩm sinh có chữa được không?
Bệnh loạn thị bẩm sinh do di truyền có liên quan đến cấu trúc giải phẫu của mắt. Nhiều nghiên cứu thống kê chỉ ra rằng: Nếu cả cha và mẹ đều bị loạn thị thì tỷ lệ sinh con mắc loạn thị cũng sẽ cao hơn so với những đối tượng khác.
Loạn thị bẩm sinh là gì?
Loạn thị bẩm sinh là tình trạng trẻ nhỏ có thương tổn về cấu trúc và hình dạng của nhãn cầu ngay từ khi mới chào đời. Mắt có dạng bất thường (không phải là hình cầu) xuất hiện ngay khi sinh ra hoặc sau khi sinh có thể xảy ra ở một hoặc cả hai bên mắt.
Loạn thị bẩm sinh thường do thương tổn về cấu trúc và hình dạng của nhãn cầu
Mức độ loạn thị ở trẻ em thường không giống nhau do bề mặt không đều của giác mạc hoặc thủy tinh thể. Loạn thị nhẹ thường không nguy hiểm và không ảnh hưởng nhiều đến thị lực. Tuy nhiên, nếu trẻ quá 10 tuổi bị loạn thị nhưng không được phát hiện và điều trị sẽ rất dễ bị nhược thị và lé, thậm chí là cả mù lòa do hệ thống thị giác của trẻ nhỏ phát triển chưa hoàn thiện.
Dấu hiệu của loạn thị bẩm sinh
Khi bị tật khúc xạ ở mắt loạn thị, sự phát triển bình thường của mắt bị ảnh hưởng. Để nhận biết trẻ nhỏ có mắc loạn thị bẩm sinh hay không, bố mẹ có thể quan sát những dấu hiệu sau đây:
- Mắt mờ khi nhìn cả xa lẫn gần, hình ảnh nhìn thấy không rõ, bị nhòe và méo mó.
- Nhức đầu ở vùng trán và thái dương.
- Mắt dễ bị kích thích, thường bị chảy nước mắt.
- Xuất hiện hai hoặc ba bóng mờ khi nhìn mọi vật.
- Trẻ bị loạn thị bẩm sinh thường mỏi mắt và khi nhìn phải nheo mắt.
Các dấu hiệu trên thường diễn tiến chậm, trong khoảng thời gian dài nên dễ khiến nhiều người lơ là không nhận thấy được. Để đảm bảo an toàn thị lực, người bệnh cần được khám mắt ngay nếu có bất kỳ sự thay đổi nào.
Dấu hiện loạn thị ở trẻ tiến triển chậm nên khó phát hiện sớm
Một chế độ dinh dưỡng nghèo nàn, thói quen xem tivi, máy tính, điện thoại quá nhiều cũng góp phần gia tăng con số trẻ nhỏ bị loạn thị.
Loạn thị bẩm sinh có chữa được không?
Loạn thị bẩm sinh do nguyên nhân di truyền nên khó phòng tránh được. Tuy nhiên, bệnh lý này hoàn toàn có thể khắc phục bằng các phương pháp điều trị bệnh loạn thị như đeo kính hoặc phẫu thuật. Trẻ bị loạn thị không được chỉnh kính và tập luyện thị lực đúng hướng sẽ bị ảnh hưởng rất xấu đến thị lực có thể dẫn đến nhược thị.
Đối với trẻ dưới 18 tuổi
- Nếu tật loạn thị của bé thuộc loại nhẹ, không gây ảnh hưởng thị lực và không có vấn đề mắt nào khác, bác sĩ sẽ đưa ra kết quả bé bị loạn thị bao nhiêu độ và không cần dùng đến biện pháp chữa trị.
- Với trẻ bị loạn thị ở mức độ thông thường thì đeo kính gọng và đeo kính áp tròng cứng là 2 phương pháp thường sử dụng. Đeo kính giúp bù đắp cho hình dạng không đồng đều của đôi mắt. Đồng thời, kính sẽ hỗ trợ rất nhiều trong việc khắc phục tầm nhìn cũng như khả năng nhìn của trẻ bị loạn thị bởi hình ảnh truyền về mắt sẽ rõ ràng hơn.
- Trường hợp trẻ loạn thị quá nặng hoặc bị loạn thị quá lâu mà không điều chỉnh, độ chênh lệch giữa hai mắt vượt quá 5 dioptre, mổ là bắt buộc. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo hạn chế phẫu thuật với trẻ em vì tồn tại nhiều rủi ro do đôi mắt chưa phát triển và độ loạn còn chưa ổn định.
Với người đủ 18 tuổi trở lên
Khi đã đủ 18 tuổi trở lên và đáp ứng một số điều kiện khác, để điều trị dứt điểm chứng loạn thị, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật khúc xạ. Các phương pháp phẫu thuật thường được áp dụng cho người bị loạn thị bẩm sinh có thể là PRK, Lasek, Lasik…
Theo các bác sĩ nhãn khoa, khả năng hồi phục sau điều trị loạn thị bẩm sinh bằng phẫu thuật rất cao và không tái loạn thị. Tuy nhiên, với các trường hợp bị loạn quá nặng hoặc do một số vấn đề nào đó vẫn có thể tái loạn thị và phải áp dụng phương pháp đeo kính để khắc phục.
Khả năng phục hồi thị lực khi phẫu thuật cho trẻ bị loạn thị bẩm sinh rất cao
Một số thực phẩm tốt cho trẻ bị loạn thị
Thường xuyên ăn các thực phẩm sau đây không chỉ tốt cho mắt mà còn giúp bạn tăng cường sức khỏe.
Cá hồi
Cá hồi rất giàu acid béo Omega-3 giúp bảo vệ độ ẩm thiết yếu của mắt và chống lại bệnh thoái hóa điểm vàng. Ngoài ra, những chất dinh dưỡng như kali, sắt vitamin B12 và vitamin D trong cá hồi có thể bảo vệ võng mạc và ngăn ngừa các tật khúc xạ ở mắt.
Cà rốt
Các loại rau củ quả có màu cam như cà rốt chứa rất nhiều vitamin A, beta-caroten và chất chống oxy hóa, giúp chống lại các bệnh thoái hóa mắt như đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng, tăng nhãn áp và bệnh võng mạc. Cà rốt còn có khả năng ngăn ngừa quáng gà, giúp giác mạc khỏe mạnh. Với những trẻ không thích ăn sống cà rốt vì quá cứng thì có thể uống nước ép cà rốt.
Bông cải xanh
Trong bông cải xanh chứa rất nhiều vitamin B2 và các loại dưỡng chất giúp ngăn chặn tình trạng đục tinh thể. Thiếu vitamin có thể gây ra hiện tượng nhạy cảm với ánh sáng, mệt mỏi mắt, mờ mắt và viêm. Bổ sung bông cải xanh trong thực đơn góp phần cải thiện hiệu quả tình trạng này. Các chất Phyto, Lutein và Zeaxanthin chống oxy hóa có trong loại rau xanh còn có công dụng bảo đảm sức khỏe của mắt và duy trì thị lực, giúp mắt hạn chế việc bị loạn thị.
Bổ sung cho trẻ những thực phẩm chứa nhiều dinh dưỡng cho mắt
Chocolate đen
Chất chống oxy hóa như flavonoid có trong chocolate đen làm tăng lưu lượng máu đến võng mạc. Ăn thường xuyên các thực phẩm chứa flavonoid giúp cải thiện thị lực, mắt có thể nhìn thấy ngay cả dưới ánh sáng mờ.
Bơ
Bơ là loại trái cây chứa lutein giúp ngăn ngừa bệnh loạn thị, bệnh đục nhân mắt, đặc biệt ở người già. Các chất dinh dưỡng khác như vitamin C, vitamin E, vitamin B6, beta carotene… có trong bơ góp phần đảm bảo thị lực tốt cho trẻ bị loạn thị.
Loạn thị bẩm sinh nếu không được điều trị đúng cách có thể dẫn đến các bệnh lý khác và thậm chí là mất thị lực. Do đó, khi nhận thấy bất cứ biểu hiện nào của loạn thị, bạn nên đưa con đến ngay các cơ sở chuyên khoa mắt để được chẩn đoán và chỉ định điều trị chính xác nhất. Ngoài ra trẻ bị loạn thị nên thường xuyên thăm khám định kỳ để đo độ và điều chỉnh kính hợp lý.
Minh QA
Nguồn: Tổng hợp