Lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tăng huyết áp sao cho đúng?
Vậy, để lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tăng huyết áp cần lưu ý nguyên tắc gì? Hãy tham khảo bài viết sau đây để được giải đáp chi tiết hơn nhé.
Bệnh tăng huyết áp là gì?
Bệnh tăng huyết áp hay còn gọi là bệnh cao huyết áp xảy ra khi áp lực của máu lên các thành mạch cao hơn nhiều so với bình thường. Do bệnh thường không có triệu chứng cụ thể nên bệnh nhân có thể mắc bệnh nhiều năm liền mà không hay biết. Tuy nhiên, nếu người bệnh không được chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như đột quỵ, lên cơn đau tim, liệt…
Có nhiều nguyên nhân gây nên bệnh tăng huyết áp như do di truyền, hút thuốc lá, các chất kích thích, nghiện rượu bia, béo phì, thừa cân, stress, ngồi lâu trong thời gian dài, ăn nhiều muối, thiếu hụt vitamin D, người già ít vận động.
Các bước lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tăng huyết áp
Nguyên tắc chung
Khi lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tăng huyết áp, người nhà cần cung cấp đầy đủ thông tin của người bệnh với bác sĩ điều trị chuyên khoa để nắm rõ tình trạng bệnh, từ đó kiểm soát và kéo dài thời gian gây nên những biến chứng của bệnh. Đặc biệt, bệnh nhân cần sống trong môi trường không có những biến động mạnh về cả tâm lý và thể chất, giữ tinh thần luôn ổn định, thoải mái, sống vui vẻ, tích cực là liều thuốc tinh thần tốt nhất để điều trị bệnh.
Mục tiêu lập kế hoạch
Vì sao chăm sóc bệnh nhân tăng huyết áp cần lập kế hoạch? Hãy lưu ý những mục tiêu sau:
- Lập kế hoạch để kiểm soát tốt huyết áp của người bệnh, duy trì huyết áp nằm trong giới hạn bình thường một cách bền vững.
- Hạn chế xảy ra những biến chứng của bệnh lý tăng huyết áp.
- Nếu xảy ra những biến chứng hãy điều trị kịp thời để bảo vệ sức khỏe người bệnh.
- Phòng ngừa những cơn tăng huyết áp kịch phát, khó kiểm soát, cần cấp cứu.
- Hạn chế tăng huyết áp đề kháng với thuốc điều trị.
- Tìm liều thuốc thấp nhất, hiệu quả nhất để duy trì huyết áp ổn định.
- Xây dựng và duy trì lối sống lạnh mạnh, khoa học để ổn định huyết áp và hạn chế những biến chứng có thể xảy ra.
Kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tăng huyết áp
Người chăm sóc người bệnh cần tuần theo quy trình chăm sóc bệnh nhân tăng huyết áp như sau:
Tái khám theo định kỳ, kiểm tra huyết áp tại nhà
Người bệnh nên tái khám theo định kỳ nhằm phát hiện những biến chứng của bệnh tăng huyết áp để điều trị kịp thời như rối loạn nhịp tim, dày các buồng tim, suy tim, suy thận…
Bên cạnh đó, cần chăm sóc bệnh nhân tăng huyết áp tại nhà, việc đơn giản nhưng rất quan trọng cần làm chính là kiểm tra huyết áp. Người bệnh có thể dùng máy đo huyết áp điện tử tự đo huyết áp ít nhất hai lần mỗi ngày hoặc đo nhiều lần hơn nếu cảm thấy những dấu hiệu bất thường như đau đầu, nặng đầu, xây xẩm, chóng mặt, tim đập nhanh…
Xây dựng chế độ ăn uống cho người tăng huyết áp
Khi lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tăng huyết áp cần lưu ý đến chế độ ăn uống. Ăn uống khoa học, lành mạnh góp phần ổn định huyết áp, tăng cường sức khỏe hệ tim mạch. Bạn có thể xây dựng thực đơn phù hợp cho người tăng huyết áp như sau:
- Kiểm soát cân nặng để ổn định huyết áp vì người thừa cân, béo phì rất dễ bị tăng huyết áp. Người bệnh nên giữ cân nặng sao cho mức BMI của cơ thể nằm trong khoảng 18.5 đến 23.
- Nên ăn nhạt, không nên ăn quá nhiều muối vì làm huyết áp tăng cao. Tốt nhất không nên ăn quá 5 - 6 gram muối ăn mỗi ngày.
- Không nên ăn nhiều chất bột đường.
- Hạn chế chất béo, nhất là mỡ động vật.
- Hạn chế uống rượu bia, các thức uống có cồn hoặc chứa chất kích thích.
- Hạn chế ăn khuya, ăn trễ vào buổi tối sau 19 giờ.
- Áp dụng một số phương pháp giảm cân tự nhiên như uống trà chanh, trà xanh, trà mật ong, trà khổ qua…
Duy trì thói quen tập luyện
Đây là nội dung quan trọng trong lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tăng huyết áp. Các chuyên gia khuyến khích người bệnh tăng huyết áp nên xây dựng và duy trì thói quen tập luyện phù hợp. Chú ý tập vừa phải, không quá sức. Nên tập ít nhất 5 ngày mỗi tuần và ít nhất 30 phút mỗi ngày.
Hạn chế chất kích thích, thuốc lá
Để ổn định huyết áp, người bệnh nên từ bỏ thuốc lá, đồng thời hạn chế các chất kích thích như rượu bia, các thức uống có cồn, hoặc các thức uống chứa chất cocain, caffein. Các chất kích thích này sẽ làm hệ giao cảm của cơ thể tăng cường hoạt động, dẫn đến tăng nhịp tim, tăng cung lượng tim và tăng huyết áp.
Giữ cho tinh thần thoải mái
Cần xây dựng một chế độ nghỉ ngơi hợp lý cho bệnh nhân tăng huyết áp. Người bệnh không nên làm việc quá nhiều, giữ tinh thần thoải mái và ngủ đủ giấc. Vì tâm lý thường xuyên căng thẳng sẽ làm huyết áp tăng cao, dễ bị biến chứng tâm thần do tăng huyết áp như lo âu, mất ngủ, trầm cảm…
Quỳnh Trang
Nguồn tham khảo: Tổng hợp