Cách làm cánh gà chiên nước mắm chuẩn vị
Cánh gà khúc giữa chứa nhiều thịt nạc mà không bị khô. Chiên cánh gà với nước mắm có hương vị đậm đà, thơm ngon, ăn đưa cơm. Tuy nhiên, cánh gà cũng là một trong những bộ phận chứa rất nhiều calo và chất béo. Bạn cần biết cách chế biến sao cho hạn chế tối đa dầu mỡ. Cùng học cách làm cánh gà chiên nước mắm ngon và lành mạnh cho sức khỏe nhé!
Cánh gà chiên nước mắm bao nhiêu calo?
Cánh gà giàu năng lượng và chất đạm. Trong một chiếc cánh gà có 64% protein, 36% chất béo, không chứa carbohydrate. Theo thống kê, hàm lượng calo trong một cánh gà sống là 203 calo. Ngoài ra còn có 30,5g protein, 8,1g chất béo. Khi chế biến theo cách tẩm ướp gia vị, chiên dầu mỡ thì năng lượng trong 100g cánh gà sẽ lên tới 443,5 calo.
Ăn cánh gà chiên nước mắm có béo không?
Để duy trì cân nặng, cơ thể người trưởng thành cần khoảng 2000 calo mỗi ngày. Chia đều cho 3 bữa ăn thì năng lượng cần cho mỗi bữa là 667 calo. Với món cánh gà chiên nước mắm, trung bình bạn có thể ăn khoảng 300g trong một bữa, tương đương 1330,5 calo. Chất béo của cánh gà và dầu mỡ cũng tích trữ mỡ thừa. Như vậy, ăn cánh gà chiên nước mắm có thể khiến bạn tăng cân.
Các chuyên gia sức khỏe cũng cảnh báo nguy cơ gây hại sức khỏe từ cánh gà không đảm bảo chất lượng. Gà thường được tiêm hormone tăng trưởng vào cánh và cổ. Ăn cánh gà tồn dư các hormone này sẽ gián tiếp ảnh hưởng đến nội tiết tố, nguy cơ hình thành khối u hoặc ung thư. Thị trường hiện nay có rất nhiều nơi bán cánh gà không rõ nguồn gốc được nhập lậu từ nước ngoài.
Cánh gà chứa nhiều da và chất béo, cholesterol có hại. Phần da gà cũng tiếp xúc với nhiều vi khuẩn, virus và có thể chứa một số độc tố hòa tan. Ăn nhiều cánh gà sẽ làm tăng nồng độ cholesterol trong máu, không tốt cho tim mạch, những người bị máu nhiễm mỡ. Người có cơ địa mẫn cảm cũng dễ bị dị ứng, ngứa, khó thở nếu ăn nhiều cánh gà có phần da nhiễm khuẩn hoặc chứa độc tố.
Cánh gà chiên nước mắm để được bao lâu?
Nếu ăn một lần không hết cánh gà chiên, bạn bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh để dùng dần trong 2 - 3 ngày. Trước khi ăn, bạn làm nóng bằng nồi chiên không dầu hoặc lò vi sóng. Cánh gà chiên nước mắm bảo quản trong tủ đông được 5 - 7 ngày. Khi ăn, bạn bỏ ra để giã đông tự nhiên rồi làm nóng tương tự như trên. Nếu để cánh gà chiên bên ngoài thì bạn chỉ nên dùng trong ngày.
Học cách làm cánh gà chiên nước mắm ngon và sạch
Muốn có món cánh gà chiên nước mắm thơm ngon, tốt cho sức khỏe thì bạn cần sử dụng cánh gà đảm bảo chất lượng và chế biến đúng cách. Dưới đây là hướng dẫn làm cánh gà chiên nước mắm lành mạnh cho ngày Tết.
Cách chọn cánh gà chất lượng
Bạn nên mua cánh gà ở siêu thị hoặc các cửa hàng thực phẩm sạch, cơ sở mổ bán gà uy tín. Lưu ý chọn cánh gà như sau:
- Nếu là cánh gà tươi, bạn chọn những chiếc cánh gà có da đàn hồi tốt. Lớp da gà mỏng và không bị sần sùi, không thâm đen hoặc nhợt nhạt.
- Nếu là cánh gà đông lạnh, bạn để ý lớp băng đá bên ngoài. Cánh gà để càng lâu thì lớp băng đá càng dày, bạn không nên mua.
- Ngửi mùi cánh gà xem có bị hôi, tanh nồng hoặc mùi của thuốc kháng sinh không. Nếu thấy cánh gà có những mùi này thì không mua.
Cách khử mùi và làm sạch cánh gà
Rửa cánh gà với nước sạch là chưa đủ để loại bỏ vi khuẩn và mùi tanh đặc trưng của thịt gà. Bạn áp dụng các mẹo dưới đây để chế biến cánh gà thơm ngon hơn:
- Trộn đều 2 thìa muối với 1 thìa giấm ăn. Thoa hỗn hợp này lên bề mặt của cánh gà, để trong 2 phút thì rửa lại bằng nước sạch.
- Hoặc giã nát gừng, trộn với muối và rượu trắng. Chà xát hỗn hợp này lên bề mặt của cánh gà, rửa lại bằng nước sạch sau 2 phút.
Cách làm cánh gà chiên nước mắm
Công thức làm cánh gà chiên nước mắm bao gồm các nguyên liệu sau:
- 5 cánh gà ta hoặc cánh gà công nghiệp.
- 2 củ tỏi.
- 2 quả ớt.
- 1 nhánh gừng.
- Các gia vị: Đường, nước mắm, muối, hạt tiêu, dầu hào, tương ớt.
- Sử dụng dầu ăn thực vật để chiên cánh gà.
Sau khi rửa sạch và khử mùi, bạn tiến hành làm gà chiên nước mắm theo các bước cơ bản:
Bước 1: Ướp gia vị.
Cho cánh gà vào xoong hoặc bát tô, dùng thìa cà phê để lấy gia vị ướp gồm: 1 thìa hạt tiêu, 2 thìa dầu hào, 1 thìa dầu ăn, 1/2 thìa muối. Rửa sạch và giã nát nhánh gừng. Trộn tất cả với cánh gà và để trong 15 phút.
Bước 2: Làm nước sốt mắm.
Dùng thìa múc canh để lấy các gia vị: 2 thìa nước mắm, 2 thìa đường, 1 thìa dầu hào, 1 thìa tương ớt, 1 thìa nước lọc. Cho tất cả vào bát, khuấy đến khi tan hết.
Bước 3: Chiên cánh gà.
Bạn có thể chiên cánh gà bằng nồi chiên không dầu để hạn chế mỡ và chất béo. Trường hợp không có nồi chiên, bạn dùng chảo và dầu ăn. Cho một lượng dầu ăn vừa phải vào chảo, đun nóng lên rồi cho cánh gà vào. Chiên đều 2 mặt cho đến khi cánh gà có màu vàng thì vớt ra, cho vào giấy thấm dầu.
Bước 4: Chiên cánh gà với nước mắm.
Phi thơm tỏi, ớt với một chút dầu ăn. Đổ phần hỗn hợp nước mắm đã trộn vào, khuấy đều và đun sôi. Thả cánh gà vào, cho nhỏ lửa, đảo đều tay đến khi cánh gà có màu vàng cánh gián thì tắt bếp.
Trên đây là cách làm cánh gà chiên nước mắm. Như vậy là bạn đã xong món cánh gà chiên nước mắm, ăn với cơm hoặc bánh mì đều rất hấp dẫn. Không nên ăn cánh gà chiên cùng với thực phẩm nhiều năng lượng như bánh tét, bánh chưng, đồ chiên xào… Mong rằng những hướng dẫn làm cánh gà chiên nước mắm sẽ giúp bạn tự tin trổ tài nấu bếp.
Thanh Hương
Nguồn tham khảo: Suckhoedoisong