Bệnh xơ phổi có nguy hiểm không? Những phương pháp điều trị xơ phổi
Xơ phổi là tình trạng các mô phổi bị sẹo hóa và gặp tổn thương nặng nề. Các mô phổi bị xơ, sẹo cứng khiến phổi không giãn nở như bình thường. Từ đó ảnh hưởng đến khả năng hô hấp của cơ thể. Khi bệnh tiến triển nặng nề hơn, người bệnh sẽ cảm thấy vô cùng khó thở. Hầu hết bệnh xơ phổi đều không tìm rõ được nguyên nhân, thường gặp ở những bệnh nhân lớn tuổi. Tuy nhiên các yếu tố được xem là nguyên do gây nên khả năng mắc bệnh cao đó là:
- Hút nhiều thuốc.
- Tiếp xúc nhiều trong môi trường nhiều khói bụi, bị ô nhiễm nặng nề.
- Do sử dụng thuốc điều trị của một số bệnh lý khác.
- Yếu tố di truyền từ người thân bị xơ phổi.
- Mắc bệnh trào ngược dạ dày.
- Bị nhiễm trùng do một số virus gây bệnh đường hô hấp.
Các triệu chứng của bệnh xơ phổi
Bệnh xơ phổi thường gây ra những triệu chứng ở người bệnh như: Mệt mỏi, ho khan kéo dài, khó thở, đau nhức các cơ khớp, chán ăn, sụt cân nhanh chóng. Trong đó, khó thở là triệu chứng rõ ràng nhất của bệnh xơ phổi, nhất là sau khi hoạt động mạnh.
Nếu bạn phát hiện triệu chứng khó thở này tức là căn bệnh xơ phổi đã trở nên nặng và không thể chữa lành nguyên trạng cho phổi như bình thường. Ngoài ra, cũng sẽ có những triệu chứng khác tùy vào thể trạng sức khỏe của mỗi người. Vậy bệnh xơ phổi có nguy hiểm không?
Hình ảnh xơ phổi
Bệnh xơ phổi có nguy hiểm không?
Xơ phổi là một căn bệnh không rõ nguyên nhân gây ra và tiến triển nặng nề theo thời gian. Tuy các triệu chứng của bệnh có thể điều trị và kiểm soát được nhưng không thể phục hồi hay chữa lành các sẹo xơ cứng trong phổi. Điều này sẽ gây cản trở cho việc hô hấp của bệnh nhân. Ngoài ra bệnh xơ phổi cũng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như:
- Giảm nồng độ oxy trong máu xuống mức thấp: Những sẹo ở phổi làm cho việc hít thở khó khăn, giảm lượng oxy cung cấp vào trong máu. Khi cơ thể không có đủ oxy để hoạt động sẽ gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng người bệnh.
- Huyết áp động mạch phổi tăng cao: Các mô sẹo ở phổi cũng gây tác động đến động mạch cũng như mao mạch phổi. Làm huyết áp trong động mạch phổi tăng cao hơn. Tình trạng này diễn ra lâu dài có thể gây suy tim, tâm phế mạn.
- Viêm phổi, suy hô hấp: Là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh xơ phổi vào giai đoạn cuối khi tiến triển thành bệnh mãn tính. Lúc này, nồng độ oxy trong máu giảm xuống mức thấp nhất gây rối loạn nhịp tim. Từ đó dẫn đến suy hô hấp và phải cần can thiệp bằng việc thở máy. Nguy cơ tử vong tăng cao.
![Bệnh xơ phổi có nguy hiểm không? Những phương pháp điều trị xơ phổi 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/benh_xo_phoi_co_nguy_hiem_khong_nhung_phuong_phap_dieu_tri_xo_phoi_2_cb1c311fe0.png)
Xơ phổi thường gặp ở bệnh nhân lớn tuổi trong khoảng từ 50 đến trên 70 tuổi. Bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho sức khỏe nên tiên lượng của bệnh chỉ ở mức trung bình khoảng từ 3 - 5 năm. Có thể thấy câu trả lời cho câu hỏi: “Bệnh xơ phổi có nguy hiểm không” đó chính là: "Có". Tùy vào độ tuổi mắc bệnh và tình trạng sức khỏe có thể dẫn đến nhiều mức độ triệu chứng nặng nhẹ khác nhau. Tuy nhiên vì độ tuổi mắc bệnh lớn nên rất dễ gây ảnh hưởng đến tính mạng.
Các phương pháp điều trị bệnh xơ phổi
Tuy không thể chữa lành sẹo trên phổi nhưng bệnh xơ phổi vẫn có thể được điều trị để kiểm soát và giảm các triệu chứng bằng:
Thuốc điều trị
Khi bị xơ phổi, bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân các loại thuốc như: Pirfenidone và Nintedanib. Đây là những loại thuốc giúp ức chế bệnh tiến triển và hỗ trợ cải thiện chức năng phổi. Ngoài ra, bác sĩ có thể kê thêm thuốc chống axit để giảm trào ngược dạ dày, vì đây là tình trạng thường gặp ở bệnh nhân xơ phổi.
Liệu pháp oxy
Tuy không điều trị nhưng liệu pháp oxy hỗ trợ cải thiện việc hô hấp cho người xơ phổi dễ dàng hơn. Từ đây cũng cải thiện sinh hoạt trong cuộc sống hằng ngày và đảm bảo chất lượng giấc ngủ để duy trì sức khỏe. Đồng thời, hạn chế những biến chứng do nồng độ oxy trong máu thấp gây ra như suy hô hấp.
Phục hồi chức năng phổi
Các phương pháp trị liệu phục hồi chức năng phổi tập trung vào việc rèn luyện thể chất, tập luyện kỹ thuật hít thở. Bên cạnh đó còn tư vấn bổ sung dinh dưỡng để quản lý tốt hơn những triệu chứng do xơ phổi gây ra.
Ghép phổi
Ghép phổi là cách giúp người bệnh sống lâu hơn. Tuy nhiên, phương pháp này không phải ai cũng thực hiện được. Bởi vì còn phụ thuộc vào việc phù hợp cũng như ghép phổi có thể gây ra những biến chứng như thải ghép hoặc nhiễm trùng.
Thay đổi chế độ sống lành mạnh hơn
Ngoài các phương pháp điều trị thì người bệnh cũng cần thực hiện một chế độ sinh hoạt tích cực hơn. Trong đó có:
- Chế độ ăn uống phù hợp: Ăn nhiều rau xanh và các loại trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, sản phẩm từ sữa ít béo để tăng cường sức khỏe cho bản thân. Ngoài ra, cần tránh những thực phẩm có nhiều chất béo không lành mạnh, đường, muối hay dầu mỡ, nội tạng động vật.
- Tập luyện thể dục nhẹ nhàng: Vận động nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe hằng sẽ củng cố sức đề kháng cho người bệnh. Bạn có thể hỏi thêm ý kiến bác sĩ về chế độ luyện tập phù hợp nhất với thể trạng của mình.
- Không hút thuốc lá và nên tránh khỏi những nơi ô nhiễm, nhiều bụi bẩn để bảo vệ phổi tốt nhất.
![Bệnh xơ phổi có nguy hiểm không? Những phương pháp điều trị xơ phổi 3](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/benh_xo_phoi_co_nguy_hiem_khong_nhung_phuong_phap_dieu_tri_xo_phoi_3_c306c1ca0a.jpg)
Hy vọng với thông tin bệnh xơ phổi có nguy hiểm không trên bài viết này đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc của mình. Xơ phổi là bệnh nguy hiểm, tuy nhiên nếu được điều trị đúng cách, người bệnh vẫn có thể kiểm soát những triệu chứng của bệnh. Chính vì vậy, hãy luôn giữ tinh thần lạc quan và trị liệu theo đúng pháp đồ từ bác sĩ đưa ra nhé!
Minh Hạnh
Nguồn tham khảo: Tổng hợp