Chế độ ăn chay có làm tăng nguy cơ gãy xương hông?
Chế độ ăn luôn có mối quan hệ mật thiết đối với sức khỏe chúng ta. Hiện nay, nhiều người lựa chọn việc ăn chay thay vì chế độ ăn có chứa protein động vật nhằm mang lại một số lợi ích nhất định cho sức khỏe. Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây cho biết chế độ ăn chay, bất kể là ăn chay theo kiểu nào, đều làm tăng nguy cơ gãy xương hông ở cả đàn ông và phụ nữ. Tại sao lại như vậy? Bài viết này sẽ giải đáp mối liên hệ giữa việc ăn chay và nguy cơ gãy xương hông, từ đó giúp bạn có quyết định về chế độ ăn của mình.
Nghiên cứu về chế độ ăn chay làm tăng nguy cơ gãy xương hông
Các nhà nghiên cứu sử dụng dữ liệu từ Biobank Vương quốc Anh, bao gồm các cá nhân đến từ Anh, Scotland và xứ Wales ở độ tuổi 40 - 69, với tổng số người tham gia là trên 400.000 người. Dựa trên bảng câu hỏi về tần suất thực phẩm, các nhà nghiên cứu chia người tham gia thành bốn nhóm chính:
- Những người ăn thịt thường xuyên: Những người tham gia này cho biết họ ăn thịt năm lần trở lên mỗi tuần.
- Thỉnh thoảng ăn thịt: Những người tham gia này ăn thịt ít hơn 5 lần mỗi tuần.
- Người theo chế độ Pescatarian: Những người tham gia này ăn cá nhưng không ăn thịt.
- Người ăn chay: Những người tham gia này đều không ăn thịt. Tuy nhiên, nhóm này bao gồm những người ăn sữa hoặc trứng và những người không ăn trứng hoặc sữa.
Các phát hiện chỉ ra rằng những người theo chế độ ăn chay có nguy cơ bị gãy xương hông cao hơn 50% so với nhóm ăn thịt và người theo chế độ pescatarian.
Mối liên hệ giữa chế độ ăn chay và nguy cơ gãy xương hông
Nguyên nhân khiến nguy cơ gãy xương hông tăng cao ở người ăn chay
Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng một số nguyên nhân khiến nguy cơ gãy xương hông tăng cao này là do chỉ số khối cơ thể ở những người ăn chay thấp hơn. Các tác giả suy đoán rằng chỉ số BMI thấp hơn có thể có nghĩa là sức khỏe của cơ và xương kém hoặc khả năng đệm bị giảm do lực tác động khi ngã do thiếu chất béo.
Bên cạnh đó, họ cũng cho rằng nguy cơ gãy xương hông tăng lên có thể liên quan đến mức độ protein và các chất dinh dưỡng quan trọng khác ở những người ăn chay thấp hơn. Nhóm ăn chay ít có khả năng đạt được yêu cầu về lượng protein so với các nhóm ăn kiêng khác, với lượng protein đủ cần thiết để xây dựng và duy trì khối lượng xương. Điều này cũng có thể trở nên trầm trọng hơn do việc hấp thụ kém các chất dinh dưỡng khác liên quan đến sức khỏe của xương.
Nguyên nhân tiềm ẩn
Nghiên cứu chỉ ra rằng chỉ số BMI và lượng protein không đủ là hai nguyên nhân hàng đầu khiến chế độ ăn chay bị cho là làm tăng nguy cơ gãy xương hông. Dẫu vậy, nguyên nhân tiềm ẩn của việc này là do khả năng mất cân bằng dinh dưỡng khi ăn chay.
Về cơ bản, protein động vật khó có thể thay thế hoàn toàn bằng protein thực vật, mặc dù có nhiều tuyên bố cho rằng protein thực vật vẫn có thể đáp ưng nhu cầu protein của con người. Bên cạnh đó, nhiều người theo chế độ ăn chay chỉ tập trung vào số lượng và loại thực phẩm, chưa thực sự quan tâm đến lượng chất dinh dưỡng. Mặc dù chế độ ăn chay có lợi cho sức khỏe nhưng hiểu được chất lượng chế độ ăn uống và sự cân bằng của các chất dinh dưỡng quan trọng là điều cần thiết để giảm nguy cơ và cải thiện sức khỏe xương trong tương lai.
Lời khuyên dành cho những người theo chế độ ăn chay
Những người muốn theo chế độ ăn chay phải hiểu cách kết hợp các chất dinh dưỡng quan trọng và những chất dinh dưỡng nào mà chế độ ăn chay có thể thiếu nhất. Họ có thể cần tìm những nguồn dinh dưỡng thực vật thay thế phổ biến hơn ở nguồn động vật.
Ví dụ, người ăn chay có thể khó hấp thụ canxi hơn nếu họ không tiêu thụ sữa. Có một số sản phẩm được bổ sung canxi, như một số loại ngũ cốc hoặc nước cam. Các lựa chọn thực vật như bông cải xanh, hạnh nhân hoặc đậu trắng cũng có thể cung cấp canxi.
Chế độ ăn chay cũng có thể thiếu vitamin B12. Những người ăn chay cho phép sử dụng các sản phẩm từ sữa có thể tìm thấy nguồn vitamin B12 từ sữa, chẳng hạn như sữa hoặc phô mai. Những người ăn chay nghiêm ngặt có thể cần tiêu thụ thực phẩm tăng cường như men dinh dưỡng để đáp ứng nhu cầu vitamin B12 của họ.
Tóm lại, việc ăn chay làm tăng nguy cơ gãy xương hông có thể là do lượng cơ xương ở người ăn chay yếu hơn do thiếu protein từ động vật. Tuy nhiên, kết luận này vẫn còn cần nghiên cứu thêm. Nếu bạn có thể đảm bảo nạp đủ lượng chất dinh dưỡng vào cơ thể và tìm nguồn protein thay thế protein động vật, bạn sẽ nhận được lợi ích từ chế độ ăn chay mà không phải đối mặt với nguy cơ gãy xương hông.