Rối loạn khí sắc là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị


Rối loạn khí sắc (Mood disorder) là tình trạng rối loạn sức khỏe tâm thần ảnh hưởng chủ yếu đến trạng thái cảm xúc của bạn. Rối loạn khí sắc có thể gây ra nhiều tình trạng khác nhau như buồn rầu, hưng phấn hay tức giận. Rối loạn khí sắc có thể điều trị được bằng sự kết hợp thuốc và liệu pháp tâm lý.

Những dấu hiệu và triệu chứng của Rối loạn khí sắc

Mỗi loại rối loạn khí sắc khác nhau sẽ có các triệu chứng và biểu hiện khác nhau. Rối loạn khí sắc thường có các triệu chứng ảnh hưởng đến tâm trạng, giấc ngủ, hành vi ăn uống, mức năng lượng và khả năng tư duy.

Nhìn chung, các triệu chứng của rối loạn trầm cảm sẽ bao gồm:

  • Cảm thấy buồn hầu hết thời gian hoặc gần như mỗi ngày.
  • Thiếu năng lượng hoặc cảm thấy uể oải.
  • Cảm thấy không có giá trị hoặc tuyệt vọng.
  • Mất sự hứng thú với các hoạt động mà bạn yêu thích trước đây.
  • Suy nghĩ về cái chết hoặc ý định tự sát.
  • Khó tập trung.
  • Ngủ quá nhiều hoặc quá ít.
  • Chán ăn hoặc ăn quá nhiều.
  • Cảm giác lo lắng hoặc kích động.

Các triệu chứng của giai đoạn hưng cảm nhẹ hoặc hưng cảm bao gồm:

  • Cảm thấy cực kỳ tràn đầy sinh lực hoặc phấn chấn.
  • Lời nói và vận động nhanh chóng.
  • Kích động, bồn chồn hoặc khó chịu.
  • Hành vi bất chấp như tiêu tiền quá nhiều hoặc lái xe liều lĩnh.
  • Suy nghĩ dồn dập.
  • Mất ngủ hoặc rối loạn giấc ngủ.
  • Đánh giá cao bản thân một cách quá mức hoặc cảm giác tự tin thái quá.
Rối loạn khí sắc là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 4
Mất ngủ hoặc rối loạn giấc ngủ là triệu chứng của rối loạn khí sắc

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh Rối loạn khí sắc

Các phát hiện cho thấy có thể có mối liên hệ giữa thời gian mắc bệnh lâu hơn và hậu quả tồi tệ hơn đối với rối loạn khí sắc, đặc biệt là việc tự làm hại bản thân hay tự tử.

Rối loạn khí sắc, đặc biệt là rối loạn lưỡng cực có thể không được chẩn đoán hoặc chẩn đoán sai trong vòng 10 năm. Việc chẩn đoán muộn rối loạn lưỡng cực gây ra các hậu quả nghiêm trọng, ví dụ như dẫn đến tình trạng lạm dụng chất gây nghiện.

Các biến chứng hay tình trạng khác có thể kèm theo với rối loạn khí sắc bao gồm:

  • Rối loạn lo âu lan tỏa;
  • Rối loạn tăng động giảm chú ý;
  • Rối loạn chống đối xã hội hay rối loạn hành vi;
  • Mất khả năng làm việc;
  • Gặp vấn đề trong việc duy trì các mối quan hệ với bạn bè và gia đình.
  • Các bệnh lý thể chất mãn tính như bệnh tim mạch, tiểu đường, do sự liên quan giữa rối loạn khí sắc và sức khỏe tổng thể.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn hoặc người nhà của bạn nhận thấy các dấu hiệu của rối loạn khí sắc, hãy đến gặp bác sĩ để có thể kịp thời chẩn đoán và điều trị phù hợp. Nếu đã có chẩn đoán rối loạn khí sắc, bạn cần phải gặp bác sĩ thường xuyên để đảm bảo về kế hoạch điều trị đang hiệu quả.

Đặc biệt, nếu bạn có ý nghĩ tự sát hoặc tự làm hại bản thân, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ ngay lập tức từ các chuyên gia y tế hoặc đường dây nóng hỗ trợ.

Những ai có nguy cơ mắc phải Rối loạn khí sắc?

Ai cũng có thể mắc rối loạn khí sắc, rối loạn khí sắc như trầm cảm chủ yếu có tỷ lệ mắc trong đời khoảng từ 5% đến 17%. Phụ nữ có tỷ lệ mắc gấp đôi so với nam giới. Tỷ lệ lưu hành của trầm cảm chủ yếu là 7,1%, trong khi đó của rối loạn lưỡng cực là 2,8%. Độ tuổi trung bình khởi phát rối loạn trầm cảm chủ yếu là 32 tuổi.

Rối loạn khí sắc cũng thường gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên, trầm cảm cũng nổi bật ở trẻ em và thanh thiếu niên, tuổi trung bình là 17, với tỷ lệ cao ở các bé gái (18% đến 22%) và thấp hơn ở trẻ trai (7% đến 10%).

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải Rối loạn khí sắc

Các yếu tố liên quan đến rối loạn khí sắc có thể bao gồm:

  • Yếu tố di truyền;
  • Yếu tố nội tiết tố như HPA, TSH;
  • Yếu tố tâm lý xã hội như những thay đổi căng thẳng trong cuộc sống;
  • Yếu tố thần kinh miễn dịch liên quan đến các cytokine như IL-1beta, IL-6, TNF-alpha.
  • Tiền sử bị lạm dụng hoặc chấn thương tâm lý thời thơ ấu;
  • Lạm dụng chất gây nghiện như rượu, ma túy;
  • Thiếu sự hỗ trợ xã hội hoặc bị cô lập xã hội.
Rối loạn khí sắc là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 6
Những yếu tố tâm lý xã hội như những thay đổi căng thẳng có thể dẫn đến rối loạn khí sắc

Nguyên nhân dẫn đến Rối loạn khí sắc

Các vùng não chịu trách nhiệm về kiểm soát cảm xúc là hạch hạnh nhân và vỏ não trán ổ mắt. Người bệnh với rối loạn khí sắc có thể có phì đại hạch hạnh nhân trên hình ảnh não, điều này chứng minh rằng những bất thường ở khu vực này sẽ dẫn đến rối loạn khí sắc.

Rối loạn khí sắc là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 5
Serotonin và norepinephrine là hai chất dẫn truyền thần kinh đóng vai trò quan trọng trong rối loạn khí sắc

Các chất dẫn truyền thần kinh đóng một vai trò quan trọng trong rối loạn khí sắc, bao gồm serotonin và norepinephrine, những chất này bị giảm trong các giai đoạn trầm cảm. Dopamine cũng có liên quan đến rối loạn khí sắc với nghiên cứu cho thấy nó có thể giảm ở trầm cảm và tăng ở hưng cảm. Các tình trạng bệnh lý có thể dẫn đến rối loạn khí sắc bao gồm:

  • U não;
  • Giang mai thần kinh trung ương;
  • Viêm não;
  • Cúm;
  • Thay đổi chuyển hoá liên quan đến chạy thận nhân tạo;
  • Bệnh đa xơ cứng;
  • Sảng;
  • Sốt Q;
  • Ung thư;
  • AIDS;
  • Suy giáp.
  • Chấn thương sọ não hoặc tổn thương não do đột quỵ.

Một số loại thuốc và sản phẩm nhất định có thể dẫn đến các triệu chứng mô phỏng rối loạn khí sắc, bao gồm amphetamine, cocaine, procarbazine và steroid.

Bên cạnh đó, còn nhiều yếu tố khác có liên quan đến tình trạng rối loạn khí sắc như yếu tố di truyền, nội tiết tố, tâm lý xã hội, thần kinh miễn dịch.

Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của Rối loạn khí sắc

Chế độ sinh hoạt:

Để hạn chế diễn tiến của rối loạn khí sắc, thay đổi chế độ sinh hoạt có thể giúp ích, bao gồm:

  • Khuyến khích các hoạt động như tập thể dục để nâng cao tâm trạng.
  • Tập các kỹ năng mới, tham gia vào các hoạt động của gia đình có thể như làm việc nhà.
  • Tập thể dục và tập yoga thường xuyên có tác dụng chống lại sự phát triển của rối loạn khí sắc.
  • Ngưng hút thuốc là có liên quan đến việc tăng khí sắc và chất lượng cuộc sống của bạn, việc ngừng hút thuốc sẽ giúp hạn chế nguy cơ bị rối loạn lo âu và trầm cảm so với người hút thuốc thường xuyên.
  • Thiết lập lịch trình ngủ đều đặn để cải thiện chất lượng giấc ngủ.
  • Tham gia vào các hoạt động xã hội để tăng cường mối quan hệ và hỗ trợ tinh thần.

Chế độ dinh dưỡng:

Chế độ ăn uống và sức khỏe tinh thần đã được chứng minh là có liên quan. Việc duy trì một chế độ ăn kiêng lành mạnh có thể làm giảm nguy cơ rối loạn khí sắc. Acid béo omega 3 cũng đã được chứng minh có tác dụng giúp chống trầm cảm, thông qua sự điều hoà các chất dẫn truyền thần kinh (serotonin, dopamine) cũng như tác dụng chống oxy hóa của omega 3. Vì vậy việc người bệnh bổ sung thực phẩm giàu omega-3 như cá hồi, cá thu, hạt lanh, hạt chia là rất cần thiết. Song song đó, người bệnh nên ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi để cung cấp vitamin và khoáng chất hữu ích. Ngoài ra cần hạn chế tiêu thụ đồ uống có cồn và caffeine. 

Rối loạn khí sắc là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 7
Acid béo omega 3 được chứng minh giúp chống trầm cảm

Phòng ngừa Rối loạn khí sắc

Chưa có phương pháp nào để ngăn ngừa hiệu quả chứng rối loạn khí sắc, tuy nhiên, nhiều vấn đề liên quan đến bệnh có thể giảm bớt khi điều trị. Hãy tìm kiếm sự giúp đỡ ngay khi bạn thấy xuất hiện các triệu chứng của rối loạn khí sắc. Bên cạnh đó, việc tập thể dục thường xuyên, duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, không hút thuốc lá được cho là có liên quan đến giảm nguy cơ rối loạn khí sắc.

Ngoài ra, việc xây dựng mạng lưới hỗ trợ từ gia đình và bạn bè, cũng như học cách quản lý stress thông qua thiền định, yoga hoặc các kỹ thuật thư giãn có thể giúp phòng ngừa và giảm thiểu các triệu chứng rối loạn khí sắc.

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm Rối loạn khí sắc

Nếu bạn gặp phải các vấn đề về rối loạn khí sắc, bác sĩ sẽ thực hiện khám để loại trừ các nguyên nhân sinh lý khác gây ra triệu chứng ở bạn. Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ khai thác về tiền căn, bệnh sử và các loại thuốc bạn đang sử dụng.

Việc chẩn đoán sẽ dựa vào các tiêu chuẩn (DSM-5), bác sĩ sẽ khai thác đủ thông tin về các triệu chứng, thói quen ngủ, ăn uống và các hành vi khác để có thể thành lập chẩn đoán.

Ngoài ra, các công cụ đánh giá như thang đo trầm cảm Beck (Beck Depression Inventory) hoặc thang đánh giá hưng cảm Young (Young Mania Rating Scale) có thể được sử dụng để hỗ trợ chẩn đoán và đánh giá mức độ nghiêm trọng của triệu chứng.

Điều trị Rối loạn khí sắc

Điều trị rối loạn khí sắc phụ thuộc vào tình trạng và triệu chứng cụ thể của bạn. Thông thường, việc điều trị sẽ kết hợp giữa thuốc là liệu pháp tâm lý. Ngoài ra, còn có các điều trị khác, chẳng hạn như liệu pháp kích thích não, liệu pháp ánh sáng.

Thuốc điều trị rối loạn khí sắc:

  • Thuốc chống trầm cảm: Như SSRIs, SNRIs, TCAs, giúp cải thiện triệu chứng trầm cảm.
  • Thuốc ổn định khí sắc: Như Lithium, Valproate, giúp kiểm soát triệu chứng hưng cảm và ngăn ngừa tái phát.
  • Thuốc chống loạn thần: Như Quetiapine, Olanzapine, có thể được sử dụng trong rối loạn lưỡng cực.

Liệu pháp tâm lý:

  • Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT): Giúp thay đổi suy nghĩ tiêu cực và hành vi không lành mạnh.
  • Liệu pháp hành vi biện chứng (DBT): Đặc biệt hữu ích cho những người có xu hướng tự làm hại bản thân.
  • Trị liệu tâm động học: Giúp hiểu rõ hơn về những xung đột nội tâm và cảm xúc tiềm ẩn.

Các phương pháp điều trị khác:

  • Liệu pháp kích thích não: Như liệu pháp điện co giật (ECT) được sử dụng trong trường hợp trầm cảm nặng không đáp ứng với thuốc.
  • Liệu pháp ánh sáng: Đặc biệt hiệu quả trong điều trị rối loạn cảm xúc theo mùa.
  • Kích thích từ xuyên sọ (TMS): Một phương pháp mới, sử dụng từ trường để kích thích các vùng não liên quan đến trầm cảm.



Chat with Zalo