Suy tim trái là gì? Những điều cần biết về suy tim trái


Suy tim trái xảy ra khi khả năng bơm máu của tim bị suy yếu. Điều này khiến các cơ quan không nhận đủ lượng oxy để thực hiện các chức năng của chúng. Suy tim trái có thể dẫn đến các biến chứng bao gồm suy tim phải và tổn thương cơ quan nội tạng.

Những dấu hiệu và triệu chứng của suy tim trái

Ban đầu, các dấu hiệu suy tim trái có thể không được rõ ràng nhưng chúng sẽ trở nên trầm trọng hơn theo thời gian. Điều quan trọng là phải gặp bác sĩ kiểm tra thường xuyên để chẩn đoán và điều trị sớm nhằm kiểm soát các dấu hiệu và triệu chứng của suy tim. Nếu không được kiểm soát, tình trạng này có thể gây ra các biến chứng.

Các triệu chứng suy tim trái, bao gồm:

  • Khó thở vào ban đêm phải ngồi bật dậy để thở;
  • Khó thở khi tập thể dục hoặc khi nằm thẳng;
  • Ho mạn tính hoặc thở khò khè;
  • Khó tập trung;
  • Mệt mỏi;
  • Giữ nước gây phù nề ở mắt cá chân, cẳng chân và/hoặc bàn chân;
  • Chán ăn và buồn nôn;
  • Nhịp tim nhanh hoặc không đều;
  • Tăng cân nhanh đột ngột.

Khi những triệu chứng này xảy ra, chúng khiến tim cố gắng bơm mạnh hơn, gây ra những tổn thương nặng hơn như:

  • Tim to ra;
  • Nhịp tim nhanh;
  • Huyết áp cao;
  • Ít máu cung cấp đến tay và chân.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh suy tim trái

Các biến chứng của suy tim trái có thể bao gồm:

  • Rối loạn nhịp tim hoặc nhịp tim bất thường như nhịp nhanh thất và rung nhĩ;
  • Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn và trung ương;
  • Bệnh van tim;
  • Bệnh gan;
  • Suy tim phải;
  • Yếu cơ;
  • Thiếu máu;
  • Bệnh thận;
  • Trầm cảm.
ST trái 4.jpeg
Người bệnh suy tim trái có thể bị biến chứng trầm cảm

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên, bạn nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm suy tim trái sẽ giúp giảm triệu chứng và làm chậm diễn tiến của bệnh.

Những ai có nguy cơ mắc suy tim trái?

  • Nam giới có nguy cơ mắc suy tim trái cao hơn.
  • Người bị các vấn đề về tim mạch.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc suy tim trái

Các yếu tố nguy cơ gây suy tim trái có thể bao gồm:

  • Tuổi: Nam giới trong độ tuổi từ 50 – 70 thường bị suy tim trái nếu trước đó họ từng bị nhồi máu cơ tim.
  • Hẹp van động mạch chủ: Khi độ mở của van động mạch chủ bị thu hẹp, nó sẽ làm chậm lưu lượng máu và làm tim yếu đi.
  • Huyết khối: Thuyên tắc phổi có thể gây suy tim trái.
  • Bệnh cơ tim: Một số loại bệnh di truyền có thể làm suy yếu hoặc tổn thương tim.
  • Tim bẩm sinh: Dị tật cấu trúc tim bẩm sinh có thể ngăn cản sự lưu thông máu ở tim.
  • Các bệnh mạn tính: Bệnh đái tháo đường, HIV, cường giáp, suy giáp hoặc tích tụ sắt có thể dẫn đến suy tim trái.
  • Giới tính: Nam giới có nguy cơ mắc bệnh suy tim trái cao hơn.
  • Rối loạn nhịp: Nhịp tim bất thường, đặc biệt nếu nhịp tim nhanh, có thể làm suy yếu cơ tim.
  • Viêm cơ tim: Tình trạng này xảy ra khi virus gây viêm cơ tim.
  • Co thắt màng ngoài tim: Viêm làm cho màng ngoài tim bị sẹo, dày lên và thắt chặt cơ tim.
  • Nhồi máu cơ tim trước đây: Tổn thương cơ tim có thể ảnh hưởng đến khả năng bơm máu hiệu quả.
  • Chủng tộc: Đàn ông Mỹ gốc Phi có nguy cơ mắc bệnh suy tim trái cao hơn những người khác.
  • Một số loại thuốc hóa trị và điều trị đái tháo đường: Một số loại thuốc đã được phát hiện là làm tăng nguy cơ suy tim trái.
  • Bệnh van tim: Tổn thương hoặc khiếm khuyết ở một trong bốn van tim có thể ngăn cản tim bơm máu hiệu quả.
  • Nhiễm virus: Một số bệnh virus có thể làm hỏng cơ tim.

Nguyên nhân dẫn đến suy tim trái

Suy tim trái có thể có nhiều nguyên nhân tiềm ẩn, bao gồm:

  • Tăng huyết áp: Tăng huyết áp mạn tính là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây suy tim tâm trương. Khi bạn bị huyết áp cao trong một thời gian dài, tim bạn phải làm việc nhiều hơn để bơm máu đi khắp cơ thể. Kết quả là trái tim của bạn trở nên dày và cứng hơn.
  • Bệnh đái tháo đường: Lượng đường trong máu cao có thể gây xơ cứng mạch máu. Điều này khiến tim phải làm việc nhiều hơn, có thể khiến cơ tim dày lên.
  • Bệnh mạch vành: Sự tắc nghẽn khiến lượng máu chảy qua tim của bạn ít hơn. Lưu lượng máu đến tim rất thấp có thể dẫn đến các tế bào cơ tim chết (thiếu máu cục bộ). Điều này có thể ngăn tim thư giãn và đổ đầy máu như bình thường.
  • Bệnh màng ngoài tim: Tràn dịch màng ngoài tim hay co thắt màng ngoài tim đều có thể hạn chế khả năng bơm máu của tim.
  • Béo phì: Lớp mỡ đệm xung quanh tim tăng lên khiến tim phải làm việc nhiều hơn.
  • Lối sống ít vận động: Việc thiếu hoạt động thể chất có thể khiến bạn có nguy cơ cao bị tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh mạch vành và béo phì. Tất cả những tình trạng này có thể góp phần gây ra suy tim tâm trương.
  • Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn: Điều này dẫn đến một loạt các thay đổi phức tạp trong cơ thể. Một số thay đổi này bao gồm tăng huyết áp, giảm lượng oxy cung cấp cho tim và tăng hoạt động của hệ thần kinh. Gây ra mất cân bằng giữa cung và cầu oxy, bạn sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh suy tim trái cũng như các bệnh tim khác.
  • Các bệnh tim khác: Một số bệnh tim khác có thể khiến thất trái dày lên. Ví dụ như hẹp van động mạch chủ và bệnh cơ tim phì đại.

Suy tim trái có thể có những nguyên nhân cơ bản khác nhau. Rối loạn chức năng tâm thu thường do:

  • Bệnh cơ tim giãn nở vô căn;
  • Bệnh mạch vành;
  • Tăng huyết áp;
  • Bệnh van tim.

Rối loạn chức năng tâm trương thường gặp nhất do:

  • Tăng huyết áp;
  • Béo phì;
  • Bệnh mạch vành;
  • Đái tháo đường;
  • Rung nhĩ;
  • Rối loạn mỡ máu.
ST trái 5.jpeg
Béo phì có thể là nguyên nhân của suy tim trái

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của suy tim trái

Chế độ sinh hoạt:

Nếu bạn bị suy tim trái, những thay đổi lối sống sau đây có thể giúp bạn kiểm soát các triệu chứng của mình:

  • Tập thể dục cường độ thấp thường xuyên để tăng cường sức khoẻ tim mạch;
  • Hạn chế tiêu thụ rượu bia;
  • Bỏ hút thuốc lá.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh cho tim;
  • Cắt giảm muối (natri) trong khẩu phần ăn.

Phương pháp phòng ngừa suy tim trái hiệu quả

Mặc dù bạn không thể ngăn ngừa tất cả các yếu tố nguy cơ gây suy tim trái, nhưng bạn có thể thực hiện các bước để giảm thiểu hoặc thậm chí đảo ngược nguy cơ mắc các bệnh có thể gây ra suy tim trái.

  • Cân bằng lượng đường trong máu: Nếu bạn mắc bệnh đái tháo đường, hãy theo dõi những gì bạn ăn và kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên. Tham khảo ý kiến bác sĩ về các loại thuốc kiểm soát lượng đường trong máu.
  • Năng động: Tập thể dục vừa phải giúp tuần hoàn và giảm căng thẳng cho tim.
  • Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh: Hạn chế nhập muối, đường và chất béo bão hòa; ăn nhiều trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt và các sản phẩm từ sữa ít béo.
  • Kiểm tra sức khỏe thường xuyên: Nếu bạn gặp các triệu chứng mới hoặc tác dụng phụ do thay đổi thuốc, hãy đến gặp bác sĩ.
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh: Giảm cân và duy trì cân nặng khỏe mạnh sẽ giúp giảm căng thẳng cho tim.
  • Giảm căng thẳng: Căng thẳng có thể góp phần làm nhịp tim nhanh hoặc không đều.
  • Giảm uống rượu: Trong một số trường hợp, bạn có thể cần phải ngừng uống rượu hoàn toàn. Nếu bạn uống được, hãy uống ít.
  • Ngừng hút thuốc lá: Hút thuốc lá làm tổn thương mạch máu, tăng huyết áp, giảm lượng oxy trong máu và khiến tim đập nhanh hơn.
  • Dùng thuốc theo chỉ định: Nếu bạn đã được kê đơn thuốc điều trị suy tim trái hoặc một nguyên nhân gây bệnh, hãy nhớ dùng thuốc theo chỉ định.
  • Cân bản thân hàng ngày: Theo dõi cân nặng của bạn để phát hiện sự tăng cân đột ngột có thể cho thấy cơ thể đang tích nước.
ST trái 7.jpeg
Ngừng hút thuốc lá có thể hỗ trợ phòng ngừa suy tim trái

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán suy tim trái

Bác sĩ sẽ hỏi về bệnh sử, tiền căn và các triệu chứng của bạn, đồng thời tiến hành thăm khám sức khỏe. Bác sĩ có thể quan tâm một số điều sau đây khi khám thực thể:

  • Rì rào phế nang giảm hoặc bất thường;
  • Tĩnh mạch cổ nổi;
  • Tiếng tim bất thường;
  • Phù ở bàn chân hoặc cẳng chân;
  • Huyết áp thấp;
  • Nhịp tim nhanh.

Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn có thể bị suy tim trái, họ có thể yêu cầu một số xét nghiệm sau đây để xác nhận chẩn đoán:

  • Xét nghiệm máu: BNP hoặc NT-proBNP, troponin, công thức máu toàn phần, bilan lipid, xét nghiệm chức năng gan và thận;
  • Điện tâm đồ (ECG);
  • Siêu âm tim;
  • Chụp mạch vành;
  • Chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT scan) để giúp xác định kích thước của tim,...
  • Nghiệm pháp gắng sức.
ST trái 6.jpeg
Bác sĩ thực hiện thăm khám tim

Phương pháp điều trị suy tim trái hiệu quả

Suy tim trái có một số phương pháp điều trị:

  • Chiến lược thay đổi lối sống: Ăn chế độ ăn ít muối với nhiều rau và trái cây, hoạt động thể chất thường xuyên, tránh uống rượu và hút thuốc lá có thể giúp kiểm soát sức khỏe tim mạch.
  • Thuốc: Thuốc điều trị suy tim trái có thể làm chậm nhịp tim, giảm lượng nước và natri dư thừa, làm giãn mạch máu và giúp tim bơm mạnh hơn.
  • Quản lý các tình trạng sức khỏe khác: Điều trị và kiểm soát huyết áp và rối loạn nhịp tim có thể giúp giải quyết các yếu tố góp phần gây ra suy tim.
  • Thiết bị cấy ghép: Một người có phân suất tống máu dưới 35% có thể được điều trị bằng máy khử rung tim (ICD) hoặc máy tạo nhịp tim.
  • Ghép tim: Những người bị suy tim tiến triển có thể đủ điều kiện để ghép tim.



Chat with Zalo