Những điều cần biết về bệnh rễ thần kinh


Hội chứng rễ thần kinh là tập hợp các triệu chứng gây ra do tổn thương rễ thần kinh cột sống. Biểu hiện của hội chứng đa dạng như đau, tê bì, châm chích hoặc nặng hơn có thể gây yếu và giảm cảm giác vùng mà rễ chi phối gây ảnh hưởng đến cuộc sống . Phương pháp điều trị hiện nay chủ yếu giảm đau và thay đổi tư thế trong sinh hoạt nhằm giảm tổn thương thêm cho rễ thần kinh.

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh rễ thần kinh

Tùy thuộc vào vị trí rễ thần kinh bị tổn thương mà biểu hiện mỗi người sẽ khác nhau.

Bệnh lý rễ thần kinh cổ

Xảy ra khi rễ thần kinh cổ hoặc phần lưng trên bị chèn ép. Các triệu chứng gồm:

  • Đau dữ dội ở cổ có thể lan xuống vai, lưng trên hoặc tay;
  • Yếu cơ tay.

Bệnh lý rễ thần kinh ngực

Bệnh rễ thần kinh ngực xảy ra khi rễ thần kinh bị chèn ép hoặc kích thích ở vùng giữa lưng. Đây là bệnh lý hiếm gặp có thể bị chẩn đoán nhầm là biến chứng bệnh zona, tim, bụng hoặc túi mật. Các triệu chứng liên quan đến bệnh rễ thần kinh ngực gồm:

  • Đau rát hoặc đau nhức ở xương sườn, bên hông hoặc bụng;
  • Đau theo dải;
  • Tê và châm chích.

Bệnh lý rễ thần kinh thắt lưng

Thường gặp nhất là đau thần kinh tọa. Các triệu chứng bao gồm đau và tê vùng thắt lưng, mông, chân có khi đến bàn chân và thường nặng hơn khi bạn ngồi lâu hoặc đi bộ trong thời gian dài.

Trong một số trường hợp, các dây thần kinh có thể ảnh hưởng đến ruột và bàng quang có thể bị chèn ép dẫn đến rối loạn ruột và bàng quang không tự chủ hay mất kiểm soát.

Các triệu chứng gợi ý khác có thể xuất hiện:

  • Đau nhói tăng khi hắt hơi hoặc ho;
  • Tê hoặc yếu chân hoặc bàn chân;
  • Thay đổi cảm giác hoặc phản xạ.
Những điều cần biết về bệnh rễ thần kinh 4
Rễ thần kinh có thể gây đau nhói tăng khi hắt hơi hoặc ho

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hãy đến gặp bác sĩ khi bạn có bất kỳ triệu chứng nào ở trên để được chẩn đoán chính xác bệnh cũng như loại trừ các bệnh lý nguy hiểm.

Những ai có nguy cơ mắc bệnh rễ thần kinh

Bệnh rễ thần kinh có thể xuất hiện ở bất kỳ ai nhưng thường phổ biến nhất ở những người trên 50 tuổi.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh rễ thần kinh

Dưới đây là một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh rễ thần kinh:

  • Thường xuyên mang vác vật nặng sai tư thế;
  • Hút thuốc lá;
  • Chuyển động lặp đi lặp lại trong thời gian dài.
Những điều cần biết về bệnh rễ thần kinh 6
Mang vác nặng là yếu tố tăng nguy cơ mắc bệnh rễ thần kinh

Nguyên nhân dẫn đến bệnh rễ thần kinh

Bất kỳ tình trạng nào gây chèn ép hoặc kích thích rễ thần kinh cột sống đều có thể gây bệnh rễ thần kinh, gồm:

  • Chấn thương (té ngã, tai nạn giao thông);
  • Thoát vị đĩa đệm;
  • Gai xương;
  • Vẹo cột sống;
  • Trượt đốt sống;
  • Hẹp ống ống;
  • U hoặc lao cột sống.

Bạn cũng có thể mắc bệnh rễ thần kinh mà không có nguyên nhân trực tiếp nào mà do sự già đi. Khi bạn già đi, do tình trạng thoái hóa cột sống, xương và đĩa đệm ở cột sống sẽ dễ bị thay đổi hình dạng và giảm sự linh hoạt. Sự thoái hóa và suy yếu này có thể khiến cột sống của bạn dịch chuyển đủ để chèn ép dây thần kinh.

Những điều cần biết về bệnh rễ thần kinh 5
Thoát vị đĩa đệm là nguyên nhân thường gặp hiện nay

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh rễ thần kinh

Chế độ sinh hoạt:

Dưới đây là một số chú ý chung trong sinh hoạt đối với bệnh rễ thần kinh, tuy nhiên tùy vào những vị tổn thương cụ thể bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn kỹ hơn về cách sinh hoạt hàng ngày:

  • Không tự ý mua thuốc giảm đau hoặc uống thuốc không rõ nguồn gốc.
  • Chú ý tư thế đúng trong đi đứng, ngồi. chú ý tư thế đúng khi bưng bê đồ.
  • Không mang vác đồ nặng.
  • Không hút thuốc lá.
  • Bạn có thể tự thư và tập các bài tập cho cột sống tại nhà nhằm giãn và tăng cường sức mạnh cơ giúp giảm nguy cơ tái phát bệnh. Bạn nên tập luyện thường xuyên các bài tập này.
  • Trong giai đoạn đau cấp, hạn chế vận động mạnh làm tổn thương thêm rễ thần kinh khiến bệnh diễn tiến nặng.
  • Cần chú ý không tập gym quá sức nhất là nâng tạ.
  • Chơi thể thao vừa phải, tránh tổn thương cột sống.
  • Chườm nóng tại chỗ đau.

Chế độ dinh dưỡng:

Hãy bổ sung chế độ đầy đủ chế độ dinh dưỡng, tránh các thức ăn nhiều dầu mỡ. Không có một chế độ dinh dưỡng nào bắt buộc cho bạn. Tuy nhiên tình trạng tăng cân và béo phì có thể làm nặng hơn tình trạng bệnh.

Phương pháp phòng ngừa bệnh rễ thần kinh hiệu quả

Bệnh rễ thần kinh sẽ xuất hiện khi bạn già đi, tuy nhiên hiện nay tỷ lệ người trẻ mắc bệnh rễ thần kinh đang ngày càng gia tăng. Người trẻ nên phòng ngừa bệnh rễ thần kinh tránh bệnh tiến triển nặng về sau.

  • Thực hành tư thế đúng trong sinh hoạt: Ngồi đúng cách, không gù hay cong cột sống, không mang vác đồ nặng quá 10% cân nặng,…
  • Không giữ một tư thế trong thời gian dài, nên xen kẽ những khoảng thời gian thư giãn.
  • Giữ cân nặng bình thường giảm gánh nặng cho cột sống.
Những điều cần biết về bệnh rễ thần kinh 7
Thực hành tư thế đúng trong sinh hoạt

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh rễ thần kinh

Bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh rễ thần kinh dựa vào các triệu chứng, khám lâm sàng và các xét nghiệm. Tùy vào biểu hiện triệu chứng mà bác sĩ sẽ định hướng vị trí tổn thương là rễ thần kinh cổ, rễ thần kinh ngực hay rễ thần kinh thắt lưng.

Mỗi vị trí tổn thương sẽ có cách khám lâm sàng và các nghiệm pháp phù hợp. Bao gồm đánh giá tình trạng cột sống (cong, vẹo hay gù), các đốt sống có liên tục hay không, dấu bậc thang; các nghiệm pháp được thực hiện nhằm đánh giá xem có thật sự rễ dây thần kinh đang bị chèn ép hoặc kích thích không.

Một số xét nghiệm cần thực hiện để hỗ trợ chẩn đoán nguyên nhân:

  • X-quang: Phát hiện tình trạng gãy xương, gai xương, hẹp khe đốt sống và tình trạng loãng xương.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT-scan): Cho hình ảnh chi tiết hơn so với X-quang và được ưu tiên trong chẩn đoán thoát vị đĩa đệm.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Đánh giá tình trạng tổn thương mô mềm có gây chèn ép rễ thần kinh hay không và có tình trạng tổn thương tủy sống không.
  • Điện cơ (EMG): Nhằm đánh giá rễ thần kinh nào đang tổn thương và tình trạng bệnh của bạn có do bệnh lý nào khác gây tổn thương dây thần kinh ngoài cột sống gây ra hay không như bệnh đái tháo đường.

Phương pháp điều trị bệnh rễ thần kinh

Việc điều trị bệnh rễ thần kinh sẽ phụ thuộc vào loại rễ thần kinh mà bạn đang mắc phải và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Bạn có thể không cần điều trị và triệu chứng sẽ tự cải thiện sau vài ngày hoặc vài tuần. Bệnh có thể được kiểm soát mà không cần phương pháp phẫu thuật.

Không dùng thuốc

  • Chườm nóng: Chườm nóng giúp giảm sưng và thư giãn các cơ bị căng, giảm tình trạng đau.
  • Vật lý trị liệu: Gồm các bài tập kéo giãn cột sống để giảm áp lực lên rễ thần kinh.
  • Thay đổi tư thế: Nhằm giảm tiến triển nặng thêm bệnh, ngoài ra hướng dẫn thay đổi tư thế trong sinh hoạt còn giúp phòng ngừa tái phát sau điều trị.

Thuốc

  • Thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs): Là thuốc thường được sử dụng giúp giảm tình trạng đau mức độ trung bình trở lên. Các thuốc được sử dụng hiện nay gồm meloxicam, ibuprofen,… Bạn có thể tự mua thuốc giảm đau này tại các nhà thuốc. Tuy nhiên bạn không nên sử dụng thuốc này lâu dài vì có thể tăng nguy cơ viêm loét dạ dày, xuất huyết tiêu hóa,…
  • Thuốc giãn cơ: Được chỉ định nếu bạn có tình trạng co cứng cơ nhiều, thuốc giúp các cơ giãn ra làm giảm triệu chứng đau, giảm tình trạng chèn ép và kích thích rễ thần kinh.
  • Corticosteroid: Là loại thuốc giảm đau kháng viêm mạnh, được sử dụng dưới dạng thuốc uống hoặc tiêm trực tiếp vào vị trí tổn thương.
  • Giảm đau thần kinh như gabapentin, được chỉ định khi tình trạng đau của bạn ở mức độ nặng, gây mất ngủ.

Phẫu thuật

Bệnh rễ thần kinh rất hiếm khi được chỉ định trừ phi có chấn thương kèm theo gây nguy cơ tổn thương rễ thần kinh không hồi phục hoặc nghi ngờ bệnh lý ác tính.



Chat with Zalo