5 nhóm bệnh dễ gặp ở trẻ em vào mùa mưa
Cuối năm thời tiết diễn biến bất thường, mùa mưa kéo dài, khí hậu ẩm thấp tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm phát triển. Sức khỏe con người vì thế cũng bị ảnh hưởng mà đặc biệt là đối tượng trẻ nhỏ rất dễ mắc bệnh lý về đường hô hấp, chân tay miệng, sốt xuất huyết, cảm cúm,…
Bệnh đường hô hấp
Mùa mưa cũng là thời điểm các bé dễ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp nên tình trạng bệnh lý này có chiều hướng tăng nhẹ ở đối tượng trẻ em. Trong các siêu vi đường hô hấp, hay gặp nhất là siêu vi Influenzae, và APC (Adeno-Pharyngo-Conjunctival).
Siêu vi APC có thể gây ra một số bệnh liên quan như viêm hạch, viêm họng và viêm màng tiếp hợp (hay còn gọi là đau mắt đỏ), trong đó hay thấy nhất là viêm họng. Và đây cũng dễ là biểu hiện ban đầu của viêm phế quản và viêm phổi, gọi chung là nhiễm khuẩn đường hô hấp.
Bệnh đường tiêu hóa
Thời điểm mùa mưa cũng là thời điểm khiến cho các tác nhân gây bệnh đường tiêu hóa phát triển mạnh mẽ. Trong đó vi khuẩn E.coli, Campylobacter và siêu vi Rotavirus chủ yếu gây tiêu chảy; vi khuẩn Shigella gây kiết lị,... Ngoài ra, các vi khuẩn Salmonella, thủ phạm gây ra bệnh sốt thương hàn, cũng là một vi khuẩn thuộc đường tiêu hóa, luôn gây bệnh trong mùa mưa.
Bệnh tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng là bệnh chủ yếu xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi nhưng có tốc độ lây lan nhanh nên dễ phát triển thành dịch. Hai virus Enterovirus 71 và Coxsackievirus là nguyên nhân chủ yếu gây nên bệnh này. Khi phát dịch, bệnh có thể lây rất nhanh từ trẻ này sang trẻ khác qua các chất tiết mũi miệng, phân hay nước bọt của trẻ bệnh hay qua bàn tay chăm sóc của bảo mẫu.
Sốt siêu vi
Sốt siêu vi cũng là bệnh dễ gặp ở trẻ nhỏ và cho đến nay, bệnh này chưa có thuốc điều trị. Do đó, khi trẻ gặp phải tình trạng này, phụ huynh nên áp dụng một số biện pháp như lau mát, hạ nhiệt đồng thời cho trẻ uống Paracetamol hạ sốt (liều lượng cần có sự hướng dẫn của bác sĩ, dược sĩ, không được tự ý kê liều cho trẻ).
Nhưng mẹ nên lưu ý, thuốc kháng sinh chỉ có khả năng tiêu diệt vi khuẩn chứ không có khả năng loại trừ sốt siêu vi. Bên cạnh đó, mẹ cũng nên cho bé uống nhiều nước để bù nước, ăn cháo và súp để dễ tiêu hóa.
Phụ huynh cũng nên theo dõi tình trạng của trẻ nếu sốt siêu vi diễn tiến từ 3 - 7 ngày, nên cho bé nghỉ học vì bệnh có khả năng lây lan nhanh. Khi chăm sóc trẻ sốt siêu vi, cần lưu ý đưa bé nhập viện khi thấy các triệu chứng như lừ đừ, bỏ ăn…
Cảm lạnh
Thời tiết ẩm thấp, mưa gió như hiện nay khiến mọi người rất dễ nhiễm lạnh, hay còn gọi là cảm mạo phong hàn. Đây là những bệnh truyền nhiễm do một số vi-rút khác nhau gây ra và thường xảy ra nhất trên thế giới.
Cảm lạnh thông thường và cúm bao gồm ho, chảy nước mũi, hắt hơi… Bệnh thường lây lan trong không khí và qua tiếp xúc, ví dụ như hít phải vi-rút bệnh trong không khí, tiếp xúc chung đồ vật với người bệnh…
Sốt xuất huyết
Mùa mưa cũng là thời điểm loăng quăn, muỗi bọ phát triển mạnh mẽ. Do đó, các bệnh do muỗi truyền sẽ phát triển, và ở trẻ em thì đáng chú ý hơn cả là bệnh sốt xuất huyết. Sốt xuất huyết nhẹ thì gây chảy máu cam, chảy máu răng, nặng thì nôn ói, tiểu tiện ra máu, rồi xuất huyết dưới da…
Nặng nữa thì bị một biến chứng gọi là sốc: Trẻ trở nên lừ đừ, không tỉnh, chân tay lạnh ngắt, mạch yếu hẳn hoặc không còn. Và cứ thế, trẻ đi vào hôn mê rồi tử vong nếu việc chữa trị để quá muộn. Do đó, mẹ cần theo dõi để đưa trẻ đi cấp cứu kịp thời nếu thấy có các biểu hiện của sốc.
Cách chăm sóc và phòng bệnh mùa mưa cho trẻ
Giữ cho trẻ không bị ướt bởi nước mưa, cùng với đó luôn giữ ấm cho trẻ ở các khu vực như cổ, mũi, miệng, tai, nhưng không được quấn trẻ quá nhiều làm trẻ khó chịu dẫn tới tăng thân nhiệt.
Bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cho trẻ một cách hợp lý. Với các bé lớn thì nên khuyến khích các bé vận động để tăng thể lực
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng sau khi đi học, đi chơi về. Đây là cách giúp phòng ngừa được nhiều bệnh lây qua đường miệng. Phụ huynh nên hướng dẫn trẻ rửa tay đúng cách cũng như tập cho trẻ thói quen rửa tay với xà phòng trước khi ăn, chuẩn bị thức ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi ra ngoài về nhà…
Giữ nhà ở luôn khô ráo, thoáng mát. Dọn dẹp thường xuyên để tránh muỗi có điều kiện trú ẩn, cho trẻ ngủ mùng kể cả ban ngày. Khi trẻ có các biểu hiện bất thường như ho, khò khè, sốt, nôn ói, chảy máu mũi, bú kém…, nên đưa trẻ đến khám tại cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Bên cạnh việc phòng tránh một số bệnh hay mắc ở trẻ vào mùa mưa bên trên, cần lưu ý tới một số căn bệnh khác thường xuất hiện trong mùa mưa để bảo vệ trẻ tối đa.
Thanh Hoa
Nguồn: Tổng hợp