Viêm màng não vô khuẩn là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Viêm màng não vô khuẩn là tình trạng viêm ở màng não, nơi bao quanh não và tủy sống, tuy nhiên nguyên nhân gây bệnh không phải do nhiễm khuẩn. Bệnh cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời để ngăn ngừa các biến chứng ảnh hưởng đến sinh hoạt và công việc của bản thân.
Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm màng não vô khuẩn
Các triệu chứng viêm màng não ở trẻ sơ sinh có thể khác với trẻ em và người lớn.
Triệu chứng viêm màng não ở trẻ em và người lớn bao gồm:
- Sốt nhẹ;
- Cứng cổ;
- Đau đầu;
- Buồn nôn hoặc nôn;
- Nhạy cảm với ánh sáng (sợ ánh sáng);
- Lơ mơ hoặc thay đổi trạng thái tinh thần;
- Hôn mê.
Dấu hiệu và triệu chứng viêm màng não ở trẻ sơ sinh bao gồm:
Trẻ có thể không gặp các triệu chứng viêm màng não giống như người lớn (như nhức đầu, cứng cổ và buồn nôn) và thậm chí khó có thể biết được ngay cả khi có triệu chứng đó. Một số dấu hiệu viêm màng não bạn có thể nhận biết ở trẻ sơ sinh bao gồm:
- Thóp phồng;
- Ăn uống kém;
- Buồn ngủ hoặc ngủ li bì;
- Phản ứng chậm hơn bình thường.
![Viêm màng não vô khuẩn là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 4](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/viem_mang_nao_vo_khuan_5_44f1e4edae.jpg)
Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh viêm màng não vô khuẩn
Các biến chứng có thể gặp khi mắc viêm màng não vô khuẩn bao gồm:
- Mất thị lực hoặc thính giác;
- Giảm trí nhớ và mất khả năng tập trung;
- Động kinh;
- Vấn đề đi lại và cân bằng;
- Thay đổi hành vi và gặp khó khăn trong việc ghi nhớ.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn có các dấu hiệu và triệu chứng của viêm màng não vô khuẩn đặc biệt là triệu chứng đau đầu dữ dội kèm buồn nôn, nôn, lơ mơ, hôn mê, hãy lập tức liên hệ ngay với bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Những ai có nguy cơ mắc phải viêm màng não vô khuẩn?
Trẻ em có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người lớn. Ngoài ra, nam giới có nguy cơ mắc bệnh viêm màng não vô khuẩn cao gấp 3 lần nữ giới.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải viêm màng não vô khuẩn
Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc viêm màng não vô khuẩn bao gồm:
- Có hệ thống miễn dịch suy yếu, thường gặp nhất trong những trường hợp như HIV, ung thư, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch;
- Sống hoặc đi đến những nơi phổ biến các bệnh truyền nhiễm gây viêm màng não;
- Bị chấn thương đầu, chấn thương sọ não hoặc chấn thương tủy sống;
- Nghiện rượu.
Nguyên nhân dẫn đến viêm màng não vô khuẩn
Nguyên nhân phổ biến nhất của viêm màng não vô khuẩn là do nhiễm virus, đặc biệt là do Enterovirus. Trên thực tế, 90% trường hợp viêm màng não do virus là do Enterovirus gây ra. Các loại virus khác có thể gây viêm màng não vô khuẩn là virus Varicella zoster, Herpes và quai bị.
Các nguyên nhân khác có thể bao gồm vi khuẩn lao, nấm, xoắn khuẩn và các biến chứng do bệnh HIV. Tác dụng phụ của một số loại thuốc như thuốc chống viêm không steroid (NSAID), kháng sinh (ví dụ: Trimethoprim-Sulfamethoxazole hoặc Amoxicillin) và thuốc chống động kinh cũng có thể gây viêm màng não vô khuẩn.
Ngoài ra, viêm màng não vô khuẩn có thể là biến chứng của các bệnh lý như Lupus ban đỏ hệ thống, bệnh lyme, bệnh giang mai, ung thư,…
![Viêm màng não vô khuẩn là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 5](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/viem_mang_nao_vo_khuan_7_701321f1d5.jpg)
Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của viêm màng não vô khuẩn
Chế độ sinh hoạt
Để hạn chế diễn tiến của viêm màng não vô khuẩn, bạn có thể tham khảo các việc làm sau:
- Điều trị ổn định bệnh nền, uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ;
- Tự theo dõi các triệu chứng, nếu xuất hiện các triệu chứng mới hoặc có bất kỳ lo lắng nào về tình trạng của bản thân hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn kịp thời.
Chế độ dinh dưỡng
Không có chế độ dinh dưỡng cụ thể nào cho tình trạng viêm màng não vô khuẩn, việc duy trì một chế độ dinh dưỡng cân bằng và đầy đủ là cần thiết cho sức khỏe chung của bản thân.
Phòng ngừa viêm màng não vô khuẩn
Bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh viêm màng não vô khuẩn bằng một số thói quen đơn giản để bảo vệ bản thân và những người khác khỏi các bệnh truyền nhiễm bao gồm:
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng;
- Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi;
- Khử trùng các bề mặt thường xuyên chạm vào;
- Tránh tiếp xúc với người khác khi một trong hai người mắc bệnh truyền nhiễm. Nếu bạn không thể tránh người khác, việc đeo khẩu trang có thể giúp ngăn ngừa sự lây lan của bệnh tật. Không dùng chung vật dụng cá nhân (như ly uống nước) với người khác.
- Không bơi hoặc uống nước bị ô nhiễm. Sử dụng nước cất hoặc nước đã qua xử lý;
- Không ăn hải sản và thịt chưa nấu chín;
- Không uống sữa chưa tiệt trùng hoặc ăn thực phẩm làm từ sữa chưa tiệt trùng;
- Giảm nguy cơ bị côn trùng cắn bằng cách sử dụng thuốc chống côn, đồng thời che chắn vùng da hở nhiều nhất có thể khi bạn ra ngoài.
![Viêm màng não vô khuẩn là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 7](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/viem_mang_nao_vo_khuan_9_3a3d40f581.jpg)
Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm viêm màng não vô khuẩn
Bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh viêm màng não vô khuẩn bằng cách khám sức khỏe, hỏi bạn về các triệu chứng và làm xét nghiệm dịch não tủy. Bác sĩ cũng có thể hỏi bạn xem bạn có ở gần người mắc bệnh nào đó hoặc đi du lịch gần đây hay không, xét nghiệm máu hoặc chụp cắt lớp vi tính sọ não của bạn.
Một số xét nghiệm mà bác sĩ có thể sử dụng để chẩn đoán viêm màng não vô khuẩn bao gồm:
- Chọc dò dịch não tủy: Bác sĩ sẽ đâm một cây kim vào lưng dưới để lấy mẫu dịch não tủy của bạn. Phòng thí nghiệm kiểm tra mẫu dịch não tủy của bạn để tìm nguyên nhân gây bệnh.
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu cũng có thể giúp hỗ trợ tìm nguyên nhân gây bệnh.
- Chụp CT hoặc MRI sọ não: Giúp tìm các bất thường trong sọ não.
![Viêm màng não vô khuẩn là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 6](https://cdn.nhathuoclongchau.com.vn/unsafe/800x0/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/viem_mang_nao_vo_khuan_8_bafaf913a9.jpg)
Điều trị viêm màng não vô khuẩn
Nội khoa
Nếu kết quả xét nghiệm xác định bạn mắc viêm màng não vô khuẩn thì không cần điều trị bằng kháng sinh. Tùy vào nguyên nhân cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định các thuốc đặc trị phù hợp. Ví dụ như viêm màng não do Herpes simplex, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc khám virus như Acyclovir. Nếu viêm màng não do nấm, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc kháng nấm như Fluconazole.
Steroid được sử dụng như điều trị bổ trợ để giảm phản ứng viêm. Chỉ định Dexamethasone đã được chứng minh là làm giảm xuất hiện các biến chứng nặng.
Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ đề nghị các thuốc khác để kiểm soát cơn đau và hạ sốt như Paracetamol và Ibuprofen.
Nếu viêm màng não do thuốc gây ra thì nên ngừng dùng thuốc hoặc nếu cần thiết thì thay thế bằng một loại thuốc không gây viêm màng não vô khuẩn
Ngoại khoa
Viêm màng não vô khuẩn chủ yếu được điều trị nội khoa và chăm sóc tích cực. Chỉ định ngoại khoa trong trường hợp nguyên nhân là do chấn thương sọ não.