Hội chứng FHC (Fitz-Hugh-Curtis): Nguyên nhân, cách điều trị

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về hội chứng FHC bao gồm các triệu chứng, nguyên nhân, và cách điều trị. Bài viết cũng sẽ đưa ra tầm quan trọng của việc chẩn đoán kịp thời và tiếp cận điều trị hiệu quả để ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra và bảo vệ sức khỏe một cách tốt nhất. Nếu bạn quan tâm tới vấn đề này, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết bạn nhé!

Tìm hiểu về hội chứng FHC

Hội chứng FHC là gì?

Hội chứng FHC (Fitz-Hugh-Curtis) là một tình trạng viêm nhiễm hiếm gặp, đặc trưng bởi sự viêm nhiễm và dính màng bao gan với phúc mạc mà không ảnh hưởng đến nhu mô gan. Đây là một biến chứng mạn tính của bệnh viêm nhiễm vùng chậu (PID).

Tỷ lệ mắc bệnh FHC ở phụ nữ có thể khoảng 4% ở những trường hợp viêm nhiễm vùng chậu nhẹ đến trung bình từ góc độ dịch tễ học. Tuy nhiên, tỷ lệ này có thể cao hơn đối với những người có các yếu tố nguy cơ như bệnh lao sinh dục. FHC thường thấy ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, mặc dù cũng đã có một số trường hợp được báo cáo ở nam giới.

Về mặt bệnh học, FHC được cho là kết quả của sự lây lan trực tiếp của viêm nhiễm hoặc nhiễm trùng vùng chậu ban đầu đến phúc mạc và quanh gan.

Hội chứng FHC (Fitz-Hugh-Curtis): Nguyên nhân, cách điều trị 1
Hội chứng FHC thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ

Nguyên nhân hội chứng FHC do đâu?

Hầu hết các trường hợp của hội chứng Fitz-Hugh-Curtis xuất phát từ nhiễm khuẩn Chlamydia Trachomatis hoặc bệnh lậu, một căn bệnh do vi khuẩn Neisseria Gonorrhoeae gây ra. Cả hai đều thuộc loại bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs). Các nghiên cứu cho thấy rằng nhiều trường hợp chủ yếu do nhiễm Chlamydia Trachomatis hơn là do Neisseria Gonorrhoeae.

Cơ chế bệnh sinh của Fitz-Hugh-Curtis vẫn còn nhiều khía cạnh chưa được hiểu rõ hoàn toàn. Tuy nhiên, có một số giả thuyết về nguyên nhân gây bệnh bao gồm:

  • Sự nhiễm trùng lan đến gan và các mô xung quanh, có thể xảy ra do vi khuẩn di chuyển trực tiếp từ khung chậu qua đến gan hoặc qua máu hay hệ thống bạch huyết.
  • Có khả năng là do phản ứng tự miễn của cơ thể khi nhiễm vi khuẩn Neisseria Gonorrhoeae hoặc Chlamydia Trachomatis.

Hội chứng Fitz-Hugh-Curtis thường được đặc trưng bởi sự phát triển của các mô sẹo dạng sợi hoặc dạng chuỗi (kết dính) giữa gan và thành bụng hoặc cơ hoành.

Hội chứng FHC (Fitz-Hugh-Curtis): Nguyên nhân, cách điều trị 2
Hội chứng FHC đặc trưng bởi sự kết dính của bao gan vào thành bụng

Hội chứng FHC biểu hiện như thế nào?

Hội chứng FHC thường xuất hiện ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ với triệu chứng đau ở nửa trên bên phải của bụng. Đau này xuất phát từ sự dính của màng bao gan vào thành bụng và nó có xu hướng gia tăng khi bệnh nhân thay đổi tư thế, thực hiện các hoạt động vận động, hoặc thậm chí khi thở.

Các triệu chứng kèm theo thường bao gồm sốt, mệt mỏi, buồn nôn, nôn mửa, ra khí hư và rối loạn tiểu tiện. Các yếu tố nguy cơ gây bệnh FHC bao gồm tuổi dưới 25, bắt đầu quan hệ tình dục ở độ tuổi dưới 15, tiền sử bệnh lý viêm nhiễm vùng tiểu khung - sinh dục và việc sử dụng các biện pháp tránh thai đặt trong tử cung.

Chuẩn đoán và điều trị hội chứng FHC như thế nào?

Chuẩn đoán hình ảnh xác định hội chứng FHC

Hình ảnh CT Scan sẽ phản ánh sự viêm nhiễm trong vùng chậu và xung quanh gan. Cụ thể:

  • Về phần vùng chậu: CT Scan có thể chỉ ra sự tồn tại của áp xe phần phụ, sự tích tụ mủ trong vòi trứng và sự tồn tại của dịch trong vùng tiểu khung.
  • Về phần vùng quanh gan: CT Scan có thể thấy các dải viêm, có dấu hiệu dịch chảy dọc theo rãnh đại tràng phải và quanh gan, bao trùm bề mặt gan, thay đổi trong việc viêm nhiễm quanh đường mật và sự bất thường trong việc cung cấp máu cho mô gan qua các mạch máu.
Hội chứng FHC (Fitz-Hugh-Curtis): Nguyên nhân, cách điều trị 3
Chẩn đoán hình ảnh giúp xác định chính xác hội chứng FHC

Trong quá trình chẩn đoán, cần phải phân biệt với các tình trạng khác bao gồm:

  • Carcinomatosis phúc mạc: Hình ảnh CT Scan có nhiều nốt phúc mạc hơn, có tính chất ác tính rõ rệt hơn trong vùng chậu và có những triệu chứng lâm sàng khác.
  • Viêm ruột thừa: Đôi khi, viêm ruột thừa cũng có thể tạo ra các biểu hiện tương tự. Vì vậy, việc chẩn đoán phải được phân biệt cẩn thận và cần lưu ý rằng viêm ruột thừa cũng là một biến chứng có thể xảy ra.

Phương pháp điều trị hội chứng FHC

Điều trị hội chứng FHC tập trung vào việc giảm các triệu chứng cụ thể ở từng bệnh nhân:

  • Kháng sinh: Là thuốc điều trị chính cho hội chứng FHC bao gồm các loại kháng sinh như Tetracycline, Doxycycline, Ofloxacin, Metronidazole… có thể được kê đơn theo để điều trị các nhiễm trùng cơ bản.
  • Thuốc giảm đau: Trong một số trường hợp điều trị viêm nhiễm vùng chậu, thuốc giảm đau như Acetaminophen và Codein có thể được sử dụng để giảm đau.
  • Phẫu thuật mở bụng: Trong những tình huống mà liệu pháp kháng sinh không giúp giảm triệu chứng hoặc khi tình trạng trở nên nghiêm trọng, phẫu thuật mở bụng có thể được chỉ định thực hiện. Trong quá trình này, bác sĩ sẽ thực hiện một vết cắt nhỏ trên bụng và sử dụng dụng cụ để kiểm tra và gỡ bỏ mô sẹo (kết dính) nếu có trong vùng quanh gan.
Hội chứng FHC (Fitz-Hugh-Curtis): Nguyên nhân, cách điều trị 4
Sử dụng thuốc kháng sinh giúp điều trị hiệu quả hội chứng FHC

Những lưu ý về hội chứng FHC

Các rối loạn liên quan đến hội chứng FHC

Các triệu chứng của các tình trạng sau đây có thể tương tự với các triệu chứng của hội chứng FHC, do đó việc so sánh chúng có thể hỗ trợ trong quá trình chẩn đoán trở nên dễ dàng hơn:

  • Viêm gan siêu vi: Một số người có thể không phát triển triệu chứng rõ ràng bao gồm buồn nôn, nôn mửa, đau đầu, đau cơ, đau bụng, và biểu hiện da và niêm mạc bị vàng (da và mắt trắng vàng).
  • Viêm túi mật: Bệnh này có thể gây ra nhiều triệu chứng khác nhau bao gồm đau dữ dội ở phía bên phải của bụng (dưới xương sườn phải), buồn nôn, nôn mửa, khó tiêu, sốt, vàng da, niêm mạc và mắt kéo dài (biểu hiện vàng).
  • Các tình trạng khác có thể có triệu chứng tương tự với hội chứng FHC bao gồm sỏi đường mật, viêm bể thận, viêm tụy, bệnh giời leo, viêm ruột thừa, sỏi thận, bệnh loét dạ dày tá tràng, viêm phổi do vi khuẩn, nấm hoặc virus. Điều này có thể làm cho quá trình chẩn đoán trở nên phức tạp, vì các triệu chứng này cũng có thể xuất hiện ở các loại bệnh khác nhau.

Phòng ngừa hội chứng FHC như thế nào?

Bản chất của hội chứng này là bệnh nhiễm trùng qua đường tình dục. Do đó, để phòng ngừa bệnh, việc ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn là rất quan trọng đặc biệt là qua đường sinh dục.

  • Quan hệ tình dục an toàn: Sử dụng các biện pháp bảo vệ như bao cao su để giảm nguy cơ lây nhiễm các bệnh lây qua đường tình dục.
  • Vệ sinh cá nhân: Duy trì vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đặc biệt là đường sinh dục để giảm khả năng nhiễm trùng.
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Thường xuyên đến cơ sở y tế để thăm khám và kiểm tra sức khỏe giúp phát hiện và điều trị bệnh kịp thời khi có triệu chứng bệnh.

Hy vọng những thông tin trong bài viết đã giúp bạn hiểu rõ hơn hội chứng FHC. Việc hiểu và nắm bắt thông tin đầy đủ cũng như nhận biết sớm để can thiệp điều trị kịp thời là rất quan trọng. Nếu có bất ký thắc mắc nào, hãy liên hệ với bác sĩ hoặc chuyên gia y tế để được tư vấn.



Chat with Zalo