Bật mí cách tính liều dùng thuốc hạ sốt cho người lớn không phải ai cũng biết
Sốt là gì? Nguyên nhân gây ra sốt là gì? Đâu là các nhóm thuốc hạ sốt cho người lớn? Cách tính liều dùng thuốc hạ sốt cho người lớn ra sao? Cùng Hà An Pharmacy khám phá câu trả lời trong bài viết dưới đây nhé.
Sốt và nguyên nhân gây sốt
Sốt là một trong những triệu chứng thường gặp của một số bệnh như cảm cúm. Sốt có thể là phản ứng miễn dịch tự nhiên của cơ thể nhằm chống lại các tác nhân gây hại, đôi khi sốt cũng có thể là một dấu hiệu cảnh báo vấn đề sức khỏe bất thường nào đó.
Nhiệt độ cơ thể của con người luôn được duy trì trong khoảng từ 36,1 độ C đến 37,2 độ C và sốt là tình trạng tăng thân nhiệt của cơ thể vượt mức bình thường. Tùy vào mức độ tăng thân nhiệt mà sốt được chia thành 3 loại chính:
- Sốt nhẹ: Thân nhiệt dao động trong khoảng từ 37,5 độ C đến 38 độ C.
- Sốt vừa: Thân nhiệt dao động ở mức từ 38 độ C đến 38.5 độ C.
- Sốt cao: Thân nhiệt tăng trên 38.5 độ C.
Sốt có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau và sốt có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý, trong đó phải kể đến:
- Sốt siêu vi: Virus là tác nhân gây sốt tương đối phổ biến ở người trưởng thành. Sốt thường đi kèm với một số triệu chứng khác như ho, đau họng, khàn tiếng…
- Sốt do vi khuẩn: Khi vi khuẩn tấn công vào một cơ quan hay bộ phận nào đó của cơ thể thì sốt sẽ xảy ra như một phản ứng bảo vệ cơ thể trước tác nhân gây bệnh là vi khuẩn. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có thể sẽ phải đối mặt với một số biến chứng nhiễm trùng như nhiễm trùng đường hô hấp dưới, nhiễm trùng hệ tiêu hóa, nhiễm trùng da…
- Sốt do thuốc: Việc sử dụng một số loại thuốc kháng sinh có thể khiến người bệnh có sốt nhẹ. Đây có thể là dấu hiệu của tình trạng dị ứng thuốc. Lúc này, hãy dừng sử dụng thuốc, theo dõi nhiệt độ cơ thể và thông báo với bác sĩ để có hướng xử trí kịp thời.
Các nhóm thuốc hạ sốt dành cho người lớn
Trên thực tế, liều dùng thuốc hạ sốt cho người lớn phụ thuộc vào loại thuốc mà bác sĩ chỉ định cho người bệnh. Dưới đây là một số nhóm thuốc được sử dụng phổ biến nhằm hạ sốt cho người bệnh:
Paracetamol
Paracetamol là thuốc giảm đau, hạ sốt được sử dụng phổ biến nhất cho mọi lứa tuổi bao gồm cả trẻ em và người lớn. Loại thuốc này không thuộc nhóm thuốc giảm đau hạ sốt chống viêm không steroid (NSAID), vì vậy đây là sự lựa chọn tuyệt vời cho những đối tượng thuộc nhóm chống chỉ định với các thuốc NSAID.
Paracetamol được điều chế dưới nhiều dạng khác nhau bao gồm dạng viên nén, dạng viên sủi, dạng bột hòa tan, dạng siro và viên nhét hậu môn… Trong đó, viên nén và viên sủi là 2 dạng được sử dụng phổ biến nhất ở người lớn.
Một điểm cộng cho paracetamol đó là không gây kích ứng niêm mạch dạ dày hoặc các vấn đề liên quan đến dạ dày như thuốc NSAID, thuốc thường được hấp thụ tốt và rất ít gây tác dụng không mong muốn cho người sử dụng.
Thuốc giảm đau hạ sốt và kháng viêm không steroid
Cơ chế tác dụng của nhóm thuốc này là ức chế sản xuất prostaglandin - hoạt chất gây đau, viêm và sốt trong các trường hợp viêm hay nhiễm trùng. Những loại thuốc thuộc nhóm NSAID được dùng để hạ sốt phổ biến bao gồm ibuprofen, ketorolac và naproxen.
- Ibuprofen thường được sử dụng trong các trường hợp đau bụng kinh, đau cơ bắp và đau khớp. Thuốc dùng để hạ sốt trong các trường hợp người bệnh bị cảm lạnh hoặc cảm cúm và có tác dụng giảm đau nhức mức độ nhẹ.
- Naproxen cũng là một trong những loại thuốc thuộc nhóm NSAID có tác dụng giảm đau, hạ sốt.
- Ketorolac là thuốc giảm đau được dùng đường tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp.
Aspirin
Aspirin còn được biết đến với tên gọi là acid acetylsalicylic, là thuốc giảm đau, hạ sốt, chống viêm và chống kết tập tiểu cầu. Cũng giống như các thuốc chống viêm không steroid khác, aspirin hoạt động bằng cách ức chế enzym COX và ngăn chặn quá trình tổng hợp các hoạt chất gây viêm như prostaglandin, thromboxan… từ đó giúp tăng thải nhiệt, đồng thời ngăn chặn quá trình sinh nhiệt của cơ thể và giảm đau bằng cách làm giảm tính cảm thụ của dây thần kinh cảm giác.
Liều dùng thuốc hạ sốt cho người lớn
Tùy vào mỗi loại thuốc, các bác sĩ sẽ đưa ra liều dùng và cách sử dụng thuốc hạ sốt cho người lớn phù hợp. Cụ thể:
- Paracetamol: Mỗi lần uống 1 viên paracetamol 500 mg. Trường hợp chưa hạ sốt có thể dùng thêm 1 liều tương tự sau 4 - 6 tiếng. Tuyệt đối không rút ngắn khoảng cách giữa các lần sử dụng thuốc và không uống quá 6 viên/ngày.
- Ibuprofen: Uống từ 1 - 2 viên ibuprofen 200 mg/lần, ngày uống 3 lần. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định liều cao hơn lên đến 600 mg/lần, ngày uống 4 lần. Khoảng cách giữa 2 liều cách nhau từ 4 - 6 tiếng.
- Naproxen: Người bệnh uống 1 viên naproxen 200 mg/lần, không uống quá 2 viên trong 12 giờ và không quá 3 viên trong 1 ngày. Khoảng cách giữa các lần uống thuốc là 8 - 12 tiếng. Một lưu ý nữa đó là không sử dụng thuốc hạ sốt naproxen trong 10 ngày liên tiếp. Trong trường hợp người bệnh bị đau nửa đầu, uống 550 mg/lần và uống 2 lần/ngày, sử dụng trong vòng từ 4 - 6 tuần.
- Ketorolac: Tiêm bắp với liều dùng thông thường là 30 - 60 mg/ngày và tiêm tĩnh mạch là 3 mg/ngày. Lưu ý không sử dụng thuốc ketorolac quá 5 ngày.
- Aspirin: Mỗi lần sử dụng 325 - 650 mg cho đường uống hoặc đặt hậu môn, khoảng cách giữa 2 liều liên tiếp là 4 tiếng và không sử dụng quá 4 g/ngày.
Như vậy, liều dùng thuốc hạ sốt cho người lớn có thể được tính dựa trên liều khuyến cáo của các nhóm thuốc khác nhau cũng như tình trạng bệnh. Tuy nhiên, liều dùng trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Để có được liều dùng phù hợp và chính xác nhất, bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Một số lưu ý khi sử dụng thuốc hạ sốt
Ngoài việc nắm được liều dùng thuốc hạ sốt cho người lớn, bạn cần biết thêm một số lưu ý khi sử dụng thuốc hạ sốt để đạt được hiệu quả và an toàn, cụ thể:
- Tính đúng liều dùng hạ sốt cho người lớn, đồng thời tuân thủ liều dùng cũng như thời gian sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ hoặc theo hướng dẫn sử dụng.
- Hiểu được các thành phần có trong các loại thuốc hạ sốt bạn đang sử dụng, nắm được các tác dụng phụ cũng như rủi ro có thể đối mặt khi sử dụng thuốc, biết được liều dùng cao nhất có thể dùng để đảm bảo an toàn.
- Chỉ uống thuốc hạ sốt khi sốt từ 38,5 độ C.
- Theo dõi thân nhiệt thường xuyên. Tìm hiểu thêm về vấn đề uống thuốc hạ sốt bao lâu thì hạ. Trường hợp uống thuốc mà không hạ sốt cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám và có hướng xử trí kịp thời.
- Không nên sử dụng các chất kích thích như bia, rượu trong thời gian sử dụng thuốc. Nếu người bệnh nghiện rượu hoặc có tiền sử mắc các bệnh lý về gan thì cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng thuốc.
Hy vọng với những chia sẻ trên đây của Hà An Pharmacy, bạn đọc có thể hiểu hơn về các nhóm thuốc hạ sốt cũng như liều dùng thuốc hạ sốt cho người lớn. Mong rằng, những thông tin này sẽ thực sự giúp ích được cho bạn trong cuộc sống hàng ngày. Đừng quên truy cập trang web của Hà An mỗi ngày để có thêm nhiều kiến thức sức khỏe bạn nhé.
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Tổng hợp