Đĩa đệm mất nước là gì? Cùng tìm hiểu các triệu chứng và cách điều trị khô đĩa đệm
Đĩa đệm mất nước hay còn gọi là hiện tượng khô đĩa đệm, xảy ra khi các đĩa đệm (mô nằm giữa các đốt sống) bị mất nước. Tình trạng này có thể tự hồi phục hoặc đôi khi cần phẫu thuật để điều trị.
Những dấu hiệu và triệu chứng của đĩa đệm mất nước
Đĩa đệm mất nước đôi khi không gây ra triệu chứng gì, nếu có, dấu hiệu đầu tiên có thể là bạn cảm thấy cứng vùng cột sống. Đồng thời, các triệu chứng của đĩa đệm mất nước sẽ tùy thuộc vào vùng cột sống bạn bị ảnh hưởng. Khi đĩa đệm cột sống cổ khô sẽ gây triệu chứng tại cổ, hoặc đĩa đệm vùng lưng bị khô sẽ gây ra triệu chứng ở lưng. Các triệu chứng có thể bao gồm như:
- Đau;
- Cứng;
- Yếu;
- Cảm giác nóng hoặc ngứa ran;
- Tê một hoặc cả hai chân;
- Cử động khó khăn.

Biến chứng có thể gặp khi mắc đĩa đệm mất nước
Tình trạng đĩa đệm mất nước có thể dẫn đến các biến chứng liên quan đến thoát vị đĩa đệm hay chèn ép các dây thần kinh. Nếu không được điều trị, có thể dẫn đến teo cơ, yếu cơ, mất ổn định cột sống, thay đổi cấu trúc cột sống hay mất hoàn toàn vận động.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Bạn hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị nếu có các triệu chứng của đĩa đệm mất nước, đặc biệt là khi có các biến chứng của tình trạng này.
Bên cạnh đó, hãy chú ý đến các dấu hiệu “cờ đỏ” để đến gặp bác sĩ khi gặp phải tình trạng đau ở cột sống, bao gồm:
- Tuổi khởi phát dưới 18 hoặc trên 50 tuổi.
- Yếu cơ hoặc mất cảm giác ở nhiều vùng.
- Đau kèm triệu chứng toàn thân như sốt, sụt cân.
- Các triệu chứng liên quan đường niệu dục như bí tiểu, đại tiện không tự chủ, rối loạn chức năng tình dục.
- Tình trạng suy giảm miễn dịch như lạm dụng rượu, suy dinh dưỡng, sử dụng corticosteroid kéo dài, mắc đái tháo đường.
- Đối tượng lạm dụng thuốc tiêm tĩnh mạch.
- Có tiền sử các bệnh lý ác tính như ung thư, bao gồm cả tiền căn gia đình có ung thư.
- Có phẫu thuật hay tiêm cột sống gần đây.

Những ai có nguy cơ mắc đĩa đệm mất nước?
Nguyên nhân chính dẫn đến đĩa đệm mất nước là tình trạng lão hóa. Do đó, các đối tượng lớn tuổi sẽ có nguy cơ mắc đĩa đệm mất nước cao hơn. Tuy nhiên, mọi đối tượng đều có thể bị khô đĩa đệm, theo một nghiên cứu năm 2018 cho thấy 12% số người dưới 50 tuổi bị chấn thương lưng cũng bị khô đĩa đệm đáng kể.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc đĩa đệm mất nước
Các yếu tố nguy cơ làm tăng đĩa đệm mất nước có thể kể đến như các tư thế xấu, lối sống tĩnh tại, chấn thương vùng cột sống hay các vận động gây căng thẳng cho vùng thắt lưng. Ngoài ra, thừa cân cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc đĩa đệm mất nước do làm tăng áp lực lên vùng cột sống.

Nguyên nhân dẫn đến đĩa đệm mất nước
Lão hóa là nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng đĩa đệm mất nước, tuy nhiên tình trạng này cũng có thể xảy ra ở những người trẻ tuổi. Các nguyên nhân khác có thể dẫn đến đĩa đệm mất nước bao gồm:
- Tai nạn hoặc chấn thương;
- Tăng hoặc giảm cân;
- Viêm cột sống dính khớp (đây là một bệnh tự miễn gây dính khớp đốt sống theo thời gian);
- Lối sống ít vận động;
- Tư thế xấu;
- Các chuyển động lặp đi lặp lại, chẳng hạn như nâng vật nặng gây căng thẳng cho vùng lưng.

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của đĩa đệm mất nước
Chế độ sinh hoạt:
Bạn có thể tham khảo các chế độ sinh hoạt sau để hạn chế diễn tiến của tình trạng mất nước đĩa đệm:
- Tập thể dục thường xuyên và kết hợp các bài tập theo hướng dẫn của bác sĩ như một thói quen để cải thiện sức mạnh của cơ vùng lưng.
- Duy trì cân nặng vừa phải để tránh áp lực lên cột sống.
- Không hút thuốc vì điều này có thể làm tăng tốc độ thoái hóa đĩa đệm.
- Uống rượu ở mức vừa phải hoặc ngừng uống rượu vì nó góp phần làm mất nước đĩa đệm.
- Duy trì tư thế tốt của cột sống như giữ cột sống thẳng, không cúi khiêng vật nặng, không nằm võng hay ghế bố, nằm đệm cứng thay vì đệm mềm.
- Kéo giãn cột sống, đây là một thủ thuật trong đó các đốt sống sẽ được kéo căng một cách nhẹ nhàng, có thể giúp giảm bớt sự chèn ép và bù nước cho đĩa đệm.
Chế độ dinh dưỡng:
Hãy duy trì một chế độ ăn lành mạnh, đầy đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước để ngăn ngừa tình trạng mất nước.
Nên hạn chế các thực phẩm chứa chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa như đồ chế biến sẵn, đồ chiên rán. Việc duy trì chế độ ăn lành mạnh giúp duy trì cân nặng hoặc giảm cân (nếu bạn thừa cân) có thể giúp giảm áp lực lên cột sống của bạn.
Phương pháp phòng ngừa đĩa đệm mất nước hiệu quả
Đĩa đệm mất nước hay khô đĩa đệm là một phần bình thường của quá trình lão hóa nên không thể ngăn ngừa được. Tuy nhiên, bạn có thể làm chậm quá trình đĩa đệm mất nước thông qua các thói quen sinh hoạt và tập luyện để giúp cơ thể khỏe mạnh, linh hoạt.
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán đĩa đệm mất nước
Để chẩn đoán tình trạng đĩa đệm mất nước, bác sĩ có thể bắt đầu với việc hỏi bệnh với các câu hỏi liên quan đến cơn đau như:
- Cơn đau bắt đầu khi nào;
- Điều gì khiến cơn đau tăng lên hoặc giảm xuống;
- Cảm giác đau của bạn như thế nào;
- Tần suất cơn đau xảy ra;
- Cơn đau có lan đến khu vực khác không.
Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ thực hiện khám bệnh như sờ vào vùng lưng, chân hay cánh tay của bạn. Bác sĩ cũng sẽ khám cảm giác, khám sức cơ, phạm vi hoạt động của cột sống và các phản xạ của cơ (như ở cánh tay, đầu gối hoặc gót chân) để xác định cụ thể khu vực đĩa đệm nào bị ảnh hưởng.
Các xét nghiệm đồng thời sẽ được chỉ định để có thể giúp chẩn đoán xác định, bao gồm:
- Chụp X-quang cột sống;
- Chụp cắt lớp vi tính (CT scan) cột sống;
- Chụp cộng hưởng từ (MRI) cột sống.
Các xét nghiệm hình ảnh học này sẽ giúp quan sát cột sống và đĩa đệm của bạn, các đĩa đệm mất nước sẽ mỏng hơn và có hình dạng kém ổn định hơn. Các hình ảnh này cũng giúp chẩn đoán các tình trạng khác như vỡ đĩa đệm hay thoát vị đĩa đệm.
Phương pháp điều trị đĩa đệm mất nước
Nếu các triệu chứng của bạn ở mức độ nhẹ, bác sĩ có thể khuyên bạn nên duy trì cân nặng vừa phải, thực hành tư thế tốt và tránh các tác nhân gây đau lưng thông thường, chẳng hạn như nâng vật nặng.
Nếu các triệu chứng của bạn nghiêm trọng hơn, có một số lựa chọn điều trị hữu ích có thể kể đến như:
- Thuốc: Các loại thuốc giảm đau bao gồm thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen, naproxen có thể giúp giảm đau và giảm viêm.
- Liệu pháp xoa bóp: Việc xoa bóp giúp thư giãn các cơ gần đốt sống bị ảnh hưởng, từ đó giúp giảm áp lực và giảm đau.
- Vật lý trị liệu: Các chuyên gia hoặc bác sĩ sẽ hướng dẫn cho bạn các bài tập để tăng cường sức mạnh của cơ cũng như giảm áp lực cho vùng cột sống. Bạn cũng sẽ được hướng dẫn để cải thiện tư thế, tránh các tư thế hay hoạt động xấu cho cột sống.
- Tiêm cột sống: Tiêm corticosteroid đôi khi được sử dụng để giúp giảm viêm và giảm đau.
Trong một số ít trường hợp, bạn có thể cần phẫu thuật cột sống. Trong đó, có một loại phẫu thuật giúp nối vĩnh viễn hai đốt sống lại với nhau. Điều này có thể giúp ổn định cột sống và ngăn ngừa các cử động gây đau. Các lựa chọn khác có thể bao gồm thay thế đĩa đệm bằng một miếng đệm khác giữa hai đốt sống.
