Chích ngừa bệnh viêm gan B có nguy hiểm không?
Viêm gan B là bệnh nguy hiểm dễ dẫn tới các biến chứng nghiêm trọng nên việc phòng ngừa bệnh rất cần được quan tâm đúng mực bằng cách tiêm phòng đầy đủ.
Ở Việt Nam hiện nay có khoảng 8,6 triệu người nhiễm virus viêm gan B. Tỉ lệ nhiễm virus viêm gan B mãn tính ở phụ nữ vào khoảng 8,8% trong khi con số này ở nam giới là 12,3%. Ngoài việc thực hành các biện pháp phòng ngừa thông qua chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt thì việc tiêm ngừa vacxin là cách hữu hiệu giúp tránh khỏi căn bệnh này.
Hiện nay, chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia chỉ mới phổ cập chích ngừa cho trẻ sơ sinh. Đây là việc làm cần thiết nhằm bảo vệ cho cả một thế hệ bởi nếu trẻ em nhiễm virus viêm gan B khi còn bé thì rất dễ mắc chứng suy gan ở tuổi trưởng thành.
Tuy vậy, người lớn cũng hoàn toàn có thể tiêm phòng nếu chưa bao giờ bị nhiễm siêu vi B. Lý do là vacxin chỉ dùng để phòng bệnh, tức chỉ có tác dụng với những đối tượng chưa hề bị lây nhiễm virus viêm gan B, những ai đã từng mắc bệnh thì tiêm phòng vacxin viêm gan B cũng không có ý nghĩa.
Tính an toàn của vacxin viêm gan B
Khoa học đã chứng minh vaccine viêm gan B có rất ít tác dụng phụ và gần như an toàn với tất cả mọi người. Các phản ứng với vaccine xảy ra rất hiếm, tỉ lệ xảy ra các phản ứng nặng chỉ 1/600.000 liều vacxin. Triệu chứng của các phản ứng phụ chủ yếu là đỏ da, khó thở hay tụt huyết áp và chưa có báo cáo tử vong nào vì tiêm phòng bệnh viêm gan B.
Lịch tiêm phòng viêm gan B
- Mũi 1: sau khi có kết quả xét nghiệm cho thấy đủ điều kiện chích ngừa
- Mũi 2: Sau khi tiêm mũi thứ nhất 01 tháng
- Mũi 3: sau khi tiêm mũi thứ nhất 06 tháng
Bệnh viêm gan B có nguy hiểm không sau khi đã chích ngừa?
Khi chích ngừa đủ liều và đúng thời gian thì khả năng cơ thể tự tạo được kháng thể là hơn 90%. Hiệu quả chích ngừa đạt tốt nhất là ở giai đoạn sơ sinh và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, cùng với thời gian, lượng kháng thể sẽ giảm đi, do đó cứ sau 15 năm, người ta phải chích nhắc lại một mũi. Nhưng ở các nước có tỷ lệ mắc bệnh viêm gan B cao như Việt Nam bạn không cần chích nhắc lại sau 15 năm vì cơ thể được tiếp xúc tự nhiên với virus B, xem như cơ thể đã được “nhắc lại”. Một số đối tượng mà dù chích ngừa không đạt được hiệu quả phòng bệnh là bệnh nhân AIDS, chạy thận nhân tạo, nghiện rượu, xơ gan…
Phong