Các dấu hiệu hở van tim mà bạn không thể xem thường

Hiện nay, hở van tim nằm trong nhóm các bệnh có tỷ lệ mắc tương đối cao tác động lớn đến sức khỏe cũng như đời sống của người mắc. Dấu hiệu hở van tim cũng rất đa dạng, phụ thuộc vào mức độ hở của van tim.

Tìm hiểu về van tim là gì và bệnh hở van tim

Quả tim bình thường có 4 buồng tim gồm hai tâm nhĩ ở trên và hai tâm thất bên dưới. Để đảm bảo cho tuần hoàn máu chỉ đi theo một chiều, giữa các buồng tim sẽ có các cấu trúc được gọi là các van tim.

Có 4 loại van tim giữ nhiệm vụ giúp máu lưu thông đúng hướng trong cơ thể, bao gồm:

  • Van 2 lá;
  • Van 3 lá;
  • Van động mạch phổi;
  • Van động mạch chủ.
Các dấu hiệu hở van tim bạn không thể xem thường
Có 4 loại van tim giữ nhiệm vụ giúp máu lưu thông đúng hướng trong cơ thể

Hở van tim là tình trạng các van tim không đóng hoàn toàn lại được, khiến máu rò rỉ trào ngược trở lại qua van vào buồng tim phía trước lúc tim co bóp. Tình trạng rò rỉ nghiêm trọng làm cho lưu lượng máu di chuyển qua tim đến các phần còn lại của cơ thể bị giảm. Lúc này, tim khó bơm máu đi khắp cơ thể hiệu quả như bình thường khiến người bệnh cảm thấy rất mệt mỏi, khó thở.

Dấu hiệu hở van tim

Bệnh hở van tim nhẹ có thể không xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào trong nhiều năm. Tuy nhiên, khi tình trạng bệnh phát triển nhanh chóng, trở nên nghiêm trọng, người bệnh có thể nhận thấy các dấu hiệu hở van tim sau:

Khó thở

Khó thở là dấu hiệu hở van tim đầu tiên và dễ dàng nhận biết nhất ở người bệnh. Tình trạng khó thở thường sẽ tăng lên khi bạn đang hoạt động quá sức, tập thể dục hoặc ngay cả khi nằm xuống nghỉ ngơi.

Các dấu hiệu hở van tim bạn không thể xem thường 1
Khó thở là dấu hiệu hở van tim phổ biến

Nhịp tim nhanh, không đều

Rối loạn nhịp tim có thể xảy ra do sự gia tăng kích thước của buồng tim và áp lực khi máu chảy ngược qua van. Nhịp tim không đều cũng tăng khả năng hình thành cục máu đông ở buồng tim và dẫn đến đột quỵ về sau. Người bệnh hở van tim cũng sẽ có cảm giác tim đập nhanh, đập mạnh như đánh trống trong ngực. Các trường hợp hở van tim nặng còn xảy ra tình trạng mạch đập mạnh bất thường ở cổ hoặc gần gan.

Chóng mặt hoặc ngất xỉu

Người bệnh hở van tim thường xuyên chóng mặt và ngất xỉu. Nguyên nhân là do lượng máu lưu thông đến các cơ quan bị giảm sút, không có đủ máu giàu oxy cung cấp cho cơ thể để thực hiện các hoạt động sống như bình thường.

Các dấu hiệu hở van tim bạn không thể xem thường 2
Người bệnh hở van tim thường xuyên chóng mặt và ngất xỉu

Đau tức ngực

Bệnh nhân có thể cảm thấy khó chịu, xuất hiện cơn đau thắt ngực hoặc căng tức ở ngực và những biểu hiện hở van tim này thường tăng lên khi vận động.

Sưng bụng, sưng bàn chân hoặc mắt cá chân

Dấu hiệu hở van tim này thường xuất hiện do lưu lượng máu chảy đến các bộ phận khác trên cơ thể bị rối loạn, dẫn đến chất lỏng tích tụ quá nhiều ở bàn chân hay mắt cá chân. Bên cạnh đó, sưng bụng lại là một triệu chứng hở van tim cho thấy gan đang nhận quá nhiều máu, sưng lên và hoạt động không hiệu quả.

Mệt mỏi và suy nhược

Mệt mỏi cũng là một dấu hiệu hở van tim phổ biến. Bệnh nhân thường cảm thấy kiệt sức trong một thời gian dài và không thuyên giảm dù đã nghỉ ngơi. Đặc biệt, mệt mỏi do hở van tim có thể tăng lên khi người bệnh tăng mức độ hoạt động.

Các dấu hiệu hở van tim bạn không thể xem thường 3
Mệt mỏi cũng là một dấu hiệu hở van tim phổ biến

Khi nào bệnh nhân hở van tim nên đến gặp bác sĩ?

Các dấu hiệu hở van tim trên đều gây cản trở các hoạt động, sinh hoạt bình thường và có thể chuyển biến xấu, gây biến chứng nguy hại. Do đó, nếu nhận thấy cơ thể xuất hiện một hoặc nhiều triệu chứng kể trên, hãy đến gặp bác sĩ để thăm khám, sớm xác định rõ nguyên nhân và điều trị kịp thời. Đồng thời, hãy gọi cấp cứu ngay khi có những dấu hiệu sau:

  • Đau ngực dữ dội.
  • Các triệu chứng của sốc như: Tụt huyết áp, da nhợt nhạt, thở nhanh hoặc mất ý thức.
  • Khó thở nghiêm trọng.
  • Chóng mặt, choáng váng, ngất xỉu bất ngờ hoặc không rõ nguyên nhân.

Với bệnh nhân đã trải qua phẫu thuật hở van tim cần đến gặp bác sĩ nếu gặp phải các tình trạng như:

  • Vị trí vết mổ có dấu hiệu nhiễm trùng bao gồm: Sưng, đỏ hoặc có cảm giác nóng khi chạm vào.
  • Có dấu hiệu của cơn đau tim hay đột quỵ.
  • Đang dùng thuốc làm loãng máu và bị thương hoặc bị ngã.
Các dấu hiệu hở van tim bạn không thể xem thường 4
Tăng cường vận động và xây dựng lối sống khoa học để phòng bệnh van tim

Lưu ý giúp phòng ngừa hở van tim

Những lưu ý dưới đây sẽ giúp bạn phòng ngừa sớm bệnh hở van tim cũng như hỗ trợ hiệu quả việc điều trị.

  • Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ các dưỡng chất, vitamin cần thiết từ trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt... Hạn chế tối đa các thực phẩm chứa quá nhiều muối, nhiều đường, nhiều dầu mỡ cũng như thực phẩm chế biến sẵn… để bảo vệ sức khỏe tim mạch. Đồng thời, tìm hiểu bệnh hở van tim nên ăn gì và tránh gì để xây dựng thực đơn phù hợp.
  • Cân bằng giữa làm việc và nghỉ ngơi để loại bỏ căng thẳng.
  • Tăng cường vận động, thực hiện hoạt động thể dục đều đặn, vừa sức.
  • Duy trì cân nặng ở mức ổn định, tránh tình trạng béo phì, thừa cân.
  • Hạn chế sử dụng các chất kích thích, thuốc lá, đồ uống có cồn như: Rượu, bia… Đây đều là những yếu tố nguy cơ đe dọa sức khỏe tim mạch và ảnh hưởng tới nhiều cơ quan chức năng khác.

Nếu không được điều trị kịp thời, hở van tim có thể tiến triển xấu, gây tổn thương tim vĩnh viễn, dẫn đến suy tim thậm chí tử vong nên việc tìm hiểu và nhận biết sớm các dấu hiệu hở van tim là vô cùng cần thiết. Bên cạnh đó, để cải thiện triệu chứng bệnh, duy trì và bảo vệ sức khỏe tim mạch một cách tốt nhất người bệnh cần áp dụng các biện pháp hỗ trợ, phòng ngừa và tuân thủ hướng dẫn, chỉ định điều trị của bác sĩ chuyên khoa.



Chat with Zalo