Viêm gan tự miễn: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
Gan là một cơ quan lớn nằm dưới xương sườn bên phải bụng, chiếm khoảng 2% trọng lượng cơ thể. Gan đảm nhiệm nhiều chức năng quan trọng đối với cơ thể như chuyển hóa, tổng hợp các chất, chức năng khử độc… Do đó việc quan tâm đến chức năng của gan cũng được mọi người ngày càng chú ý và xem trọng. Trong đó có thể kể đến bệnh viêm gan tự miễn. Là bệnh mà hiện nay người ta vẫn chưa hiểu hết được nguyên nhân chính xác gây ra.
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh viêm gan tự miễn
Viêm gan tự miễn là một bệnh không phổ biến. Không phải ai cũng có triệu chứng, đôi khi các triệu chứng xuất hiện muộn sau khi bệnh đã ảnh hưởng đến chức năng gan. Tuy nhiên, có một số triệu chứng ban đầu phổ biến có thể kể đến như:
- Đau bụng hoặc khó chịu;
- Bụng sưng to kèm gan to;
- Mệt mỏi;
- Đau khớp;
- Phát ban da;
- Mụn.
Khi bệnh tiến triển làm suy giảm chức năng gan, dịch mật tích tụ trong máu. Có thể gây ra các triệu chứng sau:
- Vàng da (vàng da, vàng mắt);
- nước tiểu sẫm màu hoặc phân nhạt màu;
- Chán ăn, buồn nôn.
Các triệu chứng muộn có thể xảy ra là:
- Xuất huyết do giãn tĩnh mạch thực quản;
- Cổ trướng (chất lỏng tích tụ trong bụng);
- Bệnh não gan.
Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh viêm gan tự miễn
Như đã đề cập ở trên, bệnh viêm gan tự miễn là một bệnh lý nguy hiểm. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời bệnh sẽ gây ra các biến chứng nghiêm trọng về vấn đề sức khỏe.
Các biến chứng nghiêm trọng của viêm gan tự miễn bao gồm:
- Xơ gan (sẹo mô gan) và các biến chứng của nó (giãn tĩnh mạch thực quản, cổ trướng, ung thư gan) có thể đe dọa tính mạng.
- Xơ gan tiến triển có thể dẫn đến suy gan.
- Suy gan khởi phát nhanh (Suy gan cấp tính) cũng có thể xảy ra nếu đợt bùng phát viêm gan tự miễn nghiêm trọng.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Vì các triệu chứng của viêm gan tự miễn thường không điển hình và trông giống bệnh thông thường khác khác nên khi có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào chúng ta nên đến gặp bác sĩ ngay để thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết để có phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm nhất.
Những ai có nguy cơ mắc bệnh viêm gan tự miễn?
Mặc dù nguyên nhân chính xác của bệnh viêm gan tự miễn vẫn chưa được biết rõ nhưng những yếu tố nguy cơ có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Các yếu tố nguy cơ của viêm gan tự miễn bao gồm:
- Là nữ: Phụ nữ có khả năng mắc bệnh viêm gan tự miễn hơn nam giới gấp 4 lần.
- Di truyền gia đình: Khi trong gia đình có người mắc viêm gan tự miễn, bạn có khuynh hướng mắc bệnh này hơn.
- Tình trạng tự miễn dịch: Những người mắc bệnh tự miễn dịch khác như viêm khớp dạng thấp, bệnh celiac hoặc các bệnh tuyến giáp có nguy cơ mắc viêm gan tự miễn cao hơn.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm gan tự miễn
Như đã đề cập ở trên, viêm gan tự miễn là bệnh mà hiện nay các nhà khoa học vẫn chưa thể biết được chính xác nguyên nhân gây ra bệnh. Tuy nhiên, cũng từ các thống kê ta có thể thấy một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm gan tự miễn hơn, có thể bao gồm:
- Giới tính: Nữ nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới;
- Có liên quan đến yếu tố di truyền gia đình;
- Những người mắc bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp,...
Nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm gan tự miễn
Đến thời điểm hiện tại, nguyên nhân chính xác gây ra viêm gan tự miễn vẫn chưa được làm rõ, nó được cho là sự kết hợp giữa môi trường (thuốc kê đơn và tình trạng nhiễm trùng), di truyền và miễn dịch.
Một số thuốc được cho là có ảnh hưởng tới sự mắc bệnh viêm gan tự miễn như nitrofurantoin, minocycline và hydralazine.
Một số bệnh nhiễm trùng như viêm gan siêu vi (viêm gan siêu vi A, B, C), virus Herpes simplex và cytomegalovirus có thể liên quan khởi phát bệnh.
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến bệnh viêm gan tự miễn
Chế độ sinh hoạt:
Điều quan trọng là cố gắng duy trì một lối sống lành mạnh, ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên. Để kiểm soát tốt tình trạng diễn tiến của bệnh bạn cần:
- Thăm khám thường xuyên để các bác sĩ theo dõi triệu chứng và diễn tiến của bệnh ngăn ngừa được các biến chứng nghiêm trọng.
- Tuân thủ điều trị của bác sĩ.
- Tập luyện thể dục thể, thao đều đặn và phù hợp để duy trì cân nặng lý tưởng.
- Giữ gìn sức khỏe tránh lao động quá sức.
Chế độ dinh dưỡng:
Duy trì một chế độ ăn lành mạnh như:
- Hạn chế đồ ăn béo ngọt, chất kích thích, thuốc lá, các loại thức uống có cồn (rượu, bia,...).
- Tránh thức ăn ôi thiu, nhiễm hóa chất, nên chọn các thức ăn dễ tiêu hóa.
Phương pháp phòng ngừa bệnh viêm gan tự miễn
Phòng ngừa viêm gan tự miễn dịch, một bệnh mãn tính khi hệ miễn dịch tấn công tế bào gan, có thể là một thách thức do nguyên nhân chính xác chưa được hiểu rõ. Tuy nhiên, có một số chiến lược có thể giúp giảm nguy cơ hoặc quản lý tình trạng này:
Kiểm tra di truyền: Nếu có tiền sử gia đình về các bệnh tự miễn, hãy xem xét tư vấn di truyền để hiểu rõ nguy cơ của bạn và các biện pháp phòng ngừa có thể có.
Lối sống lành mạnh:
- Chế độ ăn cân bằng: Ăn chế độ ăn giàu trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt và protein nạc. Tránh thực phẩm chế biến và đường quá mức.
- Tập thể dục: Hoạt động thể chất thường xuyên giúp duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh.
- Tránh rượu và thuốc lá: Việc sử dụng rượu và thuốc lá có thể làm tăng tổn thương gan và ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể.
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh viêm gan tự miễn
Để chẩn đoán được viêm gan tự miễn bác sĩ sẽ phải hỏi bệnh sử, tiền căn và các triệu chứng hiện tại của người bệnh trải qua các bước thăm khám và làm các cận lâm sàng sau:
Xét nghiệm máu
Xét nghiệm máu ban đầu sẽ bao gồm kiểm tra các dấu hiệu viêm gan, chức năng gan, các dấu hiệu tự miễn dịch và các xét nghiệm máu khác để loại trừ các nguyên nhân khác gây ra bệnh gan.
Xét nghiệm máu của bạn để tìm kháng thể có thể phân biệt viêm gan tự miễn với viêm gan siêu vi và các tình trạng khác có các triệu chứng tương tự. Xét nghiệm kháng thể cũng giúp xác định loại viêm gan tự miễn.
Sinh thiết gan
Các bác sĩ thực hiện sinh thiết gan để xác nhận chẩn đoán và mức độ cũng như loại tổn thương gan. Một lượng nhỏ mô gan sẽ được lấy ra bằng cách sử dụng một cây kim mỏng đưa vào gan thông qua một vết rạch nhỏ và mẫu sau đó sẽ được gửi tới phòng xét nghiệm để phân tích. Sinh thiết gan có thể không thể loại trừ hoặc xác định chính xác hoàn toàn bệnh viêm gan tự miễn.
Chẩn đoán hình ảnh
Chụp x-quang, CT, MRI có thể được chỉ định giữa các lần sinh thiết gan nhằm định lượng mức độ xơ hóa của gan.
Phương pháp điều trị bệnh viêm gan tự miễn
Viêm gan tự miễn là một bệnh lý phức tạp. Trong một số trường hợp bệnh viêm gan tự miễn có thể khỏi mà không cần điều trị bất kỳ loại thuốc nào. Nhưng đối với hầu hết mọi người viêm gan tự miễn là một bệnh lý mãn tính.
Mục tiêu của việc điều trị viêm gan tự miễn là kiểm soát và giảm bớt triệu chứng của bệnh. Việc điều trị phải được kiểm soát bởi các bác sĩ có chuyên môn. Thuốc chủ yếu được sử dụng trong điều trị viêm gan tự miễn là các thuốc làm giảm hoạt động của hệ miễn dịch (corticosteroid và thuốc ức chế hệ thống miễn dịch). Với việc điều trị sớm và thích hợp bệnh thường có thể được kiểm soát.
Nếu không được điều trị hiệu quả các mô bị ảnh hưởng có thể tiến triển thành sẹo và xơ gan, chức năng gan suy giảm có thể cần phải sử dụng thuốc suốt đời để kiểm soát phản ứng tự miễn dịch của cơ thể. Bệnh thường quay trở lại nếu ngừng dùng thuốc.
Khi thuốc không ngăn chặn được sự tiến triển của bệnh hoặc gan bị sẹo không thể phục hồi (xơ gan) hoặc suy gan, lựa chọn còn lại là ghép gan.