Các dấu hiệu nhận biết bệnh sởi ở trẻ em và cách điều trị
Trẻ em là đối tượng có khả năng mắc bệnh sởi nhiều nhất. Đề phòng tránh cũng như nhận biệt con em mình có mắc bệnh hay không, các phụ huynh cần tìm hiểu thông tin về sởi ở trẻ em và cách điều trị.
Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra, trẻ em là đối tượng chính dễ mắc phải căn bệnh này nhất so với người trưởng thành. Nếu không cách li người bệnh kịp thời, sởi rất dễ lây lan và trở thành bệnh dịch nguy hiểm và khó kiểm soát. Người mắc bệnh sởi có khả năng tử vong thấp, tuy nhiên có thể để lại những biến chứng như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt nếu như không được điều trị đúng cách.
1. Các dấu hiệu nhận biết bệnh sởi ở trẻ em
Bệnh sởi được chia thành 4 giai đoạn chính. Tùy thuộc vào từng gia đoạn mà triệu chứng thể hiện ra bên ngoài cũng sẽ khác nhau.
Giai đoạn thứ nhất: Ủ bệnh
Giai đoạn này thường kéo dài từ 5 đến 15 ngày. Trẻ đã nhiễm virus gây sởi, tuy nhiên trong thời gian này không xuất hiện bất kỳ triệu chứng khác thường nào.
Giai đoạn thứ 2: Khởi phát
Trẻ sẽ bắt đầu bị sốt, có khi lên tới 39 - 40 độ và sốt liên tục. Đi kèm theo đó là các triệu chứng trẻ bị hắt hơi, chảy nước mũi, nước mắt, viêm kết mạc, đỏ mắt, phù nhẹ mi, ho (ho khan hoặc ho có đờm), tiêu chảy. Đặc biệt sẽ xuất hiện nội ban hay hạt Koplik ở vùng vòm họng và niêm mạc má, tuy nhiên nội ban này sẽ nhanh chóng biến mất chỉ sau 12 - 24 giờ.
Giai đoạn thứ 3: Toàn phát
Trong giai đoạn toàn phát, ban sởi sẽ nổi lên trên khắp cơ thể trẻ, bắt đầu từ vùng mang tai và chân tóc, sau đó lan rộng ra các vùng khác trên cơ thể. Nốt ban sởi có màu đỏ, hơi sần và nổi lên trên bề mặt da, khi sờ vào không khiến trẻ có cảm giác đau và ngứa. Tùy vào tình trạng bệnh, ban sởi có thể xuất hiện dày đặc hoặc lưa thưa ở một số vùng.
Giai đoạn cuối cùng: Lui bệnh
Khi ban sởi đã lan trên khắp cơ thể, cũng là lúc trẻ không còn triệu chứng sốt cao kéo dài nữa. Nốt ban cũng sẽ biến mất dần theo thứ tự xuất hiện ban đầu của nó và để lại các nốt thâm có tróc da mỏng được gọi là “vằn da hổ”.
Các phụ huynh cần chú ý phân biệt giữa sởi và sốt phát ban vì các triệu chứng của hai căn bệnh này khá giống nhau, nếu không chắc chắn trẻ đang mắc bệnh nào, hãy đưa trẻ tới gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác. Tránh tình trạng sử dụng sai thuốc, sai phương pháp có thể để lại những biến chứng không mong muốn cho trẻ.
2. Điều trị bệnh sởi cho trẻ em
Đối với bệnh sởi, nếu đủ điều kiện chăm sóc và cách ly, có thể chăm sóc và điều trị tại nhà cho trẻ. Việc đầu tiên khi phát hiện con mình bị sởi là cách ly trẻ bệnh với trẻ lành. Nếu trẻ sốt cao kéo dài, hãy cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ. Phụ huynh nên chú ý một điều rằng, khi chăm sóc cho trẻ cần đeo khẩu trang, rửa tay sạch trước và sau mỗi lần tiếp xúc với trẻ.
Giúp trẻ vệ sinh thân thể như tắm hàng ngày, tránh để lạnh. Thay quần áo, vệ sinh môi trường xung quanh, giữ gìn phòng thông thoáng sạch sẽ. Không nên kiêng nước kiêng gió tuyệt đối vì khi cơ thể bẩn sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển của các mầm bệnh khác. Thường xuyên rửa mắt cho trẻ. Đối với trẻ còn bú mẹ vẫn tiếp tục cho bú và kết hợp chế độ ăn bổ sung hợp lý.
Ngoài ra, trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày, các mẹ cần phải chú ý lựa chọn các loại thực phẩm có chứa nhiều vitamin A. Các món ăn nên được nấu kĩ để giúp bé thuận lợi hơn trong việc nhai nuốt và tiêu hóa. Có thể chia nhỏ thành nhiều bữa ăn trong ngày để trẻ có thể hấp thu chất dinh dưỡng được tốt hơn.
Nếu bậc phụ huynh có thể nắm bắt được những dấu hiệu điển hình của bệnh sởi cũng như cách phòng bệnh và điều trị bệnh hiệu quả thì chắc chắn rằng bệnh sởi sẽ không là mối nguy lớn đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ.
Uyên