Hạ đường huyết ở người cao tuổi: nguyên nhân và cách xử trí

Đối với người già, bất kỳ tình trạng bất thường nào cũng là yếu tố nguy cơ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và tính mạng, trong đó có hạ đường huyết ở người cao tuổi.

Hạ đường huyết ở người cao tuổi là một trong những bệnh lý cần đặc biệt chú ý. Bài viết sau đây sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về nguyên nhân gây bệnh và cách xử trí cần thiết nếu rơi vào tình trạng này.

Hạ đường huyết ở người cao tuổi: nguyên nhân và cách xử trí 1Cần đặc biệt chú ý hạ đường huyết ở người cao tuổi.

1. Nguyên nhân gây hạ đường huyết ở người cao tuổi

Do đột ngột tăng lượng sử dụng đường ở gan

Ở người già, kho dự trữ đường ở gan không còn dồi dào và khả năng huy động không còn linh hoạt nữa. Cụ thể, gan người cao tuổi giảm khả năng dự trữ glucid, nhất là khi xa bữa ăn. Bởi vậy, một khi tiếp cận với môi trường lạnh (do đột ngột ra lạnh mà không mặc đủ ấm, do ở lâu ngoài trời lạnh), người cao tuổi rất dễ hạ đường huyết. Ngoài ra, dùng sức đột ngột mà thiếu sự khởi động cho cơ thể kịp thích nghi cũng dẫn đến hạ đường huyết ở người cao tuổi.

Hạ đường huyết do gan giảm dự trữ

Ở người cao tuổi tổng lượng đường ở gan vẫn thấp ngay sau khi ăn, dễ dẫn đến hạ đường huyết nếu không được cung cấp thức ăn thường xuyên. Tình trạng này càng thể hiện rõ ở người mắc các bệnh gan mạn tính (xơ gan, suy gan) hoặc gan của người nghiện rượu... Một dấu hiệu nói lên tình trạng hạ đường huyết ban đêm là ngủ mê mệt, trong giấc mơ thấy mình ăn rất nhiều và ngon lành.

Hạ đường huyết ở người cao tuổi: nguyên nhân và cách xử trí 2Gan giảm dự trữ dễ dẫn đến hạ đường huyết.

Sử dụng quá mức các biện pháp chữa bệnh đái tháo đường gây hạ đường huyết

Người bệnh sử dụng một chế độ ăn quá nghèo glucid với mục đích tích cực chữa bệnh, phòng biến chứng của đái tháo đường là nguyên nhân bệnh hạ đường huyết. Các bác sĩ khuyến cáo rằng, mặc dù mắc bệnh đái tháo đường, bệnh nhân vẫn cần một khẩu phần với lượng glucid đủ mức cần thiết, chủ yếu là loại glucid nguyên hạt.

Một nguy cơ phổ biến hơn nữa khiến người bệnh đái tháo đường dễ bị hạ đường huyết chính là đa số bệnh nhân thường sử dụng quá mức các thuốc hạ đường huyết (có tác dụng ức chế hormone insulin, làm giảm nồng độ glucose trong máu) với hy vọng kiềm chế bệnh tốt hơn, mà không theo chỉ dẫn của bác sĩ và không tự theo dõi định kỳ mức đường huyết. Điều này vô tình dẫn đến việc lượng đường trong máu giảm xuống đột ngột gây chứng hạ đường huyết.

Tế bào não chỉ sử dụng duy nhất glucose làm thức ăn, mà không sử dụng mỡ hay protein như mọi tế bào khác. Do vậy, nếu đường huyết đột ngột hạ xuống dưới 4mmol/l sẽ thể hiện ngay bởi các triệu chứng thần kinh như: run rẩy, mắt hoa, xây xẩm; nếu giảm tới 3mmol/l sẽ có bủn rủn, choáng váng, vã mồ hôi lạnh, tim đập nhanh, mạch yếu... Nếu còn hạ tiếp, người bệnh sẽ bị cứng hàm, lú lẫn, mất hẳn trương lực các cơ hôn mê. Cùng một mức độ giảm đường huyết, tình trạng bệnh ở người già thường nặng hơn, khó cứu chữa hơn so với người trẻ.

2. Xử trí hạ đường huyết ở người cao tuổi

Khi bị hạ đường huyết nhẹ, người cao tuổi cần bổ sung ngay các loại glucid dễ hấp thu như: kẹo, bánh ngọt hoặc có thể dùng nước đường (không dùng đường hóa học), nước hoa quả, sữa... Trong trường hợp nặng, cần khẩn trương đưa người bệnh đến các cơ sở y tế hoặc bệnh viện gần nhất để tiêm truyền glucose vào máu, tránh để lâu dễ gây ra các biến chứng hạ đường huyết nguy hiểm.

Hạ đường huyết ở người cao tuổi: nguyên nhân và cách xử trí 3Nên uống một ly nước hoa quả khi bị hạ đường huyết nhẹ.

Hường



Chat with Zalo