Điều trị viêm đại tràng theo y học cổ truyền
Viêm đại tràng là bệnh có thể xảy ra ở bất cứ ai, từ trẻ nhỏ đến người cao tuổi và gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và tâm lý người bệnh. Chúng ta cùng tìm hiểu cách trị bệnh viêm đại tràng theo y học cổ truyền nhé.
Theo y học cổ truyền viêm đại tràng được chia thành 4 thể: Tỳ vị hư, Thận dương hư, Can Tỳ bất hoà và khí trệ. Mỗi thể viêm đại tràng sẽ có triệu chứng và cách điều trị khác nhau.
Thể Tỳ vị hư của viêm đại tràng theo y học cổ truyền
Triệu chứng: Bụng lạnh, đau, ăn kém, đầy bụng, hay nôn ra nước trong, phân nát, người mệt mỏi, mặt nhợt nhạt, chóng mặt, chân tay lạnh, rêu lưỡi trắng hoặc trơn.
Nguyên nhân: Do Tỳ vị hư sinh yếu, vận hoá kém, thăng giáng thất thường. Ăn uống kém, thất thường kèm không tiêu nên gây đầy bụng sôi bụng, phân lúc nát lúc sống.
Ăn uống kém dẫn đến khí huyết kém, sắc mặt và cơ thể nhợt nhạt, người gầy yếu chân tay lạnh, hay mệt mỏi chóng mặt.
Phương pháp điều trị: Bổ Tỳ vị bằng sâm linh hoặc bạch truật tán.
Thể thận dương hư của viêm đại tràng theo y học cổ truyền
Triệu chứng: Cơ thể từ tay chân đến lưng đều lạnh, thể trạng yếu, người gầy, hay mệt mỏi, ăn kém, bụng trướng đau, phân lỏng sống, lưng mỏi, tiểu tiện vặt, hay tiểu đêm lưỡi bệu có vết hằn.
Nguyên nhân: Tả tiết lâu ngày sinh thận dương hư, dương khí yếu.
Phương pháp điều trị: Dùng Nhục đầu khấu hoặc mộc hương để ôn bổ Tỳ Thận dương, cố sáp.
Thể Can Tỳ bất hoà của viêm đại tràng theo y học cổ truyền
Triệu chứng: Miệng đắng họng khô, chán ăn, ăn uống kém, ngực sườn trướng đau, tinh thần rệu rạo, bụng trướng, sôi bụng, đại tiện lúc táo lúc lỏng, đôi khi phân có nhầy, thường bị đau bụng ỉa chảy mỗi khi buồn bực căng thẳng, lưỡi đỏ nhợt, có rêu lưỡi trắng hoặc vàng.
Nguyên nhân: Do tỳ khí yếu hoặc thực trệ và thấp tà kết hộ với tình chí thất thường gây hại Can. Do đó, Can mất sơ tiết, hoành nghịch khiến Tỳ ảnh hưởng, khí cơ kém điều hòa gây đau bụng, hay tiết tả, rối loạn đại tiện. Can thực tỳ hư khiến lưỡi đỏ nhợt và có rêu lưỡi trắng vàng.
Phương pháp điều trị: Dùng Bạch truật, Trần bì để sơ Can kiện Tỳ.
Thể khí trệ của viêm đại tràng theo y học cổ truyền
Triệu chứng: Bụng trướng đầy ức ách khó chịu, bụng đau lúc nặng lúc nhẹ. Có thể lúc đau nhói, đau xiên kèm chướng bụng. Khi ợ hơi hoặc trung tiện có thể giảm trướng bụng. Người bệnh kém ăn, ăn ít, lưỡi có rêu mỏng.
Nguyên nhân: Can khí uất trệ khiến cho khí cơ không đều, tất gây trướng bụng bĩ tức. Can khí không hoà, Tỳ vận không tốt khiến kém ăn, ăn ít. Khí hư đình trệ nên đại tiện không thông, cặn bã lưu lại.
Phương pháp điều trị: Dùng trần bì, sa nhân để thuận khí hành trệ.
Như vậy, ở mỗi thể của viêm đại tràng, y học cổ truyền lại có những cách điều trị phù hợp riêng. Dựa vào biểu hiện bệnh, bệnh nhân có thể xem tình trạng bệnh của mình thuộc thể nào, từ đó có hướng điều trị tốt nhất bệnh viêm đại tràng.
Hi vọng bài viết này sẽ giúp các bạn hiểu được nguyên nhân, cách điều trị viêm đại tràng theo y học cổ truyền. Dù lựa chọn điều trị theo phương pháp nào, hãy kiên trì và thực hiện theo chỉ định của thầy thuốc bạn nhé.
Nguyễn Hà