Thiếu máu tán huyết là bệnh lý gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh


Trong cơ thể người, máu là một tổ chức lỏng lẻo gồm hai thành phần chính là tế bào máu và huyết tương. Tế bào máu gồm có ba loại tế bào chính là hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu. Bệnh thiếu máu tán huyết là tình trạng thiếu máu do tăng pha hủy hồng cầu, làm cho đời sống của hồng cầu bị rút ngắn lại (bình thường hồng cầu có thời gian trong máu 120 ngày). Kế hoạch điều trị sẽ tùy thuộc vào từng cá thể và nguyên nhân gây ra bệnh thiếu máu.

Những dấu hiệu và triệu chứng ở người mắc bệnh thiếu máu tán huyết

Mỗi người bệnh sẽ có biểu hiện các triệu chứng khác nhau, các triệu chứng tán huyết có thể nhẹ hoặc có thể tăng nặng hơn tùy thuộc vào thể bệnh và nguyên nhân gây bệnh. Lâm sàng của người bệnh thiếu máu tán huyết có thể bao gồm triệu chứng của thiếu máu, triệu chứng của tan máu hay tán huyết và hoặc có biểu hiện của nguyên nhân tan máu. Bao gồm:

  • Thiếu máu: Bệnh nhân có biểu hiện mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, khó thở nhiều nhất là khi thay đổi tư thế. Da xanh, niêm nhạt, mạch nhanh, hồi hộp đánh trống ngực.
  • Dấu hiệu của tán huyết: Vàng da, củng mạc mắt vàng, nước tiểu sẫm màu, trong cơn tán huyết cấp có thể có tiểu đỏ. Bệnh nhân có thể không sốt hoặc sốt từng cơn với biểu hiện rét run từng cơn hoặc dai dẳng. Trường hợp nặng thì có gan to, lách to.
  • Triệu chứng liên quan đến nguyên nhân gây tán huyết, ví dụ như: Liên quan đến sốt rét thì người bệnh kèm rét run từng cơn có chu kỳ. Liên quan đến nguyên nhân bẩm sinh thì ngoài gan lách to thì người bệnh có thể còn biến dạng xương sọ, xương mặt,… 

Các triệu chứng trên có thể xuất hiện ở nhiều bệnh lý khác nhau. Vậy nên hãy đến khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị chính xác nhất.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh thiếu máu tán huyết

Những người mắc bệnh thiếu máu tán huyết có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như:

  • Cơn tan máu hay tán huyết cấp: Dẫn đến thiếu máu đi nuôi các cơ quan đột ngột suy giảm chức năng các cơ quan như tim, não, thận, phổi,...
  • Suy tim: Cơ tim phải co bóp nhiều hơn để bù lại lượng hồng cầu bị thiếu hụt. Lâu ngày, cơ tim sẽ bị suy yếu, thiếu máu nuôi dưỡng cơ tim gây tình trạng đau thắt ngực và suy tim.
  • Suy thận: Bệnh sẽ gây ra tình trạng giảm tưới máu thận trong thời gian dài gây thiểu niệu, giảm thải độc ra khỏi cơ thể, lâu ngày có thể bị suy thận.
  • Khác: Người bệnh có thể biểu hiện mệt mỏi, uể oải, giảm khả năng vận động gây ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống.
Thiếu máu tán huyết là bệnh lý gì? Tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh 4
Suy tim là một trong những biến chứng của thiếu máu tán huyết

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nên đến gặp bác sĩ khi:

  • Có thể tham khảo các triệu chứng như đã đề cập phần trên và nếu bạn xuất hiện triệu chứng nào bất thường thì hãy đến các cơ sở y tế uy tín để được tư vấn.
  • Nếu bạn đã được phát hiện mắc bệnh giảm tiểu cầu miễn dịch và đang được theo dõi định kỳ nhưng cơ thể bắt đầu có triệu chứng mới xuất hiện thêm.
  • Các triệu chứng của bệnh trở nên xấu hơn.
  • Các triệu chứng ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Việc chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ diễn tiến nặng của bệnh cũng như hạn chế các biến chứng của bệnh.

Những ai có nguy cơ mắc bệnh thiếu máu tán huyết?

Những trường hợp bất đồng nhóm máu mẹ con, những bệnh nhân có ghép cơ quan, ghép tủy, người bệnh đặt dụng cụ nhân tạo, bị dị dạng động tĩnh mạch, bị bệnh lý ác tính, nhiễm ký sinh trùng, nhiễm hóa chất,.. có nguy cơ mắc bệnh thiếu máu tán huyết.

Thiếu máu tán huyết là bệnh lý gì? Tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh 6
Bệnh nhân ghép tủy có nguy cơ mắc phải thiếu máu tán huyết

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh thiếu máu tán huyết

Như đã đề cập ở trên, bất kỳ độ tuổi hay giới tính nào để có khả năng bệnh thiếu máu tán huyết. Có thể là do di truyền, đột biến gen, do thuốc người bệnh sử dụng, do cơ chế tự miễn dịch đề kháng chống lại cơ thể,... 

Nguyên nhân dẫn đến bệnh thiếu máu tán huyết

Thiếu máu tán huyết thường được phân loại làm 2 nhóm chính: Di truyền và mắc phải. Mỗi phân loại sẽ có những nguyên nhân khác nhau gây ra bệnh.

Thiếu máu tán huyết di truyền

Là do khiếm khuyết trong tế bào hồng cầu và liên quan đến việc một hoặc nhiều gen kiểm soát việc sản xuất hồng cầu hoạt động không bình thường. Do đó sẽ làm cho hồng cầu bị phá hủy sớm hơn bình thường. Bao gồm:

  • Thiếu máu hồng cầu hình liềm;
  • Bệnh Thalassemia;
  • Rối loạn màng hồng cầu, như: Bệnh hồng cầu hình cầu di truyền, bệnh hồng cầu hình elip di truyền và bệnh hồng cầu pyropoikilocytosis di truyền và bệnh exocytosis di truyền;
  • Cơ thể thiếu hụt men pyruvate kinase (PKD);
  • Cơ thể thiếu hụt men glucose - 6 - phosphate dehydrogenase (G6PD).
Thiếu máu tán huyết là bệnh lý gì? Tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh 5
Bệnh Thalassemia là nguyên nhân gây thiếu máu tán huyết

Thiếu máu tán huyết mắc phải

Thiếu máu tán huyết mắc phải là do các yếu tố bên ngoài hồng cầu, chẳng hạn như: Kháng thể do rối loạn của bệnh tự miễn, do bỏng hoặc do thuốc. Trong những trường hợp này các tế bào hồng cầu đều bình thường khi được sinh ra bởi tủy xương nhưng sau đó các tế bào hồng cầu này bị phá hủy trực tiếp trong máu hoặc bị mắc kẹt sớm, chẳng hạn:

  • Thiếu máu tán huyết tự miễn (AIHA): Do các tình trạng rối loạn tự miễn dịch như bệnh lupus, viêm khớp dạng thấp hoặc viêm loét đại tràng,…
  • Thiếu máu tán huyết do thuốc: Quinidin, penicillin, methyldopa, ticlopidine, clopidogrel.
  • Thiếu máu tán huyết cơ học: Do chấn thương trực tiếp.
  • Cường lách khiến lá lách tăng cường hoạt động tiêu hủy hồng cầu
  • Ung thư máu hay một số khối u có tình trạng suy tủy xương làm giảm hoạt động sản xuất hồng cầu.
  • Van tim cơ học có thể làm hư hại các tế bào hồng cầu khi chúng rời khỏi tim.
  • Phản ứng nghiêm trọng xảy ra sau khi truyền máu.
  • Bệnh tiểu huyết sắc tố kịch phát về đêm (PNH)
  • Sốt rét, bệnh Babiosis và các bệnh thiếu máu truyền nhiễm khác.
  • Nhiễm độc chì và đồng.

Một số loại thiếu máu tán huyết mắc phải chỉ là bệnh lý tạm thời và có thể biến mất sau vài tháng khi điều trị được nguyên nhân gây ra bệnh. Nhưng cũng có một số khác lại là mãn tính và kéo dài suốt đời.

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến bệnh thiếu máu tán huyết

Chế độ sinh hoạt:

Bệnh thiếu máu tán huyết . Tuy nhiên, nếu bạn được chẩn đoán mắc bệnh thiếu máu tán huyết thì vẫn có thể duy trì thói quen sinh hoạt tốt để giúp bạn hạn chế diễn tiến bệnh, các biện pháp bao gồm:

  • Tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ trong quá trình điều trị.
  • Liên hệ với bác sĩ điều trị khi cơ thể xuất hiện những triệu chứng bất thường.
  • Tránh tiếp xúc với môi trường lạnh, mặc quần áo ấm giữ ấm cho cơ thể.
  • Bảo vệ cơ thể để giảm nguy cơ nhiễm trùng, như: Tránh tiếp xúc với những người bệnh truyền nhiễm, rửa tay thường xuyên, ăn chín uống sôi,…
  • Theo dõi các dấu hiệu nhiễm trùng ở những người bệnh đã điều trị phẫu thuật cắt lách.
  • Ngừng sử dụng rượu, bia, thuốc lá hay các loại chất kích thích.

Chế độ dinh dưỡng:

Người bệnh nên duy trì một chế độ ăn lành mạnh như:

  • Chế độ ăn nên ăn nhiều thực phẩm giàu chất chống oxy hóa gồm rau củ quả và trái cây như: Việt quất, anh đào, cà chua, bí, ớt chuông,...
  • Ngừng sử dụng: Thuốc lá, rượu, bia,…
  • Chế độ ăn nên giảm mặn, giảm đồ béo ngọt và duy trì cân nặng phù hợp.
  • Nên ăn chín uống sôi phòng ngừa nhiễm trùng, không nên ăn rau sống.

Phương pháp phòng ngừa bệnh thiếu máu tán huyết

Một số biện pháp phòng ngừa bệnh thiếu máu tán huyết:

  • Khám sức khỏe định kỳ.
  • Khám sàng lọc sau sinh để có thể phát hiện sớm các bệnh lý di truyền gây thiếu máu tán huyết để được tư vấn điều trị kịp thời và phòng bệnh hiệu quả.
  • Tuân thủ điều trị của bác sĩ.
  • Tập luyện thể dục thể thao phù hợp và duy trì cân nặng phù hợp.
  • Chế độ ăn phù hợp, lành mạnh và vệ sinh an toàn thực phẩm để phòng ngừa nhiễm trùng.
  • Tiêm phòng đầy đủ cho trẻ em theo chương trình tiêm chủng mở rộng.
Thiếu máu tán huyết là bệnh lý gì? Tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh 8
Tiêm phòng cho trẻ để phòng bệnh thiếu máu tán huyết

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh thiếu máu tán huyết

Người bệnh nghi ngờ mắc bệnh thiếu máu tán huyết có thể được làm nhiều loại xét nghiệm khác nhau để hỗ trợ chẩn đoán bệnh, ngoài công thức máu toàn bộ, còn có thể bao gồm:

  • Xét nghiệm Coombs (xét nghiệm kháng globulin trực tiếp): Kiểm tra bệnh thiếu máu tán huyết tự miễn.
  • Xét nghiệm kiểm tra số lượng hồng cầu lưới.
  • Xét nghiệm Haptoglobin: Nồng độ thấp có thể là biểu hiện của tổn thương hồng cầu.
  • Xét nghiệm kiểm tra nồng độ LDH, nồng độ bilirubin.
  • Phết máu ngoại vi: Kiểm tra hình dạng và kích thước của tế bào hồng cầu.
  • Điện di huyết sắc tố.

Ngoài ra, bác sĩ có thể đề nghị làm thêm các xét nghiệm khác để chẩn đoán chính xác hơn nguyên nhân gây ra bệnh thiếu máu tán huyết ở người bệnh.

Phương pháp điều trị bệnh thiếu máu tán huyết

Những người đã được chẩn đoán mắc bệnh thiếu máu tán huyết mức độ nhẹ có thể chỉ theo dõi định kỳ mà không cần điều trị. Còn lại, những người mắc bệnh thiếu máu tán huyết có tình trạng năng hơn cần được kiểm soát bệnh một cách tích cực, phương pháp điều trị bệnh cũng được đánh giá và lựa chọn một cách phù hợp nhất. Các phương pháp điều trị bệnh như:

  • Truyền máu nếu thiếu máu nặng;
  • Thuốc corticosteroid nhằm chống viêm;
  • Điều trị tăng cường hệ thống miễn dịch bằng cách sử dụng globulin miễn dịch tiêm tĩnh mạch.
  • Rituximab điều trị ung thư;
  • Phẫu thuật cắt bỏ lách;
  • Thuốc làm giảm sức mạnh hệ thống miễn dịch của cơ thể, hạn chế chúng tấn công hồng cầu (liệu pháp ức chế miễn dịch).
Thiếu máu tán huyết là bệnh lý gì? Tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh 7
Truyền máu thường được chỉ định với những trường hợp thiếu máu nặng



Chat with Zalo