Đau ngón tay: Nguyên nhân gây bệnh và cách phòng ngừa
Đau ngón tay thường là hậu quả sau một chấn thương tai nạn hay do một bệnh lí nền gây ra. Thông thường, đau ngón tay không quá trầm trọng và sẽ tự hết triệu chứng. Đau ngón tay có thể gây trở ngại hay khó khăn trong cuộc sống.
Những dấu hiệu và triệu chứng của đau ngón tay
Đau ngón tay có thể âm ỉ và đau nhức, hoặc có thể đau nhói, đau dữ dội và chuột rút. Cơn đau có thể bắt đầu đột ngột và sau đó biến mất nhanh chóng.
Đau kèm theo sưng: Nếu bị gãy ngón tay, ngón tay sẽ sưng lên, có màu tím hoặc xanh, và đặc biệt là rất đau đớn. Đau đột ngột, đau buốt, sưng tấy thường gặp trong quá trình chấn thương.
Đau nhói hoặc đau khi cử động: Hội chứng ống cổ tay và các nguyên nhân liên quan đến dây thần kinh và cơ ở cánh tay và bàn tay.
Cục hoặc nốt dưới da tại ngón tay, có thể chứa dịch hoặc chai cứng, di động hoặc không.
Đau khi thời tiết lạnh hoặc căng thẳng, tê hoặc kim châm, đôi khi da đổi màu.
Tác động của đau ngón tay đối với sức khỏe
Bàn tay chứa một số cơ quan cảm ứng nhạy cảm nhất trong toàn bộ cơ thể và tất cả các cơ quan cảm ứng đó được kết nối với não của bạn bằng một mạng lưới các dây thần kinh. Vì vậy khi đau ngón tay sẽ gây ảnh hướng khó khăn đến việc sinh hoạt và trong công việc hằng ngày.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Cơn đau dữ dội hoặc khiến bạn ngừng hoạt động bình thường;
Cơn đau đang trở nên tồi tệ hơn hoặc tiếp tục quay trở lại;
Cơn đau không được cải thiện sau khi điều trị tại nhà trong 2 tuần;
Bạn có bất kỳ ngứa ran hoặc mất cảm giác ở tay của bạn;
Bàn tay của bạn bị biến dạng;
Bạn bị bệnh tiểu đường - các vấn đề về tay có thể nghiêm trọng hơn nếu bạn bị tiểu đường.
Những ai có nguy cơ mắc phải (bị) đau ngón tay?
Người hoạt động tay nhiều.
Người có tiền sử bệnh viêm xương khớp, viêm khớp dạng thấp, gout.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc (bị) đau ngón tay
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc đau ngón tay, bao gồm:
Các hoạt động và công việc làm áp lực lên khớp ngón tay.
Di truyền do các khớp lỏng và khớp bị biến dạng.
Chấn thương như gãy xương hoặc là bong gân.
Viêm xương khớp: Viêm thoái hóa khớp vô căn hoặc xảy ra sau một chấn thương. Vị trí thoái hóa khớp thường ở khớp bàn đốt, liên đốt đặc biệt hay gặp ở khớp liên đốt xa. Bệnh gây sưng, đau các khớp ngón tay, khớp cứng lại, khó cầm nắm thường gặp ở người cao tuổi.
Viêm khớp dạng thấp: Đây là một bệnh lý mạn tính do rối loạn tự miễn trong cơ thể gây nên. Bệnh xảy ra nhiều khớp cùng một lúc và thường với các khớp đối xứng hai bên cơ thể như khớp bàn tay, ngón tay, khớp cổ tay, gối, bàn ngón chân.
Hội chứng ống cổ tay: Hội chứng ống cổ tay là tình trạng dây thần kinh giữa bị chèn ép trong ống cổ tay, biểu hiện bằng cơn đau nhức, tê ran và ngứa ngón trỏ, ngón giữa và ngón áp út, có thể lan dần lên cẳng tay về phía vai kèm theo cơn đau cơ, chuột rút. Tình trạng nặng có thể gây mất khả năng nhận thức ở các đầu ngón tay hoặc yếu cơ tay.
Hội chứng viêm bao gân De Quervain: Là chứng sưng viêm, đau ở các gân dọc theo bên ngón cái của cổ tay do hoạt động quá mức. Bệnh thường gây ra các triệu chứng như đau khớp cổ tay, cẳng tay và đau các khớp ngón tay cái. Bệnh phổ biến ở các bà nội trợ, những người thường nấu ăn, làm vườn, dọn dẹp,…
Chấn thương: Chấn thương ở ngón tay có thể gây ra vết cắt hở, bầm tím hoặc gãy xương hoặc tổn thương cơ và mô đều là những nguyên nhân phổ biến gây đau ngón tay. Những kiểu chấn thương thường gặp là gãy ngón tay hoặc gãy móng tay, ngón tay bị cắt trúng,…
Bong gân ngón tay: Đau, sưng và bầm tím, khó cử động ngón tay hoặc cầm nắm bất cứ thứ gì, thường gặp ở người chơi thể thao như bóng chuyền, bóng rổ.
Bệnh lý thần kinh ngoại biên: Đôi khi cũng có thể gây đau ngón tay, cảm giác bỏng rát hoặc đau buốt vùng dây thần kinh chi phối như bệnh Đái tháo đường, bệnh lý tự miễn Lupus
Khác: Các nguyên nhân khác như nhiễm khuẩn, khối u xương, viêm da, loãng xương, tiếp xúc độc chất, hiện tượng Raynaud,…
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của đau ngón tay
Chế độ sinh hoạt:
- Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
- Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.
- Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
- Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
- Bệnh nhân cần lạc quan. Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái.
- Nghỉ ngơi và hạn chế vận động khớp ngón tay có thể giúp cải thiện đau. Có thể massage và xoa bóp để ngón tay được thư giãn. Nẹp và dụng cụ hỗ trợ viêm khớp đặc biệt giúp giảm áp lực lên các khớp bị đau.
- Chườm lạnh hoặc ngâm tay trong nước ấm chỗ bị đau. Nhiệt độ cao có thể làm giảm bớt độ cứng của ngón tay, trong khi nhiệt độ thấp sẽ thuyên giảm tình trạng sưng tấy.
- Loại bỏ đồ trang sức trên ngón tay bị đau.
Chế độ dinh dưỡng:
Ăn thực phẩm hạn chế viêm nhiễm, chẳng hạn như axit béo omega - 3 có trong cá như cá hồi ,cá thu, cá trích hoặc trong dầu lanh, hạt chia, óc chó, đậu nànnành.
Phương pháp phòng ngừa đau ngón tay hiệu quả
Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:
- Mua các thiết bị như dụng cụ mở hộp, dây kéo lớn và chìa khóa xoay, thiết kế cho những người có sức tay bị hạn chế. Thay nắm cửa truyền thống bằng nắm cửa loại đòn bẩy.
- Tập thể dục thường xuyên là rất quan trọng để giúp bàn tay và các ngón tay của bạn linh hoạt hơn. Bạn cũng cần nghỉ ngơi các khớp bị đau.
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh: Bạn nên bổ sung vào thực đơn ăn uống những nhóm thực phẩm giàu canxi, sắt, kẽm, selen, vitamin, khoáng chất… Người bệnh cần tránh những món ăn chế biến nhiều dầu mỡ, cay nóng, chứa các loại chất kích thích, sẽ gây ảnh hưởng đến đề kháng của cơ thể.
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán đau ngón tay
Bác sĩ thường thăm khám và hỏi tiền sử kỹ càng. Bác sĩ sẽ hỏi các câu hỏi về tiền sử bệnh, các loại thuốc đang dùng và nghề nghiệp của bạn. Từ những thông tin được khai thác trên, bác sĩ sẽ quyết định xét nghiệm nào cần thiết để chẩn đoán chính xác. Các xét nghiệm thông thường để chẩn đoán đau ngón tay bao gồm xét nghiệm máu và xét nghiệm hình ảnh (như chụp X - quang).
Chụp X-quang: Có thể cho thấy bất kỳ vết gãy và phát triển bất thường nào trong ngón tay. Nếu chụp X-quang không đủ để xác định chẩn đoán, bác sĩ có thể yêu cầu các xét nghiệm hình ảnh bổ sung hoặc nghiên cứu thần kinh.
Điện cơ: Đánh giá tình trạng tổn thương, bệnh lý của các dây, rễ thần kinh ngoại vi, dẫn truyền thần kinh-cơ và các cơ.
Nếu bạn có một vết cắt hoặc có nốt mọc trên ngón tay, bác sĩ có thể chẩn đoán tình trạng bệnh chỉ dựa trên khám sức khỏe. Nếu bạn bị đau khi sử dụng ngón tay và không có nguyên nhân rõ ràng, thì sẽ cần thêm thông tin.
Phương pháp điều trị đau ngón tay hiệu quả
Tùy vào thể trạng bệnh nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp.
Đau ngón tay gây ra bởi vết cắt, cạo hay do phỏng thường sẽ tự lành mà không cần điều trị. Bạn chỉ cần đợi sau một thời gian ngắn khoảng vài ngày để lành vết thương và uống thêm thuốc để giảm đau.
Nhưng nếu phỏng quá nhiều, vết cắt sâu hay bầm tím do gãy xương thường sẽ không thể khỏi nếu không được điều trị. Nếu bạn bị phỏng quá nhiều thì nên đến bệnh viện hay trung tâm y tế dùng gạc đắp vết phỏng và uống kèm thê, thuốc giảm đau. Nếu bị cắt trúng tay quá sâu thì có thể bạn sẽ phải khâu vài mũi ở vết thương. Cơn đau thường kéo dài vài tuần kể từ lúc điều trị.
Bác sĩ có thể kê thuốc giảm đau trong những trường hợp đau ngón tay không rõ nguyên nhân hoặc đau do chèn ép thần kinh, tổn thương mô và cơ. Các thuốc được dùng gồm: Ibuprofen, paracetamol, thuốc chống viêm không steroid, corticoid,…
Bên cạnh điều trị nội khoa người bệnh nên tập các bài tập vật lý trị liệu là duy trì khả năng vận động, sự linh hoạt cho các khớp bàn tay, ngón tay, đồng thời kiểm soát cơn đau, hạn chế tình trạng cứng khớp. Tập vật lý trị liệu đều đặn còn giúp người bệnh tăng cường sức cơ, ổn định cấu trúc khớp và mô mềm, tăng tầm vận động bàn tay, ngón tay, dễ cầm nắm đồ vật hơn.
Châm cứu bấm huyệt hoặc ngâm tay trong nước ấm, sáp PParafin cũng giảm giảm triệu chứng đau nhức, tê của tay. Các huyệt thường dùng như Hợp cốc, Đại lăng, Thái uyên, Ngư tế, Thiếu thương, Bát tà.
Những phương pháp điều trị khác như phẫu thuật, tập vận động bàn tay hoặc dùng vật dụng hỗ trợ như nẹp tay, có thể cần thiết để làm giảm đau hoàn toàn. Cố định khớp bằng nẹo hoặc băng thun để cố định các ngón bị tổn thương để hạn chế các tác động không cần thiết.
Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.