Đau khớp ngón tay cái bên trái: Nguyên nhân và cách điều trị
Bệnh nhân bị đau khớp ngón tay cái bên trái sẽ có cảm giác đau nhức khó chịu, việc hoạt động của ngón tay cũng gặp nhiều hạn chế, gây khó khăn khi thực hiện những nhiệm vụ đơn giản trong cuộc sống lẫn công việc hàng ngày. Đâu là nguyên nhân gây ra tình trạng đau khớp ngón tay cái bên trái và làm sao để khắc phục? Chúng ta cùng tìm hiểu qua bài viết này nhé.
Nguyên nhân gây đau khớp ngón tay cái bên trái
Ngón tay cái được cấu tạo từ 3 khớp chính cùng hệ thống sụn, gân, dây chằng, dây thần kinh, bao hoạt dịch để bảo vệ và nâng đỡ.
Chúng ta thường có thói quen sử dụng ngón tay cái cho nhiều vai trò nên việc đau khớp ngón tay cái, bao gồm đau khớp ngón tay trái cũng trở nên phổ biến. Mặt khác, trong sinh hoạt hàng ngày, chúng ta sử dụng bàn tay rất thường xuyên nên khi khớp ngón tay cái bị tổn thương, bị đau nhức sẽ thường chậm hồi phục, thậm chí còn có thể trở nên trầm trọng hơn theo thời gian.
Đau khớp ngón cái bên trái từ mức độ nhẹ tới nặng, thậm chí có trường hợp còn không cử động được ngón cái có thể cảnh báo vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, từ các bệnh toàn thân, chẳng hạn như viêm khớp, đến bong gân và các chấn thương khác.
Nguyên nhân khiến khớp ngón tay cái nói chung, khớp ngón tay cái bên trái bị đau có rất nhiều. Dựa trên các triệu chứng, chúng ta có thể nhận biết đang gặp phải tình trạng gì.
Bong gân
Bong gân ngón cái xảy ra khi các dây chằng hỗ trợ ngón cái bị căng ra quá giới hạn hoặc bị rách. Điều này thường xảy ra khi bạn bị ngã với bàn tay dang rộng, lúc này ngoại lực mạnh tác động làm cong ngón cái về phía sau hoặc ra khỏi lòng bàn tay. Các trường hợp bong gân ngón tay cái phần lớn đều liên quan đến dây chằng phụ nằm ở mặt trong của khớp ngón tay. Khi dây chằng này bị rách, nó có thể gây đau đớn và khiến bạn cảm giác ngón tay cái của mình không ổn định. Nó cũng có thể làm suy yếu khả năng cầm nắm đồ vật giữa ngón cái và ngón trỏ của bạn.
Viêm gân De Quervain
Khi mắc hội chứng De Quervain trong thời gian dài sẽ kéo theo các ngón tay sưng tấy, đau nhức, khó chịu. Khớp ngón tay trỏ bị đau do hội chứng De Quervain gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Nữ giới là đối tượng dễ mắc phải bệnh này hơn nam giới.
Các dấu hiệu nhận biết một người đang gặp phải hội chứng này:
- Cơn đau dọc mặt sau ngón tay cái, trực tiếp trên hai gân;
- Sưng và đau ở gốc ngón tay cái;
- Sưng và đau ở một bên cổ tay của bạn.
Những triệu chứng nói trên có thể xảy ra từ từ hoặc đến đột ngột. Bệnh nhân cần sớm điều trị để ngăn cơn đau có thể lan rộng ra xung quanh.
Viêm khớp ngón tay cái
Tình trạng kích thích ở khớp hoặc khớp bị phá hủy sẽ dẫn đến viêm khớp. Tuy viêm khớp có nhiều dạng khác nhau nhưng loại thường ảnh hưởng nhất đến khớp ngón tay cái là thoái hóa khớp (hay viêm xương khớp). Thoái hóa khớp ngón cái xảy ra khi sụn bắt đầu bị mòn và nó thường xảy ra ở khớp cổ – bàn ngón cái.
Viêm khớp ngón tay cái thường gặp ở nữ nhiều hơn nam và thường xuất hiện sau 40 tuổi. Bị gãy xương trước đó hoặc gặp các chấn thương khác ở khớp có thể làm tăng khả năng mắc phải tình trạng này.
Khi bị viêm đau khớp ngón tay cái bên trái, người bệnh thường:
- Đau nhói hoặc bỏng rát khi nắm hoặc véo;
- Sưng, cứng khớp, hạn chế cử động ở ngón tay cái;
- Thiếu sức mạnh trong các hoạt động cầm nắm và véo;
- Còi xương hoặc dày lên xung quanh gốc của ngón tay cái.
Là một bệnh thoái hóa, tiến triển nên viêm khớp thường sẽ xấu đi theo thời gian.
Hội chứng ống cổ tay
Hội chứng ống cổ tay xảy ra phổ biến với nhóm đối tượng nhân viên văn phòng thường xuyên làm việc với máy tính. Khi bị hội chứng ống cổ tay, bệnh nhân rất dễ bị đau khớp ngón tay trỏ do các dây thần kinh ở tay rất dễ bị tổn thương, thậm chí làm cản trở đến các hoạt động của bàn tay.
Phần lớn trường hợp mắc hội chứng ống cổ tay là do sự kết hợp của nhiều yếu tố. Nghiên cứu cho thấy, phụ nữ và người lớn tuổi có nhiều khả năng gặp phải tình trạng này hơn.
Ngón tay cò súng
Ngón tay cò súng hay viêm gân gấp ngón tay, là hiện tượng mà một trong các ngón tay của bạn bị kẹt ở vị trí gập lại. Khi bạn thực hiện co duỗi ngón tay, sẽ có cảm giác khóa, đau khớp hoặc vướng.
Gãy xương ngón cái
Gãy xương ngón cái là một vấn đề nghiêm trọng. Nó làm ảnh hưởng đến khả năng cầm nắm đồ vật và có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh viêm khớp khi bạn già đi. Hầu hết gãy xương ngón cái xảy ra ở xương ngay phía trên khớp CMC. Tùy thuộc vào loại gãy và vị trí , ngón tay cái có thể trở nên mất ổn định, di chuyển lỏng lẻo từ bên này sang bên kia.
Gãy xương ngón tay cái thường do các ngoại lực tác động trực tiếp, chẳng hạn như té ngã; hoặc xảy ra gián tiếp do xoắn hoặc co cơ, như trong đấu vật, khúc côn cầu, bóng đá.
Khi bị gãy xương ngón tay cái, bạn sẽ thấy:
- Sưng tấy quanh gốc ngón tay cái;
- Đau khớp dữ dội;
- Hạn chế/không có khả năng cử động ngón tay cái;
- Ngón tay cái biến dạng;
- Cảm giác ngón tay cái bị lạnh/tê.
Nang bao hoạt dịch
Nang bao hoạt dịch là các cấu trúc hình tròn chứa đầy dịch thường hay xuất hiện trên mu bàn tay hay trên các ngón tay. Nang bao hoạt dịch còn có thể xuất hiện ở khớp ngón gần đầu ngón tay nhất.
Chỉ khoảng 10% nang bao hoạt dịch hình thành ở các khớp ngoài khớp cổ tay. Người bị nang bao hoạt dịch thường có cảm giác đau và nhạy cảm khi chạm vào. Lưu ý là nang bao hoạt dịch chỉ gây đau ở các khớp ngón tay chúng xuất hiện. Đáng mừng là tình trạng nang bao hoạt dịch có thể tự biến mất mà không cần điều trị. Bệnh nhân bị nang bao hoạt dịch sau khi được thăm khám có thể sẽ được bác sĩ dùng kim để giải phóng dịch khỏi nang bao hoạt dịch. Ngoài ra, phẫu thuật cũng được chọn lựa để loại bỏ nang bao hoạt dịch nếu như chúng tái phát hoặc không đáp ứng với các biện pháp điều trị khác.
Cách tự chăm sóc khi bị đau khớp
Nếu đang bị đau do chấn thương mô mềm hay hoạt động quá mức khớp ngón tay cái, bệnh nhân có thể thực hiện một số phương pháp điều trị tại nhà.
Những biện pháp nên làm
- Để ngón tay cái nghỉ ngơi, tránh hoặc ngừng các hoạt động gây ra cơn đau, ví dụ: đánh máy, sử dụng các công cụ rung để làm việc, chơi nhạc cụ,…
- Chườm đá vào ngón tay nếu bị sưng. Sau 2-3 ngày, khi đã đỡ sưng thì tiến hành chườm nóng.
- Đeo nẹp hoặc nẹp cố định ngón cái để giúp hỗ trợ và giảm đau, đặc biệt là vào ban đêm. Bạn có thể mua các loại nẹp này ở hầu hết các hiệu thuốc, siêu thị hay các cửa hàng trực tuyến.
- Tránh đeo đồ trang sức hoặc găng tay làm co ngón cái.
- Cân nhắc sử dụng các tiện ích hoặc công cụ để thực hiện một số việc, ví dụ như mở nắp lọ hoặc cắt rau
- Uống một số loại thuốc giảm đau không kê đơn như paracetamol, ibuprofen (Advil, Motrin) hay naproxen.
- Sử dụng miếng dán giảm đau cho ngón cái, như salonpas.
Những điều không nên làm
- Không sử dụng ibuprofen trong 48 giờ đầu tiên sau khi bị thương.
- Không sử dụng túi chườm nóng hoặc tắm nước nóng trong 2 đến 3 ngày đầu sau khi bị thương.
- Không nhấc vật nặng hoặc cầm nắm đồ vật quá chặt.
Khi nào nên đi khám?
Bạn nên đi khám nếu sau khi điều trị tại nhà mà:
- Cơn đau không thuyên giảm sau 2 tuần điều trị tại nhà;
- Cơn đau dữ dội hoặc khiến bạn không thể hoạt động bình thường;
- Cơn đau trở nên tồi tệ hơn hoặc tiếp tục tái phát;
- Bạn cảm thấy ngứa ran hoặc mất cảm giác ở tay;
- Bạn bị tiểu đường.
Bạn nên tìm kiếm hỗ trợ y tế càng sớm càng tốt, nếu:
- Không có khả năng di chuyển ngón tay cái;
- Sưng hoặc nóng trong/xung quanh ngón tay cái;
- Ngón tay cái có vẻ vẹo hoặc cảm thấy không ổn định;
- Bị đau khớp ngón cái một cách dữ dội;
- Cảm thấy chóng mặt, ốm hay thậm chí ngất xỉu vì cơn đau;
- Nghe thấy tiếng búng, nghiến hoặc bốp vào thời điểm bị thương.
Điều trị
Để điều trị đau khớp ngón tay cái, cần phụ thuộc vào nguyên nhân. Nhưng nhìn chung, một số phương pháp điều trị chung là:
- Vật lý trị liệu;
- Thuốc men;
- Tiêm;
- Phẫu thuật.
Đau khớp ngón tay cái có thể xảy ra do các cử động lặp đi lặp lại, chấn thương hay do các bệnh viêm tại chỗ, toàn thân. Bản thân chứng đau khớp ngón cái không gây nguy hiểm đáng kể cho sức khỏe. Tuy nhiên, nó có thể là dấu hiệu của một tình trạng nghiêm trọng hơn. Chính vì thế, bạn cần đi khám ngay nếu cơn đau dai dẳng, nghiêm trọng hoặc ảnh hưởng đáng kể đến khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày.
Như Quỳnh
Nguồn tham khảo: Tổng hợp