9 lỗi vệ sinh phổ biến mà không ít người mắc phải
Sau đây là 9 lỗi phổ biến khi vệ sinh mà rất nhiều người mắc phải.
1. Súc kỹ miệng sau khi đánh răng
Việc có nên súc miệng thật kỹ với nước sau khi đánh răng hay không vẫn đang là vấn đề gây tranh cãi. Một số nha sĩ cho rằng chỉ nên nhổ kem đánh răng ra và không cần súc miệng lại với nước vì như vậy sẽ giữ lại thành phần tốt nhất là flor trong miệng.
Nhưng một số khác lại cho rằng việc chỉ nhổ kem đánh răng ra và không súc miệng lại sẽ khiến kem đánh răng sót lại trong miệng đi vào dạ dày.
Vì thế, tốt nhất là chúng ta chỉ nên súc miệng sơ lại với khoảng 1 muỗng nước ấm sau khi đánh răng. Nếu súc miệng quá kỹ, chúng ta sẽ làm giảm bớt tác dụng bảo vệ răng của flor, do đó dễ mắc bệnh sâu răng hơn.
![9 lỗi vệ sinh phổ biến mà không ít người mắc phải 1](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/9_loi_ve_sinh_pho_bien_ma_khong_it_nguoi_mac_phai_1_21d4417c60.jpg)
2. Không làm sạch lược tròn
Những chiếc lược tròn hay lược bàn gỡ rối là nơi ẩn nấp của rất nhiều vi khuẩn. Khi chúng ta sử dụng hằng ngày, bụi bẩn, bã nhờn trên tóc sẽ bám vào lược và ngược lại, vi khuẩn trên lược cũng sẽ tấn công lại tóc chúng ta. Vì vậy, bạn nên làm sạch lược mỗi tuần 1 lần.
3. Cất khăn tắm trong phòng tắm
Phòng tắm có độ ẩm cao, ẩm ướt, cộng thêm với vi khuẩn từ bồn cầu và cống thoát nước khiến nơi đây là một môi trường lý tưởng để vi khuẩn sinh sôi. Việc treo khăn tắm trong phòng tắm cũng sẽ thu hút nhiều vi khuẩn hơn, chúng bám lại trên khăn rồi lên da của bạn khi bạn dùng khăn lau mình.
Bạn nên để khăn tắm ở nơi thoáng đãng, có nắng. Bạn cũng nên giặt khăn thường xuyên trong tuần để đảm bảo khăn luôn sạch sẽ khi bạn lau nó lên người.
![9 lỗi vệ sinh phổ biến mà không ít người mắc phải 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/9_loi_ve_sinh_pho_bien_ma_khong_it_nguoi_mac_phai_2_dc044f86ab.jpg)
4. Loại bỏ hoàn toàn lông mũi
Bạn nghĩ rằng việc dọn sạch lông mũi là một cách vệ sinh cơ thể sạch sẽ? Nhưng sự thật không phải thế. Việc loại bỏ hoàn toàn lông mũi không hề có lợi cho sức khỏe. Mỗi bộ phận trên cơ thể chúng ta sinh ra đều có chức năng của nó. Lông cũng như vậy. Chúng giúp chúng ta bảo vệ da, và lông mũi giúp bắt bụi và các chất gây dị ứng khi chúng cố gắng xâm nhập vào phổi. Vì vậy, trừ khi các sợi lông mọc ra bên ngoài, còn không hãy để nguyên chúng.
5. Rửa tay bằng nước nóng
Nhiều người cho rằng nước nóng sẽ giúp diệt vi khuẩn, và rửa tay bằng nước nóng cũng sẽ sạch hơn. Nhưng không có sự khác biệt giữa nước nóng và nước lạnh từ vòi. Nước phải ở nhiệt độ khoảng 100 độ C mới tiêu diệt được vi khuẩn. Nhưng nước nóng từ vòi nóng lạnh không thể đạt đến nhiệt độ đó.
Hơn nữa, nước nóng có thể gây mất cân bằng môi trường vi sinh trên da, làm thất thoát lớp màng lipid tự nhiên của da khiến da bị khô, dễ kích ứng. Nếu không dùng xà phòng rửa tay, bạn cũng chỉ cần rửa tay lâu hơn bằng nước lạnh là đã sạch rồi.
6. Xịt chất khử mùi ngay sau khi tắm xong
Nhiều người vội vàng xịt chất khử mùi ngay sau khi tắm để ngăn cơ thể tiết mồ hôi nhưng thực tế điều này không hiệu quả. Thay vào đó, bạn hãy đợi cho đến khi người khô hoàn toàn, như vậy chất khử mùi sẽ hoạt động tốt hơn trên da.
7. Tắm bằng xơ mướp
Chắc hẳn bạn đã nghe đến việc thay đổi miếng xơ mướp chà da vài tháng một lần vì đó là nơi sinh sống của nhiều vi khuẩn và mầm bệnh trong nhà tắm. Nhưng dù là như vậy thì bạn có tự tin vào miếng bông tắm của mình? Thay vào đó, bạn hãy dùng bông tắm bằng silicon. Nó không có bề mặt xốp nên dễ lau chùi và không tích tụ vi khuẩn. Ngoài ra, bông tắm silicon còn bền và nhẹ nhàng hơn khi chà lên da nên không gây kích ứng.
![9 lỗi vệ sinh phổ biến mà không ít người mắc phải 3](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/filters:quality(95)/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/9_loi_ve_sinh_pho_bien_ma_khong_it_nguoi_mac_phai_3_cc4dada72b.jpg)
8. Làm sạch phòng tắm bằng nước thường
Dù không có sự khác biệt giữa nước ẩm và nước lạnh trong việc làm sạch da tay nhưng với việc làm sạch phòng tắm thì lại khác. Nhiệt độ nước ấm sẽ giúp sản phẩm tẩy rửa phát huy hiệu quả tốt hơn và việc chà rửa tổng thể cũng dễ dàng hơn.
9. Đi chân trần trong phòng tắm công cộng
Sàn nhà là bề mặt bẩn nhất trong phòng tắm, kể cả phòng tắm nhà riêng hay nhà vệ sinh công cộng. Khi mồ hôi, tóc, nước tiểu đọng lại trên sàn tắm, chúng có thể sinh nhiều vi khuẩn, nấm mốc. Việc đi chân trần sẽ khiến bạn có nguy cơ lây nhiễm bệnh hắc lào, nấm da và nấm móng tay, kể cả một số bệnh rất khó điều trị. Vì vậy hãy chuẩn bị một đôi dép chuyên dùng để đi trong phòng tắm nhé.
Thụy Anh
Nguồn tham khảo: Tổng hợp