Bệnh đậu mùa khỉ có nguy hiểm không, có gây chết người không?
Bệnh đậu mùa khỉ đang bùng phát và được Tổ chức Y tế Thế giới ( WHO) họp khẩn để đưa ra cảnh báo. Đến này, bệnh này đã xuất hiện tại 12 quốc gia và có nguy cơ lây lan sang nhiều nước khác. Vậy bệnh đậu mùa khỉ có nguy hiểm không? Có gây chết người không?
Bệnh đậu mùa khỉ là gì?
![Bệnh đậu mùa khỉ có nguy hiểm không, có gây chết người không? 1](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/dau_mua_khi_co_chet_khong_1_897b6b12bc.jpg)
Đậu mùa khỉ là một căn bệnh do virus đậu mùa khỉ gây ra, bệnh này lây nhiễm từ động vật do virus sang người, cũng có thể lây truyền từ người sang người. Bất kỳ là trẻ em hay người trưởng thành đều là đối tượng có thể mắc bệnh.
Các nhà khoa học cho biết, căn bệnh đậu mùa khỉ này khó lây lan hơn so với dịch Covid-19. Mặc dù vậy, bệnh này vẫn đang là mối đe dọa trên toàn cầu nếu không có vắc-xin để phòng ngừa kịp thời. Vậy bạn có biết tại sao bệnh này lại được gọi là đậu mùa khỉ không? Lý do bởi bệnh được phát hiện lần đầu tiên ở những đàn khỉ được nuôi để nghiên cứu vào năm 1958. Đến năm 1970, bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện ở người.
Bệnh đậu mùa khỉ có nguy hiểm không, có gây chết người không?
![Bệnh đậu mùa khỉ có nguy hiểm không, có gây chết người không? 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/dau_mua_khi_co_chet_khong_2_fe2754fab0.jpg)
Hầu hết các trường hợp mắc đậu mùa khỉ thì thấy triệu chứng tự mất đi trong vòng vài tuần. Tuy nhiên, ở một số người, bệnh đậu mùa khỉ có thể dẫn đến các biến chứng y khoa, thậm chí nguy hiểm hơn là gây tử vong. Các yếu tố dẫn đến diễn tiến bệnh đậu mùa khỉ nặng hơn, nguy cơ gặp triệu chứng nghiêm trọng, dẫn tới khả năng tử vong cao bao gồm:
- Người mắc bệnh có tiếp xúc lâu dài với virus;
- Trẻ em;
- Người có hệ miễn dịch kém;
- Người có bệnh nền.
Các ca bệnh đậu mùa khỉ nặng có các biến chứng bao gồm:
- Nhiễm trùng da;
- Nhiễm trùng máu;
- Viêm phổi;
- Viêm mô não;
- Lú lẫn;
- Nhiễm trùng mắt có thể dẫn đến mất thị giác;
- Các vết thương trên da trở nên nghiêm trọng hơn khiến da bong ra thành các mảng lớn.
Tỷ lệ tử vong do bệnh đậu mùa khỉ trước đây dao động trong khoảng 11% so với số người mắc bệnh này (trong đó trẻ em là đối tượng có tỷ lệ tử vong cao hơn). Thời gian gần đây, tỷ lệ tử vong do đậu mùa khỉ trong khoảng 3 - 6%. Mặc dù bệnh đậu mùa khỉ khó lây lan giữa người với người hơn so với đại dịch Covid-19, tuy nhiên đây cũng là một căn bệnh nguy hiểm và cần có những biện pháp điều trị kịp thời, phù hợp.
Đậu mùa khỉ lây qua đường nào?
![Bệnh đậu mùa khỉ có nguy hiểm không, có gây chết người không? 3](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/dau_mua_khi_co_chet_khong_3_c722f738fa.jpg)
Bệnh đậu mùa khỉ có thể lân lan trực tiếp khi tiếp xúc với máu, chất lỏng trong cơ thể, vết thương trên da hoặc giọt bắn đường hô hấp. Ngoài ra, nếu ăn thịt động vật bị nhiễm bệnh, tiếp xúc với người bệnh thông qua chăn ga gối nệm, khăn mặt, quần áo,… hoặc tiếp xúc với các tổn thương trên da của người bệnh cũng là nguyên nhân khiến một người bị nhiễm bệnh đậu mùa khỉ. Do đó, nếu đang sống chung cùng người đang mắc bệnh này này khả năng bị nhiễm bệnh là cao.
Bên cạnh đó, nếu người mẹ đang mang bầu mà mắc bệnh này thì có thể lây sang thai nhi, dẫn tới bệnh đậu mùa khỉ bẩm sinh. Kể cả trẻ sơ sinh tiếp xúc gần mẹ trong quá trình sinh nở hoặc sau sinh thì cũng có nguy cơ nhiễm bệnh nếu mẹ đang mang bệnh. Mặc dù, bệnh đậu mùa khỉ có thể lây lan từ người sang người nhưng các chuyên gia cũng chưa thể kết luận được rằng căn bệnh này có lân lan qua đường tình dục hay không. Vấn đề này cần thêm nghiên cứu thì mới có thể xác định chính xác được.
Chẩn đoán bệnh đậu mùa khỉ như thế nào?
Muốn chẩn đoán được bệnh, đầu tiên cần quan sát kỹ để phát hiện các triệu chứng của bệnh. Với những trường hợp có nổi ban ngoài da cấp tính kèm theo đó là một trong các yếu tố sau thì nên đi khám để được chẩn đoán:
- Người sống tại các vùng rừng nhiệt đới có động vật dễ mắc bệnh đậu mùa khỉ.
- Người đã đi đến các quốc gia có ca bệnh.
- Người sống chung và làm việc với người nghi ngờ hoặc đang mắc bệnh đậu mùa khỉ.
- Những người ăn thịt các động vật hoang dã có nguy cơ mắc bệnh.
- Người tiếp xúc với động vật nghi ngờ hoặc mắc bệnh đậu mùa khỉ.
- Bị động vật nghi ngờ hoặc bị đậu mùa khỉ cắn, cào…
Khi đi khám, bác sĩ sẽ quan sát triệu chứng của bệnh nhân và tìm hiểu tiền sử bệnh, lịch sử di chuyển để xác định xem người bệnh có nguy cơ mắc đậu mùa khỉ hay không. Chắc chắn hơn, bác sĩ sẽ cho tiến hành xét nghiệm PCR các mẫu vết thương trên da, hoặc mẫu chất dịch cơ thể để xem có phát hiện virus gây bệnh đậu mùa khỉ trong cơ thể người bệnh hay không.
Ngoài ra, từ ngày 15/03/2022 Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo nên đi khám sớm nếu bị phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân, kèm theo một hoặc nhiều dấu hiệu dưới đây:
- Đau đầu;
- Khởi phát sốt cấp tính (> 38,5 độ C);
- Nổi hạch (sưng hạch bạch huyết);
- Đau nhức cơ thể;
- Đau lưng;
- Suy nhược cơ thể.
Qua bài viết trên bạn đã biết được câu trả lời cho thắc mắc: "Đậu mùa khỉ có chết người không?". Hy vọng các thông tin trong bài viết trên sẽ giúp bạn hiểu hơn về bệnh này và biết cách phòng tránh cho chính mình và người thân.
Hạ Hạ
Nguồn tham khảo: Tổng hợp