Viêm bao quy đầu là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị


Viêm bao quy đầu là tình trạng có thể điều trị được, thường xảy ra ở nam giới chưa cắt bao quy đầu. Các triệu chứng chính của viêm bao quy đầu bao gồm viêm và đau ở đầu dương vật. Việc điều trị thường bao gồm kem chống nấm, thuốc kháng sinh, vệ sinh vùng quy đầu thường xuyên và trong một số trường hợp là cắt bao quy đầu.

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm bao quy đầu

Các triệu chứng của viêm bao quy đầu có thể xuất hiện đột ngột hoặc tiến triển dần dần. Triệu chứng của viêm bao quy đầu có thể bao gồm:

  • Đau và kích ứng ở đầu dương vật.
  • Sự đổi màu hoặc các mảng đổi màu trên dương vật.
  • Ngứa dưới bao quy đầu.
  • Sưng tấy.
  • Những vùng da sưng bóng hoặc trắng trên dương vật.
  • Chất dịch màu trắng dưới bao quy đầu.
  • Có mùi hôi thối.
  • Đau khi đi tiểu (tiểu đau).
  • Các vết loét hoặc tổn thương ở đầu dương vật.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh viêm bao quy đầu

Viêm bao quy đầu không được điều trị có thể dẫn đến các biến chứng khác nhau, bao gồm:

  • Viêm xơ tắc nghẽn bao quy đầu (Balanitis xerotica obliterans - BXO): Tình trạng này xảy ra khi da ở quy đầu cứng lại và chuyển sang màu trắng. Phần mô bị cứng lại khiến nước tiểu và tinh dịch khó chảy qua niệu đạo.
  • Hẹp bao quy đầu: Viêm kéo dài có thể dẫn đến sẹo trên dương vật, khiến bao quy đầu bị hẹp lại. Bao quy đầu có thể hẹp đến mức không thể kéo nó qua khỏi đầu dương vật.

Một số ít trường hợp rất hiếm có liên hệ giữa tình trạng viêm bao quy đầu mãn tính và nguy cơ mắc ung thư dương vật cao hơn.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Trong hầu hết trường hợp, viêm bao quy đầu không nghiêm trọng. Tuy nhiên, bạn cần đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị phù hợp khi có các biểu hiện bất thường ở vùng bao quy đầu.

Viêm bao quy đầu là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 4
Nếu không điều trị, viêm bao quy đầu có thể dẫn đến hẹp bao quy đầu

Những ai có nguy cơ mắc phải viêm bao quy đầu?

Viêm bao quy đầu có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến 1 trong số 25 bé trai, và 1 trong số 30 nam giới chưa cắt bao quy đầu. Nhóm thường bị ảnh hưởng nhất là bé trai dưới 4 tuổi, và nam giới chưa cắt bao quy đầu.

Viêm bao quy đầu là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 5
Viêm bao quy đầu thường ảnh hưởng đến bé trai dưới 4 tuổi

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải viêm bao quy đầu

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm bao quy đầu bao gồm:

  • Sự hiện diện của bao quy đầu.
  • Béo phì bệnh lý.
  • Vệ sinh kém.
  • Bệnh đái tháo đường, đặc biệt là nam giới bị tiểu đường không kiểm soát (có thể là do đường đọng lại trên bao quy đầu, tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm phát triển).
  • Môi trường nhà dưỡng lão.
  • Sử dụng ống thông.
  • Nhạy cảm với các chất kích ứng hóa học (ví dụ như xà phòng và chất bôi trơn).
  • Tình trạng phù nề như suy tim phải hay hội chứng thận hư.
  • Viêm khớp phản ứng (một tình trạng viêm khớp phát triển do nhiễm trùng ở một vùng nào đó trong cơ thể).
  • Nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục.

Nếu bạn còn bao quy đầu, nguyên nhân phổ biến nhất của viêm bao quy đầu là do không vệ sinh thường xuyên dương vật và dưới bao quy đầu. Các nguyên nhân thường được chia làm hai nhóm, gồm nguyên nhân nhiễm trùng hoặc không nhiễm trùng.

Nguyên nhân nhiễm trùng bao gồm:

  • Các loài Candida (thường liên quan đến bệnh đái tháo đường).
  • Liên cầu khuẩn tan máu beta nhóm B và nhóm A.
  • Bệnh lậu.
  • Nhiễm trùng Chlamydia.
  • Nhiễm trùng kỵ khí.
  • Virus u nhú ở người (HPV).
  • Vi khuẩn Gardnerella vaginalis.
  • Treponema pallidum (bệnh giang mai).
  • Nhiễm trùng Trichomonas.
  • Borrelia vincentii và Borrelia burgdorferi.

Nguyên nhân không nhiễm trùng bao gồm:

  • Vệ sinh cá nhân kém (phổ biến nhất).
  • Chất gây kích ứng hóa học (ví dụ như thuốc diệt tinh trùng, chất tẩy rửa, xà phòng, sữa tắm, nước xả vải).
  • Các tình trạng phù nề, bao gồm suy tim sung huyết, xơ gan và hội chứng thận hư.
  • Dị ứng thuốc (ví dụ như tetracycline, sulfonamide).
  • Béo phì.
  • Phản ứng dị ứng (dị ứng với bao cao su, thuốc tránh thai dạng gel).
  • Phát ban do thuốc cố định (ví dụ như thuốc sulfa, tetracycline).
  • Sự thâm nhiễm tế bào plasma (viêm quy đầu Zoon).
  • Chấn thương.
  • Tình trạng tân sinh (các tình trạng tiền ung thư và ác tính khác).

Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của viêm bao quy đầu

Chế độ sinh hoạt:

  • Tắm thường xuyên: Rửa sạch vùng quy đầu mỗi ngày, đảm bảo kéo bao quy đầu của bạn về phía sau để bạn có thể vệ sinh vùng bên dưới.
  • Tránh dùng xà phòng mạnh: Cố gắng không sử dụng xà phòng hoặc kem dưỡng da mạnh có thể gây kích ứng da.
  • Giữ khô ráo: Sau khi đi tiểu, hãy lau khô vùng dưới bao quy đầu để nước tiểu không bị kẹt dưới bao quy đầu.
  • Dạy vệ sinh đúng cách: Dạy trẻ cách vệ sinh dương vật kỹ lưỡng, đặc biệt là khi trẻ có bao quy đầu.

Chế độ dinh dưỡng: Không có chế độ dinh dưỡng cụ thể cho người bệnh viêm bao quy đầu. Bạn nên thực hiện một chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng. Trong trường hợp bạn mắc đái tháo đường hoặc các bệnh lý khác, hãy thực hiện chế độ ăn theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị để kiểm soát tốt tình trạng bệnh.

Phòng ngừa viêm bao quy đầu

Phòng ngừa viêm bao quy đầu bắt đầu bằng việc thực hành vệ sinh đúng cách. Để phòng ngừa viêm bao quy đầu, bạn nên tắm thường xuyên. 

Viêm bao quy đầu là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 7
Vệ sinh đúng cách để phòng ngừa viêm bao quy đầu

Dành thời gian để kéo bao quy đầu của bạn về phía sau và làm sạch khu vực bên dưới bằng nước ấm, sau đó lau khô hoàn toàn. Luôn sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục để tránh mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể gây viêm quy đầu.

Xem thêm: Vệ sinh bao quy đầu: Hướng dẫn cần thiết cho sức khỏe nam giới

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm viêm bao quy đầu

Để chẩn đoán viêm bao quy đầu, các bác sĩ sẽ tiến hành hỏi bệnh, thăm khám để xác định có phải nhiễm trùng gây ra các triệu chứng của bạn hay không.

Tiếp theo, bác sĩ có thể thực hiện lấy dịch, mẫu từ đầu dương vật để xét nghiệm. Các xét nghiệm khác có thể được thực hiện để chẩn đoán bao gồm:

  • Xét nghiệm nước tiểu để đánh giá nhiễm trùng.
  • Xét nghiệm máu để kiểm tra bệnh đái tháo đường và các bệnh nhiễm trùng khác.
  • Đôi khi cần sinh thiết để chẩn đoán phân biệt với các tình trạng khác không phải viêm bao quy đầu.

Điều trị viêm bao quy đầu

Nội khoa

Việc điều trị viêm bao quy đầu phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng này. Các phương pháp điều trị có thể bao gồm:

  • Kem chống nấm: Nếu nhiễm trùng nấm men (Candida) gây viêm bao quy đầu, bác sĩ sẽ kê đơn kem chống nấm như clotrimazole để điều trị nhiễm trùng. Thuốc bôi viêm bao quy đầu cần được bôi vào đầu dương vật và bao quy đầu.
  • Thuốc kháng sinh: Nếu nguyên nhân gây ra các triệu chứng của bạn là do nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục, bác sĩ sẽ điều trị nhiễm trùng bằng thuốc kháng sinh. Thuốc kháng sinh sẽ tùy thuộc vào loại nhiễm trùng.
  • Vệ sinh dương vật thường xuyên hơn: Bác sĩ sẽ khuyên bạn nên rửa và lau khô vùng dưới bao quy đầu thường xuyên để giảm nguy cơ viêm bao quy đầu tái phát. Không kỳ cọ hoặc rửa dương vật quá nhiều bằng xà phòng mạnh, chỉ cần dùng nước ấm là đủ.
  • Quản lý bệnh đái tháo đường: Nếu bạn bị đái tháo đường, bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn cách kiểm soát tình trạng bệnh tốt hơn.

Ngoại khoa

Nếu bạn có các triệu chứng viêm bao quy đầu tái phát, bác sĩ có thể đề nghị cắt bao quy đầu. Cắt bao quy đầu là một thủ thuật phẫu thuật, trong đó bác sĩ phẫu thuật cắt bỏ bao quy đầu che phủ dương vật của bạn. Bác sĩ phẫu thuật thường đề nghị phương pháp điều trị này cho những người có bao quy đầu hẹp. 

Nếu bạn không muốn cắt bao quy đầu hoàn toàn, bác sĩ phẫu thuật có thể đề nghị rạch da quy đầu. Rạch da quy đầu sẽ không cắt bỏ bao quy đầu của bạn, nhưng nó sẽ giúp mở vòng thắt chặt ra để bạn có thể nhìn thấy đầu dương vật của mình.

Viêm bao quy đầu là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 6
Phẫu thuật cắt bao quy đầu đôi khi được thực hiện để điều trị viêm bao quy đầu tái phát



Chat with Zalo