Cách hút đờm cho người già an toàn, hiệu quả
Người cao tuổi thường gặp các bệnh lý về đường hô hấp như hen suyễn, viêm phổi, viêm phế quản. Hút đờm là chính cách đơn giản giúp việc hô hấp của người bệnh trở nên dễ dàng hơn. Vậy cách hút đờm cho người già như thế nào?
Nguyên nhân gây ra đờm
Các chuyên gia cho biết, tình trạng đờm ứ đọng ở người già hình thành do nhiều nguyên nhân khác nhau, cụ thể như:
- Sức lực yếu: Người trẻ, người trưởng thành thường thực hiện việc khạc nhổ khá dễ dàng. Tuy nhiên người già, đặc biệt là người mắc bệnh kèm theo sẽ có sức lực yếu rất khó để tự mình khạc nhổ.
- Nằm trên giường trong thời gian dài: Một số người lớn tuổi phải nằm trên giường trong thời gian dài sẽ làm giảm khả năng đào thải đờm dãi ra bên ngoài ngoài tự nhiên.
- Bệnh về đường hô hấp: Hầu hết, những căn bệnh về đường hô hấp đều làm gia tăng khả năng tiết dịch. Đặc biệt ở người già thì tình trạng này lại diễn ra nghiêm trọng hơn.
- Các bệnh mạn tính khác: Một số căn bệnh ở giai đoạn mạn tính như tai biến, ung thư giai đoạn cuối sẽ làm người bệnh phải nằm liệt giường. Điều này dễ gây ứ đọng đờm dãi ở người già và khiến tình trạng bệnh nặng nề hơn.
![cach-hut-dom-cho-nguoi-gia-de-thuc-hien-va-an-toan-tai-nha-1.jpg](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/cach_hut_dom_cho_nguoi_gia_de_thuc_hien_va_an_toan_tai_nha_1_febff8f5f2.jpg)
Ứ đọng đờm ở người cao tuổi gây tác hại gì?
Đối với người bình thường, khả năng khạc nhổ đờm và tống các chất cặn ra khỏi vòm họng đơn giản hơn rất nhiều so với người già. Đặc biệt là những người mắc các bệnh mãn tính khiến cho sức khỏe bị suy giảm nghiêm trọng.
Hơn nữa, người già có đờm ứ đọng không được làm sạch sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi từ đó gây viêm nhiễm cho hệ thống đường hô hấp. Chúng tương tự như một vòng xoắn, càng nhiều đờm sẽ khiến bệnh nặng nề hơn và suy giảm nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh.
![cach-hut-dom-cho-nguoi-gia-de-thuc-hien-va-an-toan-tai-nha-2.jpg](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/cach_hut_dom_cho_nguoi_gia_de_thuc_hien_va_an_toan_tai_nha_2_051862ac45.jpg)
Tình trạng viêm nhiễm, phù nề đường hô hấp sẽ khiến cho người bệnh ngày càng khó thở hơn. Đồng thời, yếu tố đờm dãi cũng gây cản trở trong việc phục hồi tình trạng bệnh lý. Chính vì vậy, việc làm sạch đường thở, hút đờm cho người cao tuổi là vô cùng cần thiết, đặc biệt là với những đối tượng đang được chăm sóc tại nhà, thiếu sự quan tâm y tế.
Cách hút đờm cho người già
Dưới đây là những chia sẻ về cách hút đờm cho người già mà bạn có thể tham khảo và áp dụng để đạt được hiệu quả như mong muốn:
Tìm hiểu về đường hô hấp
Trước khi tiến hành hút đờm cho người già, bạn cần tìm hiểu những kiến thức về cấu trúc cơ bản của đường hô hấp. Hệ hô hấp gồm hai phần chính đó là phần hô hấp trên từ mũi, miệng, hầu đến phía trên thanh quản và phần đường hô hấp ở phía dưới thanh quản.
Cách hút đờm cho người già thực tế chỉ nên hút đờm dãi tại phần hô hấp trên. Bạn nên tránh đưa xuống thấp vì sẽ gây nên nhiễm khuẩn thứ phát.
Mục đích của phương pháp
Hút dịch đờm cho người già nhằm những mục đích sau đây:
- Khai thông đường thở, làm sạch các chất dịch xuất tiết ở mũi họng.
- Tạo điều kiện giúp cho khí lưu thông dễ dàng.
- Ngăn ngừa tình trạng nhiễm khuẩn do tích tụ dịch tại đường hô hấp.
- Tránh hình thành các biến chứng nặng hơn cho đường hô hấp.
![cach-hut-dom-cho-nguoi-gia-de-thuc-hien-va-an-toan-tai-nha-3.jpg](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/cach_hut_dom_cho_nguoi_gia_de_thuc_hien_va_an_toan_tai_nha_3_42b5754b2c.jpg)
Chuẩn bị
Các dụng cụ cần chuẩn bị:
- Một ống hút đờm vô khuẩn có kích cỡ phù hợp và sử dụng một lần.
- Gạc miếng, đè lưỡi hoặc canuyn và cốc nhựa dùng một lần.
- Máy hút, nguồn hút áp lực âm. Bạn có thể thay thế bằng xilanh 20 - 50ml
- Nước muối Natri clorid 0,9% và dung dịch sát khuẩn tay nhanh.
- Các dụng cụ khác.
Các bước tiến hành
Trước khi thực hiện, bạn nên thông báo, hướng dẫn và giải thích rõ ràng cho người bệnh nắm rõ các bước để phối hợp nhịp nhàng với nhau.
- Nhận định tình trạng của người bệnh bằng việc kiểm tra nhịp thở, huyết áp.
- Người thực hiện cần phải rửa tay, đeo găng tay y tế, đeo khẩu trang và kính bảo hộ.
- Cho người bệnh nằm nghiêng về một phía để không bị sặc đồng thời trải khăn trước ngực người bệnh.
- Cho dung dịch nước muối Natri clorid 0,9% vào cốc sử dụng một lần.
- Lắp ống hút vào máy và kiểm tra hoạt động của máy. Sau đó điều chỉnh áp lực ở mức phù hợp, mở túi đựng ống thông.
- Mở van hút đồng thời đưa ống thông nhẹ nhàng vào cánh mũi người bệnh.
- Nếu như hút bằng đường miệng thì cần canuyn để giữ cho tư thế miệng mở rồi đưa ống hút vào.
- Sau khi hút xong, đóng cửa sổ hút và kéo ống thông từ từ để hút hết các vị trí xung quanh.
- Lặp lại động tác vừa rồi cho đến khi hết dịch ở trong đường hô hấp. Lưu ý mỗi lần kéo không quá 15 giây để tránh ảnh hưởng đến hệ hô hấp.
- Cho nước vào tráng ống và tháo ống thông vào dung dịch khử khuẩn.
- Tháo găng tay, đưa người bệnh về tư thế nằm nghỉ ngơi.
- Thu dọn dụng cụ.
Các lưu ý khi thực hiện hút đờm cho người cao tuổi
Một số lưu ý trong quá trình thực hiện:
- Thực hiện động tác hút dịch đờm cho người già nên nhẹ nhàng, cẩn thận nhằm tránh làm tổn thương niêm mạc mũi người bệnh.
- Cần điều chỉnh áp lực hợp lý để tránh tổn thương cơ quan.
- Không nên đặt ống quá sâu và chỉ đặt trong gian ngắn tránh gây kích thích và gây khó khăn khi hô hấp.
- Trong và sau khi thực hiện cần chú đến nhịp thở và nhịp tim của người bệnh.
- Nếu đờm đặc quá có thể làm loãng bằng nước muối sinh lý.
- Phải đưa ống hút vào đúng vị trí rồi mới thực hiện.
Trên đây là những chia sẻ về cách hút đờm cho người già. Hy vọng những thông tin này đã giúp bạn có thêm kiến thức để xử lý đờm dãi khi chăm sóc người cao tuổi tại nhà. Trong trường hợp nghiêm trọng thì nên đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được xử trí tốt nhất.
Thùy Dung
Nguồn tham khảo: Tổng hợp