Rối loạn hô hấp: Hiểu về triệu chứng, nguyên nhân và nguy cơ mắc bệnh để phòng ngừa
Rối loạn hô hấp là bất kỳ bệnh và rối loạn nào xảy ra ở đường hô hấp và phổi gây ảnh hưởng đến khả năng hô hấp của bạn. Các rối loạn có thể nhẹ như cảm lạnh thông thường, hen suyễn hay bệnh hô hấp nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như COPD. Rối loạn hô hấp có thể khiến việc thở trở nên khó khăn và ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của bạn.
Những dấu hiệu và triệu chứng của rối loạn hô hấp
Các triệu chứng của rối loạn hô hấp khác nhau tùy theo tình trạng bệnh lý mà bạn mắc phải. Rối loạn hô hấp ảnh hưởng đến phổi và đường hô hấp, điều này dẫn đến một loạt các triệu chứng có thể ảnh hưởng đáng kể đến hơi thở và sức khỏe của bạn. Những rối loạn này có thể cấp tính hoặc mạn tính, có nhiễm trùng hoặc không nhiễm trùng.
Một số triệu chứng phổ biến:
- Khò khè: Âm thanh the thé trong khi thở, do đường thở bị thu hẹp lại. Đây là đặc trưng của các tình trạng như hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD).
- Tức ngực hoặc đau ngực: Rối loạn hô hấp có thể gây khó chịu ở ngực, từ nhẹ đến nặng, tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra.
- Tạo ra đàm hoặc chất nhầy: Sản xuất quá nhiều chất nhầy dày, có thể xuất hiện trong các tình trạng như viêm phế quản, viêm phổi hoặc xơ nang.
- Cảm thấy mệt mỏi: Rối loạn hô hấp có thể làm giảm lượng oxy trong cơ thể, khiến bạn cảm thấy dễ bị mệt mỏi và suy nhược.
- Thở nhanh: Nhịp thở nhanh hơn bình thường thường thấy trong nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính.
- Xanh tím: Môi, đầu ngón tay và da chuyển sang màu hơi xanh là dấu hiệu của lượng oxy trong máu thấp.
- Ho: Một số bệnh về đường hô hấp, như viêm phế quản mạn tính và bệnh phổi kẽ, có thể gây ho dai dẳng, kéo dài hàng tháng đến hàng năm.
- Nghẹt mũi: Nhiễm trùng đường hô hấp, chẳng hạn như cảm lạnh hoặc cúm thông thường, thường dẫn đến tình trạng nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi.
- Nhiễm trùng đường hô hấp: Những người có hệ hô hấp bị tổn thương thường dễ bị nhiễm trùng hơn hoặc thường xuyên tái phát các bệnh lý hô hấp.
- Ngón tay và ngón chân dùi trống: Trong một số rối loạn hô hấp mạn tính, đầu ngón tay và ngón chân của bạn có thể trở nên to và tròn.

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)
COPD xảy ra khi đường thở và phổi của bạn bị tổn thương, khiến bạn khó thở hơn. Nó có thể gây ra các triệu chứng như:
- Ho dai dẳng;
- Thở khò khè;
- Hụt hơi;
- Nặng ngực;
- Mệt mỏi.
Hen suyễn
Hen suyễn là một bệnh về đường hô hấp dẫn đến tình trạng viêm đường hô hấp khiến các cơ của đường hô hấp bị thắt chặt. Điều này có thể khiến bạn khó thở hơn, dẫn đến các triệu chứng như:
- Thở khò khè;
- Ho;
- Hụt hơi;
- Nặng ngực.
Hội chứng ngưng thở khi ngủ (OSA)
Hội chứng ngưng thở khi ngủ là tình trạng hơi thở của bạn thỉnh thoảng ngừng lại khi bạn đang ngủ. Điều này có thể khiến cơ thể bạn không nhận đủ oxy và có thể dẫn đến các triệu chứng như:
- Hơi thở ngừng trong khi ngủ;
- Ngáy to;
- Tiếng thở hổn hển hoặc nghẹt thở khi ngủ;
- Buồn ngủ ban ngày nhiều hoặc mệt mỏi.
Tăng áp động mạch phổi
Tăng áp phổi xảy ra khi huyết áp trong mạch máu phổi của bạn quá cao. Nó có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, như cục máu đông, suy tim và rối loạn nhịp tim. Các triệu chứng của nó bao gồm những thứ như:
- Đau ngực;
- Thở khò khè;
- Ho;
- Khàn giọng;
- Hụt hơi;
- Chóng mặt;
- Tim đập nhanh;
- Mệt mỏi;
- Yếu;
- Phù ở nửa dưới cơ thể;
- Da, môi hoặc móng tay có màu xanh, xám hoặc nhạt.
Bệnh phổi kẽ (ILD)
Bệnh phổi kẽ là một nhóm bệnh lý có thể gây sẹo (hay xơ hóa) phổi. Khi mô sẹo hình thành trong phổi, nó có thể làm mô phổi bị cứng từ đó khiến bạn khó thở hơn. Các triệu chứng phổ biến của Bệnh phổi kẽ bao gồm:
- Hụt hơi;
- Ho khan;
- Đau ngực;
- Mệt mỏi.
Ung thư phổi
Ung thư phổi là tình trạng khối ung thư bắt đầu phát triển trong phổi của bạn. Nó có thể gây ra các triệu chứng như:
- Ho dai dẳng có thể gây ra máu;
- Thở khò khè;
- Hụt hơi;
- Khàn giọng;
- Đau ngực;
- Mệt mỏi;
- Giảm sự thèm ăn;
- Sụt cân không rõ nguyên nhân.
Bệnh phổi nghề nghiệp
Bệnh phổi nghề nghiệp là những bệnh xảy ra do tiếp xúc với các chất có hại tại nơi làm việc. Điều này có thể làm hỏng phổi của bạn và khiến bạn khó thở, gây ra các triệu chứng như:
- Ho dai dẳng;
- Thở khò khè;
- Hụt hơi;
- Đau ngực;
- Tăng sản xuất chất nhầy hoặc đờm.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn gặp các triệu chứng hô hấp dai dẳng như khó thở, ho mạn tính, đau ngực hoặc bất kỳ vấn đề hô hấp nào khác, hãy tìm đến các cơ sở y tế để được bác sĩ chuyên khoa hô hấp đánh giá và điều trị phù hợp.
Những ai có nguy cơ mắc phải rối loạn hô hấp?
Người cao tuổi dễ mắc bệnh gây rối loạn hô hấp so với người trẻ.
Việc tiếp xúc với nhiều loại chất độc hại cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc các rối loạn về đường hô hấp:
- Chất ô nhiễm: Tiếp xúc với các chất ô nhiễm không khí trong nhà và ngoài trời có thể ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe hô hấp. Các hạt vật chất, nitơ dioxide, ozone và các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi là những chất ô nhiễm phổ biến có thể gây kích ứng đường thở và dẫn đến rối loạn hô hấp.
- Chất gây dị ứng: Phản ứng dị ứng với các chất như phấn hoa, nấm mốc, lông thú cưng, mạt bụi và một số loại thực phẩm có thể gây ra các rối loạn hô hấp như hen suyễn.
- Di truyền: Một số rối loạn hô hấp là do yếu tố di truyền.
Một số tình trạng sức khỏe khác làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp. Ví dụ, béo phì làm tăng nguy cơ OSA.
Những người mắc bệnh lý tim mạch cũng có nguy cơ bị rối loạn hô hấp cao.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải rối loạn hô hấp
Các yếu tố nguy cơ cụ thể có thể khác nhau tùy thuộc vào loại bệnh hô hấp. Tuy nhiên, nhiều bệnh về đường hô hấp có chung một số yếu tố nguy cơ là hút thuốc lá và các hình thức tiêu thụ thuốc lá khác. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây rối loạn hô hấp.
Hút thuốc là yếu tố nguy cơ chính gây ra bệnh COPD và ung thư phổi. Nó cũng là một yếu tố nguy cơ gây ra OSA và tăng huyết áp phổi. Hút thuốc cũng có thể gây ra cơn hen suyễn hoặc làm cho cơn hen nặng hơn.
Nguyên nhân dẫn đến rối loạn hô hấp
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng rối loạn hô hấp của bạn. Bao gồm:
- Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD): Bao gồm khí phế thũng và viêm phế quản mãn tính. Các nguyên nhân gây ra COPD bao gồm hút thuốc lá, tiếp xúc với khói thuốc thụ động, tiếp xúc với các chất gây ô nhiễm không khí ở nhà và nơi làm việc.
- Hen suyễn (hay Hen phế quản): Thường được kích hoạt bởi phản ứng của phế quản với một hoặc nhiều tác nhân kích thích, dẫn đến tình trạng phù nề, co thắt phế quản, tăng tiết đàm.
- Viêm phế quản cấp: Thường do virus gây ra tình trạng cúm, cảm lạnh thông thường hoặc ho gà.
- Viêm phổi: Một bệnh phổi phổ biến do nhiễm trùng các túi khí trong phổi gây ra có thể do vi khuẩn, virus hoặc nấm.
- Tràn dịch màng phổi, tràn khí màng phổi;
- COVID-19;
- Hội chứng ngưng thở khi ngủ (OSA);
- Tăng áp động mạch phổi;
- Bệnh phổi kẽ (ILD);
- Ung thư phổi;
- Bệnh phổi nghề nghiệp;
- Bệnh xơ nang;
- Ngoài ra, các bệnh lý tim mạch cũng có thể gây ra rối loạn hô hấp do khi tim bị tổn thương sẽ khiến máu mang oxy không thể bơm đi khắp cơ thể. Các bệnh lý ở tim gây rối loạn có thể gặp gồm bệnh cơ tim, bệnh mạch vành, suy tim, nhồi máu cơ tim…
Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của rối loạn hô hấp
Chế độ sinh hoạt:
- Bỏ hút thuốc là kể cả hút thuốc thụ động;
- Giữ gìn không khí trong sạch ở nhà và nơi làm việc;
- Vệ sinh tay thường xuyên;
- Tập thể dục cường độ vừa phải với bạn;
- Tránh các tác nhân gây dị ứng như bụi phấn, mạt nhà.
Chế độ dinh dưỡng:
- Bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng;
- Tránh các thức ăn gây dị ứng.
Phòng ngừa rối loạn hô hấp
Không có cách nào chắc chắn để ngăn ngừa các bệnh về đường hô hấp. Tuy nhiên, có một số bước bạn có thể thực hiện để giảm thiểu rủi ro:
- Tránh hoặc bỏ hút thuốc.
- Tránh tiếp xúc kéo dài với khói thuốc, ô nhiễm không khí hoặc khói hóa chất.
- Thực hiện các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ phổi và đường thở của bạn tại nơi làm việc.
- Chế độ ăn uống cân bằng.
- Tập thể dục thường xuyên.
- Hạn chế hoặc bỏ rượu.
- Giảm cân nếu bạn có thừa cân hoặc béo phì.
- Ngủ đủ giấc và đúng giờ, không thức khuya.
- Giảm tình trạng căng thẳng của bạn.
- Quản lý tốt các tình trạng sức khỏe mạn tính hiện đang mắc.

Các câu hỏi thường gặp về rối loạn hô hấp
Các bệnh gây rối loạn hô hấp thường gặp là gì?
Một số bệnh về đường hô hấp thường gặp bao gồm hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), viêm phổi, cúm, viêm phế quản và lao.
Triệu chứng của rối loạn hô hấp là gì?
Triệu chứng của tình trạng rối loạn hô hấp có thể khác nhau tùy theo từng bệnh cụ thể nhưng một số triệu chứng thường gặp là khó thở, ho, thở khò khè, tức ngực, mệt mỏi và sốt.
Làm thế nào để tôi phòng ngừa rối loạn hô hấp?
Tránh hút thuốc là và khói thuốc lá là biện pháp phòng ngừa chủ yếu. Ngoài ra bạn còn có thể phòng ngừa bằng cách tiêm phòng một số bệnh hô hấp (nếu có), tập thể dục để tăng cường sức khỏe, duy trì không khí trong lành ở nơi ở và nơi làm việc.
Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm rối loạn hô hấp
Chẩn đoán rối loạn hô hấp bao gồm một loạt các xét nghiệm giúp các bác sĩ chuyên khoa hô hấp xác định và hiểu nguyên nhân cơ bản gây ra rối loạn hô hấp. Bác sĩ sẽ đặt cho bạn các câu hỏi về các triệu chứng, thời gian kéo dài, bất kỳ tác nhân hoặc yếu tố làm nặng thêm, tình trạng bệnh lý trong quá khứ, tiền sử gia đình và thói quen sinh hoạt như hút thuốc hoặc tiếp xúc với các chất ô nhiễm.
Các xét nghiệm nhằm đánh giá tình trạng sức khỏe chung và hệ hô hấp của bạn:
- Kiểm tra chức năng phổi: Các bác sĩ sẽ thực hiện kiểm tra chức năng phổi để kiểm tra các bệnh lý như hen suyễn và COPD. Đo hô hấp ký nhằm đánh giá dung tích phổi, tốc độ luồng khí và mức độ hiệu quả mà bệnh nhân có thể thở ra.
- Hình ảnh học: Chụp X-quang ngực và chụp cắt lớp vi tính (CT-scan) sẽ cung cấp hình ảnh chi tiết về phổi và vùng ngực. Những hình ảnh này có thể giúp phát hiện những bất thường như khối u, nhiễm trùng hoặc các vấn đề về cấu trúc trong hệ hô hấp.
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu có thể được tiến hành để đánh giá nồng độ oxy và carbon dioxide, đánh giá số lượng bạch cầu để tìm dấu hiệu nhiễm trùng hoặc kiểm tra các dấu hiệu cụ thể liên quan đến một số rối loạn hô hấp.
- Xét nghiệm đàm: Trong trường hợp nhiễm trùng đường hô hấp hoặc bệnh phổi mạn tính, một mẫu đàm (được lấy bằng cách khạc ra từ phổi) được thu thập và phân tích để tìm sự hiện diện của mầm bệnh, bạch cầu hoặc các chỉ số bệnh khác.
- Nội soi phế quản: Giúp chẩn đoán các tình trạng như ung thư phổi, nhiễm trùng và một số bệnh viêm nhiễm.
Điều trị rối loạn hô hấp
Các phương pháp điều trị đối với mỗi nguyên nhân bệnh lý là khác nhau. Sau khi chẩn đoán được nguyên nhân ra rối loạn hô hấp ở bạn, bác sĩ sẽ đưa ra kế hoạch điều trị phù hợp với tình trạng hiện tại của bạn.
Các phương pháp điều trị chung hiện nay:
Nội khoa
Thuốc
Bao gồm thuốc giãn phế quản, corticosteroid, kháng sinh (đối với nhiễm trùng do vi khuẩn), thuốc kháng vi-rút (đối với nhiễm trùng do vi-rút) và các loại thuốc cụ thể khác giúp kiểm soát các triệu chứng bệnh và thuốc đặc hiệu để điều trị nguyên nhân gây bệnh.
Liệu pháp oxy
Được chỉ định nhằm cung cấp oxy bổ sung nếu bạn có vấn đề nghiêm trọng về hô hấp từ đó cơ thể không đủ oxy để sử dụng.

Liệu pháp miễn dịch dị nguyên
Được chỉ định đối với những người có tình trạng dị ứng nặng. Liệu pháp miễn dịch dị nguyên có thể được khuyến nghị để giảm độ nhạy cảm với các chất gây dị ứng cụ thể.
Phục hồi chức năng phổi
Trong điều trị này, bạn sẽ học các kỹ thuật thở và bài tập giúp cải thiện khả năng thở của mình.
Ngoại khoa
Trong một số trường hợp, bạn có thể cần phải được can thiệp bằng phẫu thuật để điều trị các vấn đề về cấu trúc trong hệ hô hấp hoặc loại bỏ khối u.