Viêm túi tinh là gì? Làm thế nào để duy trì một túi tinh khỏe mạnh?


Viêm túi tinh (Seminal vesiculitis) là một bệnh lý thường gặp ở đường sinh dục nam. Cơ chế bệnh sinh của viêm túi tinh chưa rõ ràng, với các biểu hiện đa dạng từ rối loạn xuất tinh cho đến các triệu chứng đường niệu. Viêm túi tinh có thể đáp ứng với kháng sinh, và có thể tiến triển thành áp xe túi tinh nếu không được điều trị.

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm túi tinh

Các triệu chứng của viêm túi tinh rất đa dạng, có thể bao gồm các nhóm triệu chứng về rối loạn xuất tinh như:

  • Đau khi xuất tinh;
  • Tăng độ nhớt tinh dịch;
  • Giảm lượng tinh dịch;
  • Không có tinh trùng;
  • Xuất tinh có máu.

Ngoài ra, người bệnh bị viêm túi tinh có thể gặp tình trạng đau bao gồm đau ở vùng bụng, vùng háng, thắt lưng hông hay vùng đáy chậu.

Các triệu chứng khác có thể gặp như:

  • Tiểu máu;
  • Các triệu chứng kích thích hay tắc nghẽn đường niệu;
  • Khí niệu (nước tiểu có bọt khí).
Viêm túi tinh là gì? Làm thế nào để duy trì một túi tinh khỏe mạnh 6
Tình trạng nước tiểu có bọt khí có thể là dấu hiệu của viêm túi tinh

Biến chứng có thể gặp khi mắc viêm túi tinh

Nếu không được điều trị, viêm túi tinh có thể dẫn đến các biến chứng như:

  • Áp xe túi tinh: Đây là tình trạng vi khuẩn từ nhiễm trùng niệu đạo hay tuyến tiền liệt có thể xâm nhập vào túi tinh và dẫn đến áp xe túi tinh. Điều trị áp xe túi tinh có thể bao gồm kháng sinh và rạch dẫn lưu mủ.
  • Vô sinh: Ở người bệnh viêm túi tinh, nếu không điều trị có thể dẫn đến vô sinh.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn gặp các triệu chứng cho thấy có vấn đề ở túi tinh đã được nêu ở trên, hoặc gặp các tình trạng vô sinh không thể giải thích được, bạn nên đến gặp bác sĩ để được thảo luận, chẩn đoán để tìm ra nguyên nhân dẫn đến các triệu chứng của bạn.

Những ai có nguy cơ mắc viêm túi tinh?

Dữ liệu về dịch tễ học và tỷ lệ mắc viêm túi tinh chưa đầy đủ. Tuy nhiên, một nghiên cứu nhỏ đã cho thấy rằng, viêm túi tinh xuất hiện ở gần 25% người bệnh bị viêm niệu đạo đồng thời.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm túi tinh

Các yếu tố nguy cơ làm tăng mắc viêm túi tinh bao gồm:

  • Viêm tuyến tiền liệt mãn tính: Là tình trạng viêm tuyến tiền liệt kéo dài ít nhất ba tháng. Các nguyên nhân có thể bao gồm nhiễm trùng do vi khuẩn hay tổn thương thần kinh vùng chậu.
  • Viêm niệu đạo: Là tình trạng viêm đường ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra bên ngoài cơ thể. Hầu hết nguyên nhân dẫn đến viêm niệu đạo là do vi khuẩn, bao gồm bệnh lậu, bệnh Chlamydia, vi khuẩn trong phân. Ngoài ra, herpes simplex và trichomonas cũng có thể gây viêm niệu đạo. Viêm niệu đạo được cho là có mối quan hệ chặt chẽ với viêm túi tinh.
  • Viêm mào tinh hoàn cấp tính: Là tình trạng viêm ở mào tinh hoàn, xảy ra do các nguyên nhân nhiễm trùng lây qua đường tình dục hay nhiễm trùng đường niệu.
  • Giảm tiết semenogelin 1: Điều này được cho là có liên quan đến việc giảm khả năng kháng khuẩn để ngăn ngừa nhiễm trùng.
Viêm túi tinh là gì? Làm thế nào để duy trì một túi tinh khỏe mạnh 4
Viêm niệu đạo là một yếu tố nguy cơ liên quan chặt chẽ đến viêm túi tinh

Nguyên nhân dẫn đến viêm túi tinh

Nguyên nhân dẫn đến viêm túi tinh còn mơ hồ, với mối quan hệ không rõ ràng giữa nó và các tình trạng nhiễm trùng khác của hệ thống dẫn tinh ở nam giới, ví dụ như viêm tuyến tiền liệt mãn tính, viêm niệu đạo, viêm mào tinh hoàn cấp tính.

Do đó, các vi khuẩn gây ra các tình trạng viêm nhiễm của hệ thống dẫn tinh trên cũng được cho là có vai trò trong viêm túi tinh, ví dụ như Chlamydia trachomatis (vi khuẩn lây nhiễm qua đường tình dục).

Ở những vùng lưu hành dịch tễ, bệnh lao và nhiễm sán máng cũng có thể dẫn đến viêm túi tinh mãn tính.

Viêm túi tinh là gì? Làm thế nào để duy trì một túi tinh khỏe mạnh 5
Nhiễm sán máng có thể liên quan đến viêm túi tinh

Thiếu semenogelin 1 (SEMG1), một protein đa chức năng liên quan đến việc điều hòa khả năng vận động và sinh sản của tinh trùng, cũng được cho là nguyên nhân dẫn đến viêm túi tinh. Vì protein này còn có đặc tính kháng khuẩn để ngăn ngừa viêm nhiễm.

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm túi tinh

Chế độ sinh hoạt:

Việc áp dụng các thói quen sinh hoạt lành mạnh sẽ giúp cho bạn có một túi tinh khỏe mạnh, bao gồm:

  • Tránh hút thuốc lá hoặc các sản phẩm có chứa thuốc lá.
  • Hạn chế rượu bia, uống ở mức độ cho phép.
  • Uống đủ nước.
  • Tập thể dục thường xuyên, duy trì cân nặng khỏe mạnh, tránh thừa cân hay béo phì.
  • Ngủ đủ giấc.
  • Đeo các thiết bị bảo hộ khi tham gia các hoạt động thể thao.
  • Tuân thủ theo điều trị của bác sĩ để đảm bảo hết tình trạng viêm túi tinh mà không diễn tiến đến các biến chứng.
Viêm túi tinh là gì? Làm thế nào để duy trì một túi tinh khỏe mạnh 7
Tránh thuốc lá và các sản phẩm từ thuốc lá để duy trì túi tinh khỏe mạnh

Chế độ dinh dưỡng: Để có một túi tinh khỏe mạnh, bạn nên duy trì một chế độ ăn lành mạnh. Trong đó bao gồm việc tập trung vào chế độ ăn nhiều rau và trái cây, chứa chất chống oxy hóa có lợi. Nên ăn các thực phẩm như ngũ cốc nguyên hạt, thịt nạc. Tránh các thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều đường hoặc có nhiều chất béo bão hòa.

Phương pháp phòng ngừa viêm túi tinh hiệu quả

Không phải lúc nào cũng ngăn ngừa được tình trạng viêm túi tinh. Bạn có thể đề phòng các yếu tố nguy cơ có thể phòng tránh được, ví dụ như các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục bằng cách quan hệ tình dục an toàn, sử dụng bao cao su và hạn chế số lượng bạn tình. 

Bên cạnh đó, khi phát hiện các triệu chứng của các bệnh lý liên quan như viêm tuyến tiền liệt, viêm mào tinh hoàn, viêm niệu đạo, hãy đến khám và được điều trị sớm để ngăn ngừa dẫn đến viêm túi tinh.

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm túi tinh

Chẩn đoán viêm túi tinh bao gồm việc bác sĩ thăm khám lâm sàng và đưa ra các xét nghiệm và hình ảnh học phù hợp.

Bác sĩ sẽ thực hiện thăm khám hậu môn trực tràng cho bạn. Thực tế, việc khám túi tinh sẽ rất khó khăn do vị trí của nó, ngay cả khi thăm khám trực tràng bằng kỹ thuật số (DRE), việc sờ nắn các tuyến có thể gặp khó khăn về mặt kỹ thuật, đặc biệt là nếu bàng quang bị căng.

Các xét nghiệm có thể được thực hiện để chẩn đoán viêm túi tinh bao gồm:

  • Xét nghiệm và phân tích nước tiểu: Tình trạng tiểu máu, khí niệu (nước tiểu có bọt khí), đánh giá nhiễm trùng (như bạch cầu, nitrit).
  • Xét nghiệm và phân tích tinh dịch: Giúp đánh giá tình trạng tinh trùng có máu, thiểu tinh trùng, tăng độ nhớt tinh dịch hay giảm lượng tinh dịch.
  • Hình ảnh học: Các hình ảnh học như chụp cắt lớp vi tính (CT scan), chụp cộng hưởng từ (MRI) giúp đánh giá tình trạng bệnh và biến chứng bệnh. Siêu âm qua trực tràng (TRUS) cũng được dùng để chẩn đoán viêm túi tinh, cho thấy hình ảnh dày lên lan tỏa của túi tinh. Ở trường hợp viêm túi tinh cấp tính, sẽ thấy hình ảnh giãn nở ống túi tinh, và teo ống túi tinh cho thấy đây là tình trạng mãn tính.

Phương pháp điều trị viêm túi tinh hiệu quả

Viêm túi tinh cấp tính thường đáp ứng điều trị với kháng sinh (việc điều trị kháng sinh sẽ tùy thuộc vào kháng sinh đồ) và điều trị giảm nhẹ các triệu chứng bao gồm giảm đau và giảm viêm.

Trong trường hợp có biến chứng áp xe túi tinh, điều trị sẽ bao gồm kháng sinh, nếu không đáp ứng có thể tiến hành thủ thuật rạch dẫn lưu mủ hoặc phẫu thuật cắt bỏ túi tinh.



Chat with Zalo