Dấu hiệu viêm tai ngoài ở trẻ em
Viêm tai ngoài là một căn bệnh rất phổ biến ở trẻ em đặc biệt là ở những trẻ hiếu động, hay nghịch nước và những trẻ thích bơi lội. Căn bệnh này tuy không quá nguy hiểm như bệnh viêm tai giữa ở trẻ em, tuy nhiên nếu bệnh không được điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thính lực của trẻ em sau này. Như tên gọi của bệnh, viêm tai ngoài là một bệnh nhiễm trùng và viêm vùng niêm mạc của ống tai phía bên ngoài, nơi mà nối màng nhĩ với bên ngoài của tai. Viêm tai ngoài hiện nay rất phổ biến ở trẻ em và có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra.
Bài viết này sẽ thông tin đến bạn đọc những dấu hiệu khi trẻ bị viêm tai ngoài. Khi có những dấu hiệu đó, phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện chuyên khoa để được các chuyên gia thăm khám nhằm xác định nguyên nhân và có phương pháp điều trị kịp thời, hạn chế nguy cơ biến chứng nguy hiểm xảy ra với trẻ nhỏ.
Nguyên nhân gây viêm tai ngoài ở trẻ là gì?
Trẻ em với hệ miễn dịch đang phát triển, cũng là đối tượng rất dễ bị những mầm bệnh xung quanh tấn công và gây bệnh. Viêm tai ngoài ở trẻ được biết đến là căn bệnh thường gặp ở những trẻ đang độ tuổi tập bơi.
Hồ bơi công cộng luôn tìm ẩn những ký sinh trùng, mầm bệnh, vi khuẩn, virus và nấm gây bệnh cho trẻ. Việc bơi lội hoặc do tắm ao hồ, sông, suối… quá thường xuyên có thể dẫn đến nhiễm trùng tai ngoài ở trẻ. Nước khi còn sót lại bên trong ống tai có thể trở thành nơi sinh sản của vi khuẩn và nấm gây bệnh.
Không những thế, nước tại các ao hồ, sông, suối thường chứa nhiều rất nhiều vi khuẩn được xem là “thủ phạm” chính gây viêm tai ngoài ở những trẻ sống tại nông thôn. Nước ở hồ bơi cũng tương tự như vậy, vì clo dùng để khử trùng bể bơi cũng đồng thời có thể tiêu diệt những vi khuẩn có lợi ở trong ống tai trẻ. Không những thế, đơn giản hơn thậm chí khi việc trẻ tắm tại nhà là tắm bồn hoặc tắm vòi hoa sen cũng có nguy cơ bị nước vào trong ống tai ngoài và gây viêm tai ngoài.
Tình trạng nhiễm trùng ban đầu có thể xảy ra nếu lớp da mỏng tạo thành ống tai bị thương. Kết hợp việc tác động bên ngoài như cào gãi mạnh, trẻ sử dụng tai nghe hoặc dùng tăm bông làm sạch tai sau khi bơi… khi đưa vào tai có thể làm tổn thương vùng da mỏng manh và yếu ớt này. Khi lớp da tại cơ quan này bị tổn thương và bị viêm, nó có thể là nơi lí tưởng cho vi khuẩn phát triển.
Nếu các bạn chưa biết, ráy tai có tác dụng bảo vệ tự nhiên của tai để chống lại sự nhiễm trùng, nhưng việc tiếp xúc thường xuyên, lấy ráy tai thường xuyên… có thể lấy đi hết phần ráy tai và khiến nguy cơ bị nhiễm trùng tăng cao hơn.
Tại sao trẻ em không đi bơi, không tắm thường xuyên vẫn có nguy cơ bị viêm tai ngoài?
Để giải đáp thắc mắc này, chúng tôi xin nhắc lại, nước là thủ phạm phổ biến nhất gây viêm tai ngoài. Tuy nhiên có rất nhiều nguyên nhân khác có thể gây ra căn bệnh này chẳng hạn như chấn thương vùng niêm mạc tai.
Trẻ em hiếu động khi không được sự kiểm soát của ba mẹ có thể đã chọc thứ gì đó vào tai như que, các loại hạt, một chút thức ăn thừa hoặc ngón tay vào đưa cào gãi vào bên trong tai. Điều này đã vô tình tạo tiền đề cho nhiễm trùng và gây viêm tai ngoài ở trẻ.
Không những thế, lưu ý dành cho ba mẹ khi vệ sinh tai cho con tuyệt đối nên cẩn thận khi sử dụng tăm bông. Những dụng cụ này cần đảm bảo vệ sinh sạch sẽ cũng như hạn chế việc đẩy ráy tai quá sâu vào tai của bé. Việc đẩy ráy tai quá sâu cũng chính là nguyên nhân gây viêm tai ngoài. Khi ráy tai bị đẩy sâu vào bên trong, khu vực đó sẽ trở thành nơi trú ẩn lí tưởng của vi khuẩn gây bệnh. Khi gặp điều kiện và độ ẩm thuận lợi, chúng có nguy cơ hình thành viêm và gây viêm tai ngoài ở trẻ.
Những dấu hiệu nhận biết viêm tai ngoài ở trẻ em
Những triệu chứng viêm tai ngoài dưới đây dù nhẹ hay nặng, các bậc ba mẹ tuyệt đối không được xem nhẹ, chủ quan. Lúc đó chúng có thể nhẹ, tuy nhiên chúng có thể trở nên trầm trọng hơn nếu tình trạng nhiễm trùng không được điều trị kịp thời. Viêm tai ngoài ở trẻ em được chia thành ba mức độ nặng nhẹ cụ thể với các biểu hiện như sau:
Viêm tai ngoài ở trẻ - mức độ nhẹ
- Trẻ đôi khi cảm thấy ngứa nhẹ trong tai.
- Khi ngứa trẻ có thể đưa ngón tay vào bên trong lỗ tai cào gãi.
- Mẹ quan sát bên trong ống tai ngoài trẻ thấy đỏ nhẹ và sưng.
- Trẻ cảm giác khó chịu, khi ấn vào chỗ sưng trẻ có thể bị đau.
- Mẹ quan sát có thể có dịch trong suốt và không mùi chảy ra từ lỗ tai.
Viêm tai ngoài ở trẻ - mức độ vừa
- Trẻ cảm thấy ngứa dữ dội.
- Mỗi ngày càng thấy đau trong tai nhiều hơn hôm trước.
- Dịch chảy ra nhiều hơn.
- Trẻ có cảm giác tai bị tắc nghẽn một phần do sưng tấy.
- Trẻ phản xạ nghe kém hoặc có cảm giác bóp nghẹt ở tai.
- Trẻ bị đau tai nhiều hơn.
Viêm tai ngoài ở trẻ - mức độ nặng
- Trẻ bị đau tai dữ dội có thể lan lên cổ, mặt và một bên đầu.
- Tắc nghẽn ống tai hoàn toàn.
- Đỏ và sưng tai ngoài.
- Hạch bạch huyết ở cổ bị sưng.
- Trẻ bị sốt.
Với những trẻ đã lớn, biết nói có thể mô tả cho phụ huynh biết những triệu chứng bé đang gặp phải, giúp cho việc chẩn đoán bệnh trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, đối với những trẻ nhỏ, dưới đây là những triệu chứng mà mẹ có thể quan sát được:
- Khi đụng vào tai trẻ có phản ứng lại hoặc khóc thét.
- Trẻ phản xạ kém hoặc không có phản xạ với một số âm thanh.
- Trẻ có thể cáu, khó chịu, bỏ bú, bỏ ăn, bồn chồn và sốt.
- Trẻ có dấu hiệu mất thăng bằng, dễ té ngã.
- Ống tai ngoài bị đỏ, đóng vảy và có thể thấy mủ vàng chảy ra.
Một số biến chứng của viêm tai ngoài ở trẻ em
- Áp xe tai ở trẻ: Áp xe có thể phát triển xung quanh vùng bị tổn thương trong tai. Áp xe tai có thể tự lành khi được dùng thuốc hoặc bác sĩ cần can thiệp dẫn lưu.
- Chít hẹp ống tai ở trẻ: Khi bị viêm tai ngoài lâu ngày có thể gây ra chít hẹp ống tai, ảnh hưởng đến thính giác và có thể gây điếc vĩnh viễn.
- Thủng màng nhĩ ở trẻ: Biến chứng của nhiễm trùng tai ngoài do các vật dụng nhét vào tai thường gây ra thủng màng nhĩ ở trẻ.
- Viêm tai ngoài gây hoại tử: Trong một số ít trường hợp viêm tai ngoài có thể dẫn đến tình trạng hoại tử. Đây là được coi là một biến chứng cực kỳ nghiêm trọng khi sự nhiễm trùng lan đến sụn và xương bao quanh ống tai của trẻ.
Viêm tai ngoài ở trẻ có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của trẻ sau này. Khi phát hiện những dấu hiệu của bệnh viêm tai ngoài được kể trên, phụ huynh hãy nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện uy tín, chất lượng thăm khám sớm nhất, nhằm hạn chế những nguy cơ xảy ra biến chứng nguy hiểm, đe dọa đến sức khỏe của trẻ sau này.
Hoàng Yến
Nguồn tham khảo: Tổng hợp