Xoắn xương chày là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Xoắn xương chày là một tình trạng xoắn xương xuất hiện ở trẻ nhỏ. Xoắn xương chày có thể là xoắn ra ngoài hoặc xoắn vào trong. Trong hầu hết các trường hợp, xoắn xương chày khiến chân và bàn chân của trẻ mới biết đi xoay vào trong, khiến chúng có hình dạng ngón chân chim bồ câu (pigeon-toeing). Xoắn xương chày ra ngoài hiếm khi là một vấn đề.
Những dấu hiệu và triệu chứng của xoắn xương chày
Các dấu hiệu và triệu chứng của xoắn xương chày ở trẻ có thể bao gồm:
- Các ngón chân hướng vào trong hoặc hình dáng hướng vào trong;
- Chân cong;
- Đau đầu gối (bất thường xương bánh chè).
Ở xoắn xương chày vào trong, ngón chân là triệu chứng dễ nhìn thấy nhất. Có thể thấy bàn chân của trẻ nghiêng vào trong khi đi hoặc đứng. Cũng có các nguyên nhân khác dẫn đến trường hợp này, ví dụ như xương đùi bị xoắn hoặc bàn chân khép. Ở xoắn xương chày trong thường sẽ không gây đau, tuy nhiên, trẻ mắc bệnh này có thể vấp ngã thường xuyên hơn.
Xoắn xương chày ra ngoài có thể dẫn đến đau mặt trước đầu gối, gây ra bởi lệch xương bánh chè. Bàn chân xoay ra ngoài cũng khiến trẻ dễ vấp ngã.
![Xoắn xương chày là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 1](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/xoan_xuong_chay_2_e8f27ada68.jpg)
Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh xoắn xương chày
Xoắn xương chày có thể cải thiện tốt hơn theo thời gian. Không có các biến chứng trực tiếp do xoắn xương chày. Tuy nhiên, trong các trường hợp nặng, xương chày xoắn có thể dẫn đến việc trẻ dễ té ngã, chân vòng kiềng, các bất thường về dáng đi ở trẻ.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn thấy con của mình có các bất thường về dáng đi, về hình dáng bàn chân hoặc cẳng chân, đôi khi trẻ có thể dễ vấp ngã, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được theo dõi và điều trị phù hợp.
Những ai có nguy cơ mắc phải xoắn xương chày?
Cả trẻ nam và trẻ nữ đều có khả năng mắc xoắn xương chày với tỷ lệ ngang nhau, khoảng ⅔ trong số trẻ bị ảnh hưởng ở cả hai bên. Xoắn xương chày trong thường thấy ở trẻ khoảng từ 2 đến 4 tuổi. Xoắn xương chày ra ngoài thường gặp ở độ tuổi từ 4 đến 7 tuổi.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải xoắn xương chày
Xoắn xương chày vào trong chủ yếu là do tư thế của trẻ trong tử cung mẹ, không rõ các yếu tố nguy cơ của tình trạng này.
Xoắn xương chày ra ngoài có thể liên quan đến các tình trạng bệnh lý khác nhau, gồm:
- Hội chứng lệch trục khốn khổ (Miserable malalignment syndrome);
- Viêm lồi củ trước xương chày (bệnh Osgood-Schlatter);
- Viêm bóc tách xương sụn (Osteochondritis dissecans);
- Bệnh thoái hóa khớp sớm;
- Các bệnh lý thần kinh - cơ (loạn sản tủy, bại liệt).
![Xoắn xương chày là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 3](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/xxc6_d5b0b9c81f.png)
Nguyên nhân dẫn đến xoắn xương chày
Nguyên nhân dẫn đến xoắn xương chày trong thường do vị trí của em bé trong tử cung mẹ (khi còn trong bụng mẹ). Khi trẻ lớn lên và không gian chật hẹp hơn, một hoặc cả hai xương chày của trẻ có thể bị xoắn vào trong. Tình trạng này cũng có xu hướng di truyền trong gia đình.
![Xoắn xương chày là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 2](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/xxc5_e32abb2e89.png)
Xoắn xương chày ra ngoài cũng có tính di truyền trong gia đình. Nó thường liên quan đến dây chằng và gân ở chân bị căng, dẫn đến bất thường khi trẻ lớn lên.
Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của xoắn xương chày
Chế độ sinh hoạt:
- Theo dõi triệu chứng của trẻ khi đã được chẩn đoán xoắn xương chày, bao gồm tình trạng trở nên nặng hơn, không cải thiện để có thể đưa trẻ đến gặp bác sĩ kịp thời.
- Nếu trẻ gặp khó khăn trong giữ thăng bằng hoặc khi đi lại, hãy đưa trẻ đến tập vật lý trị liệu dưới sự hướng dẫn của bác sĩ và kỹ thuật viên.
- Đưa trẻ tái khám đúng hẹn để bác sĩ theo dõi diễn tiến bệnh.
- Nếu trẻ được điều trị phẫu thuật, tập vật lý trị liệu sau khi phẫu thuật để trẻ có thể đi lại một cách bình thường.
Chế độ dinh dưỡng: Không có chế độ dinh dưỡng đặc biệt cho trẻ mắc xoắn xương chày. Nên duy trì một chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng theo độ tuổi phát triển của trẻ. Tránh các trường hợp béo phì hoặc suy dinh dưỡng có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng và phát triển ở trẻ.
Phòng ngừa xoắn xương chày
Không có cách để phòng ngừa hiệu quả xoắn xương chày, vì các yếu tố nguy cơ và nguyên nhân thường do bẩm sinh hoặc di truyền không thể kiểm soát. Tuy nhiên bạn cũng không phải quá lo lắng, vì đây là một tình trạng lành tính, xoắn xương chày thông thường sẽ tự điều chỉnh khi trẻ lớn lên. Trong trường hợp trẻ bị xoắn xương chày nặng gây ảnh hưởng nghiêm trọng khi vận động, điều trị phẫu thuật có thể giúp hạn chế các biến chứng sau này.
Các câu hỏi thường gặp về xoắn xương chày
Xoắn xương chày có phải bệnh di truyền không?
Xoắn xương chày có thể xảy ra do vị trí của em bé trong tử cung. Nó cũng có xu hướng di truyền trong gia đình, thông thường, kiểu đi của trẻ trông giống với bố mẹ.
Con tôi bị mắc xoắn xương chày có cần phẫu thuật không?
Thông thường, xoắn xương chày có thể tự điều chỉnh theo thời gian khi trẻ lớn lên, trong các trường hợp đó xoắn xương chày thường không cần điều trị gì. Đối với các trường hợp xoắn nặng không cải thiện, ảnh hưởng đến vận động của trẻ, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật khi trẻ đủ tuổi.
Sau khi phẫu thuật xoắn xương chày, tôi cần làm gì cho con của mình?
Sau khi trẻ được phẫu thuật xoắn xương chày, bạn cần cho trẻ nghỉ ngơi theo đúng chỉ định của bác sĩ. Việc tập vật lý trị liệu sau phẫu thuật cũng cần thiết để dáng đi của trẻ trở về bình thường. Hãy đưa trẻ đến tập theo đúng hướng dẫn của bác sĩ và kỹ thuật viên.
Con tôi cần phải làm xét nghiệm gì để chẩn đoán xoắn xương chày?
Bác sĩ có thể chẩn đoán xoắn xương chày dựa vào hỏi bệnh và thăm khám lâm sàng. Trẻ có thể không cần chụp X-quang để chẩn đoán, hoặc có thể nếu bác sĩ nghi ngờ các tình huống khác cần loại trừ.
Người lớn có thể mắc xoắn xương chày không?
Xoắn xương chày là một nguyên nhân được công nhận ở trẻ em, có thể gây đau xương bánh chè và các bất thường liên quan. Xoắn xương chày cũng có thể gặp ở người trưởng thành, tuy nhiên thường bị bỏ qua. Tỷ lệ mắc xoắn xương chày thực sự ở người trưởng thành vẫn chưa được biết rõ, với sự khác biệt đáng kể về mặt địa lý khiến việc đánh giá trở nên khó khăn.
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán xoắn xương chày
Bác sĩ sẽ khai thác kỹ tình trạng của trẻ bao gồm:
- Độ tuổi khởi phát;
- Mức độ nghiêm trọng;
- Tình trạng khuyết tật;
- Các mốc quan trọng và tiền sử gia đình.
Chẩn đoán thường chỉ cần dựa trên hỏi bệnh và thăm khám lâm sàng (đo trục chân, kiểm tra các chuyển động chân của trẻ). Các xét nghiệm thường không cần thiết để chẩn đoán xoắn xương chày. Việc kiểm tra hoặc thực hiện các xét nghiệm nhằm mục đích loại trừ các chẩn đoán khác, bao gồm loạn sản xương hông.
Điều trị xoắn xương chày
Nội khoa
Đa số trẻ bị xoắn xương chày trong sẽ khỏi bệnh mà không cần điều trị gì. Các bài tập vật lý trị liệu giúp tăng cường cơ bắp và giúp giữ thăng bằng cho trẻ gặp khó khăn khi đi lại. Các trị liệu bằng chỉnh hình nói chung thường không hiệu quả.
Vì xoắn xương chày là một tình trạng lành tính, có thể tự khỏi. Tuy nhiên nếu không cải thiện, bác sĩ có thể thử chỉnh bó bột, cần phải thay bó bột hàng tuần trong 4 đến 5 tuần.
Ngoại khoa
Phẫu thuật điều trị xoắn xương chày có thể được thực hiện nếu có chỉ định. Nếu trẻ bị xoắn xương chày không cải thiện khi lớn lên, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật cắt bỏ xương, đôi khi xương mác cũng cần điều chỉnh kèm theo. Xương được cố định tại chỗ trong khi chờ xương lành lại.
![Xoắn xương chày là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 4](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/xoan_xuong_chay_4_ad128a8609.jpg)