Cách điều trị chứng táo bón do bệnh Parkinson
Parkinson là một dạng rối loạn thoái hoá hệ thần kinh trung ương, với những triệu chứng đặc trưng thường gặp là: Cứng cơ, run, có dáng đi bất thường, chuyển động chậm chạp,... Bên cạnh đó là một triệu chứng tuy không quá nguy hiểm nhưng lại rất hay gặp, gây ra ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, đó chính là táo bón.
Nguyên nhân gây ra tình trạng táo bón ở bệnh nhân mắc Parkinson
Thiếu hụt dopamine
Dopamine là một chất dẫn truyền thần kinh với chức năng chính là kiểm soát hoạt động của cơ. Và bệnh Parkinson với đặc trưng chính là sự thiếu hụt dopamine có thể dẫn đến sự khó khăn trong hoạt động co thắt của cơ hậu môn từ đó gây ra táo bón.
Thiếu hụt dopamine là một trong những nguyên nhân dẫn đến táo bón
Những bất thường do bệnh ở hậu môn trực tràng
Một vài nghiên cứu cho rằng bệnh Parkinson có thể gây ảnh hưởng đến chức năng sinh lý của cả hậu môn và trực tràng. Tình trạng này xảy ra ngay cả bệnh Parkinson ở người già và người trẻ. Cụ thể chính là giảm trương lực co thắt cơ vòng hậu môn.
Giảm phối hợp các cơ
Bệnh Parkinson có thể gây ra cản trở và làm yếu đi các cơ ở thành bụng cũng như vùng chậu hông. Đây là các cơ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc đi đại tiện. Người bệnh có thể gặp vấn đề trong quá trình co thắt, hoặc là thay bằng việc co thắt thì chúng lại giãn ra, khiến người bệnh bị táo bón.
Ít vận động
Bệnh Parkinson run tay hay có thể dẫn đến đau cứng cơ, khó thay đổi tư thế, do đó người bệnh có thể gặp phải trở ngại trong quá trình vận động khiến họ vận động ít hơn. Từ đó làm việc đi đại tiện ngày càng trở nên khó khăn.
Ít vận động khiến người bệnh dễ bị táo bón hơn
Chế độ ăn uống thiếu chất xơ
Chất xơ giữ vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình thải phân ra khỏi cơ thể. Bệnh Parkinson với những rối loạn vận động có thể khiến cho người bệnh mắc phải hội chứng khó nuốt. Từ đó khiến người bệnh hạn chế ăn những thực phẩm giàu chất xơ và bị táo bón.
Tác dụng phụ của thuốc
Một số loại thuốc điều trị Parkinson có thể gây ra táo bón như: Thuốc Trihexyphenidyl (Artane) hay Benztropine Mesylate (Cogentin) hoặc cả các loại thuốc điều trị trầm cảm như Fluoxetine (Prozac). Ngoài ra, nhiều người còn chữa bệnh Parkinson bằng thuốc nam khi chưa hiểu rõ hiệu quả cũng như tác dụng phụ của chúng.
Những triệu chứng táo bón ở người bệnh Parkinson
Triệu chứng của táo bón gặp phải ở người bị bệnh Parkinson bao gồm:
- Giảm số lần đại tiện (thường là ít hơn 3 lần một tuần).
- Phân nhỏ và cứng.
- Quá trình đại tiện vô cùng khó khăn, thường bị đau.
- Có cảm giác đi đại tiện chưa hoàn toàn.
Ở người bệnh Parkinson, tình trạng táo bón này có thể gây ra cảm giác khó chịu tạm thời hoặc là nặng là mãn tính. Gây ra những ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng cuộc sống của người bệnh. Hơn nữa táo bón còn gây tác động trực tiếp đến sự hấp thu cũng như hiệu quả của các thuốc trong quá trình điều trị.
Táo bón ở bệnh Parkinson có thể là tạm thời hoặc mãn tính
Phương pháp điều trị
Việc thay đổi chế độ dinh dưỡng cũng như tăng cường các hoạt động thể chất có thể mang tới hiệu quả cao trong điều trị chứng táo bón do bệnh Parkinson. Cụ thể như sau:
Xây dựng một chế độ dinh dưỡng hợp lý
Uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày để có thể làm tăng chuyển động của đường ruột cũng như giúp cho hệ thống tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn.
Đặc biệt là uống một ly nước ấm vào buổi sáng khi vừa tỉnh dậy có tác dụng rất tốt trong việc kích thích chuyển động của ruột giúp cho quá trình đi vệ sinh dễ dàng hơn. Tìm hiểu bệnh Parkinson nên ăn gì và kiêng gì để xây dựng chế độ ăn uống hợp lý. Nên nhiều chất xơ: Chất xơ có khả năng hút nhiều nước khiến cho phân mềm hơn, to và được thải ra ngoài nhanh hơn.
Bổ sung chất xơ có thể hạn chế tình trạng táo bón
Vận động nhiều hơn trong ngày
Đây chính là một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng trong điều trị táo bón ở người mắc bệnh Parkinson. Việc hoạt động của các cơ ở bụng có thể giúp thúc đẩy hệ thống tiêu hóa hoạt động tốt hơn. Các hoạt động vận động vừa phải thường như đi bộ nhẹ nhàng, bơi, chạy bộ… đồng thời kết hợp với việc hạn chế thời gian nằm hay ngồi quá lâu trong một ngày có thể giúp cải thiện đáng kể tình trạng táo bón.
Cần lưu ý không được trì hoãn việc đi đại tiện khi có nhu cầu. Dùng tay mát xa cũng như chà xát lên vùng thành bụng thường xuyên cũng có thể giúp cải thiện đáng kể hoạt động của nhu động ruột cũng như giảm nhẹ sự khó chịu của táo bón.
Sử dụng các loại thuốc điều trị táo bón
Nếu như trường hợp táo bón quá nghiêm trọng mà không thể giải quyết được bằng chế độ ăn uống cũng như sinh hoạt thì có thể dùng thuốc, có thể kể đến như sau:
- Nhóm thuốc nhuận tràng thẩm thấu: Điển hình là Lactulose (Duphalac), Sorbitol,... có tác dụng làm tăng thêm áp lực thẩm thấu ở ruột. Từ đó tăng lượng nước và kích thích nhu động ruột.
- Nhóm thuốc nhuận tràng kích thích: Phổ biến nhất là Bisacodyl (Ovalax), Cascara,… giúp tác dụng trực tiếp lên đầu dây thần kinh ở phần niêm mạc ruột, làm tăng co cơ ruột, giúp phân dễ dàng di chuyển ra ngoài hơn.
- Nhóm thuốc nhuận tràng dạng bôi trơn như: Parafin, Glycerin. Chúng thường được điều chế ở dạng thuốc bơm hay thuốc đạn, có tác dụng giúp phân di chuyển dễ dàng hơn qua kết tràng.
Ngoài ra còn có rất nhiều nhóm thuốc khác cũng có thể được sử dụng như là thuốc nhuận tràng tạo khối, thuốc nhuận tràng mục đích làm mềm phân,… Tuy nhiên các thuốc này có thể gây ra tác dụng phụ không mong muốn cho cơ thể. Như gây ra rối loạn nhu động ruột, liệt ruột hoặc rối loạn cân bằng điện giải của cơ thể,… đồng thời có thể làm nặng thêm các triệu chứng của bệnh Parkinson. Do đó chúng không được sử dụng nhiều.
Duphalac có thể cải thiện tình trạng táo bón của người bệnh
Người bệnh Parkinson cần đi khám bác sĩ khi nào?
- Có xuất hiện máu trong phân.
- Cân nặng sụt giảm nhanh chóng.
- Đau trong quá trình đại tiện.
- Táo bón đã kéo dài hơn 3 tuần và hầu như không có dấu hiệu cải thiện.
Bệnh Parkinson và táo bón là triệu chứng mà hầu hết ai cũng gặp phải. Tuy nhiên không nên vì vậy mà coi thường chúng. Hãy đến khám bác sĩ ngay nếu thấy những điều chúng tôi đã trình bày ở trên để tránh những biến chứng nguy hiểm nhé!
Thảo My
Nguồn tham khảo: Tổng hợp