Đau mắt cá chân là gì? Nguyên nhân và hướng xử lý
Vùng mắt cá chân bao gồm nhiều cấu trúc như xương, dây chằng, gân và cơ phối hợp với nhau, chịu trọng lực của cơ thể và giúp cơ thể di chuyển, do đó mắt cá chân là vùng có thể bị chấn thương và đau theo nhiều nguyên nhân. Thông thường, đau mắt cá chân có thể điều trị tại nhà nhưng một số trường hợp cần gặp bác sĩ, đặc biệt đau xảy ra sau khi chấn thương hoặc gặp ở người lớn tuổi.
Những dấu hiệu và triệu chứng của đau mắt cá chân
Đau mắt cá chân thường có triệu chứng liên quan đến nguyên nhân, thường gồm nhiều triệu chứng khác.
- Đau: Cơn đau có nhẹ hoặc dữ dội, bạn có thể cảm thấy bị đau mắt cá chân một bên hoặc đau ở hai bên. Cơn đau ở trong hoặc ngoài vùng mắt cá hoặc lan sang các vị trí xung quanh như bàn chân, ngón chân, cổ chân.
- Sưng: Vùng sưng có thể ở mắt cá hoặc lan sang các vùng lân cận như bàn chân bị sưng, ngón chân bị sưng. Khi ấn ngón tay lên vùng sưng, vùng da này sẽ lõm xuống in dấu ngón tay.
- Bầm tím
- Đi lại, cử động cổ chân khó khăn
- Một số trường hợp đi kèm sốt, ớn lạnh do viêm nhiễm.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Bạn cần đến gặp bác sĩ nếu như một trong các trường hợp sau:
- Đau mắt cá chân khiến bạn không thể hoạt động bình thường.
- Cơn đau đang trở nên tồi tệ hơn hoặc tiếp tục quay trở lại.
- Cơn đau không được cải thiện sau khi điều trị tại nhà trong 2 tuần.
- Có bất kỳ ngứa ran hoặc mất cảm giác ở bàn chân của bạn.
- Tiền sử đái tháo đường và đau chân các vấn đề về chân có thể nghiêm trọng hơn nếu bạn bị đái tháo đường.
- Bị đau hoặc sưng tấy nặng.
- Có vết thương hở hoặc dị tật.
- Có các dấu hiệu nhiễm trùng, chẳng hạn như mẩn đỏ, ấm nóng và đau ở vùng bị ảnh hưởng hoặc sốt.
Những ai có nguy cơ đau mắt cá chân?
Đối tượng có nguy cơ đau mắt cá chân:
- Vận động viên;
- Người công việc khiêng vác nặng;
- Người thừa cân béo phì;
- Người lớn tuổi có nguy cơ dễ té ngã;
- Người bị sai lệch trục cổ chân bẩm sinh;
- Phụ nữ mang thai;
- Người tiền sử có các bệnh liên quan đến cơ xương khớp như viêm khớp, thoái hóa khớp, loãng xương.
Yếu tố làm tăng nguy cơ đau mắt cá chân
Bạn có thể có nguy cơ bị đau mắt cá chân nếu:
- Hoạt động dùng bàn chân quá mức;
- Không khởi động kĩ càng trước khi vận động;
- Thường xuyên đi giày cao gót hoặc giày chật.
- Thừa cân béo phì.
Đau mắt cá chân có thể có nhiều nguyên nhân. Thông thường, đau mắt cá chân thường do vận động quá nhiều hoặc đi giày quá chật. Mắt cá chân được tạo thành bởi xương chày, xương mác và xương sên. Các nguyên nhân khác là: Bong gân, viêm gân Achilles, viêm bao hoạt dịch, gãy xương mắt cá, viêm khớp, lupus, thoái hóa khớp, gout.
Bong gân mắt cá chân: Là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra các cơn đau mắt cá, thường gặp trong thể thao, lao động, sinh hoạt hằng ngày và chiếm 85% trong số các chấn thương mắt cá chân. Bong gân xảy ra khi dây chằng bị rách hoặc căng quá mức. Hầu hết các chứng bong gân mắt cá là bong gân mặt bên, xảy ra khi bàn chân bị vặn về 1 bên.
Gãy xương mắt cá chân: đau đột ngột và dữ dội ở mắt cá chân, không thể dồn trọng lượng lên mắt cá chân của mình, mắt cá chân bị sưng, bầm tím. Nguyên nhân do một số chấn thương, có thể gãy một hoặc nhiều xương khớp cổ chân cùng một lúc. Càng gãy nhiều xương, vết thương càng nghiêm trọng. Gãy xương nghiêm trọng cần phải phẫu thuật mắt cá chân.
Viêm bao hoạt dịch: Tình trạng viêm bao hoạt dịch khớp cổ chân gây đau, sưng nóng đỏ, đau tăng khi cử động cổ chân, nguyên nhân do những chấn thương lặp đi lặp lai nhiều, mang giày không vừa hoặc do nhiễm trùng.
Viêm gân Achilles: Đau ở gót chân hoặc gân Achilles khi tập thể dục; đau và cứng ở gót chân và gân vào buổi sáng, đau có thể lan lên cổ chân ra bàn ngón chân.
Hội chứng bàn chân bẹt: Do cấu trúc vòm chân không có độ lõm, có thể dẫn đến đau ở mắt cá chân và thường do sử dụng quá mức gân chày sau. Triệu chứng khác như đau nhức mỏi lòng bàn chân. đầu gối, cẳng chân, thắt lưng.
Lupus: Đây là bệnh lý tự miễn dịch mạn tính, khiến cơ thể bạn tấn công các mô khỏe mạnh. Người bị bệnh lupus thường bị đau khớp, trong đó có sưng đau mắt cá chân, ngoài ra các triệu chứng đau, sưng tấy, cứng, viêm da, sốt, ngón tay hoặc ngón chân bị tê hay đổi màu da.
Viêm khớp dạng thấp: Đây là tình trạng hệ miễn dịch tấn công các khớp khỏe mạnh do nhầm lẫn. Bệnh sẽ tác động tới các khớp đối xứng. Do đó, bạn sẽ bị đau sưng cả hai mắt cá chân. Tình trạng đau, sưng, cứng khớp thường bắt đầu ở các ngón chân, bàn chân trước rồi dần di chuyển về mắt cá chân. Ngoài ra người bệnh còn có sốt, mệt mỏi, giảm cân.
Thoái hóa khớp: Cơn đau có thể được miêu tả là nhức nhói ở sâu bên trong. Ban đầu đau có thể tăng lên ở những tư thế chịu trọng lực. Nhưng khi bệnh tiến triển cơn đau có thể xuất hiện ngay cả khi nghỉ ngơi. Cơn đau đi kèm cứng khớp, hạn chế vận động. Bệnh thường xảy ra ở những người lớn tuổi tuy nhiên vẫn đang trẻ hóa
Gout: Khởi phát khi có sự tăng lên vượt mức bình thường axit uric (sản sinh do quá trình phân hủy purine), kết thành tinh thể hình kim sắc nhọn tích tụ trong các khớp cơ, từ đó gây ra các cơn đau mắt cá chân dữ dội.
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của đau mắt cá chân
Chế độ sinh hoạt:
- Không nên đi giày cao gót hoặc giày chật. Đi giày rộng thoải mái với gót thấp và đế mềm.
- Sử dụng lót giày mềm hoặc miếng lót gót chân trong giày của bạn.
- Tập luyện thể dục thường xuyên, chú ý khởi động kĩ trước khi vận động.
- Trong sinh hoạt nên tránh những hoạt động mạnh, có nguy cơ chấn thương như chạy nhảy, bê vác vật nặng. Chú ý tránh trơn trượt.
Chế độ dinh dưỡng:
- Chế độ ăn với các thực phẩm giàu các chất omega-3, omega-6 để phòng chữa bệnh.
- Tác dụng chống oxy hóa của các vitamin C, D, E và beta-carotene (tiền vitamin A) có thể giúp phòng tránh được một số dạng viêm khớp.
- Hạn chế dùng sử dụng chất kích thích như cà phê, rượu bia, thuốc lá.
- Tham khảo tư vấn của bác sĩ về chế độ dinh dưỡng phù hợp với bệnh nhân đau mắt cá chân.
Phương pháp phòng ngừa đau mắt cá chân
Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:
- Duy trì chế độ vận động sinh hoạt phù hợp.
- Duy trì cân nặng phù hợp.
- Rèn luyện thể lực đều đặn. Khởi động kỹ trước khi chơi thể thao. Hạn chế vận động mạnh, quá sức.
- Tầm soát tốt các bệnh cơ xương khớp kèm theo.
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán nguyên nhân đau mắt cá chân
Bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng của bạn khi bị đau mắt cá chân, tiền sử bệnh, tiền sử chấn thương, xem triệu chứng bên ngoài vùng mắt cá, khả năng vận động,…từ đó có thể chẩn đoán nguyên nhân gây ra.
Một số trường hợp cần làm thêm các xét nghiệm cận lâm sàng hoặc chẩn đoán hình ảnh như chụp X – quang để chẩn đoán xác định nguyên nhân gây ra. Các xét nghiệm thường liên quan đến các nguyên nhân bệnh lý đặc thù như viêm khớp dạng thấp, lupus, viêm cột sống dính khớp,…
Phương pháp điều trị đau mắt cá chân hiệu quả
Liệu pháp PRICE:
- Nghỉ ngơi mắt cá chân của bạn khi có thể.
- Chườm lạnh Đặt một túi đá bọc trong một chiếc khăn trên mắt cá chân của bạn trong tối đa 20 phút cứ sau 2 đến 3 giờ.
- Băng ép: Quấn băng quanh mắt cá chân để hỗ trợ.
- Nâng cao: Nâng cao phần mắt cá chân hơn độ cao của tim để giảm sưng, giảm tụ dịch.
- Thử các bài tập kéo giãn nhẹ nhàng thường xuyên.
Thuốc:
- Thuốc giảm đau.
- Thuốc kháng viêm.
- Tiêm steroid.
- Thuốc điều trị bệnh lý nền như Viêm khớp dạng thấp, Lupus, Gout.
Vật lý trị liệu: Vật lý trị liệu có thể làm giảm cứng, đau khớp, giảm căng cơ, tăng tính linh động và sức bền của xương khớp, nâng cao khả năng vận động của bệnh nhân.
- Chiếu laser.
- Siêu âm.
- Sóng xung kích.
- Bài tập vật lý trị liệu: Cần hướng dẫn bệnh nhân các bài tập phù hợp để kiểm soát và cải thiện tình trạng.
Châm cứu bấm huyệt
Vùng cổ bàn chân: Giải khê, Côn lôn, Thái khê, Thái xung, Dũng tuyền, Bát phong, A thị huyệt.
Xoa bóp bấm huyệt chữa tê chân được ghi nhận góp phần hỗ trợ giảm triệu chứng này. Dưới sự hướng dẫn của thầy thuốc, người bệnh có thể tự day ấn huyệt, thời gian 2 – 3 phút/huyệt. Nên kết hợp với xoa bóp trong 30 phút/lần/ngày, kéo dài 15 – 30 ngày hoặc đến khi bệnh ổn định.
Phẫu thuật
Rất hiếm trường hợp đau mắt cá chân cần đến phẫu thuật. Tuy nhiên, nếu tất cả các phương pháp điều trị nội khoa không hiệu quả, cơn đau dai dẳng và tăng dần, bác sĩ có thể cân nhắc đến can thiệp ngoại khoa.