Lỡ uống thuốc hạ sốt khi mang thai có tác hại gì không?

Việc lỡ uống thuốc hạ sốt khi mang thai có thể gặp trong các trường hợp khi người phụ nữ chưa nhận biết được rằng bản thân mình có thai hoặc lỡ uống thuốc theo thói quen mà chưa tham khảo thông tin từ trước. Việc sử dụng thuốc ở phụ nữ có thai sẽ có những chỉ định đặc biệt hơn so với bình thường do đó phụ nữ có thai trước khi dùng thuốc nên tham khảo kỹ hướng dẫn sử dụng hoặc xin ý kiến chuyên gia về việc dùng thuốc để đảm bảo tính an toàn của việc dùng thuốc trong thai kỳ. 

Nguyên nhân và ảnh hưởng của tình trạng sốt trong quá trình mang thai

Phụ nữ có thai thường dễ bị mắc các bệnh lý hơn so với những người bình thường do hệ miễn dịch bị suy yếu trong quá trình mang thai. Việc xác định và theo dõi được tình trạng sốt có thể là những dấu hiệu quan trọng để có thể được chẩn đoán sớm nguyên nhân gây bệnh, qua đó nâng cao hiệu quả điều trị và theo dõi phòng tránh sớm được những biến chứng có thể gặp ở mẹ và thai nhi. 

Các nguyên nhân gây sốt thường gặp ở phụ nữ có thai

Phụ nữ có thai thường dễ bị tổn thương bởi các bệnh lý thông thường hơn so với người bình thường, và tùy từng thời kỳ mang thai mà biểu hiện của các bệnh lý này cũng có thể có sự khác biệt so với người trưởng thành bình thường. Do đó mẹ bầu cần được theo dõi tình trạng sốt để có thể xác định sớm và chính xác hơn nguyên nhân gây bệnh. Tình trạng sốt ở phụ nữ có thai thường gặp do các nguyên nhân sau:

  • Nhiễm khuẩn đường tiết niệu.
  • Viêm thận bể thận.
  • Cúm.
  • Viêm phổi.
  • Viêm hạch hạnh nhân (Viêm amidan).
  • Viêm dạ dày do virus.
Lỡ uống thuốc hạ sốt khi mang thai có tác hại gì không? 1 Sốt là dấu hiệu bất thường trong quá trình mang thai

Bên cạnh đó, việc bị ngộ độc thực phẩm cũng là một nguyên nhân có thể dẫn tới tình trạng sốt trong thai kỳ. Ngộ độc thực phẩm do virus thường gặp hơn là do vi khuẩn, khi bị ngộ độc thực phẩm thì mẹ bầu có thể có các triệu chứng như đau bụng, buồn nôn và nôn. Tình trạng tiêu chảy và nôn ở phụ nữ có thai là một vấn đề hết sức nghiêm trọng và cần được giải quyết sớm do nguy cơ dẫn tới mất nước, rối loạn điện giải, rối loạn huyết động, co thắt tử cung và sinh non.

Do đó nếu phụ nữ mang thai có nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm thì cần được theo dõi và xử trí tại các cơ sở y tế để tránh được các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Ảnh hưởng của tình trạng sốt tới mẹ và thai nhi

Ảnh hưởng của sốt trong thai kỳ sẽ có mức độ khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân gây sốt, thời điểm sốt và mức độ sốt: 

  • Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu nếu có sốt virus sẽ làm tăng nguy cơ thai có dị tật ống thần kinh, sảy thai, thai chết lưu.
  • Từ tam cá nguyệt thứ hai trở đi, các nguyên nhân gây sốt thường có ít nguy cơ gây dị tật thai nhi hơn.
  • Tình trạng sốt cao trên 39,5 độ C có thể gây suy thai hoặc thậm chí thai chết lưu.
  • Sau khi xác định được nguyên nhân gây bệnh, các thuốc khác để điều trị nguyên nhân gây sốt có cũng có thể có các tác hại nhất định tới thai nhi.
Lỡ uống thuốc hạ sốt khi mang thai có tác hại gì không? 2 Tình trạng sốt ở mẹ có thể ảnh hưởng tới thai nhi

Dù bất kỳ nguyên nhân gây sốt là gì, phụ nữ có thai nên tới cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán nguyên nhân sớm, cũng như được bác sĩ hướng dẫn theo dõi và hạ sốt một cách phù hợp. 

Chỉ định dùng thuốc hạ sốt ở phụ nữ có thai

Tình trạng sốt ở phụ nữ có thai luôn là dấu hiệu cảnh báo có tác nhân gây bệnh nguy hiểm, do đó phụ nữ mang thai luôn được khuyên là nên được thăm khám chuyên sâu bởi chuyên gia trước khi được chỉ định điều trị thuốc. 

Một số các tác nhân gây sốt như cảm cúm thông thường thì có thể được điều trị an toàn bằng các thuốc nhóm Paracetamol, uống đủ nước và bổ sung vi chất. Khi nguyên nhân gây sốt là vi khuẩn, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc kháng sinh đặc hiệu để điều trị nguyên nhân. 

Trong điều trị triệu chứng sốt ở phụ nữ có thai, Paracetamol luôn là nhóm thuốc đầu tay do tính hiệu quả và sự an toàn. Liều Paracetamol an toàn với phụ nữ mang thai là sử dụng 1 viên hàm lượng 500mg mỗi khi có sốt trên 38,5 độ C, các liều dùng cách nhau từ 4 - 6 giờ và không dùng quá 6 viên mỗi ngày. 

Đối với một số trường hợp có chống chỉ định dùng Paracetamol như ở phụ nữ mang thai có viêm gan B thì thuốc được ưu tiên sử dụng là Aspirin, nếu không dùng được Aspirin thì có thể cân nhắc dùng NSAIDs. Trước khi dùng bất kỳ các loại thuốc gì, mẹ bầu nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được nắm rõ về chỉ định, thời gian sử dụng và liều dùng trong quá trình mang thai. 

Lỡ uống thuốc hạ sốt khi mang thai có tác hại gì không? 3 Việc sử dụng thuốc ở phụ nữ có thai cần được cân nhắc cẩn thận

Một số những triệu chứng nguy hiểm ở phụ nữ mang thai mà nên được thăm khám sớm bởi bác sĩ thay vì tự ý điều trị thuốc tại nhà:

  • Khó thở.
  • Đau vùng thắt lưng.
  • Sốt rét run, ớn lạnh.
  • Đau bụng.
  • Cứng cổ, gáy.

Các dấu hiệu trên cảnh báo những tình trạng sức khỏe nguy hiểm có thể ảnh hưởng tới sự an toàn của cả mẹ và thai nhi nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Do đó mẹ bầu nên chú ý các triệu chứng đi kèm với cơn sốt và không tự ý điều trị triệu chứng sốt tại nhà nếu có các dấu hiệu bất thường như trên. 

Lỡ uống thuốc hạ sốt khi mang thai thì có ảnh hưởng gì tới thai nhi không?

Khi lỡ uống thuốc hạ sốt khi mang thai do một vài nguyên nhân nào đó, mẹ bầu cần kiểm tra lại loại thuốc hạ sốt mình sử dụng có phải là loại thuốc an toàn cho phụ nữ mang thai hay không. Thông thường các thuốc nhóm Paracetamol có thể được sử dụng an toàn ở phụ nữ có thai trong khi các thuốc nhóm Salicylate và NSAIDs như Aspirin hoặc Ibuprofen thường không được chỉ định để hạ sốt cho phụ nữ mang thai. 

Lỡ uống thuốc hạ sốt khi mang thai có tác hại gì không? 4 Lỡ uống thuốc hạ sốt khi mang thai có hại không?

Nếu lỡ dùng với liều nhỏ và ít thì Aspirin thường không gây ra quá nhiều ảnh hưởng tới thai kỳ, tuy nhiên nếu sử dụng trong thời gian dài hoặc liều cao thì có thể ảnh hưởng tới quá trình đông cầm máu của mẹ và thai nhi gây nguy cơ xuất huyết. 

Liều cao Aspirin còn có thể gây thai chậm phát triển trong tử cung hoặc một số dị tật bẩm sinh. Khi dùng Aspirin ở thời điểm gần trước ngày sinh với liều cao có thể gây chuyển dạ kéo dài hoặc đóng ống động mạch sớm ở thai nhi. Do đó khi lỡ sử dụng Aspirin liều cao kéo dài, mẹ bầu nên tới các cơ sở y tế để được theo dõi và xác định các nguy cơ có thể gây ra do thuốc. 

Các thuốc nhóm NSAIDs cũng có thể gây ra những ảnh hưởng xấu chủ yếu là tới thai nhi. Nhóm thuốc này được cho là không gây tác hại nhiều với liều sử dụng thấp và dùng trong thời gian ngắn. Mặc dù các nghiên cứu vẫn còn chưa thống nhất được nguy cơ ảnh hưởng tới thai nhi trong tam cá nguyệt đầu tiên và thứ hai, việc sử dụng NSAIDs cũng được khuyến cáo là có thể đem tới một số nguy cơ nhất định cho thai nhi.

Từ tuần thai thứ 20 trở đi, việc sử dụng NSAIDs như Ibuprofen đã được chứng minh có thể gây suy giảm chức năng thận của thai nhi, gây hiện tượng đa ối và thậm chí có thể gây suy thận ở thời kỳ sơ sinh. Khi sử dụng NSAIDs từ tuần thai thứ 30 trở đi, nhóm thuốc này có khả năng gây đóng sớm ống động mạch ở thai nhi, do đó nếu bắt buộc cần dùng nhóm thuốc này thì phụ nữ mang thai có thể sử dụng với liều lượng và thời gian dùng rất hạn chế trong khoảng thời gian từ tuần thứ 20 - 30 của thai kỳ và không phải sử dụng nhóm thuốc này từ sau tuần thứ 30 của thai kỳ. 

Khi phụ nữ có thai cần được điều trị với NSAIDs, cần tiến hành các xét nghiệm và thăm dò theo dõi các biến chứng có thể có chẳng hạn như theo dõi đa ối bằng siêu âm thai, và nếu có tình trạng đa ối xảy ra thì cần ngừng sử dụng nhóm thuốc này cùng với việc cân nhắc các biện pháp điều trị thay thế. 

Việc sử dụng thuốc trong thời kỳ mang thai luôn cần sự cẩn trọng trong quá trình kê đơn cũng như sự tuân thủ chính xác hướng dẫn sử dụng của mẹ bầu trong quá trình điều trị. Do đó khi cần sử dụng thuốc hạ sốt, mẹ bầu nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia trước khi điều trị. Trường hợp lỡ uống thuốc hạ sốt khi mang thai mà không rõ ảnh hưởng của thuốc, phụ nữ mang thai nên tới gặp các chuyên gia để được tư vấn xác định nguyên nhân gây sốt, nguy cơ tác dụng phụ của thuốc và theo dõi thường xuyên trong thai kỳ. 

Ánh Vũ

Nguồn: Healthline.com & Medlatec.vn



Chat with Zalo