Viêm lưỡi bản đồ là gì? Những vấn đề cần biết về viêm lưỡi bản đồ
Viêm lưỡi bản đồ là một tình trạng bệnh lành tính ở lưỡi đặc trưng bởi tổn thương dạng mảng màu đỏ mịn trên lưỡi. Tình trạng này được gọi là viêm lưỡi bản đồ vì các rìa tổn hình mảng giống với cách các vùng đất và đại dương được hiển thị trên bản đồ. Bạn có thể bị lưỡi bản đồ mà không có triệu chứng khó chịu nào. Viêm lưỡi bản đồ không phải là bệnh lý ác tính như ung thư nên không gây ra vấn đề sức khỏe và thường không cần điều trị.
Những triệu chứng của Viêm lưỡi bản đồ
Viêm lưỡi bản đồ được đặc trưng bởi các mảng không có nhú lưỡi, đỏ, nhẵn và phù nề được bao quanh bởi các đường viền màu trắng hay vàng tro, xám, có thể dễ dàng phân biệt với phần niêm mạc lưỡi không bị bệnh giống như đường biên giới các nước trên bản đồ.
Viêm lưỡi bản đồ thường xuất hiện đột ngột với kích thước, hình dạng và vị trí xuất hiện, thời gian xuất hiện và biến mất thay đổi theo thời gian. Thời gian hiện diện bệnh có thể kéo dài hàng tháng hoặc lâu hơn và thường tái phát.
Tổn thương thường xảy ra ở mặt bên và mặt sau của lưỡi. Tuy nhiên, các tổn thương ngoài lưỡi có thể được nhìn thấy trên môi, niêm mạc môi, nướu, miệng và sàn miệng. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh không có triệu chứng nhưng có thể có cảm giác bỏng rát, đau chói, ngứa ran trên lưỡi hoặc kích ứng lưỡi, đặc biệt khi ăn. Cảm giác này thường ít gây khó chịu cho người mắc, tổn thương có thể xuất hiện và biến mất kèm ban đỏ. Ngoài ra, tình trạng viêm lưỡi bản đồ dễ bị chẩn đoán nhầm với nấm lưỡi, nứt lưỡi, đôi khi nhầm với ung thư lưỡi ở giai đoạn đầu.
Về mặt mô học, viêm lưỡi bản đồ biểu hiện dưới dạng thâm nhiễm các bạch cầu đa nhân trong biểu mô.

Tác động của Viêm lưỡi bản đồ với sức khỏe
Bệnh không gây ra triệu chứng nguy hiểm và không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, khi ăn những thực phẩm có vị quá cay nóng, chua,... dễ dàng gây kích thích lưỡi và làm người mắc khó chịu. Khi xảy ra tình trạng bội nhiễm kèm theo, bệnh nhân sẽ bị đau rát và gặp nhiều khó khăn trong việc ăn uống.
Biến chứng có thể gặp khi mắc Viêm lưỡi bản đồ
Viêm lưỡi bản đồ là bệnh lành tính nhưng đôi khi có thể gây khó chịu. Nó không gây ra mối đe dọa cho sức khỏe của người bệnh, không gây ra các biến chứng lâu dài hoặc làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Bởi vì hầu hết những người bị viêm lưỡi bản đồ không biểu hiện triệu chứng nên họ sẽ không cần điều trị. Nếu bạn có các triệu chứng khó chịu thì có thể liên quan đến nhiễm nấm hoặc các bệnh lý liên quan khác, khi đó bạn nên đến gặp bác sĩ ngay.
Những ai có nguy cơ mắc phải Viêm lưỡi bản đồ?
Tỷ lệ mắc viêm lưỡi bản đồ cao nhất xảy ra ở nhóm tuổi từ 20 đến 29 tuổi với tỷ lệ khoảng 39,4%. Viêm lưỡi bản đồ có xu hướng thiên về phụ nữ nhiều hơn nam giới. Bệnh nhân có thể có tiền sử gia đình về lưỡi bản đồ hoặc nứt lưỡi thường phát hiện bệnh ngay từ khi còn nhỏ.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải Viêm lưỡi bản đồ
Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm lưỡi bản đồ bao gồm:
- Lịch sử gia đình: Một số người mắc bệnh viêm lưỡi bản đồ có tiền sử gia đình mắc bệnh này. Vì vậy, yếu tố di truyền có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
- Lưỡi nứt nẻ: Những người mắc viêm lưỡi bản đồ thường có tình trạng gọi là nứt lưỡi - các rãnh sâu thường xuất hiện trên bề mặt lưỡi.
- Bệnh vẩy nến: Bệnh vảy nến là một bệnh lý ở da xuất hiện do các tế bào liên tục tăng sinh và chết đi. Bệnh có biểu hiện rõ nhất là các sẩn và mảng đỏ, ranh giới rõ bao phủ bởi các vảy da trắng bạc. Ở những người bệnh bị vảy nến, tỷ lệ bệnh viêm lưỡi bản đồ cao gấp 4 - 5 lần so với bình thường.
- Gia tăng nội tiết tố nữ: Nữ đang sử dụng thuốc tránh thai, liệu pháp hormon có nguy cơ bị viêm lưỡi bản đồ.
- Thiếu hụt vitamin: Những người bị thiếu kẽm, axit folic, sắt, vitamin B6, B12,… vì bất kỳ nguyên nhân gì có khả năng cao bị viêm lưỡi bản đồ.
- Bệnh đái tháo đường: Bệnh tiểu đường type I cũng có nhiều mối liên quan tới bệnh viêm lưỡi bản đồ.
- Bệnh chàm: Người bệnh chàm và một số bệnh dị ứng khác có nguy cơ mắc viêm lưỡi bản đồ cao hơn.
- Căng thẳng: Các bác sĩ đã phát hiện ra rằng giữa việc gia tăng căng thẳng và bệnh lưỡi bản đồ có mối liên hệ với nhau.

Nguyên nhân gây ra bệnh lưỡi bản đồ vẫn chưa được biết rõ và không có cách nào để ngăn ngừa. Có thể có mối liên hệ giữa lưỡi bản đồ và các tình trạng khác chẳng hạn như bệnh vẩy nến đặc biệt là vẩy nến mủ - bệnh ngoài da gây phát ban với các mảng ngứa, đóng vảy. Nhưng cần nhiều nghiên cứu hơn để tìm hiểu về mối liên hệ có thể có với các tình trạng sức khỏe khác.
Bệnh cũng thường xuất hiện ở những bệnh nhân bị dị ứng thức ăn, viêm da tiếp xúc, dị ứng, hen suyễn, viêm da cơ địa dị ứng, viêm khớp phản ứng, thiếu máu, rối loạn nội tiết tố, stress và ở những bệnh nhân mắc tiểu đường type I giai đoạn đầu.
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến Viêm lưỡi bản đồ
Ăn uống lành mạnh, đến khám bác sĩ ngay khi có bất kỳ triệu chứng khó chịu nào.
Phương pháp phòng ngừa Viêm lưỡi bản đồ hiệu quả
Vì không chắc chắn nguyên nhân gây ra viêm lưỡi bản đồ, nhưng họ tin rằng những người mắc một số bệnh nhất định như tiểu đường hoặc các vấn đề về da có nguy cơ phát triển lưỡi bản đồ cao hơn. Ngoài việc kiểm soát các bệnh lý trên, bạn có thể giảm nguy cơ bằng cách ăn một chế độ ăn uống lành mạnh có chứa đủ kẽm, axit folic, sắt và vitamin B6 và B12 cũng như kiểm soát căng thẳng.
Các câu hỏi thường gặp về Viêm lưỡi bản đồ
Viêm lưỡi bản đồ có phổ biến không?
Bệnh lưỡi bản đồ thường bắt đầu từ thời thơ ấu, khi lớn lên bệnh có thể tái phát trở lại. Tỷ lệ mắc bệnh toàn cầu khoảng 1% đến 2,5% dân số. Tỷ lệ mắc bệnh ở trẻ em dao động từ 0,37% đến 14,3%.
Vệ sinh lưỡi thế nào là đúng cách?
Sau khi đánh răng, dùng bàn chải hoặc dụng cụ chuyên dùng làm sạch lưỡi để làm sạch lưỡi. Bạn có thể dùng các loại nước súc miệng hoặc nước muối loãng để làm sạch miệng.
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán Viêm lưỡi bản đồ
Chẩn đoán dựa trên khám lâm sàng và khai thác bệnh sử của bệnh nhân. Các xét nghiệm sinh hóa máu thường là bình thường. Bác sĩ hoặc nha sĩ thường có thể chẩn đoán viêm lưỡi bản đồ bằng cách nhìn vào lưỡi, kiểm tra các mảng đỏ và xem xét các triệu chứng kèm theo như cảm giác rát lưỡi.
Ngoài ra, bác sĩ sẽ kiểm tra các dấu hiệu nhiễm trùng, chẳng hạn như sốt hoặc sưng hạch ở cổ. Một số triệu chứng của bệnh lưỡi bản đồ có thể giống với các tình trạng khác, chẳng hạn như bệnh liken phẳng ở miệng. Tình trạng này xuất hiện dưới dạng các mảng trắng như ren trong miệng – đôi khi kèm theo vết loét đau đớn. Vì vậy, một số tình trạng có thể cần phải được loại trừ trước khi chẩn đoán. Các chẩn đoán phân biệt khác cần chú ý là:
Nấm lưỡi: Nấm lưỡi Candida thường gây các mảng trắng dày ở lưỡi, nhiều khi kèm với cảm giác bỏng rát khi ăn – triệu chứng giống như viêm lưỡi bản đồ. Tuy nhiên nấm lưỡi tiến triển nặng có thể gây ra những biến chứng như loét vùng lưỡi và miệng gây chảy máu, bội nhiễm vi trùng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe nếu không được điều trị kịp thời. Vì vậy, cần phải loại trừ viêm lưỡi do nấm candida trước khi chẩn đoán viêm lưỡi bản đồ bằng phương pháp soi tươi mẫu bệnh phẩm lấy ở lưỡi để phát hiện sợi nấm.

Bệnh vẩy nến: Bệnh vẩy nến miệng (hiếm gặp) có thể khó phân biệt ở bệnh nhân bị vảy nến có kèm theo viêm lưỡi bản đồ.
Ung thư lưỡi: Ung thư lưỡi là một bệnh ác tính ở lưỡi thường gặp ở người trên 50 tuổi và thường gặp ở nam giới hơn nữ giới. Vị trí thường gặp của ung thư lưỡi là ở 2 bên gốc lưỡi, sát các răng hàm. Biểu hiện đầu tiên của bệnh ung thư lưỡi là đau lưỡi, khối u ở lưỡi, cơn đau gây ảnh hưởng đến khả năng vận động của lưỡi trong trong các hoạt động ăn, nói nuốt. Ngoài ra còn có thể có các vết loét phủ giả mạc hoặc các mảng trắng bám chặt vào niêm mạc lưỡi. Tại những vị trí này thường bị chảy máu không rõ nguyên nhân.
Ngoài ra còn có các bệnh lý khác cần phân biệt như: Lichen phẳng ở miệng, chấn thương lưỡi, Herpes simplex, Lupus ban đỏ hệ thống, bạch sản miệng,…
Phương pháp điều trị Viêm lưỡi bản đồ
Viêm lưỡi bản đồ không nguy hiểm, một số trường hợp không xuất hiện triệu chứng nên thường không cần điều trị, cũng như chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu. Để kiểm soát cơn đau hoặc sự nhạy cảm ở lưỡi, bác sĩ có thể khuyên dùng các loại thuốc dựa theo triệu chứng bệnh như:
- Thuốc giảm đau dạng bôi tại chỗ hoặc toàn thân.
- Nước súc miệng làm tê vùng đó.
- Thuốc kháng histamine được sử dụng để giảm sưng.
- Thuốc mỡ hoặc nước rửa corticosteroid được sử dụng để kiểm soát các tình trạng gây sưng tấy hoặc ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch chẳng hạn như lichen phẳng.
- Thuốc điều trị nhiễm nấm, kháng sinh để khắc phục tình trạng bội nhiễm.
- Vitamin B như B1, B2, B6, vitamin C hoặc kẽm.
Cảm giác khó chịu và nóng rát có thể được điều trị bằng cách tránh uống rượu, ăn thức ăn nóng, cay và có tính axit, đồng thời giữ vệ sinh răng miệng sạch sẽ và đều đặn 2 lần/ngày để tránh các triệu chứng trầm trọng hơn. Chú ý uống nhiều nước trên 2 lít nước mỗi ngày, ăn thêm rau xanh và hoa quả.
