Mù mắt là gì? Nguyên nhân, chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa mù mắt
Mù mắt là triệu chứng do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó có nhiễm trùng, chấn thương, bệnh di truyền và một số bệnh lý khác. Các phân loại của mù mắt có thể từ không có tầm nhìn nào (mù hoàn toàn) đến nhìn thấy mờ. Trong đó, một số loại mù mắt có thể ngăn chặn diễn tiến hoặc chữa khỏi được, nhưng cũng có một số loại không thể điều trị khỏi.
Những dấu hiệu và triệu chứng thường gặp của mù mắt
Nếu bạn bị mù hoàn toàn, có nghĩa là bạn không nhìn thấy gì và mắt không thể nhận biết ánh sáng.
Các triệu chứng của mất thị lực tiến triển mà bạn có thể có bao gồm:
- Nhìn mờ;
- Đau mắt;
- Mắt có ruồi bay (floaters) và đốm sáng (flashers);
- Nhạy cảm với ánh sáng;
- Mất thị lực đột ngột, hoặc nhìn thấy những đốm đen xuất hiện trong tầm nhìn của bạn.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Bạn nên đến cơ sở y tế ngay lập tức nếu:
- Mất thị lực đột ngột;
- Bị đau mắt;
- Chấn thương gây ảnh hưởng đến mắt;
- Xuất hiện đốm sáng (flashers) và ruồi bay (floaters) trong tầm nhìn.

Những ai có nguy cơ mắc phải mù mắt?
Mù mắt là tình trạng xảy ra phổ biến trên toàn Thế giới. Ở Hoa Kỳ, mù mắt có thể xảy ra với bất kỳ ai.
Có khoảng 1 triệu người bị mù mắt ở Hoa Kỳ. Các chuyên gia dự đoán con số này sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050. Ngoài ra, có rất nhiều người có thị lực yếu. Trên toàn cầu, ước tính có khoảng 43 triệu người đang sống với tình trạng mù mắt.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải mù mắt
Những yếu tố sau đây có thể làm tăng nguy cơ mù mắt:
- Các bệnh về mắt, chẳng hạn như thoái hóa hoàng điểm và bệnh tăng nhãn áp;
- Bệnh đái tháo đường;
- Đột quỵ não;
- Làm việc với hoặc gần các vật sắc nhọn hoặc hóa chất độc hại;
- Sinh non.
Nguyên nhân dẫn đến mù mắt
Có nhiều nguyên nhân gây mù mắt, bao gồm chấn thương, nhiễm trùng và một số bệnh lý khác.
Chấn thương
Chấn thương mắt có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân, nó thường chỉ gây ảnh hưởng ở một mắt. Như:
- Bỏng hóa chất;
- Tiếp xúc với độc tố;
- Đánh nhau;
- Pháo hoa;
- Tai nạn lao động;
- Tai nạn xe;
- Thể thao.
Nhiễm trùng
Nhiều bệnh nhiễm trùng có thể dẫn đến mất thị lực và đôi khi mù mắt hoàn toàn. Bao gồm:
- Bệnh đau mắt hột, đây là nguyên nhân hàng đầu gây mù có thể phòng ngừa được trên thế giới;
- Cytomegalovirus;
- Viêm nội nhãn (endophthalmitis);
- Nhiễm nấm Histoplasma;
- Viêm giác mạc;
- Rubella;
- Bệnh zona;
- Bệnh giang mai;
- Bệnh Toxoplasmosis;
- Viêm màng bồ đào.
Bệnh không nhiễm trùng
Nhiều bệnh không nhiễm trùng có thể gây mù mắt, nhưng thường chỉ xảy ra trong giai đoạn nặng của bệnh. Bao gồm:
- Viêm võng mạc sắc tố;
- Thoái hóa hoàng điểm (liên quan đến tuổi tác);
- Bệnh lý của võng mạc ở trẻ sinh non;
- Đục thủy tinh thể;
- Bệnh võng mạc đái tháo đường;
- Bệnh tăng nhãn áp;
- Bệnh thần kinh thị giác di truyền Leber;
- Bệnh thiếu mắt (anophthalmia);
- Tật mắt nhỏ (microphthalmos);
- Đột quỵ não;
- Ung thư;
- Thiếu hụt dinh dưỡng.

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của mù mắt
Chế độ sinh hoạt:
Người thân cần áp dụng các biện pháp hỗ trợ phù hợp cho người bệnh mù mắt. Dưới đây là một số gợi ý:
- Sắp xếp không gian sống: Giữ không gian sống gọn gàng, sạch sẽ và có sự sắp xếp logic để người bệnh dễ dàng di chuyển. Sử dụng hệ thống định vị âm thanh hoặc cảm ứng để họ có thể dễ dàng xác định vị trí của các vật dụng quan trọng.
- Sử dụng công nghệ hỗ trợ: Sử dụng thiết bị hỗ trợ như máy đọc sách, thiết bị đọc báo, máy đọc màn hình trên máy tính để họ tiếp cận thông tin. Sử dụng điện thoại thông minh và ứng dụng hỗ trợ người mù mắt để họ dễ dàng liên lạc và xử lý công việc hàng ngày.
- Hỗ trợ trong giao tiếp: Sử dụng ngôn ngữ mô tả chi tiết khi trò chuyện hoặc hướng dẫn người bệnh về môi trường xung quanh.
- Hỗ trợ vận động: Hỗ trợ người bệnh trong việc di chuyển bằng cách tạo các chỉ dẫn rõ ràng, sử dụng dây hướng dẫn hoặc hệ thống định vị. Sắp xếp các vật dụng cần thiết như gậy hỗ trợ, dây dẫn để người bệnh dễ dàng vận động.
- Hỗ trợ tâm lý: Luôn tạo sự thoải mái và an toàn cho người bệnh. Cung cấp hỗ trợ tinh thần thông qua việc lắng nghe, chia sẻ và hiểu biết về tâm trạng của người bệnh.
- Hỗ trợ về y tế: Đảm bảo người bệnh nắm thông tin về bệnh tình của mình và hướng dẫn cách tự chăm sóc sức khỏe. Hỗ trợ trong việc đặt lịch hẹn y tế, đọc và hiểu các thông tin y tế liên quan.
Chế độ dinh dưỡng:
Người bệnh mù mắt cần duy trì một chế độ dinh dưỡng lành mạnh và cân đối, như:
- Thực phẩm giàu Vitamin A: Cung cấp thực phẩm giàu vitamin A như cà rốt, dâu tây, bí đỏ, bơ, trứng, thịt gan, cá hồi để hỗ trợ sức khỏe mắt.
- Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa: Bổ sung thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như quả mâm xôi, dâu tây, lựu, cà chua để bảo vệ mắt khỏi tổn thương do các gốc tự do.
- Thực phẩm giàu Omega-3: Bổ sung các nguồn omega-3 từ cá hồi, cá mòi, hạt lanh để hỗ trợ sức khỏe mắt và giảm nguy cơ các vấn đề liên quan đến mắt.
- Thực phẩm giàu protein: Bao gồm thực phẩm giàu protein như thịt gà, cá, hạt, đậu nành để duy trì cơ bắp và hệ thống miễn dịch.
- Đảm bảo dinh dưỡng cân đối: Đảm bảo cung cấp đủ nước, chia nhỏ khẩu phần ăn hàng ngày để duy trì cân nặng và sức khỏe tổng thể.
- Hạn chế thức ăn có hại: Hạn chế thức ăn chứa nhiều đường, chất béo bão hòa và natri để giảm nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe khác.
- Thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ: Định kỳ kiểm tra sức khỏe để theo dõi cân nặng, đường huyết, huyết áp và các chỉ số sức khỏe khác.
Phương pháp phòng ngừa mù mắt hiệu quả
Trong nhiều trường hợp mù mắt có thể phòng ngừa được.
Một số chính phủ và tổ chức đang nổ lực để ngăn chặn mù mắt do các bệnh lý có thể phòng ngừa được, chẳng hạn như bệnh đau mắt hột, bằng cách làm cho nhiều nơi trên Thế giới có thể tiếp cận thuốc điều trị một cách dễ dàng.
Trên phương diện cá nhân, bạn có thể thực hiện một số biện pháp để giảm nguy cơ mù mắt, bao gồm:
- Thường xuyên kiểm tra mắt: Thực hiện tái khám mắt theo hẹn của bác sĩ. Đến gặp bác sĩ kịp thời khi bạn có sự thay đổi về thị lực hoặc có gì đó bất thường ở mắt. Đeo kính theo chỉ định và kính áp tròng khi cần thiết.
- Kiểm soát đường huyết và huyết áp: Duy trì đường huyết ổn định nếu bạn mắc bệnh đái tháo đường và kiểm soát huyết áp nếu bạn mắc bệnh tăng huyết áp.
- Đảm bảo an toàn mắt: Mặc đồ bảo hộ khi làm việc, đeo kính bảo hộ khi đi xe máy hoặc tham gia các môn thể thao tiếp xúc.
- Tập thể dục thường xuyên: Tham khảo ý kiến BS về một kế hoạch tập luyện khỏe mạnh cho bạn.
- Tránh nhiễm trùng mắt: Rửa tay trước khi đeo kính áp tròng và thay đổi kính thường xuyên theo khuyến cáo.

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm tình trạng mù mắt
Bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám kỹ lưỡng từng mắt của bạn. Tình trạng mù có thể chỉ ảnh hưởng đến một mắt.
Các xét nghiệm có thể được đề nghị như:
- Kiểm tra thị lực bằng bảng đo Snellen: Bạn có thể quen thuộc với kiểm tra này. Bác sĩ sẽ yêu cầu bạn đọc các dòng chữ có kích thước nhỏ dần khi xuống dòng. Kiểm tra thị lực này đánh giá khả năng nhìn thấy của bạn (thị lực trung tâm).
- Kiểm tra thị trường: Thị trường có nghĩa là tầm nhìn toàn cảnh không chỉ là thị lực trung tâm. Nó bao gồm những gì bạn có thể nhìn thấy ở hai bên, trên và dưới mà không cần di chuyển mắt.

Phương pháp điều trị mù mắt
Phương pháp điều trị phụ thuộc vào tình trạng của bạn. Một số loại mù mắt có thể được điều trị bằng thuốc hoặc mang kính, nhưng có những loại không thể điều trị, chẳng hạn như những trường hợp mắt bị thiếu hoặc bị tổn thương hoàn toàn. Trong những trường hợp này, bác sĩ có thể đề nghị phục hồi chức năng thị giác. Mục tiêu của phục hồi thị lực là cải thiện khả năng nhìn để bạn có thể đáp ứng được các mục tiêu về thị lực và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Có các phương pháp điều trị cho một số loại mù mắt, tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ tổn thương của mắt:
- Thuốc: Thuốc kháng sinh có thể điều trị một số dạng mù mắt do nhiễm trùng.
- Phẫu thuật đục thủy tinh thể: Phẫu thuật có thể điều trị đục thủy tinh thể thành công trong hầu hết các trường hợp.
- Ghép giác mạc: Bác sĩ có thể thay giác mạc bị tổn thương.
- Phẫu thuật võng mạc: Bác sĩ sửa chữa mô võng mạc bị tổn thương bằng phẫu thuật và/hoặc laser.
- Bổ sung vitamin: Tình trạng mất thị lực xerophthalmia có thể được đảo ngược bằng cách bổ sung vitamin A. Bạn cũng có thể cần bổ sung vitamin B hoặc vitamin D để điều trị mất thị lực do chế độ ăn uống kém.