Run rẩy là gì? Nguyên nhân gây bệnh, phương pháp điều trị và nguyên tắc phòng ngừa


Run là các cử động không tự chủ, nhịp nhàng của các nhóm cơ đối kháng, tương hỗ, thường xảy ra ở vùng bàn tay, đầu, mặt, dây thanh quản, thân mình hoặc chân. Chẩn đoán thường dựa trên tình trạng lâm sàng. Điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân và loại run, bao gồm việc tránh các yếu tố gây khởi phát, sử dụng thuốc propranolol hoặc primidone, vật lý trị liệu, điều trị nguyên nhân gây run và phẫu thuật.

Những dấu hiệu và triệu chứng của run rẩy

Run theo nhịp ở bàn tay, cánh tay, đầu, chân hoặc thân mình;

Giọng run;

Khó viết hoặc vẽ;

Có vấn đề khi cầm và kiểm soát đồ dùng (như đũa, thìa...).

Hiểu rõ triệu chứng, hành động ngay: Chân tay bủn rủn, người mệt mỏi, khó thở là bệnh gì?

Tác động của run rẩy đối với sức khỏe

Run rẩy thường không ảnh hưởng đến tính mạng, tuy nhiên triệu chứng sẽ tiến triển nặng theo thời gian và gây khó khăn cho bệnh nhân trong công việc cũng như sinh hoạt hằng ngày.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Run rẩy 4
Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ

Những ai có nguy cơ mắc phải run rẩy?

Tất cả mọi đối tượng đều có nguy cơ mắc phải chứng run rẩy. Tuy nhiên nguy cơ này cao hơn ở những người trung niên và cao tuổi (thông thường từ 40 tuổi trở lên).

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải run rẩy

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc Run rẩy, bao gồm:

Tiền sử gia đình có người từng mắc run rẩy.

Sử dụng nhiều rượu và chất kích thích.

Run rẩy 5
Sử dụng nhiều rượu và chất kích thích làm tăng nguy cơ mắc phải run rẩy

Nguyên nhân dẫn đến run rẩy

Run sinh lý

Run sinh lý thường xảy ra ở những người khỏe mạnh. Run động trạng hoặc run đối xứng trên cả hai tay với biên độ nhỏ. Tình trạng này chỉ tiến triển nghiêm trọng khi có các yếu tố gây stress bao gồm:

Lo lắng;

Mệt mỏi;

Vận động;

Thiếu ngủ;

Cai rượu hoặc dùng một số thuốc ức chế thần kinh trung ương như opioid hoặc benzodiazepine;

Bệnh lý (cường giáp);

Sử dụng caffein hoặc chất kích thích như amphetamine, cocaine, phencyclidine...;

Sử dụng các loại thuốc như corticosteroids, chất chủ vận beta-adrenergic, theophylline và valproate.

Tìm hiểu nguyên nhân chi tiết: Uống cà phê bị run tay có sao không? Làm gì khi gặp tình trạng trên?

Run bệnh lý 

Bệnh lý gây run phổ biến nhất bao gồm: 

Run động và run tư thế: Run vô căn;

Run khi nghỉ ngơi: Bệnh Parkinson;

Run khi thực hiện động tác có chủ đích: Rối loạn chức năng tiểu não (do chấn thương, đột quỵ, bệnh đa xơ cứng).

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của Run rẩy

Chế độ sinh hoạt:

Tuân thủ theo hướng dẫn trong việc điều trị và liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị. 

Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Bệnh nhân cần lạc quan và học cách thư giãn vì tâm lý ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả điều trị bệnh.

Thường xuyên sử dụng bộ phận ít bị run hơn (tay, chân).

Chế độ dinh dưỡng:

Tránh dùng caffeine và các chất kích thích vì có thể làm tăng cường độ và tần suất run.

Hạn chế sử dụng rượu bia. Những người dùng rượu để kiểm soát cơn run cũng cần chú ý không nên tăng lượng sử dụng vì dễ dẫn đến nghiện rượu.

Tìm hiểu để bảo vệ bản thân: Dấu hiệu cảnh báo và cách xử lý khi quá liều caffeine

Run rẩy 7
Cần hạn chế sử dụng rượu bia

Phương pháp phòng ngừa Run rẩy hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

Hạn chế sử dụng bia rượu.

Vận động, tập thể dục điều độ, phù hợp với sức khoẻ.

Thăm khám ngay với bác sĩ nếu xuất hiện các triệu chứng run rẩy để tìm nguyên nhân và điều trị kịp thời.

Có kế hoạch làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, tránh quá căng thẳng và stress.

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán run rẩy

Bệnh sử và tiền sử bệnh

Hỏi bệnh nhân về những vấn đề như sau:

Tính chất khởi phát của bệnh: Dần dần hay đột ngột. Nếu khởi phát đột ngột, cần hỏi bệnh nhân về các biến cố gây khởi phát run như dùng loại thuốc mới, bị bệnh hoặc chấn thương gần đây...;

Tuổi khởi phát;

Phần cơ thể bị ảnh hưởng;

Các yếu tố khởi phát (lúc nghỉ ngơi, đứng dậy hay vận động);

Các yếu tố tăng nặng hoặc giảm bớt triệu chứng (ví dụ: uống bia rượu, caffeine, lo lắng, căng thẳng...);

Tiền sử gia đình có người bị run rẩy;

Các bệnh lý đã từng hoặc đang mắc phải có khả năng gây run.

Một số bệnh lý có thể gây run rẩy bao gồm:

Bệnh lý thần kinh diễn biến nhiều đợt: Đa xơ cứng;

Khó khăn trong sử dụng ngôn ngữ hoặc rối loạn vận ngôn, yếu vận động khởi phát đột ngột gần đây: Đột quỵ;

Lẫn lộn và sốt: Áp xe não, u não, viêm màng não hoặc viêm não;

Tăng trương lực cơ, vận động chậm, rối loạn dáng đi và tư thế: Bệnh Parkinson hoặc hội chứng Parkinson;

Giảm cân, thèm ăn, tiêu chảy, đánh trống ngực và chịu nhiệt kém: Cường giáp;

Rối loạn cảm giác: Bệnh lý thần kinh ngoại biên;

Kích động và ảo giác: Ngộ độc ma túy hoặc cai rượu.

Khám thực thể

Thần kinh: Đánh giá tình trạng tinh thần, phản xạ, chức năng cảm giác - vận động, trương lực cơ và chức năng tiểu não (thay đổi nhanh các cử động tại bàn tay; nghiệm pháp ngón tay chỉ mũi, gót chân đầu gối...). 

Sinh hiệu: Có những bất thường như nhịp nhanh, tăng huyết áp, sốt hay không. Lưu ý kích thích tâm thần vận động, tình trạng suy kiệt và thiếu biểu hiện trên khuôn mặt (tình trạng chậm vận động). 

Tuyến giáp: Đánh giá phì đại tuyến giáp với các dấu hiệu lồi mắt hoặc sa mí.

Dấu hiệu cờ đỏ (Red-flags):

Khởi phát đột ngột;

Bệnh nhân không có tiền sử gia đình run lành tính và < 50 tuổi;

Các tổn thương thần kinh khác (liệt vận động, liệt thần kinh sọ, thay đổi trạng thái tinh thần, thất điều, loạn vận ngôn);

Nhịp tim nhanh và tinh thần kích động.

Xét nghiệm

Đa số trường hợp chỉ cần dựa vào tiền sử và khám lâm sàng là đủ để xác định căn nguyên của run. 

Tuy nhiên, cần chỉ định MRI hoặc CT não nếu bệnh nhân có những dấu hiệu sau:

Khởi phát run cấp tính;

Tiến triển rất nhanh;

Các dấu hiệu thần kinh khu trú gợi ý có tổn thương cấu trúc não như u não, đột quỵ, rối loạn thoái hóa myelin.

Khi không xác định được nguyên nhân của run dựa trên tiền sử và khám lâm sàng, cần thực hiện xét nghiệm:

Hormon kích thích tuyến giáp (TSH) và thyroxine (T4): Đánh giá tình trạng cường giáp;

Nồng độ calci và hormon tuyến cận giáp: Kiểm tra cường cận giáp hoặc suy tuyến cận giáp;

Nồng độ glucose: Loại trừ tình trạng hạ đường huyết;

Nồng độ BUN và ammonia: Hỗ trợ chẩn đoán bệnh não nhiễm độc;

Metanephrines tự do trong huyết tương: Tăng huyết áp kháng trị không giải thích được;

Nồng độ ceruloplasmin huyết thanh và nồng độ đồng trong nước tiểu: Chỉ định ở bệnh nhân dưới 40 tuổi bị run không rõ nguyên nhân (có hoặc không có tiền sử Parkinson), đồng thời không có tiền sử gia đình run lành tính;

Đo điện cơ EMG: Hỗ trợ xác định nguyên nhân gây ra run khi nghi ngờ bệnh lý thần kinh ngoại vi.

Phương pháp điều trị run rẩy hiệu quả

Run sinh lý

Không cần điều trị trừ khi các triệu chứng ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của bệnh nhân. Để ngăn ngừa hoặc giảm các triệu chứng cần tránh các yếu tố khởi phát như thiếu ngủ, sử dụng caffein, mệt mỏi, căng thẳng và lo lắng.

Run sinh lý tăng do cai rượu hoặc cường giáp sẽ đỡ khi bệnh nền được điều trị. Ngoài ra cũng có thể chỉ định đồng thời thuốc hỗ trợ điều trị run như:

Benzodiazepine uống hiệu quả đối với bệnh nhân run do lo âu mạn tính:

  • Liều lượng: Diazepam 2 - 10 mg hoặc oxazepam 10 - 30 mg hoặc lorazepam 1 - 2 mg x 3 - 4 lần/ngày.
  • Lưu ý tránh sử dụng thuốc liên tục.

Propranolol và các thuốc chẹn beta khác thường có hiệu quả đối với run cấp tính do thuốc hoặc lo âu (ví dụ: Sợ hãi khi đứng trước đám đông).

  • Liều lượng: Uống 20 - 80 mg/lần x 4 lần/ngày.

Run vô căn

Propranolol: Uống 20 - 80 mg x 4 lần/ngày hoặc có thể thay bằng các thuốc chẹn beta khác.

Primidone: Uống 50 - 250 mg/lần x  3 lần/ngày. 

Đối với một số bệnh nhân, uống một lượng nhỏ rượu có thể có hiệu quả giảm run rẩy. Tuy nhiên, không khuyến khích sử dụng rượu trong điều trị vì nguy cơ lạm dụng cao.

Lựa chọn thay thế gồm: gabapentin 300 mg uống 2 - 3 lần/ngày hoặc topiramate 25 - 100 mg uống 2 lần/ngày. Có thể chỉ định thêm benzodiazepine nếu các thuốc khác không kiểm soát được run.

Run rẩy 6
Bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp với từng bệnh nhân

Run tiểu não

Không có thuốc nào điều trị có hiệu quả trong trường hợp này, vật lý trị liệu có thể có tác dụng (hướng dẫn bệnh nhân cố định chắc các gốc chi khi cử động, tập có kháng trở chi bị ảnh hưởng).

Run do bệnh Parkinson

Điều trị Parkinson.

Levodopa thường là chỉ định đầu tay trong điều trị run cơ Parkinson.

Có thể cân nhắc thuốc kháng cholinergic trong một số trường hợp nhất định, tuy nhiên cần lưu ý tác dụng phụ bao gồm: khô miệng, khô mắt, bí tiểu, giảm tập trung tinh thần và gia tăng bệnh lý tau có thể vượt qua lợi ích, đặc biệt ở người cao tuổi.

Chỉ sử dụng các thuốc khác như: thuốc ức chế MAO-B (selegiline, rasagiline), thuốc chủ vận dopamine (pramipexole, ropinirol), thuốc ức chế catechol O-methyltransferase (COMT) (entacapone, tolcapone) khi kết hợp với levodopa và amantadine.

Vô hiệu hoá run

Cân nhắc xạ phẫu đích mở đồi thị một bên hoặc kích thích não sâu kéo dài tại đồi thị một hoặc hai bên đối với những cơn run nặng, kháng thuốc và có thể gây tàn tật.

Phẫu thuật thần kinh chức năng nhắm vào phần trong của bèo nhạt có thế hiệu quả trong điều trị tun loạn trương lực.

Chỉ nên chỉ định phẫu thuật sau khi điều trị nội khoa thất bại và bệnh nhân không bị suy giảm nhận thức hoặc rối loạn tâm thần. 

Giải đáp thắc mắc: Run chân tay sau tai biến có tự khỏi không?



Chat with Zalo