U nang màng nhện: Hiểu hơn về triệu chứng, nguyên nhân và phương pháp điều trị
U nang màng nhện là một túi chứa chất lỏng phát triển trên não hoặc tủy sống. Chúng không phải là khối u và không phải là ung thư. Trong một số trường hợp hiếm, nếu chúng phát triển quá lớn đè lên các cấu trúc khác, có thể gây tổn thương não hoặc các vấn đề về vận động. Bài viết hôm nay sẽ giúp mọi người hiểu rõ hơn về bệnh lý u nang màng nhện.
Những dấu hiệu và triệu chứng của u nang màng nhện
U màng nhện thường không gây triệu chứng và có thể không bị phát hiện trong nhiều năm nếu chúng vẫn còn nhỏ. Khi u màng nhện phát triển, chúng có thể gây áp lực lên tủy sống, dây thần kinh sọ hoặc não, khi đó u màng nhện có thể gây ra nhiều triệu chứng khác nhau.
U nang màng nhện nằm trong não có thể gây ra một hoặc nhiều các triệu chứng như:
- Đau đầu;
- Buồn nôn, nôn ói;
- Thờ ơ, mệt mỏi;
- Co giật;
- Hôn mê;
- Chóng mặt;
- Mất thăng bằng;
- Vấn đề về thị lực, thính lực;
- Suy giảm chức năng não;
- Não úng thủy do sự tắc nghẽn tuần hoàn của dịch não tủy bình thường.
U nang màng nhện nằm trong cột sống có thể gây ra các triệu chứng sau:
- Đau lưng;
- Vẹo cột sống;
- Yếu cơ hoặc co thắt cơ;
- Mất cảm giác, dị cảm;
- Vấn đề về kiểm soát bàng quang và đường ruột.
U nang màng nhện cũng có thể gây ra các tình trạng khác. Não úng thủy, sự tích tụ quá nhiều dịch não tủy trong não, có thể làm tăng áp lực sọ não. Bệnh đầu to, đầu to bất thường, có thể xảy ra trong một số trường hợp hiếm gặp do dị tật ở một số xương sọ, đặc biệt là ở trẻ em.
Các triệu chứng thần kinh cũng có thể xuất hiện, chẳng hạn như chậm phát triển, thay đổi hành vi, không có khả năng kiểm soát các cử động tự nguyện (mất điều hòa), khó giữ thăng bằng và đi lại, suy giảm nhận thức và yếu hoặc liệt một bên cơ thể (liệt nửa người).

Biến chứng có thể gặp phải khi bị u nang màng nhện
Thường không có biến chứng của u nang màng nhện. Nếu u nang màng nhện có triệu chứng mà không được điều trị có thể dẫn đến tổn thương não vĩnh viễn. Các biến chứng của u nang màng nhện bao gồm:
- Chảy máu: Các mạch máu trên thành u nang có thể bị rách và chảy máu, u nang khiến nó phát triển lớn hơn. Khi các mạch máu bị rách và máu chảy ra ngoài u nang sẽ có thể hình thành khối máu tụ.
- Rò rỉ chất lỏng: Nếu chấn thương làm tổn thương u nang có thể dẫn đến rò rỉ dịch não tủy. Chất lỏng có thể rò rỉ vào các phần khác của não, gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Hãy gặp bác sĩ ngay nếu bạn hoặc con bạn có các triệu chứng của u nang màng nhện. Một số u nang cần được điều trị ngay lập tức để tránh các vấn đề sức khỏe lâu dài. Nhiều triệu chứng của u nang màng nhện tương tự như dấu hiệu của các vấn đề đe dọa tính mạng, chẳng hạn như khối u não. Điều quan trọng là gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn một cách chính xác nhất.
Những ai có nguy cơ mắc u nang màng nhện?
U màng nhện là một loại u nang não phổ biến nhất. Chúng ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, chúng thường phát sinh ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nam giới có nguy cơ mắc u nang màng nhện cao gấp 4 lần so với nữ giới.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc u nang màng nhện
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh u nang màng nhện:
- Di truyền: Khi trong gia đình có người mắc các bệnh như viêm màng nhện hoặc hội chứng Marfan có nguy cơ phát triển u nang màng nhện hơn người bình thường.
- Những trẻ có tiền sử chấn thương đầu, chấn thương não, phẫu thuật hoặc nhiễm trùng có khả năng mắc u nang màng nhện hơn.
Nguyên nhân dẫn đến bệnh u nang màng nhện
Nguyên nhân của sự hình thành là không chắc chắn, hầu hết các u nang màng nhện là bẩm sinh, nghĩa là chúng xuất hiện ngay từ khi sinh ra.
Về mặt lý thuyết, u nang màng nhện được hình thành chủ yếu do sự phân chia bất thường trong quá trình tạo phôi của màng nhện. Nếu mô bệnh học cho thấy sự hiện diện của các tế bào viêm, collagen dư thừa hoặc nhuộm hemosiderin thì gợi ý nguyên nhân viêm hoặc chấn thương. Bệnh tăng sinh đệm cơ bản thường không được tìm thấy ở não lân cận thứ phát do hiệu ứng khối.
Một số hội chứng có liên quan đến u nang màng nhện, bao gồm hội chứng Aicardi, bệnh mucopolysaccharidosis, hội chứng acrocallosal, hội chứng Marfan, đột biến sai nghĩa (c2576C>T) trong gen lặp lại dipeptide axit arginine-glutamic (RERE) và Chudley - hội chứng Murlough.

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến u nang màng nhện
Chế độ sinh hoạt:
- Tuân thủ phác đồ của bác sĩ trong quá trình điều trị.
- Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị và tái khám định kỳ.
- Phần lớn u nang màng nhện là tự nhiên và không cần điều trị nên khi mắc phải người bệnh nên giữ tinh thần lạc quan, tích cực.
- Tập thể dục đều đặn, duy trì cân nặng lý tưởng để nâng cao sức khỏe tổng trạng.
- Ngưng hút thuốc lá, rượu, bia hay các loại chất kích thích khác.
Chế độ dinh dưỡng:
- Ăn nhiều hoa quả, rau xanh được chế biến sạch sẽ.
- Hạn chế ăn mặn, ăn nhiều đồ ngọt, thức ăn dầu mỡ và duy trì cân nặng phù hợp.

Phương pháp phòng ngừa u nang màng nhện hiệu quả
Không có phương pháp nào phòng ngừa u nang màng nhện. Vì vậy hãy tới thăm khám và nghe tư vấn từ bác sĩ nếu bạn có tiền sử gia đình mắc bệnh u nang màng nhện hoặc một tình trạng nào đó (chẳng hạn như viêm màng nhện) có thể làm tăng nguy cơ của bạn.
Thăm khám sức khỏe định kỳ hàng năm hoặc khi cơ thể có các triệu chứng bất thường nào như: Đau đầu, mất thăng bằng, ảnh hưởng thị lực,... lập tức kiểm tra để có thể phát hiện sớm tình trạng bệnh.
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán u nang màng nhện
Chẩn đoán u nang màng nhện có thể đến từ các xét nghiệm hình ảnh như chụp CT hoặc MRI, giúp bác sĩ xác định vị trí và đặc điểm của u nang. Vì hầu hết các u nang màng nhện không gây ra triệu chứng nên chúng cũng thường được phát hiện một cách tình cờ khi một người được quét não vì một lý do không liên quan (ví dụ sau chấn thương đầu).
Chụp MRI hoặc CT: Hình ảnh này sẽ giúp các bác sĩ phân biệt u nang màng nhện với các khối u khác và kiểm tra được u nang có đang chèn ép lên cấu trúc khác trong cơ thể hay không, chẳng hạn như chèn dây thần kinh, não hoặc tủy sống.

Phương pháp điều trị u nang màng nhện hiệu quả
Mặc dù hầu hết các u nang có thể được theo dõi lâm sàng và không cần điều trị, tuy nhiên có những khối u nang kích thước lớn, chèn ép nhiều gây ảnh hưởng đến chức năng của não bộ thì việc điều trị trở nên cần thiết.
Vì bản chất u nang màng nhện là một túi chứa đầy chất lỏng nên mục tiêu của việc điều trị là làm thông thoáng hoặc tạo ra các lỗ rất nhỏ trên thành của u nang để chất lỏng này có thể chảy vào các vị trí mà cơ thể có khả năng hấp thụ và tái tạo chúng. Phương pháp này làm giảm áp lực và sự chèn ép do u nang tạo ra, từ đó làm giảm các triệu chứng. Các phương pháp điều trị có thể là:
- Thông khí qua nội soi: Một dụng cụ nội soi được đưa qua một vết mổ nhỏ vào u nang để tạo ra các lỗ trên thành u nang cho phép chất lỏng ra và hấp thụ vào não một cách an toàn.
- Phẫu thuật cắt sọ: Trong trường hợp nội soi không thành công, có thể thực hiện cắt sọ. Một phần nhỏ của hộp sọ sẽ bị cắt bỏ và thành của u nang được mở ra để chất lỏng chảy ra, tuy nhiên phương pháp này có thể gây thương tật và tỉ lệ tử vong cao.
- Shunt: Khi thông khí qua nội soi hoặc phẫu thuật cắt hộp sọ không thành công, một shunt có thể chèn vào bằng ống chạy bên dưới da để chất lỏng chảy ra và được thành bụng hấp thụ.