Thoái hóa khớp háng: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị


Thoái hóa khớp háng gây đau và cứng khớp khiến khó thực hiện các hoạt động hàng ngày như cúi xuống để buộc dây giày, đứng dậy khỏi ghế hoặc đi bộ một quãng ngắn. Vì tình trạng thoái hóa khớp ngày càng nặng dần theo thời gian nên càng điều trị sớm thì càng có thể giảm bớt ảnh hưởng đến cuộc sống. Mặc dù không có cách chữa khỏi bệnh thoái hóa khớp, nhưng có nhiều lựa chọn điều trị để giúp kiểm soát cơn đau và duy trì hoạt động.

Những dấu hiệu và triệu chứng của Thoái hóa khớp háng

Khớp háng là một khớp lớn trong cơ thể, thực hiện nhiều động tác gồm gấp, duỗi, dạng, xoay trong, xoay ngoài và xoay theo 3 chiều không gian. Khớp háng có các chức năng:

  • Khớp háng kết hợp cùng với khớp đùi và khớp gối có vai trò như một trụ đỡ cho cả cơ thể;
  • Xương khớp háng chịu được tác động của cơ thể, đặc biệt là trọng lực;
  • Khớp háng là điểm trụ trung tâm cho các vận động phức tạp như gập, duỗi, đứng thẳng người,...

Triệu chứng phổ biến nhất của bệnh thoái hóa khớp háng là đau. Chứng đau háng -hông này phát triển chậm và trầm trọng hơn theo thời gian, đôi khi có thể khởi phát đột ngột. Đau và cứng khớp có thể tồi tệ hơn vào buổi sáng, hoặc sau khi ngồi hoặc nghỉ ngơi một lúc. Theo thời gian, các triệu chứng đau có thể xảy ra thường xuyên hơn, kể cả khi nghỉ ngơi hoặc vào ban đêm. Các triệu chứng khác có thể bao gồm:

  • Đau ở háng hoặc đùi lan đến mông hoặc đầu gối.
  • Đau tăng lên khi hoạt động mạnh.
  • Cứng khớp háng gây khó khăn trong việc đi lại hoặc cúi gập người.
  • "Khóa" hoặc "dính" của khớp do trong quá trình vận động do các mảnh sụn rời và các mô khác cản trở chuyển động trơn tru của hông.
  • Giảm phạm vi chuyển động ở hông ảnh hưởng đến khả năng đi lại và có thể gây khập khiễng.
  • Đau khớp gia tăng khi thời tiết mưa, lạnh.

Xem thêm chi tiết : Tại sao khớp háng kêu lục cục?

Tác động của Thoái hóa khớp háng đối với sức khỏe

Những bệnh nhân bị thoái hóa khớp háng đôi khi đi lại khó khăn. Lúc đầu có thể khó chẩn đoán. Đó là vì cơn đau có thể xuất hiện ở các vị trí khác nhau, bao gồm háng, đùi, mông hoặc đầu gối. Cơn đau có thể như nhói và buốt hoặc có thể đau âm ỉ và hông thường bị cứng.

thoái hóa khớp háng 4.jpg
Đau ở háng hoặc đùi lan đến mông hoặc đầu gối là triệu chứng có thể gặp khi thoái hóa khớp háng

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Những ai có nguy cơ mắc phải Thoái hóa khớp háng?

Thoái hóa khớp háng là một loại viêm khớp thoái hóa xảy ra thường xuyên nhất ở những người từ 60 tuổi trở lên.

Tìm hiểu để bảo vệ bản thân: Đau khớp háng ở người già có thật sự nguy hiểm?

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải Thoái hóa khớp háng

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc thoái hóa khớp háng, bao gồm:

  • Lớn tuổi;
  • Tiền sử gia đình bị thoái hóa khớp;
  • Chấn thương khớp háng trước đây;
  • Béo phì;
  • Hình thành khớp háng không đúng cách khi mới sinh, một tình trạng được gọi là chứng loạn sản phát triển của hông.
thoái hóa khớp háng 5.jpg
Béo phì làm tăng nguy cơ mắc thoái hóa khớp háng

Nguyên nhân dẫn đến Thoái hóa khớp háng

Nguyên nhân nguyên phát:

Tuổi cao: Khi tuổi tác càng lớn, tình trạng lão hóa trong cơ thể diễn ra càng nhanh chóng. Vì vậy, người cao tuổi dễ bị thoái hóa khớp háng hơn những người trẻ tuổi.

Nguyên nhân thứ phát:

  • Chấn thương: Những chấn thương như tai nạn lao động, tai nạn giao thông, sinh hoạt, chấn thương thể thao… hoặc một số chấn thương khác ở khớp cũng là nguyên nhân dẫn đến thoái hóa khớp háng.
  • Do bẩm sinh: Trường hợp trẻ ngay từ khi mới chào đời, cấu tạo khớp háng hoặc xương chân đã dị dạng.
  • Tiền sử bệnh về khớp: Bệnh nhân đã từng mắc các bệnh lý về cơ xương khớp trước đâ như viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, viêm thấp khớp, viêm khớp do lalao… thì nguy cơ khớp háng bị thoái hóa là rất cao.
  • Yếu tố khác: Thoái hóa khớp háng có thể là biến chứng của một số bệnh như đái tháo đường, bệnh gout, bệnh huyết sắc tố…

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của Thoái hóa khớp háng

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 
  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.
  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
  • Bệnh nhân cần lạc quan: Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái.

Chế độ dinh dưỡng:

Người bị thoái hóa khớp háng cần bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, nên ăn những thực phẩm cung cấp các axit béo thiết yếu, chất chống oxy hóa, khoáng chất và vitamin hỗ trợ hệ thống miễn dịch, từ đó giúp giảm đau đớn và tăng khả năng hình thành xương. Một số nhóm thực phẩm kể đến như:

  • Các loại rau củ quả giàu vitamin và khoáng chất: Bông cải xanh, rau ngót, húng quế, bưởi, nho, cam,...
  • Chất béo lành mạnh: Bơ thực vật, dầu dừa, các loại hạt...
  • Nhóm ngũ cốc nguyên cám giàu dinh dưỡng.
  • Các loại thực phẩm giàu protein và các chất dinh dưỡng: kẽm, selen và vitamin B, vitamin D: Thịt, xương hầm, cá, trứng, sữa,...

Tìm hiểu để bảo vệ bản thân: Sau mổ thay khớp háng nên ăn gì và kiêng ăn gì để hồi phục nhanh chóng?

Phương pháp phòng ngừa Thoái hóa khớp háng hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Duy trì cân nặng hợp lý.
  • Tập luyện thể dục thể thao.
  • Kiểm soát lượng đường trong máu.
  • Phòng ngừa chấn thương.
  • Tránh mang vác vật nặng.
  • Thăm khám sức khỏe định kỳ.
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học.
  • Nghỉ ngơi, thư giãn các khớp.
thoái hóa khớp háng 7.jpeg
Tập luyện thể dục thể thao phù hợp để phòng ngừa bệnh hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán Thoái hóa khớp háng

Khám lâm sàng

  • Đau quanh hông - háng, đau tăng khi có áp lực đè lên hông
  • Giới hạn phạm vi chuyển động thụ động (được hỗ trợ) và chủ động (tự định hướng)
  • Crepitus- tiếng lạo xạo, răng rắc, lộp bộp khi cử động khớp
  • Các vấn đề với dáng đi (cách đi bộ)
  • Bất kỳ dấu hiệu chấn thương nào đối với cơ, gân và dây chằng xung quanh hông.

Chẩn đoán hình ảnh

  • Chụp X-quang: Tia X cung cấp hình ảnh chi tiết về các cấu trúc dày đặc, chẳng hạn như xương. Chụp X-quang khớp háng có thể cho thấy không gian khớp bị thu hẹp, các thay đổi trong xương và sự hình thành các gai xương (tế bào xương).
  • Chụp MRI (cộng hưởng từ) hoặc CT (chụp cắt lớp vi tính): Nhằm kiểm tra sự thay đổi cấu trúc xương như khuyết tật sụn khu trú và tổn thương tủy xương ở xương dưới sụn, cần thiết để xác định rõ hơn tình trạng của xương và các mô mềm ở hông.

Chẩn đoán sớm, can thiệp kịp thời: Chụp MRI khớp háng: Quy trình và chỉ định chụp cộng hưởng từ

Phương pháp điều trị Thoái hóa khớp háng hiệu quả

Mặc dù không có cách chữa khỏi bệnh thoái hóa khớp, nhưng có một số lựa chọn điều trị sẽ giúp giảm đau và cải thiện khả năng vận động.

Điều trị không phẫu thuật

Cũng như các bệnh khớp khác, điều trị sớm thoái hóa khớp háng không cần phẫu thuật. Các phương pháp điều trị không cần phẫu thuật bao gồm:

  • Thay đổi lối sống.
  • Giảm thiểu các hoạt động làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh, chẳng hạn như leo cầu thang.
  • Chuyển từ các hoạt động có tác động mạnh (như chạy bộ hoặc quần vợt) sang các hoạt động có tác động thấp hơn (như bơi lội hoặc đi xe đạp) sẽ ít gây căng thẳng hơn cho hông - háng.
  • Giảm cân: Có thể làm giảm tải áp lực cho khớp háng, giúp giảm đau và tăng cường chức năng.
  • Vật lý trị liệu: Các bài tập cụ thể có thể giúp tăng phạm vi chuyển động và tính linh hoạt, cũng như tăng cường các cơ ở hông và chân. Bác sĩ hoặc chuyên gia vật lý trị liệu có thể giúp phát triển một chương trình tập thể dục cá nhân đáp ứng nhu cầu và lối sống.
  • Thiết bị hỗ trợ: Sử dụng các dụng cụ hỗ trợ đi bộ như gậy, nạng hoặc khung tập đi có thể cải thiện khả năng vận động và tính độc lập.
  • Thuốc: Nếu cơn đau ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày hoặc không thuyên giảm bằng các phương pháp không phẫu thuật khác, bác sĩ có thể thêm thuốc như: thuốc giảm đau acetaminophen (hiệu quả trong việc giảm đau do viêm khớp nhẹ), thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như naproxen và ibuprofen, Corticosteroid (còn được gọi là cortisone) là chất chống viêm mạnh có thể được dùng bằng đường uống hoặc tiêm vào khớp bị đau.

Điều trị phẫu thuật

Bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật nếu cơn đau do viêm khớp gây ra tàn tật và không thuyên giảm khi điều trị không phẫu thuật.

  • Thay toàn bộ khớp háng: Loại bỏ cả miếng đệm và chỏm xương đùi bị hư hỏng, sau đó định vị các bề mặt khớp bằng kim loại, nhựa hoặc gốm mới để khôi phục chức năng của khớp háng.
  • Tái tạo bề mặt hông: Trong quy trình thay khớp háng này, xương và sụn bị hư hỏng trong khớp nối (ổ khớp háng) sẽ được loại bỏ và thay thế bằng một lớp vỏ kim loại. Tuy nhiên, phần đầu của xương đùi không bị loại bỏ mà thay vào đó được bọc bằng một lớp kim loại mịn.
  • Cắt xương: Đầu của xương đùi hoặc ổ cắm được cắt và sắp xếp lại để giảm bớt áp lực của khớp háng. Thủ thuật này hiếm khi được sử dụng để điều trị viêm xương khớp háng.

Mặc dù các biến chứng có thể xảy ra với bất kỳ cuộc phẫu thuật nào, bác sĩ sẽ thực hiện các bước để giảm thiểu rủi ro. Các biến chứng phổ biến nhất của phẫu thuật bao gồm:

  • Nhiễm trùng;
  • Chảy máu quá nhiều;
  • Các cục máu đông;
  • Trật khớp hông;
  • Không đồng nhất về độ dài chi;
  • Tổn hại cho mạch máu hoặc động mạch.

Khám phá phương pháp điều trị:

  • Thoái hóa khớp háng có chữa được không?
  • Chữa thoái hóa khớp háng bằng đông y như thế nào?
thoái hóa khớp háng 6.jpg
Các bài tập vật lý trị liệu cụ thể có thể giúp tăng phạm vi chuyển động và tính linh hoạt



Chat with Zalo